7-Eleven chính thức 'khiêu chiến' ở Việt Nam

Ngày 15/6, 7-Eleven đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM, góp phần đẩy sự cạnh tranh của mô hình chuỗi siêu thị vào cuộc chiến khốc liệt hơn.

Theo xếp hạng Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 được hãng tư vấn A.T. Kearney công bố ngày 5/6, năm 2017, Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 về chỉ số bán lẻ toàn cầu. Năm 2016, tổng doanh số bán lẻ cả nước đạt hơn 118 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2015. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trở lại và là một thị trường béo bở mà các ông trùm bán lẻ thế giới liên tục nhòm ngó.

Tháng 4/2014, khi Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ với nhà đầu tư nước ngoài thì đã có 3 tập đoàn đặt chân vào đó là AEON Nhật Bản với chiến lược mở rộng thị phần đến năm 2020 sẽ có 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Lotte Hàn Quốc cũng với chiến lược đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại dải khắp cả nước với tổng số vốn đầu tư là 3,2 tỷ USD. Berli Jucker của Thái Lan đã chi ra 655 triệu euro thâu tóm toàn bộ chủ bán lẻ của Metro.

Năm 2015 - 2016 thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ thâu tóm từ phía khu vực FDI, Central Group của Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần của công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

7 eleven chinh thuc khieu chien o viet nam
7-Eleven đã chính thức "khiêu chiến" tại thị trường Việt Nam (Ảnh: Người lao động)

Vào tháng 5/2016, Central Group tiếp tục gây sốc khi thông báo đã thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị BigC với giá trị lớn đến 1 tỷ euro và hàng trăm vụ thâu tóm đình đám khác.

Thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại Nghị trường vừa qua, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đưa ra các con số cụ thể như, chỉ trong 3 năm, khu vực FDI đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 17% qua trung tâm thương mại siêu thị, 50% thị phần bán lẻ trực tuyến. Đến nay, thị phần và doanh số khu vực này vẫn không ngừng tăng lên, đây là những con số rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đẩy khai thác khâu phân phối bán lẻ mà đang lấn sân vào cả khâu sản xuất, điển hình phải kể đến trường hợp của công ty CP đến nay đã chiếm trên 50% thị phần trứng, 30% thị phần gà thịt, 7% thị phần thức ăn chăn nuôi.

"Thế mạnh của họ không chỉ về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ quản trị hiện đại mà bên cạnh đó họ còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ của họ trong các chương trình phát triển hệ thống từ sản xuất đến phân phối tiêu dùng nội địa và bành chướng thị trường xuất khẩu", đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Cuộc cạnh tranh tại thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng khốc liệt hơn khi ngày 15/6, 7-Eleven đã chính thức tham chiến thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM.

Ghi nhận ngay ngày đầu tiên khai trương cửa hàng này, một lượng lớn khách hàng trẻ, dân công sở tỏ ra rất hào hứng với những tiện ích, các mặt hàng mà 7-Eleven mang lại.

7 eleven chinh thuc khieu chien o viet nam
Vinmart+ hay các chuỗi FamilyMart, Shop&Go sẽ là đối thủ trực tiếp của 7-Eleven? (Ảnh: Chí Duy)

Lên kế hoạch tiếp cận thị trường Việt Nam, 7-Eleven đã thực hiện 1 thực đơn với 100 món ăn thay đổi linh hoạt, nghiên cứu riêng cho người Việt. Các loại nước giải khát thay vì là nước đóng chai thông thường, quen thuộc nay 7-Eleven thiết kế độc quyền, với giá bán 15.000 đồng/ly.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, 7-Eleven sẽ không chỉ là đối thủ đáng gờm của Vinmart hay Family Mart mà sẽ là nhân tố tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn nữa tại thị trường Việt Nam.

"Có vẻ như 7-Eleven đã tìm hiểu khá kĩ thói quen người dùng trẻ tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Họ không chỉ có vốn, công nghệ, thương hiệu, họ đang đi vào một thị trường ngách nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Cung cấp đồ ăn nhanh, hàng hóa tiện dụng hàng ngày với thời gian phục vụ 24/24. Chưa biết họ sẽ vận hành thế nào, chiếm được cảm tình ra sao, nhưng bữa ăn nhanh mang thương hiệu lớn của thế giới, giá cả phù hợp với mức thu nhập dân văn phòng, lại không bao giờ ngừng phục vụ là điểm lợi thế của 7-Eleven", ông Phú nhận định.

Còn theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh các chuỗi cửa hàng khác biệt. Bởi lẽ, với dân văn phòng, suất ăn trưa cực kì quan trọng. Nhu cầu dịch vụ trong phân khúc này chưa được khai thác một cách chuyên nghiệp, khác biệt. Việc cạnh tranh hiện nay đang ngày càng được hiểu đúng hơn, cạnh tranh đã bắt đầu dựa trên nguyên lý khách hàng, chinh phục khách hàng thay vì giành khách bằng các thủ thuật, hình thức bôi nhọ đối thủ.

Đến thời điểm này, đã có nhiều lo ngại về tình huống xấu nhất với doanh nghiệp bán lẻ Việt là nguy cơ để tuột mất thị trường vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài nếu tiếp tục loay hoay mãi chưa tìm được hướng đi riêng cho mình. Theo ông Vũ Vinh Phú, áp lực cạnh tranh là hiện hữu, nếu doanh nghiệp không tự nhảy ra cạnh tranh thì lẽ dĩ nhiên sẽ thua trắng. Điều này đòi hỏi không chỉ riêng doanh nghiệp Việt mà toàn bộ các doanh nghiệp đang tham gia vào hệ thống siêu thị cần phải cải tổ để gia tăng sức mạnh nội lực, cạnh tranh sòng phẳng với nhau.

Hiện chuỗi cửa hàng của các doanh nghiệp nước ngoài nếu so với số lượng cửa hàng của doanh nghiệp nội thì khá cân bằng. Cụ thể, Circle K Việt Nam có khoảng 250 cửa hàng tại TP HCM, Bình Dương, Vũng Tàu và Hà Nội; FamilyMart khoảng 140 cửa hàng; Shop&Go có 120 cửa hàng; B’s mart là 160 cửa hàng và thấp hơn là Mini Stop, hệ thống thuộc Tập đoàn AEON với khoảng 80 cửa hàng tại TP HCM và Bình Dương. Trong khi đó, hai thương hiệu Việt là Co.op Food và Vinmart+ cũng có khoảng gần 1.000 cửa hàng và riêng Vinmart+, với tiềm lực từ VinGroup cũng đã có tham vọng mở rộng thêm chuỗi cửa hàng tiện ích của mình thêm khoảng 1.500 cửa hàng nữa trong năm 2017. Như vậy, có thể nhìn thấy rõ lợi thế về chuỗi của doanh nghiệp Việt là hơn hẳn, tuy nhiên liệu những lợi thế về sân nhà, thấu hiểu tâm lý người dùng có được các doanh nghiệp Việt tận dụng thành công hay không là điều còn phải chờ đợi.

"Với một nhãn hàng, để biết thành công hay thất bại không thể chỉ tính bằng ngày, bằng tháng. Để đánh giá chính xác 7-Eleven có thể thành công hay không ở Việt Nam cần 5 năm nữa mới đưa ra được câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, nhãn tiền nhìn thấy là các doanh nghiệp tham gia hệ thống siêu thị tại Việt Nam đang thay đổi để cạnh tranh. Điều này là có lợi cho thị trường, cho người dân", ông Phú cho hay.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ đồng
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.