Cho thuê khu công nghiệp giảm trong quý đầu năm kéo lợi nhuận Kinh Bắc đi lùi

Quý I/2022, doanh thu cho thuê khu công nghiệp của Kinh Bắc giảm gần 4,7 lần so với cùng kỳ kéo doanh thu thuần và lợi nhuận công ty lao dốc, dù công ty có thêm gần 500 tỷ đồng lãi từ giao dịch mua rẻ.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu thuần 692 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ, song, nguồn thu chính của công ty, doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp giảm gần 4,7 lần, kéo theo tổng doanh thu thuần giảm 65%. 

Doanh thu tài chính đạt 69,8 tỷ đồng, tăng 67%. Bên cạnh đó, trong quý, Kinh Bắc có thêm khoản chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh 498,7 tỷ đồng, nâng mục lợi nhuận khác lên gần 499 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 2,8 tỷ đồng.

Kết quả, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo báo cáo thường niên 2021 của Kinh Bắc, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 4.500 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu kinh doanh, công ty đã thực hiện được 12% chỉ tiêu năm. 

 Tổng hợp: Hiền Minh. 

Tại thời điểm này 31/3/2022, quy mô tổng tài sản Kinh Bắc là 31.726 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm. 

Trong kỳ, lượng tiền của Kinh Bắc đã tăng 21% lên 3.100 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản tiền gửi thời hạn một tháng tại các ngân hàng với lãi suất 2,9-4%/năm. Ngoài ra, công ty cũng đang có 2.016 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó, 1.862 tỷ đồng là đầu tư chứng khoán kinh doanh vào Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoa Sen và cổ phiếu mã ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. 

Ở chiều ngược lại, tổng các khoản phải thu giảm 85 tỷ đồng, còn 10.751 tỷ đồng, chiếm 85% là khoản phải thu trong ngắn hạn, trong đó, khoản phải thu khách hàng là 1.683 tỷ đồng, khoản trả trước cho người bán là 3.099 tỷ đồng, khoản phải thu về cho vay 2.270 tỷ đồng và 2.115 tỷ đồng các khoản phải thu khác.

Giá trị hàng tồn kho của công ty ghi nhận 11.529 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng. Chiếm 65% trong đó là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát 7.496 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hai dự án khác có tồn kho nghìn tỷ của công ty là dự án Khu công nghiệp Tân Phú Trung và dự án Khu đô thị Phúc Ninh với giá trị lần lượt là 1.120 tỷ đồng và 1.102 tỷ đồng. 

 Tồn kho tại các dự án của Kinh Bắc. (Nguồn: Kinh Bắc). 

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty cũng tăng nhẹ so với đầu năm lên 1.120 tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận tại các dự án Viễn Đông Meridian Towers, Khu ngoại giao đoàn Hà Nội,...

Tổng nợ tài chính tại thời điểm cuối quý I là 7.221 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm, trong đó, nợ ngắn hạn là 1.375 tỷ đồng, giảm 9,2% và nợ dài hạn là 5.846 tỷ đồng, tăng 5,5%, phần lớn là nợ từ ngân hàng và trái phiếu.  

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.