ĐHĐCĐ Hòa Bình: Tham vọng lãi tăng 260% năm nay, cổ đông lo trượt mục tiêu lợi nhuận

Tập đoàn Hòa Bình đặt mục tiêu lãi tăng 260%, dự kiến triển khai thực hiện thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi. Về nguồn vốn, doanh nghiệp cho biết sẽ chào bán 74 triệu cổ phiếu cho NĐT chiến lược, nhằm huy động vốn kinh doanh và trả nợ, giảm bớt gánh nặng tài chính.

Mục tiêu lãi tăng 260%, triển khai thêm các dự án địa ốc mới khả thi

Hôm nay (25/4), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua kế hoạch doanh thu năm nay tăng hơn 54% so với năm trước lên 17.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng vọt 260% lên 350 tỷ đồng.

Năm 2021, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 11.355 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 103 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 84% và 43% kế hoạch kinh doanh mà công ty đã đặt ra.

Về các dự án bất động sản và đầu tư dài hạn trong thời gian tới, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT triển khai, quyết định phương án thực hiện, mở rộng hay thu nhỏ quy mô các dự án đầu tư, chuyển nhượng, có thẻ tăng/giảm tỷ lệ tham gia của công ty. Ngoài ra, công ty sẽ triển khai thực hiện thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi.

HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 3%, tương ứng số tiền dự kiến gần 74 tỷ đồng. Sang năm 2022, Tập đoàn Hòa Bình chốt tỷ lệ cổ tức 5%, có thể chi trả bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt.

 ĐHĐCĐ thường niên 2022 Tập đoàn Hòa Bình. (Ảnh: Yến Nhi).

Kế hoạch chào bán 74 triệu cổ phiếu, huy động vốn từ NĐT chiến lược

Đối với vấn đề nguồn vốn, HĐQT được ủy quyền quyết định phương án vay vốn từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước; cho các công ty con, công ty thành viên vay vốn lưu động hoặc bảo lãnh đảm bảo lợi ích cho Hòa Bình.

Nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh và thanh toán các khoản vay nhằm giảm áp lực tài chính, Tập đoàn Hòa Bình lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 74 triệu cổ phiếu phổ thông cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Giá chào bán chưa được công bố, tuy nhiên sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành. Hiện cổ phiếu HBC đang được giao dịch trên thị trường tại vùng giá 20.000 đồng/cp, giảm hơn 30% so với thị giá đầu tháng 4 theo xu hướng chung thị trường.

Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiếu ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, Hòa Bình dự kiến phát hành ba đợt ESOP cho cán bộ công nhân viên theo ba nghị quyết vào năm 2019, 2017 trước đó nhưng đã hoãn lại trong năm 2020 do biến động giá cổ phiếu HBC. Theo đó, công ty sẽ phát hành tổng 7,55 triệu cổ phiếu HBC với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cp) theo chương trình này.

Mặt khác, doanh nghiệp thông tin về việc phát hành 5 triệu quyền mua cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên, mỗi quyền mua được mua 1 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá. 

 Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: Yến Nhi).

HĐQT Tập đoàn Hòa Bình đón thành viên mới 

Sau đại hội hôm nay, Ban Điều hành của Hòa Bình cũng ghi nhận biến động nhân sự. Cụ thể, hai thành viên HĐQT là ông Park Seok Bae (Hàn Quốc) và ông Phan Ngọc Thạnh đều đệ đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. 

Ứng viên thay thế cho hai nhân sự trong HĐQT vừa rời đi có ông David Martin Ruiz (Tây Ban Nha), theo danh sách đề cử đã thay đổi của HĐQT vào ngày 13/4. Ông David hiện là Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài của Hòa Bình.

Đến ngày 19/4, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải đã đề cử thêm ông Albert Antoine (Pháp). Hiện ông là Giám đốc điều hành của Avaiga - đơn vị đồng hành về Chuyển đổi kỹ thuật số (DX) và AI cho nhiều công ty lớn trên thế giới. 

Ông Albert và nhóm của ông gần đây đã thực hiện các dự án DX cho các khách hàng như Viettel, FPT, VinGroup, Vietcombank, Amazon, DHL, Zara, Nike và nhiều thương hiệu toàn cầu khác, thông tin từ Hòa Bình.

Trước đó, HĐQT công ty đã đề cử hai ứng viên là GS.TS Nguyễn Đức Khương và ông Nguyễn Trung Thành. 

Trong đó, ông Khương đang là Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) - Pháp và Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trường kinh doanh IPAG – Pháp.

Ông Thành từng kinh qua vị trí lãnh đạo cấp cao tại các định chế tài chính như Phó Tổng giám đốc VietBank, Phó TGĐ Chứng khoán Á Châu. Hiện ông Thành đang là Giám đốc Tài chính tại Tập đoàn Hòa Bình.

 Cổ đông đặt câu hỏi tại đại hội. (Ảnh: Yến Nhi).

Cổ đông lo Hòa Bình "trượt" kế hoạch kinh doanh

Phần hỏi đáp với cổ đông:

Về tình hình đầu tư dự án của công ty ở nước ngoài?

Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải: Vì tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, bản thân công ty cũng gặp nhiều khó khăn, công ty đã ngừng góp vốn với các dự án nước ngoài để tập trung cho các dự án trong nước. 

Cũng vì vậy, các dự án góp vốn ở nước ngoài không thể triển khai. Việc chậm triển khai cũng làm cho giấy phép triển khai hết hạn, đến giờ thì đang xin lại giấy phép và việc này cũng là thách thức. Công ty sẽ kết hợp với công ty vừa và nhỏ để hợp tác phát triển các dự án ở nước ngoài, tập trung triển khai trong năm 2022 - 2032.

Công ty nên đưa ra các con số về doanh thu sát với khả năng đạt được chứ không nên đưa ra quá mức để rồi không thực hiện được. 

Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải: Tôi xin khẳng định sự quyết tâm, ý chí của nội bộ Tập đoàn đối với quyết định đầu tư ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu chiến lược mà HĐQT đề ra là sau 10 năm phải đạt được doanh thu 437.000 tỷ đồng, lãi 21.800 tỷ đồng. Con số này là căn cứ vào doanh thu 2022 nhân lên 25 lần.

Kết quả kinh doanh của công ty trong quá khứ 5 năm tăng 5 lần. Trong quá khứ đã như vậy thì tại sao trong tương lai không phát triển được như vậy. Sau khi mổ sẻ kỹ thì chúng tôi thấy đây là một kế hoạch khả thi. 

Cơ sở nào mà cty đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận cao?

Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải: Ban đầu công ty cũng cho là đó là con số không tưởng, nhưng công ty đã ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu đó, công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh chiến lược sẽ khai thác trong tương lai, đặt ra mục tiêu cao để tạo ra động lực cho cán bộ công nhân viên.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.