ĐHĐCĐ Vinaconex: Sắp đưa một phần Amatina Cát Bà vào hoạt động, tập trung cho siêu dự án này trong 5-10 năm tới

Tại ĐHĐCĐ diễn ra sáng nay của Vinaconex thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu hợp nhất 15.300 tỷ đồng và lãi sau thuế  1.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 243% và 269% so với năm ngoái. Một phần dự án trọng điểm Amatina Cát Bà sẽ được đưa vào sử dụng trong năm nay.

 ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Vinaconex. (Ảnh: Thu Thủy).

Vinaconex đặt mục tiêu lãi tăng gần 3 lần, thúc tiến độ Amatina Cát Bà và tìm đối tác đầu tư Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Sáng nay (21/4), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 15.300 tỷ đồng, tăng 243% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế theo đó dự kiến tăng 269% lên 1.400 tỷ đồng.

Riêng với công ty mẹ, Vinaconex dự kiến doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 11.390 tỷ đồng và 900 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 263% và 119% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Vinaconex sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và công tác bán hàng tại các dự án Khu đô thị Cái Giá Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC); tổ hợp văn phòng và căn hộ Green Diamond 93 Láng Hạ; KĐT đại lộ Hòa Bình Quảng Ninh; KĐT mới Thiên Ân (Vinaconex 25); dự án thủy điện Đăkba Quảng Ngãi (Bách Thiên Lộc)…

Mặt khác, doanh nghiệp cho biết đang tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư vào dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tìm thêm các dự án BĐS – KCN khác có quỹ đất lớn.

Cụ thể, công ty tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển các dự án xung quanh Hà Nội; nghiên cứu và tài trợ công tác lập quy hoạch một số khu đất tại Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Công ty cũng mở rộng địa bàn tìm kiếm phát triển dự án sang khu vực miền Trung và miền Nam như Kiên Giang, TP HCM…

Về hoạt động đầu tư góp vốn, Vinaconex tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết nhằm tập trung nguồn lực; đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu tại một số đơn vị nòng cốt. Nổi bật nhất là thương vụ nâng tỷ lệ sở hữu của công ty tại chủ đầu tư dự án Amatina Cát Bà Vinaconex ITC lên 51% vốn điều lệ vào cuối quý I/2022.

Tổng giám đốc ông Nguyễn Xuân Đông cập nhật tiến độ một số dự án trọng điểm của doanh nghiệp. (Ảnh: Thu Thủy).

Tiến độ các dự án trọng điểm dở dang của Vinaconex

Tại đại hội, Tổng giám đốc ông Nguyễn Xuân Đông cập nhật tiến độ một số dự án trọng điểm của doanh nghiệp.

Đối với KĐT Cái Giá Cát Bà Amatina, công ty đã hoàn thành thủ tục cấp đổi quyền sử dụng đất; nộp xong tiền sử dụng đất cho toàn bộ khu đất ở và tiền thuê đất đối với khu thương mại dịch vụ; xây dựng được 90% khu biệt thự A1 (BT4); cơ bản hoàn thành khu văn phòng điều hành dự án và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Cũng liên quan đến siêu dự án trên, Vinaconex sẽ dùng tài sản của công ty thế chấp cho Sacombank – Chi nhánh Sài Gòn để đảm bảo cho khoản vay của Vinaconex ITC trong thời gian chủ dự án Amatina Cát Bà mượn lại sổ đỏ từ Sacombank để thực hiện thủ tục chuyển đổi sổ đổ phù hợp với quy hoạch mới của dự án.

Về KCN công nghệ cao Hòa Lạc, công ty đã triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án ĐTXD và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN công nghệ cao Hòa Lạc, trình phê duyệt thiết kế PCCC và xin giấy phép xây dựng thi công san nền. Dự kiến trong năm nay, Vinaconex sẽ ký hợp đồng với một số đơn vị thuê đất với giá trị hợp đồng khoảng gần 70 tỷ đồng.

Khu đô thị mới Thiên Ân do Vinaconex 25 làm chủ đầu tư sẽ tập trung công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, dự án KĐT mới Kim Văn Kim Lũ – Hoàng Mai quy mô 1,1 ha đang triển khai công tác thiết kế sau khi thực hiện khai rà phá bom mìn và khoan khảo sát.

Cũng trong năm nay, công ty sẽ bán hàng và ghi nhận doanh thu lợi nhuận từ Khu dân cư đô thị Km3, Km4 tại Móng Cái – Quảng Ninh; dự án tổ hợp văn phòng và căn hộ cao cấp Green Diamond 93 Láng Hạ.

Bên cạnh những dự án trên, Vinaconex đang nghiên cứu lập quy hoạch và phát triển loạt dự án khác như KĐT sinh thái tâm linh Biển Hồ, Phú Yên (338 ha); dự án Làng đô thị xanh Lai Nghi tại Quảng Nam (460 ha); KĐT Đồi Chè tại Cao Xanh – Quảng Ninh (50 ha)…

Cụ thể hơn, trong năm 2022, công ty cho biết sẽ phấn đấu khởi công dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort ven biển Tuy Hòa – Phú Yên trong quý III, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật chính và một phần hạng mục công trình dự án trong quý cuối năm.

Về dự án Khu khách sạn resort nghỉ dưỡng, khu sinh thái Tam Kỳ - Quảng Nam, Vinaconex dự kiến hoàn thành công tác xin chủ trường điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng trong năm 2022.

 Các cổ đông VCG tại đại hội sáng nay. (Ảnh: Thu Thủy).

Một số cổ đông không tán thành phương án trả cổ tức và chủ trương giao dịch với Pacific Holdings

Về tỷ lệ cổ tức năm 2021 dự kiến là 28%, trong đó 18% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu.

Với số lượng hơn 440 triệu cổ phiếu VCG đang lưu hành hiện nay, Vinaconex sẽ chi ra gần 800 tỷ đồng tiền mặt thanh toán cho cổ đông. Đồng thời, số lượng cổ phiếu phát hành trả cổ tức là 44 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 440 tỷ đồng tính theo mệnh giá cổ phần.

Việc chi cổ tức một phần bằng cổ phiếu nhằm giữ lại một phần vốn để Vinaconex tái đầu tư vào các dự án của công ty trong bối cảnh thị trường trái phiếu và tín dụng cho BĐS đang siết lại như hiện nay, theo Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh. 

Sang năm 2022, công ty dự kiến tỷ lệ cổ tức giảm còn 15%.

Đại hội hôm nay cũng thông qua cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm 5 thành viên, trong đó dự kiến có một thành viên HĐQT độc lập. Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh cho biết các thành viên hiện nay được bầu vào đại hội bất thường năm 2017, theo nhiệm kỳ đã hết 5 năm. Do đó, theo quy định thì HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ này sẽ được bầu lại.

Bên cạnh những nội dung trên, HĐQT Vinaconex cũng trình cổ đông thông qua chủ trương giao dịch giữa Tổng công ty với các công ty con, công ty liên kết trong nhóm và đặc biệt là chủ trương giao dịch với CTCP Đầu tư Pacific Holdings.

Pacific Holdings mới trở thành công ty mẹ của Vinaconex vào tháng 2 vừa qua, sau khi nhận chuyển nhượng62,9% vốn cổ phần VCG từ An Quý Hưng. Thông tin thêm, doanh nghiệp này thành lập vào ngày 12/11/2021 với lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng - do An Quý Hưng sáng lập và nắm 99,92% vốn điều lệ. 

Đối với phương án chi trả cổ tức, chủ trương giao dịch vớiPacific Holdings và kế hoạch bầu lại HĐQT cùng BKS của Vinaconex nhiệm kỳ 2022 - 2027, ghi nhận tại hội trường cho thấy một số cổ đông không tán thành với các vấn đề trên.

Phần hỏi đáp với cổ đông:

Công ty triển khai kế hoạch bán hàng tại các dự án hiện nay ra sao?

Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh: Công ty đang phấn đấu đưa một số dự án vào kinh doanh, đầu tiên sẽ là dự án 93 Láng Hạ bởi đây là dự án chung cư cao cấp, doanh thu dự kiến lớn. Tiếp đến là các dự án Km3-4, dự án Đại lộ Hòa Bình và Khu CNC Hòa Lạc cũng nằm trong chương trình bán hàng của công ty năm nay. Đặc biệt trong năm nay sẽ bắt đầu bán dự án AmatinaCát Bà, hiện đã hoàn thiện gần 100 căn đầu tiên.

Tại sao tăng tỷ lệ vốn tại ITC?

Amatina Cát Bà là một dự án lớn và trọng điểm của Vinaconex trong thời gian 5-10 năm tới. Đây là dự án KĐT nghỉ dưỡng thuộc loại lớn nhất miền bắc Việt Nam. Có thể có những dự án đô thị mấy trăm ha, nhưng để có được quỹ đất như thế trên vịnh Hạ Long để làm khu nghỉ dưỡng tôi nghĩ rằng khó mà có thêm dự án thứ hai.

Thời điểm trước đó khi dự án Cát Bà phải tăng vốn, Vinaconex khi đó chưa đủ điều kiện và cũng không tìm được tiếng nói chung về việc tăng vốn cho dự án. Tuy nhiên với sự mong mỏi và quyết tâm, ban lãnh đạo Vinaconex đã tái cấu trúc và trở thành công ty mẹ của ITC - chủ dự án Cái Giá Cát Bà.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.