Doanh nghiệp 1.800 tỷ chi hơn 2 lần vốn mua cổ phần Sudico có quan hệ tín dụng với VietABank

Công ty An Phát, đơn vị có vốn 1.800 tỷ đồng vừa hoàn tất mua lô cổ phần Sudico trị giá hơn 4.200 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, cùng với Sudico, nhóm doanh nghiệp An Phát có quan hệ tín dụng với VietABank. Sudico cũng đang thế chấp nhiều tài sản liên quan KĐT Nam An Khánh tại nhà băng này.

An Phát bỏ hơn 4.200 tỷ mua cổ phần Sudico

 Ảnh minh họa: Cổng chào Khu đô thị Nam An Khánh của Sudico. (Nguồn: Sudico).

Đầu tháng 5 vừa qua, CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát đã có báo cáo về việc trở thành cổ đông lớn CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã chứng khoán: SJS) thông qua việc mua hơn 41,7 triệu cổ phiếu SJS, tương đương 36,6521% vốn điều lệ.

Số cổ phiếu này đúng bằng số cổ phiếu mà Tổng công ty Sông Đà - CTCP (mã chứng khoán: SJG) sở hữu trước khi đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngày 5/4, một tổ chức đã trúng đấu giá trọn lô với mức giá 102.000 đồng/cp. 

Mức trúng đấu giá trên ngang ngửa với đỉnh giá lịch sử của cổ phiếu SJS trong 15 năm kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2006.

Theo đó, lô cổ phần Sudico vừa được sang tên trị giá hơn 4.258 tỷ đồng, gấp 2,4 lần vốn điều lệ hiện nay của An Phát.

Về lịch sử Công ty An Phát, doanh nghiệp thành lập vào tháng 12/2016. Cơ cấu cổ đông sáng lập doanh nghiệp gồm ông Quách Đức Sơn (nắm 92%), bà Võ Thị Thanh Trà (4%) và bà Mạc Thị Luận (4%). Trong đó, cổ đông lớn nhất, ông Quách Đức Sơn là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT công ty.

Đến ngày 10/9/2021, ông Phạm Thành Huy đã thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Sơn, cơ cấu cổ đông mới không được công ty công bố. 20 ngày sau (30/9/2021), An Phát tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng và không đổi cho đến nay.

Cùng thời điểm này, công ty cũng thay đổi trụ sở từ đường Ỷ La, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội sang Tòa nhà Lotus, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Tân cổ đông lớn của Sudico cùng nhóm DN liên quan được cấp tín dụng bởi VietABank 

Sau khi bỏ số tiền gấp đôi vốn để trở thành cổ đông lớn tại Sudico, nguồn tài chính của An Phát nhận về sự chú ý của thị trường.

Qua tìm hiểu, nhiều tài sản của An Phát và các công ty liên quan đang được thế chấp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank).

Cụ thể, nửa năm sau khi thành lập, đầu tháng 4/2017, An Phát thế chấp tại VietABank toàn bộ các quyền tài sản được hưởng phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh giữa An Phát và CTCP Xây dựng và Hợp tác Đầu tư Đất Việt để đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới Sơn Đồng – Đất Việt, tại xã Sơn Đồng, Lại Yên, Kim Chung, Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Dự án Khu đô thị mới Sơn Đồng – Đất Việt nói trên do Công ty Đất Việt làm chủ đầu tư. Giai đoạn năm 2016 - 2021, Đất Việt đã 8 lần thế chấp quyền tài sản phát sinh từ dự án này tại VietABank.  

Bên cạnh đó, năm 2016, Công ty Đất Việt cũng từng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ một dự án khác là Khu nhà ở - Licogi 18 tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội tại VietABank. 

Một doanh nghiệp nữa liên quan là CTCP Mặt trời Sông Hồng do ông Phạm Thành Huy (Chủ tịch của Công ty An Phát) làm người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc kể từ tháng 7/2020.

Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 1/2008, có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi ông Huy nhậm chức, giữa tháng 8/2021, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng từ 700 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Song đến đầu tháng 11/2021, sau sự kiện tăng vốn của Công ty An Phát, Mặt trời Sông Hồng lại giảm vốn điều lệ về 700 tỷ đồng.

Mặt trời Sông Hồng là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Sông Hồng tại các xã Mê Linh, Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Trong hai năm 2019 - 2020, Mặt trời Sông Hồng cũng 5 lần thế chấp quyền tài sản phát sinh từ dự án này tại VietABank. 

Mặt khác, VietABank từng là chủ nợ toàn bộ các khoản vay tài chính của Sudico với tổng 1.204 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2021. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay này đều là quyền và lợi ích liên quan đến dự ánKhu đô thị Nam An Khánh.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của Sudico không công bố chi tiết các khoản nợ vay tài chính, song con số đã tăng lên 1.437 tỷ đồng. 

Giai đoạn năm 2012 - 2021, doanh nghiệp đã 20 lần thế chấp các tài sản liên quan đến dự án Nam An Khánhvà phần mở rộng khu B tại xã An Khánh và xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội tại VietABank. Đây cũng là tất cả các khoản thế chấp của Sudico đang ghi nhận tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. 

Mối liên hệ với Vimedimex

Trở lại với Công ty Đất Việt, doanh nghiệp do ông Lê Duy Phúc làm đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Ông Phúc cũng đang đại diện pháp luật cho một số doanh nghiệp BĐS khác, trong đó có CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Anh.

Đây là đơn vị có trụ sở tại tầng 6, tòa nhà Vimedimex Group, số 46-48 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cùng địa chỉ với nhiều doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vimedimex của bà Nguyễn Thị Loan.

Giám đốc hiện tại của BĐS Đông Anh, ông Quản Xuân Dũng cũng là người đại diện pháp luật tại CTCP Bất động sản Hồ Gươm, chủ đầu tư Khu đô thị An Thịnh 6, Hà Nội và có liên quan đến Vimedimex. 

Cụ thể, BĐS Hồ Gươm từng là cổ đông sáng lập tại CTCP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình, đơn vị là chủ đầu tư dự án Aurora Garden Tam Trinh tại Hà Nội - từng do bà Loan đại diện pháp luật và nắm hơn 62% vốn điều lệ. Thời điểm đó, trụ sở của BĐS Hồ Gươm đặt tại tòa nhà Vimedimex Group, song đã được dời đến số 83 phố Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm như hiện nay. 

 Tòa nhà Vimedimex Group tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vimedimex. (Nguồn: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam). 

Về phần Công ty Hoà Bình, hiện, công ty do bà Trịnh Ngọc Duyên, Phó Tổng Giám đốc của Vimedimex đang làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Loan cũng từng là Phó Chủ tịch của VietABank (bên cấp tín dụng cho nhóm Công ty An Phát) từ năm 2011 và rút lui khỏi nhà băng này một năm sau đó.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.