Doanh nghiệp đua nhau 'ôm' đất rồi bỏ hoang

Các dự án chậm triển khai tác động trực tiếp đến tiến độ hiện thực hóa quy hoạch của Hà Nội.
Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 18: Doanh nghiệp đua nhau 'ôm' đất rồi bỏ hoang - Ảnh 1.

Từ đầu những năm 2000 đến nay, Hà Nội đã giao đất cho hàng loạt doanh nghiệp để triển khai các dự án nhà ở, cũng như hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, Thủ đô đã có sự phát triển mạnh mẽ về nhà ở. Trong đó, có rất nhiều dự án nhà ở mới đã đi vào hoạt động ở gần đường vành đai 4, góp phần vào hành trình giãn dân từ nội thành ra ngoại thành.

Tuy nhiên, có không ít dự án chậm triển khai nhiều năm, thậm chí hơn thập kỷ vẫn chưa khởi công. Hiện nay, không khó để nhận thấy những dự án xây dựng dang dở, hoặc đã cơ bản hoàn thiện phần thô nhưng bỏ hoang nhiều năm không có người ở. Nhóm dự án này tập trung phần lớn ở ngoại thành, đặc biệt là phía tây. Nhiều người vẫn gọi đây là những "dự án ma", "khu đô thị ma".

Tháng 4 vừa qua, Đoàn giám sát của HĐND thành phố đã tiến hành tái giám sát đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai mà đơn vị này đã giám sát năm 2018.

Theo HĐND TP, tính đến tháng 5, Hà Nội còn 350 dự án chậm triển khai từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được tái giám sát. Danh sách đa số là các dự án nhà ở.

Ngày 21/10, UBND TP Hà Nội cũng ban hành kế hoạch tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các dự án chậm triển khai, vi phạm do HĐND đã giám sát, tái giám sát và thông báo kết quả nêu trên.

Theo văn bản này, có 37/215 dự án vi phạm nhưng chưa khắc phục dứt điểm theo giám sát của Thường trực HĐND thành phố từ năm 2012. Trong đó có dự án của nhiều doanh nghiệp có tiếng trên thị trường bất động sản hiện nay như:

Tập đoàn Nam Cường (Bệnh viện quốc tế quy mô 500 giường; một số hạng mục Khu đô thị Dương Nội); CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (Khu đô thị mới Văn Phú); Công ty Đầu tư PT SX Hạ Long (Bệnh viện quốc tế Hà Đông); CTCP Đầu tư Phát triển Sông Đà SUDICO (Khu nhà ở Văn La - Văn Khê); Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà - Bộ Xây dựng (Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm); Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD (Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp); CTCP Kinh doanh Phát triển nhà và Đô thị Hà Nội - HANHUD (Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công);...

Khu vực dọc Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức có hàng loạt biệt thự bỏ hoang. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Hầu hết các dự án nêu trên đều có quyết định giao đất, hoặc cho thuê đất trước năm 2009. Tuy nhiên, đến nay có dự án chậm tiến độ, nhiều dự án thậm chí chưa khởi công và bỏ hoang đất. Trong số các dự án nhà ở chậm tiến độ, Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, xem xét thu hồi dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê của Sudico.

Được biết, dự án được UBND tỉnh Hà Tây giao cho Sudico làm chủ đầu tư từ năm 2006 và được giao 10,61 ha đất tại quyết định ngày 21/11/2007. Đến tháng 11/2015, dự án lại được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy mô 12 ha.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Thế nhưng, sau hơn thập kỷ, khu nhà ở của Sudico vẫn là bãi đất trống. Hiện chủ đầu tư mới chỉ san nền, triển khai một số hạng mục giao thông, thoát nước và ép cọc công trình nhà ở thấp tầng. Phía Sudico đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Doanh nghiệp đua nhau 'ôm' đất rồi bỏ hoang - Ảnh 3.

Khu đô thị Văn La bỏ hoang nhiều năm nay. (Ảnh: Hạ Vũ).

Ngoài 37 dự án vi phạm nhưng chưa khắc phục dứt điểm từ năm 2012 nói trên, Văn bản của Hà Nội cũng chỉ rõ 287 dự án khác đã được giao đất nhưng chậm triển khai. Trong đó, nổi lên huyện Mê Linh với rất nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, từ vài chục tới cả trăm ha. 

Một số dự án ở Mê Linh thuộc nhóm này như: Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh (136 ha) và Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 (hơn 53 ha) của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); Khu đô thị mới An Thịnh (hơn 78 ha) của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh; Khu đô thị mới Sông Hồng Thủ Đô (44,5 ha) của CTCP Mặt trời Sông Hồng; Khu chức năng đô thị Rose Valley, tên cũ là Khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn rộng 57,8 ha của CTCP Vĩnh Sơn (giáp ranh huyện Mê Linh và Đông Anh); Khu đô thị Cienco 5 rộng 49,8 ha của CTCP Xây dựng công trình 507,...

Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh (bìa trái) và Cienco 5 ở Mê Linh. (Ảnh: Hạ Vũ).

Trong danh sách cách dự án đã được giao đất chậm triển khai cũng có một số dự án của Tập đoàn Nam Cường, đáng chú ý nhất là Dự án khu đô thị Chương Mỹ quy mô lên tới 567,6 ha. Theo HĐND TP, dự án này hiện chưa xong giải phóng xong mặt bằng và không còn phù hợp với quy hoạch chung thị trấn Chúc Sơn.

Trong danh sách 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai còn có: Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp của CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang ở Long Biên; Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng khu 3 của HUD ở Hoài Đức; Khu chung cư quốc tế Booyuong Việt Nam của Công ty TNHHMTV Booyuong Việt Nam ở Hà Đông; Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (giai đoạn 1) CTCP Bitexco trên địa bàn quận Hoàng Mai và Thanh Trì; Khu nhà ở Him Lam - Vạn Phúc của chủ đầu tư CTCP Thương mại và Đầu tư Toàn Cầu GTC ở Hà Đông...

Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp của CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang ở Long Biên (bìa trái) và Khu chung cư quốc tế Booyuong Việt Nam của Công ty TNHHMTV Booyuong Việt Nam ở Hà Đông. (Ảnh: Hạ Vũ).

Doanh nghiệp đua nhau 'ôm' đất rồi bỏ hoang - Ảnh 6.

Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (giai đoạn 1) CTCP Bitexco trên địa bàn quận Hoàng Mai và Thanh Trì. (Ảnh: Hạ Vũ).

Ngoài ra, theo HĐND và UBND Hà Nội, có 63 dự án chưa giao đất chậm triển khai. Trong đó có 31 dự án chậm, tạm dừng do đang điều chỉnh quy hoạch, hoặc cần điều chỉnh cơ chế thực hiện. Một số dự án đáng chú ý như:

Khu nhà ở các lô C1A và HA thuộc Khu đô thị mới Đại học Vân Canh (CTCP Đầu tư An Lạc); Khu đô thị mới Tây Nam An Khánh 1 (CTCP Xây dựng - Du lịch Hải Phát); Khu đô thị mới An Thịnh 5 (CTCP Đầu tư và Phát triển Kinh tế Việt Nam); Khu đô thị mới Sơn Đồng Sunshine City (CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Lilama); Khu đô thị mới Tây Nam An Khánh II (CTCP Tư vấn và Đầu tư Phát triển Thương mại 3T và Công ty TNHH Việt Thắng); Khu nhà ở và biệt thự lô đất số 3 khu đồng Chùa Bé (Công ty TNHH Thống Nhất); Khu đô thị mới Sơn Đồng City Land (Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố); Khu đô thị mới Tây Đô, khu đô thị Mai Linh - Đông Đô, khu đô thị Yên Phú (CTCP Mai Linh Đông Đô); Khu A thuộc khu đô thị mới Dầu khí Đức Giang (CTCP Bất động sản Tài chính Dầu khí VN)...

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 18: Doanh nghiệp đua nhau 'ôm' đất rồi bỏ hoang - Ảnh 4.

Trong báo cáo kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố năm 2018, HĐND TP Hà Nội đã chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn tới các vi phạm.

Trong đó, có nguyên nhân do quy định về quản lý đất đai còn chưa đầy đủ, rõ ràng; công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, đền bù GPMB còn nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa nhanh; một số dự án tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; công tác chỉ đạo chưa quyết liệt; các sở ngành, UBND quận huyện chưa coi trọng công tác tổng hợp và làm hết trách nhiệm...

Bên cạnh đó, còn có lý do từ phía các chủ đầu tư các dự án. Cụ thể, việc chấp hành luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư theo quy định của một số nhà đầu tư chưa tốt; cố ý sử dụng đất sai mục đích để thu lời bất chính hoặc chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ.

Nhiều trường hợp chủ đầu tư lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để tối đa hóa lợi nhuận và kéo dài thời gian để chuyển nhượng dự án; năng lực thực hiện dự án còn hạn chế, năng lực tài chính không đạt yêu cầu, không thực hiện kịp thời nghĩa vụ tài chính; cố tình né tránh, không hợp tác với nhà nước theo yêu cầu đoàn thành tra; một số dự án chính quyền địa phương không liên hệ được với nhà đầu tư;...

Doanh nghiệp đua nhau 'ôm' đất rồi bỏ hoang - Ảnh 8.

Không ít dự án tại Hà Nội hơn thập kỷ vẫn chưa hoàn thiện hoặc chưa khởi công. (Ảnh minh hoạ: Hạ Vũ).

Để khắc phục tình trạng "dự án ma", vừa qua, Hà Nội đã đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. 

Cụ thể, đối với biệt thự bỏ hoang ba tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị hợp đồng. 

Ngoài ra, thành phố còn có đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua ngôi nhà thứ hai trở lên. 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội cho rằng, tình trạng chiếm giữ, đầu cơ đất đai đang diễn ra và gây lãng phí tài nguyên đất ở Hà Nội cũng như nhiều nơi khác. 

"Nạn chiếm giữ đất đai, mua đi bán lại đạt lợi nhuận cao nhưng lại không bị các chính sách thuế khóa hạn chế nên phát triển tràn lan dẫn đến đất đai bị hoang hóa kéo dài," ông Ánh chia sẻ.

Bàn về giải pháp, ông Trần Huy Ánh cũng ủng hộ biện pháp đánh thuế mạnh đối với các "dự án ma". 

"Cái cần khắc phục lớn nhất bây giờ chính là ở Luật Đất đai. Chúng ta phải nhận thức được rằng đất là vàng, là tài nguyên chứ không chỉ là đất, đất giao đi phải thu về cái gì? Nếu cứ đánh thuế mạnh thì cả nước chắc chắn sẽ không còn chỗ nào hoang hóa. Tại sao ao, hồ cứ lấp đi là bán, chuyển đổi vật chất từ một thứ không của riêng ai thành một cái của ai đó rồi được mua đi bán lại, dễ dàng bị thao túng", ông Ánh nói.