Loạt dự án của Vingroup, Novaland, Kinh Bắc, Đất Xanh,... hưởng lợi khi cao tốc Bắc - Nam khép kín

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063 km, khi dần khép kín vào năm 2025 dự kiến đi qua hàng loạt siêu dự án KĐT, KCN của các doanh nghiệp lớn như Vinhomes Hưng Yên, Cần Giờ, Izumi City Đồng Nai, KCN Tràng Duệ 3, NovaWorld Phan Thiết,...

 

Đến 2025 khép kín hơn 2.000 km cao tốc

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063 km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Hiện siêu dự án từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km (11 dự án), còn lại 729 km (chia làm 12 dự án).

Đầu năm 2022, Quốc hội thông qua Chương trình phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng, trong đó có gói phát triển kết cấu hạ tầng 113.550 tỷ đồng, riêng chi cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là 103.164 tỷ đồng, và làm một số tuyến đường cao tốc khác, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ.

Đánh giá tác động của tuyến cao tốc này, báo cáo của VinaCapital ghi nhận, đây là dự án giao thông quan trọng nhất cả nước.

“Gói 113.550 tỷ đồng dành đến 90% cho dự án giao thông và 70% trong số đó sẽ dành cho đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025”, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định.

Vị này cũng cho rằng 12 dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thúc đẩy giá bất động sản tại nhiều khu vực, là lực đẩy cho sự phát triển hơn nữa của các đô thị vệ tinh quanh TP HCM, Hà Nội, và thậm chí cả Đà Nẵng, và sẽ giúp giảm chi phí logistics ở Việt Nam; đồng thời thúc đẩy lợi nhuận (và giá cổ phiếu) của các công ty xây dựng cũng như các công ty cung cấp vật liệu xây dựng.

Như vậy, hiện tại, mạng lưới cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã có 478 km đã hoàn thành, gồm tuyến: Bắc Giang - Lạng Sơn; Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội); Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP HCM - Dầu Giây (TP HCM - Long An); TP HCM - Trung Lương (TP HCM - Tiền Giang).

 Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh: Hạ Vũ).

11 dự án đang thi công: Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long), Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa), QL45 - Nghi Sơn (Thanh Hoá - Hà Tĩnh), Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận).

12 dự án sắp khởi công: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng (thuộc Hà Tĩnh), Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang (thuộc Phú Yên, Khánh Hòa), Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (qua Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).

Lọat dự án hưởng lợi

Báo cáo về đầu tư công mới đây của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) chỉ ra, cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua loạt dự án BĐS của các “ông lớn” địa ốc.

Tại khu vực miền Bắc, đáng chú ý có "bộ tứ" dự án của CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) gồm: Vinhomes Dream City (Oceans Park 2) quy mô 460 ha, với tổng mức đầu tư 33.000 tỷ đồng tại Văn Giang, Hưng Yên. Cũng tại huyện này, năm 2021, Vinhomes đã hoàn tất thâu tóm dự án Khu đô thị Đại An, với diện tích 294 ha, vốn đầu tư trực tiếp gần 32.700 tỷ đồng (1,4 tỷ USD).

Tại huyện Đông Anh, Hà Nội là dự án Vinhomes Cổ Loa quy mô 383 ha với tổng giá trị phát triển lên đến 4,5 tỷ USD. Phía doanh nghiệp cho biết sẽ khởi động hai dự án Dream City và Cổ Loa trong năm nay, mở bán trong giai đoạn 2022 - 2024.

Trong khi đó, siêu dự án 10 tỷ USD của Vingroup - Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, tuy không trực tiếp giáp các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, nhưng được dự báo "tăng nhiệt" nhờ kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội. KĐT Hạ Long Xanh đã được khởi công từ 24/10/2021.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đi qua hai dự án chục nghìn tỷ của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) là KCN Tràng Duệ 3 (687 ha) và KĐT Tràng Cát (585 ha). Hai dự án này đã được phê duyệt để bắt đầu xây dựng.

Cuối năm 2021, tỉnh Hưng Yên cũng chấp thuận đầu tư cho 9 dự án, trong đó có ba dự án cụm công nghiệp với quy mô 200 ha, tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD của Kinh Bắc.

Các dự án mà Kinh Bắc được chấp thuận gồm Cụm công nghiệp Kim Động, Cụm công nghiệp Chính Nghĩa và Cụm công nghiệp Đặng Lễ với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1 tỷ USD (tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng).

  Một số dự án hưởng lợi từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. (Nguồn: BSC). 

Tiếp xuống khu vực miền Trung, tuyến cao tốc từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được BSC dự báo sẽ có tác động đến các dự án lớn của Novaland, Nam Long, Kinh Bắc, Phát Đạt,...

Cụ thể gồm: Vinhomes Star City quy mô 147,5 ha qua TP Thanh Hóa và Vinhomes Hà Tĩnh 142 ha qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hai dự án đã đi vào hoạt động, riêng dự án tại Hà Tĩnh được quy hoạch gồm ba tòa căn hộ cao cấp. Trong đó, hai tòa tháp C1 và C2 được khởi công xây dựng từ năm 2018 và đi vào vận hành vào tháng 1/2019. Tòa C3 hiện vẫn đang trong quá trình khởi công xây dựng với chiều cao dự kiến 35 tầng.

Ngoài ra, BSC chỉ ra ba dự án tại Khánh Hòa và Bình Thuận của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) mà dự kiến cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua gồm: NovaBeach Cam Ranh, NovaHill Mũi Né, NovaWorld Phan Thiết.

NovaBeach Cam Ranh rộng 22,6 ha tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Tại TP Phan Thiết, Bình Thuận, NovaHill Mũi Né quy mô 4,7 ha tại phường Hàm Tiến và siêu dự án NovaWorld Phan Thiết tại đường Lạc Long Quân, xã Tiến Thành phát triển trên nền diện tích hơn 1.000 ha.

Khu đô thị phức hợp nghỉ dưỡng - du lịch - giải trí kết hợp nhà ở với hơn 10.000 sản phẩm này có tổng vốn đầu tư 113.650 tỷ đồng (5 tỷ USD). Về tiến độ, phân khu Novaworld Center của dự án đã ra mắt vào tháng 12/2021.

Ngoài ra, loạt dự án khác được hưởng lợi của Kinh Bắc như KCN Sài Gòn - Nhơn Hội hay CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) với các dự án đô thị tại Đà Nẵng, KĐT Nhơn Hội (lô 2,4,9).

Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, thuộc TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cả dự án này có quy mô hơn 116 ha, gồm ba phân khu 2, 4 và 9.

Riêng phân khu số 4 còn có tên gọi thương mại là Nhơn Hội New City, có tổng quy mô 34,16 ha, bao gồm khu thấp tầng/đất nền với hơn 1.300 sản phẩm và khu chung cư cao 40 tầng. Tổng mức đầu tư cho khu này gần 7.500 tỷ đồng.

Động thái mới nhất của Phát Đạt liên quan đến dự án này là chuyển nhượng 17 lô đất có tổng diện tích hơn 79.000 m2 thuộc khu chung cư cao tầng, phân khu số 4 cho 8 pháp nhân liên quan đến CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings (DKRH).

  Hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đưa vào khai thác 478 km. (Ảnh: Hạ Vũ). 

Báo cáo của BSC cho thấy miền Nam là khu vực tập trung nhiều dự án dọc theo cao tốc Bắc - Nam nhất. Đáng chú ý có siêu dự án Vinhomes Long Beach Cần Giờ (TP HCM) có tổng diện tích 2.870 ha; vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD. Dự án được khởi công vào năm 2021 và cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện.

Novaland tiếp tục ghi nhận có thêm hai dự án khác là Aqua City River Park 112, Aqua City 81 tại Biên Hòa, Đồng Nai,... hay CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) với các dự án Opal Park View, Park City, City View, Gem Sky World, hoặc một số dự án khác của An Gia, Khang Điền,...

Một dự án kế cận tuyến cao tốc được khởi công trong quý III/2021 là Izumi City (Waterfront Đồng Nai) có quy mô 170 ha với tổng vốn đầu tư 18.600 tỷ đồng (820 triệu USD), được Nam Long mua lại từ một công ty con thuộc Tập đoàn Keppel Land (Singapore). Dự án gồm 6.906 sản phẩm nhà phố, biệt thự, đơn lập và song lập, các căn hộ villa,...

Ngoài ra, cao tốc Bắc - Nam cũng đi qua nhiều dự án khu công nghiệp khác do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR); Tổng Công ty IDICO – CTCP (mã chứng khoán: IDC) hay CTCP Sonadezi Long Thành (mã chứng khoán: SZL) làm chủ đầu tư như KCN Dầu Giây, Long Khánh, KCN Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 5, KCN Sonadezi Long Thành,...