Nhạc kịch 'Nhà thờ Đức Bà Paris' - biểu tượng nghệ thuật Pháp 'mang chuông đi đánh xứ người'

Vở nhạc kịch với tựa đề gốc "Notre Dame de Paris" (tạm dịch: Nhà thờ Đức Bà Paris) là tác phẩm cổ điển nổi tiếng nhất của nước Pháp, từng "mang chuông đi đánh xứ người" và giành nhiều lời khen từ giới chuyên môn.

Vở nhạc kịch Notre Dame de Paris (tạm dịch: Nhà thờ Đức Bà Paris) của đạo diễn Gilles Maheu phát hành năm 1998 đã đi sâu vào tiềm thức khán giả yêu nghệ thuật cổ điển, đặc biệt là người hâm mộ thể loại nhạc kịch. 

Với "tuổi thọ" hơn 20 năm, vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris gây tiếng vang lớn không chỉ sân khấu nghệ thuật Pháp, thu hút 13 triệu lượt khách quốc tế cùng hàng chục bản thu trên mạng xã hội âm nhạc.

Nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng nghệ thuật Pháp mang chuông đi đánh xứ người - Ảnh 1.

Vở nhạc kịch "Nhà thờ Đức Bà Paris" trở thành tác phẩm kinh điển của nghệ thuật Pháp.

Quá trình hình thành tác phẩm nhạc kịch kinh điển

Vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris được công chiếu vào năm 1998 tại Pháp, tuy nhiên trước đó đạo diễn Gilles Maheu cùng hai nhà soạn nhạc Richard Cocciante và Luc Plamondon phải mất gần 10 năm để hoàn thành tác phẩm. 

Sau những thành công lượm nhặt từ hai tác phẩm Starmania (1978) và La Légende de Jimmy (1990), Luc Plamondon đắm mình trong cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Victor Hugo để xây dựng nên tác phẩm nhạc kịch mới. Sau khi đọc qua 600 trang sạch, nhà soạn nhạc viết nháp 13 ý tưởng cho vở diễn mới.

Nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng nghệ thuật Pháp mang chuông đi đánh xứ người - Ảnh 2.

Hình ảnh Nhà thờ Đức Bà được xây dựng trong các phẩm nghệ thuật.

Ông từng chia sẻ: "Tôi muốn đưa lịch sử vĩ đại mà cả thế giới đều biết vào các ca khúc của mình. Ai mà biết được, điều này có thể mở ra cho tôi...phần còn lại của thế giới". Luc Plamondon không ngại ngần chia sẻ việc lấy cảm hứng từ bộ phim Nhà thờ Đức Bà Paris (1956) của đạo diễn Jean Delannoy.

Năm 1993, Luc Plamondon chợt nhớ về người bạn Richard Cocciante còn lưu giữ một tác phẩm mới dành cho "dự án lớn". Ông đề nghị Richard Cocciante nghe thử tác phẩm và đưa vào vở diễn mới. 

Ca khúc Out There trong phim hoạt hình "Nhà thờ Đức Bà Paris"

Người cộng sự thân thiết của Luc Plamondon, Richard Cocciante từng thổ lộ: "Ban đầu tôi cảm thấy sợ chọn đề tài liên quan đến tượng đài của nền văn học Pháp như vậy. Tuy nhiên, chính vẻ đẹp trong ca khúc "Belle" đã làm tôi hài lòng và tin tưởng vào dự án của bạn mình".

Nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng nghệ thuật Pháp mang chuông đi đánh xứ người - Ảnh 4.

Richard Cocciante và Luc Plamondon mất nhiều năm xây dựng nên vở nhạc kịch nổi tiếng.

Cả hai đã dành 3 năm từ 1994 - 1996 để soạn nhạc và viết lời cho nhạc kịch. Luc Plamondon và Richard Cocciante sáng tác vở nhạc kịch kéo dài hơn 3 giờ - khoảng thời gian quá dài cho một vở diễn. Vì vậy, bộ đôi nhà soạn nhạc tìm đến đạo diễn Gilles Maheu. Maheu bày tỏ bản thân ông cảm thấy vở nhạc kịch này lôi cuốn. 

Vở nhạc kịch mang cảm hứng từ lịch sử Pháp

Dù được xây dựng dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo, tuy nhiên vở nhạc kịch có nhiều chi tiết khác với bản gốc. 

Ở màn đầu tiên, nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris lấy bối cảnh thủ đô Paris năm 1482, nơi nhà thơ nghèo Pierre Gringoire kể lại câu chuyện anh chứng kiến. Người Di - gan đổ về cổng Nhà thờ Đức Bà để tìm nơi trú ngụ, gây khó chịu cho lãnh đạo nhà thờ. Phó Giám mục Frollo yêu cầu Phœbus - trưởng đội cung thủ của hoàng gia đuổi những người này khỏi đất nước. 

Nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng nghệ thuật Pháp mang chuông đi đánh xứ người - Ảnh 5.

Không gian trong Nhà thờ Đức Bà được lấy làm bối cảnh chính cho vở nhạc kịch.

Trong cuộc chạm chán với người Di - gan, Phœbus có cảm tình với cô nàng xinh đẹp Esméralda, dù anh đã có tình nhân. Cô gái người Di- gan cũng yêu thầm Phœbus. Suốt màn I, câu chuyện tình yêu giữa chàng lính hoàng gia và cô nàng người Di - gan chiếm trọn cảm tình khán giả.

Ở màn II, câu chuyện xúc động về tình yêu giữa nhân vật Thằng Gù kéo chuông nhà thờ Đức Bà và cô nàng người Di - gan khiến hàng triệu người rơi nước mắt. Việc đấu tranh giữa cái chết - sự sống, nơi linh thiêng của niềm tin, hiện hữu tôn giáo và đức tin con người đã tô vẽ nên vẻ đẹp tình yêu.

Nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng nghệ thuật Pháp mang chuông đi đánh xứ người - Ảnh 6.

Nhân vật thằng Gù đi sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ khán giả.

Vở kịch Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ tài hiện tình yêu, nó phản ánh sự phân biệt giai cấp, sắc tộc và mâu thuẫn trong xã hội Pháp suốt nhiều năm. Tuy nhiên, tác giả đã xây dựng kịch bản để phá vỡ rào cản văn hóa, giai cấp và sự băng hoại đạo đức xã hội đương thời. Nhà thờ Đức Bà Paris không đơn thuần là vở kịch giải trí theo khuynh hướng cổ điển, nó chứa đựng giá trị lịch sử và nhân văn to lớn của nước Pháp nói riêng, cả thế giới nói chung.

Sức ảnh hưởng và thành công vang dội

Nhà thờ Đức Bà Paris phục dựng mốt thưởng thức nhạc kịch tại Pháp, trở thành tác phẩm kinh điển của nghệ thuật cổ điển trong nhiều năm tại châu Âu. Thành công vang dội của Nhà thờ Đức Bà Paris cho ra đời hàng loạt tác phẩm nhạc kịch danh tiếng khác.

Nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris - biểu tượng nghệ thuật Pháp mang chuông đi đánh xứ người - Ảnh 7.

Cái kết hoành tráng được xây dựng trong vở nhạc kịch.

Hai nhà soạn nhạc Luc Plamondon và Richard Cocciante cho biết, nhiều nước tại châu Âu như Bỉ, Thụy Sĩ đã đổ đi xem vở nhạc kịch với ước tính gần bốn triệu người. Ở toàn cầu, 7,5 triệu khán giả đua nhau thưởng thức vở nhạc kịch danh tiếng của nước Pháp.

Các ca khúc trong vở diễn được in ấn và phát hành hơn 10 triệu album, 5 triệu đĩa đơn với nhiều phiên bản và ngôn ngữ khác nhau. Tờ The Times đánh giá: "Vai diễn Quasimodo của Garou nhiều năng lượng sầu bi, dàn vũ công diễn nhiệt tình nhưng kết luận rằng vở nhạc kịch là một bản khác của tác phẩm Những người khốn khổ".

Ca khúc Belle trong vở nhạc kịch nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng như Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nga, Tiệp, Belarus, Ba Lan, Hàn Quốc... Ca khúc giành giải Bài hát của năm tại sự kiện Victoires de la musique năm 1999.

Ca khúc Belle trong vở nhạc kịch "Nhà thờ Đức Bà Paris".

Vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris từng chiến thắng giải thưởng Buổi diễn hay nhất năm của sự kiện Victoires de la musique (1999), Buổi diễn của năm do Félix bình chọn năm 2000.

Nhà thờ Đức Bà Paris từng được nhiều đạo diễn lừng danh làm phim với phiên bản người thật, hoạt hình. Kinh đô nhạc kịch Broadway cũng làm lại nhiều vở diễn về tác phẩm này.