Những lần đấu giá, mua bán đất 'vàng' ồn ào của Tân Hoàng Minh

Tân Hoàng Minh đang và từng sở hữu, tham gia đấu giá hoặc chuyển nhượng nhiều mảnh đất đắc địa ở Hà Nội và TP HCM trong 15 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Không ít trong số đó đã được chuyển nhượng cho thực thể khác.

Cuối năm vừa qua, Tân Hoàng Minh từng thu hút sự chú ý của giới bất động sản khi trúng đấu giá khu đất vàng Thủ Thiêm với mức giá 2,43 tỷ đồng/m2, cao gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm. Mức giá nói trên đã thiết lập nên một kỷ lục mới trên thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn bỏ xa mặt bằng giá nhiều khu vực vốn nổi tiếng đắt đỏ trên thế giới như Monaco, Hồng Kông hay New York...

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá đất tại Thủ Thiêm dù đã nộp cọc gần 600 tỷ đồng. Nhìn vào lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, Tân Hoàng Minh cũng đã nhiều lần gây chú ý với những thương vụ thâu tóm các khu đất đắc địa tại Hà Nội và TP HCM. 

Dự án số 22 - 24 Hàng Bài về tay Masterise Group sau hàng chục năm gỡ khó pháp lý

Thành lập từ năm 1993 và nổi lên với thương hiệu Taxi V20, từng chiếm đến 25% thị phần tại ba thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và Hà Nội, đến năm 2006, Tân Hoàng Minh gây bất ngờ khi rẽ hướng sang bất động sản và là chủ sở hữu của hàng loạt dự án đất vàng tại Hà Nội như dự án D'. Palais Louis (Nguyễn Văn Huyên), D'. Le Roi Soleil (Quảng An), D'. Le Pont D'or (Hoàng Cầu),...

Đáng chú ý trong đó là khu đất xây dựng dự án D.’ San Raffles tại 22-24 phố Hàng Bài từng vướng lùm xùm giải phóng mặt bằng. Với dự án này, Tân Hoàng Minh từng chi khoảng 1.000 tỷ đồng để thâu tóm lô đất rộng 4.000 m2 này nhằm mục đích xây trung tâm thương mại và tái định cư. Chủ đầu tư là CTCP Thời Đại Mới T&T, một thành viên trong nhóm Tân Hoàng Minh khi đó.

Đây là một trong những khu đất có giá đền bù cao nhất Hà Nội, tại một số vị trí, mức đền bù theo thỏa thuận giữa người dân và chủ đầu tư lên đến gần một tỷ đồng/m2, được cho là cao gấp 2,5 lần giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường ở thời điểm cuối năm 2010.

Tuy nhiên vì vướng mắc về vấn đề pháp lý, dự án vẫn chưa được triển khai sau gần 12 năm.

“Tính tổng cộng từ năm 2007 theo đuổi dự án tới nay (năm 2020), chúng tôi (Tân Hoàng Minh) tốn mất 14 năm giải phóng mặt bằng và làm thủ tục mà chưa xong.” theo lời chia sẻ của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Hoàng Minh tại buổi tọa đàm được tổ chức hồi tháng 6/2020.

Đến ngày 2/3/2021, dự án này bất ngờ hồi sinh khi về tay một doanh nghiệp khác là Masterise Group và bắt đầu được khởi công xây dựng với tên gọi dự án Trung tâm thương mại và căn hộ The Grand Hanoi (hay Masterise D'. San Raffles), dự kiến bàn giao vào quý IV/2023.

 Dự án The Grand Hanoi tại 22-24 phố Hàng Bài, TP Hà Nội. (Ảnh: Masterise Homes).

Khu đất 23 Lê Duẩn (TP HCM) đổi chủ sang Techcombank

Năm 2015, Tân Hoàng Minh gây chú ý trên thị trường BĐS khi trúng đấu giá lô đất vàng có diện tích 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) với mức giá 1.430 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần mức giá khởi điểm là 558 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi UBND phê duyệt kết quả đấu giá, Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả với lý do đơn vị tổ chức đấu giá xảy ra sai sót về bước giá. Đến tháng 6/2016, doanh nghiệp lại đề nghị được tiếp tục mua và nộp số tiền hơn 1.690 tỷ đồng, bao gồm tiền mua đất và tiền phạt trễ hạn hơn 260 tỷ đồng.

Khu đất này vốn là nơi đặt trụ sở của Công ty Xổ số Kiến thiết TP HCM, sau khi cơ quan này khởi công xây dựng trụ sở mới tại quận 5 thì bàn giao lại cho UBND thành phố.

Theo kế hoạch ban đầu, Tân Hoàng Minh sẽ xây dựng một một khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ cao cấp trên khu đất này. Song đến đầu năm 2019, khu đất này lại về tay Techcombank khi Ban lãnh đạo ngân hàng tiết lộ ý định xây dựng hai trụ sở vào năm 2019, một trong số đó có địa chỉ tại 23 Lê Duẩn mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá trước đó.

Ngoài ra, trên báo cáo tài chính 2018 của ngân hàng này cũng xuất hiện một khoản tiền tạm ứng mua tài sản cố định và xây dựng trụ sở văn phòng làm việc ở TP HCM. Ngân hàng cũng cho biết đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản nói trên vào ngày 16/1/2019.

Hiện nay tại địa chỉ này, công trình dự án Techcombank Sai Gon Tower đang được xây dựng theo giấy phép do Sở Xây dựng TP HCM cấp ngày 13/1/2020, với chủ đầu tư là Techcombank, nhà thầu thi công là Newtecons. Lễ cất nóc dự án đã được diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, dự kiến toàn dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý I/2022.

 Phối cảnh dự án Techcombank Sai Gon Tower tại số 23 Lê Duẩn, TP HCM. (Ảnh: Newtecons).

Dự án Nam Đại Cồ Việt đổi chủ sau gần 20 năm 'treo'

Cuối tháng 9 vừa qua, một thành viên nhóm Tân Hoàng Minh là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã huy động vốn 1.900 tỷ từ thị trường trái phiếu để đầu tư dự án Nam Đại Cồ Việt

Dự án Nam Đại Cồ Việt nói trên được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4/2002 và giao cho CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà làm chủ đầu tư để xây dựng 7 tòa nhà cao 11 - 24 tầng với tổng diện tích sàn là 29.000 m2 cùng các công trình công cộng, văn phòng làm việc của các cơ quan và các khu dịch vụ dân sinh, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.073 tỷ đồng. Song do vấn đề tài chính, dự án này đã bị 'ngâm' suốt hai thập niên mà vẫn chưa hoàn tất. 

Hiện nay, dự án Nam Đại Cồ Việt có chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt. Lý giải về việc dự án đổi chủ, theo Báo Xây dựng, dự án đã được chuyển giao cho một tập đoàn bất động sản vào năm ngoái. Sau đó, Tập đoàn này đã thành lập ra Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt để thực hiện dự án Nam Đại Cồ Việt và dự án bến xe tĩnh dọc tuyến đường Nam Đại Cồ Việt.

Trước động thái một thành viên trong nhóm Tân Hoàng Minh huy động vốn đầu tư vào Nam Đại Cồ Việt, nhiều khả năng tập đoàn nhận chuyển giao dự án được nêu trên là Tân Hoàng Minh.

Cùng với đó, thông tin bắt tay với Tân Hoàng Minh để tái khởi động dự án cũng được Công ty Tu tạo và Phát triển Nhà công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Bất ngờ hiện diện tại đất 'view' hồ Tây - 161 Yên Phụ

Thời gian gần đây, có một khu đất ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã được quây rào và xuất hiện với cái tên Tân Hoàng Minh – Ngọc Linh. Phía bắc khu đất giáp dự án Sanrio Hello Kitty World Hanoi của Tập đoàn BRG; phía đông và phía tây nằm tiếp giáp mặt đường Yên Phụ và Nghi Tàm. 

 Mặt tiếp giáp đường Yên Phụ của khu đất. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Tại khu đất nói trên hiện chưa có bảng công bố thông tin dự án. Song, đối chiếu với danh mục các dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 quận Tây Hồ, khu đất này có diện tích 0,38 ha, địa chỉ tại số 161 Yên Phụ. Diện tích đất này được bố trí cho dự án xây dựng khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh do Công ty TNHH Ngọc Linh làm chủ đầu tư.

Ngày 13/7/2007, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho phép Công ty Ngọc Linh sử dụng 3.931 m2 đất tại số 161 Yên Phụ để thực hiện dự án. Tuy nhiên phải đến năm 2019, dự án mới được UBND quận Tây Hồ và TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Sự có mặt của Tân Hoàng Minh tại khu đất 161 Yên Phụ mang đến cho dự án Ngọc Linh những tín hiệu được đi vào triển khai sau nhiều năm.

Ngoài hai dự án 'treo' ở Thủ đô, từ cuối năm 2020 đến nay, Tân Hoàng Minh cũng liên tiếp mở rộng quỹ đất,  đề xuất làm các dự án mới tại nhiều địa phương trên cả nước như tại Thái Nguyên, Đăk Lăk, Lâm Đồng,...

chọn
Đất Xanh: Gem Riverside đã xong pháp lý và sắp mở bán
Đại diện Đất Xanh cho biết dự án Gem Riverside đã cơ bản hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng từ quý III/2024.