Sếp Cenland: 'BĐS nghỉ dưỡng như lò xo bị nén, sẽ bật dậy và đạt đỉnh vào 2022 - 2023'

Theo Phó Tổng Giám đốc Cenland, với việc thí điểm hộ chiếu vắc xin và kích thích mở lại đường bay... nhu cầu du lịch sẽ tăng mạnh sau dịch, kéo theo sự hồi phục nhanh chóng của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.
Sếp Cenland: BĐS nghỉ dưỡng sẽ đạt đỉnh vào 2022 - 2023 - Ảnh 1.

Một dự án nghỉ dưỡng ở TP Phan Thiết. (Ảnh: Hoàng Huy).

Từ cuối tháng 4 đến nay, cả nước vẫn đang phải chống chọi với làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,... và nhiều địa phương lần lượt rơi vào trạng thái giãn cách xã hội dài hạn.

Trong bối cảnh đó, ngành du lịch, dịch vụ đang thực sự chịu ảnh hưởng nặng nề. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 105.000 lượt người, giảm hơn 97% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực trạng này đồng thời kéo theo những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng.

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong tháng 8, phân khúc biệt thự biển ghi nhận hai dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 47 sản phẩm, tương đương 26% so với tháng trước, chủ yếu tập trung ở Khánh Hòa và Phú Yên. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ đạt 6%.

Đối với shophouse biển, trong tháng 8 chỉ có một dự án mở bán, cung cấp mới 34 sản phẩm, trong đó tỷ lệ tiêu thụ cũng ở mức thấp, khoảng 12%. Nhiều dự án phải tạm ngừng triển khai, khóa giỏ hàng chờ qua dịch.

Phân khúc Condotel thậm chí rơi vào trạng thái "ngủ đông" khi hai tháng liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới, sức cầu chung toàn thị trường cũng rất thấp. DKRA cho biết đây là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19.

Với mảng khách sạn, báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy trong những tháng qua, thị trường chứng kiến hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán do làn sóng dịch bệnh.

BĐS nghỉ dưỡng như chiếc lò xo bị nén

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Xu hướng đầu tư BĐS hậu Covid-19" vào sáng 18/9, ông Nguyễn Đức Chính, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, Mã chứng khoán: CRE) cho biết, trong năm 2020, tổng ngân sách mà các chính phủ trên thế giới cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế.

Có thể thấy, Việt Nam và nhiều quốc gia đang phải chịu áp lực lạm phát, giá trị tài sản, hàng hóa mùa dịch đều tăng; giá BĐS nói chung cũng như phân khúc nghỉ dưỡng cũng không ngoại lệ.

Từ năm 2018, thị trường BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ khi nhiều sản phẩm condotel, biệt thự biển... lần lượt được ra mắt. Đến khi có dịch, nhiều người nhận ra, không cần sinh sống quá gần nơi làm việc mà vẫn có thể nghỉ ngơi, tâm lý này kéo theo nhu cầu đầu tư BĐS nghỉ dưỡng. 

Thời gian gần đây, Chính phủ bắt đầu thí điểm hộ chiếu vắc xin đón du khách nước ngoài, kích thích mở lại các đường bay nội địa. Trong 6 tháng tới, dự kiến số lượng người tiêm đủ 2 mũi vắc xin ở nước ta sẽ đạt 60 - 70%.

Khi đó, những thị trường về du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,... sẽ đón làn sóng khách du lịch trong và ngoài nước quay trở lại. 

"Trung Quốc có hơn 1 tỷ người đã đăng ký các kỳ nghỉ ngắn ngày trong tháng 10 tới, chứng tỏ nhu cầu du lịch sau dịch của người dân là rất lớn, và Việt Nam khả năng cũng vậy.

Theo tôi, phân khúc nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch sẽ giống như chiếc lò xo bị nén, khi có đủ điều kiện sẽ bật dậy mạnh mẽ hơn các phân khúc khác. Khả năng vào năm 2022 và 2023, BĐS nghỉ dưỡng sẽ đạt đỉnh", ông Chính cho biết. 

Sếp Cenland: BĐS nghỉ dưỡng sẽ đạt đỉnh vào 2022 - 2023 - Ảnh 2.

(Ảnh: Minh Hiền).

Khách du lịch nội địa là "chìa khóa" hồi phục

Cùng quan điểm với sếp Cenland, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam trong một báo cáo mới đây cũng khẳng định, thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam chắc chắn sẽ hồi phục. 

"Trước dịch, ngành du lịch Việt Nam luôn ở trong trạng thái cao điểm. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mới được khai trương hàng loạt, các hãng hàng không bùng nổ, BĐS nghỉ dưỡng là loại hình tài sản được giới đầu tư yêu thích.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thế mạnh là tập trung rất tốt vào nhóm đối tượng khách du lịch trong nước, thay vì phụ thuộc vào khách quốc tế như Thái Lan, Singapore, Philippines... Đây là chìa khoá thành công của thị trường du lịch tại Việt Nam.

Mặt khác, việc dự trữ tài chính trong thời gian giãn cách sẽ giúp người dân sẵn sàng cho nhu cầu mua sắm, du lịch ngay khi dịch bệnh kết thúc", ông Troy Griffiths chia sẻ.

Về phía DKRA , đơn vị này dự báo, trong những tháng cuối năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, biệt thự biển và shophouse biển được dự báo sẽ hồi phục ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Bình Thuận. Condotel cũng có thể dần hồi phục nhưng khó có sự đột phá về sức cầu.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam tỏ ra thận trọng: "Khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi, bất kỳ phân khúc BĐS nào cũng rất tiềm năng. Tuy nhiên, BĐS nghỉ dưỡng cần thêm độ trễ về thời gian chứ chưa thể phục hồi mạnh mẽ như BĐS nhà ở hay BĐS công nghiệp".

Không chỉ các đơn vị thị trường, các doanh nghiệp dường như cũng nhìn nhận được tiềm năng lâu dài của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, khi mà nhóm doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, TNG Holdings hay MIKGroup,... đều liên tục gọi vốn cho các dự án du lịch.