Thịt bò Mỹ về Việt Nam giá chỉ 200.000 đồng/kg

Những tháng qua, thịt bò, tôm, cua, cherry, nho… từ Mỹ tràn về Việt Nam với số lượng lớn, giá rẻ. Chưa bao giờ, nông sản Mỹ lại ồ ạt đổ về nước ta với giá cả phải chăng như những tháng vừa qua.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 6 của Mỹ về xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ nhận định: "Tiêu thụ các sản phẩm thịt bò, bơ, sữa các loại nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đang tăng trưởng khá tốt". 

200.000 đồng/kg thịt bò Mỹ

Mọi năm, thịt ba chỉ bò Mỹ có giá trung bình trên dưới 300.000 đồng/kg. Năm ngoái, các đơn vị phân phối trong nước tìm được nguồn cung tốt, giá thịt giảm, nhưng vẫn ở mức trung bình 260.000 đồng/kg. Riêng năm nay, giá thịt ba chỉ bò Mỹ tại các cửa hàng bán chuyên chỉ ở mức 200.000 - 220.000 đồng/kg.

Thịt ba chỉ được lấy từ bò Black Angus, loại cao cấp Choice USDA, được hệ thống Go Food (Tây Hồ, Hà Nội) bán với giá 220.000 đồng/kg. Theo nhân viên, khách hàng thường chuộng mua để ăn kèm lẩu hoặc xông khói. Nhìn chung, giá cả năm nay rẻ hơn mọi năm. Ngoài ba chỉ, các loại thịnh hành là gầu bò có giá khoảng 330.000 đồng/kg, bắp hoa bò có giá khoảng 360.000 đồng/kg.

Mức giá này chỉ cao hơn thịt bò nội địa từ 15.000 - 50.000 đồng/kg. Tại chợ, giá thịt bò trung bình vào khoảng 260.000 - 360.000 đồng/kg. 

doisongtieudung_081534_453825416_1

Thịt bò Mỹ giá rẻ tràn vào thị trường cạnh tranh trực tiếp với bò ta. (Ảnh: ĐSTD).

Không chỉ riêng thịt bò, hải sản Mỹ năm nay cũng có mức giá hấp dẫn hơn. Tôm hùm Alaska nhập sống, mọi năm giá không thể rẻ hơn 1.600.000 đồng/kg, năm nay giá giảm gần một nửa. Hệ thống siêu thị Lotte bán tôm hùm Alaska sống, loại 1,5kg/con với giá 990.000 đồng/kg do đơn vị Đảo hải sản cung cấp.

Trong khi đó, một số loại tôm hùm cao cấp Việt Nam, lại có giá cao hơn hẳn. Theo một cửa hàng bán chuyên trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), "vua" hải sản Việt - tôm hùm bông, được nhập sống từ Phan Thiết có giá 1.550.000 đồng/kg. Loại phổ thông hơn, là tôm hùm tre, loại nhập sống có giá 1.050.000 đồng/kg.

Tương tự, cua hoàng đế Alaska mọi năm nổi tiếng vì giá đắc đỏ lên đến gần 3.000.000 đồng/kg, năm nay giá cũng giảm hẳn. Nhân viên cửa hàng cho biết: "Khoảng vài tháng trước là lúc chưa vô mùa, giá cũng chỉ 2.400.000 - 2.500.000 đồng/kg. Giá hiện tại giảm chỉ còn 2.100.000 đồng/kg". Cửa hàng này cung cấp loại cua hoàng đế sống, loại 2,8 - 5 kg/con, khi mua về, khách bảo quản được thêm 10 - 12 tiếng.

Ngoài thịt và hải sản, trái cây Mỹ cũng có giá rất phải chăng khi về Việt Nam. Theo một người chuyên nhập sỉ trái cây về phân phối cho các cửa hàng tại Quận 1 (TP HCM), nho xanh không hạt Mỹ hiện có giá khoảng 330.000 đồng/kg. Hiện tại nho chưa vào mùa nên số lượng hàng về ít, giá vẫn chưa giảm nhiều.

IMG_1462

Nho, cherry, việt quất... từ Mỹ năm nay cũng có giá rất phải chăng và các cửa hàng có lượng tiêu thụ lớn. (Ảnh: Tất Đạt).

Riêng cherry, mức giá gần 2 tháng nay các cửa hàng rao bán chỉ khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg, tùy size. Theo chủ cơ sở nhập khẩu trái cây ở quân 1, nguồn cung năm nay phong phú hơn năm ngoái, cherry về nhiều size. Nhiều nông trại chào hàng hơn với chất lượng trái đẹp hơn.

Sức mua các loại trái cây Mỹ cũng được anh đánh giá mạnh hơn năm trước. Theo anh, năm nay không bị ảnh hưởng bởi cherry kém chất lượng của Trung Quốc tuồng vào nên người dùng an tâm mua nhiều.

Táo nhập khẩu chỉ 29.000 đồng/kg, thịt heo Mỹ giá 37.000 đồng, tôm hùm 385.000 đồng/kg, vì sao?

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập hơn 54 triệu USD thủy sản và hơn 155 triệu USD rau, trái cây từ Mỹ. Hai nhóm hàng này tăng lần lượt hơn 1,8 lần và 2,4 lần so với giá trị của cùng kì năm ngoái.

So với đầu năm, giá trị thủy sản và rau, trái cây nhâp về từ Mỹ có xu hướng tăng. Trong đó, 3 tháng liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 5, giá trị thủy sản và rau, trái cây đều tăng liên tục. Nhập khẩu thủy sản cao nhất là tháng 5, với hơn 12 triệu USD hàng thủy sản.

 Với rau, trái cây, đỉnh điểm nhập khẩu là tháng 7, với hơn 39 triệu USD.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-17 lúc 17

Thủy sản và rau, trái cây nhập từ Mỹ vào Việt Nam tăng so với năm ngoái và có xu hướng tăng trong 7 tháng đầu năm. (Đồ họa: Tất Đạt).

Riêng 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan báo cáo Việt Nam đã nhập hơn 319 tấn cherry, trị giá khoảng 2,9 triệu USD, trung bình giá nhập chỉ hơn 200.000 đồng/kg. Táo các loại nhập về hơn 12.400 tấn, trị giá gần 16 triệu USD, giá bình quân chỉ hơn 29.000 đồng/kg.

Các loại thịt bò Mỹ tăng mạnh với 4.800 tấn, trị giá khoảng 30,2 triệu USD, giá bình quân tại cảng là 144.000 đồng/kg. 

Thịt heo nhập Mỹ cũng đổ bộ hơn 2.500 tấn, giá tại cảng chỉ gần 37.000 đồng/kg. Hơn 101 tấn tôm hùm Mỹ được nhập về Việt Nam với giá bình quân khoảng 385.000 đồng/kg.

Toàn bộ giá bình quân nông sản Mỹ nhập về theo khai báo của Tổng cục Hải quan đều thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường.

IMG_1683

Giá không chênh lệch đáng kể với hàng nội địa khiến người dùng chuộng hàng nhập từ Mỹ hơn. (Ảnh: Tất Đạt).

Lượng nông sản Mỹ nhập về Việt Nam ngày càng nhiều là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đến nay, sau nhiều cuộc gặp mặt và điện đàm, Trung Quốc vẫn chưa nới lỏng về thủ tục hải quan với nông sản Mỹ. 

Theo Reuters, sản lượng thịt lợn của Mỹ xuất sang Trung Quốc và Hong Kong, khách hàng lớn thứ 2 của Mỹ, sau chiến tranh thương mại đã giảm 16% trong năm nay. Xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc giảm tồi tệ hơn 34% xuống mức 30.242 tấn.

Hiện tại, nguồn cung thịt bò chủ yếu của Trung Quốc đến từ Australia và khu vực Nam Mỹ, nổi bật là Brazil và Colombia. Trong 6 tháng qua, Autralia xuất sang Trung Quốc 1,16 triệu tấn thịt bò, còn Brazil trung bình xuất khoảng 24.000 tấn thịt bò mỗi tháng.

boxes-of-cherries-montana-glacier-fresh-cherry-orchard

"Mất mối" với Trung Quốc, nông sản Mỹ chọn Việt Nam thành một trong những thị trường chính với giá rẻ. (Ảnh: SCMP).

Tình trạng tương tự diễn ra với trái cây, đặc biệt là cherry. Tờ South China Morning Post dẫn lời của Lai, thương lái chuyên nhập cherry từ Mỹ về thị trường Trung Quốc, cho biết mỗi tháng, anh phải nhập về 2 container cherry, lúc trước chủ yếu từ Mỹ.

Trước căng thẳng, thủ tục hải quan đôi khi chỉ mất vài giờ, nhưng hiện nay hàng nông sản Mỹ phải bị kiểm tra chất lượng nhiều lần và phải chờ thủ tục đôi khi đến 2 tuần. Với đặc thù bảo quản ít ngày, các lô hàng phải đợi 2 tuần hầu như bị hư hỏng nặng. Vì thế, anh đang tìm nguồn cung khác.


chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.