Thứ trưởng Bộ Giáo dục: 'Đề thi THPT quốc gia 2019 không nặng về ghi nhớ số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu'

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa có một số chia sẻ về công tác chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2019 cũng như độ khó của đề để các thí sinh nắm bắt.

Công tác chuẩn bị thi được các địa phương thực hiện như thế nào?

Kì thi THPT quốc gia 2019 sắp chính thức diễn ra. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kì thi này trên phạm vi cả nước đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?

IMG_0019

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Đình Tuệ.

- Việc tổ chức kì thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội.

Để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo việc tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2019 được tốt nhất, Bộ GD&ĐT đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kì thi, thành lập Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. 

Đầu tháng 5/2019, Bộ GD&ĐT thành lập 8 đoàn kiểm tra trực tiếp đến các địa phương để nắm bắt tình hình và kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, khó khăn của Hội đồng thi trong công tác chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2019.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Yêu cầu các địa phương phải chủ động và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về chất lượng và đảm bảo an toàn tuyệt đối kì thi THPT quốc gia 2019, lãnh đạo các địa phương đã vào cuộc sát sao, chỉ đạo chi tiết từng khâu chuẩn bị cho kì thi. 63 tỉnh/thành phố đã lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do Phó chủ tịch làm trưởng ban; một số nơi có Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban.

Ngoài Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, nhiều địa phương còn thành lập Ban chỉ đạo thi cấp huyện để giúp chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức kì thi ở các điểm thi được chu đáo. Các lực lượng như: Công an, Y tế, Điện lực, Giao thông, Đoàn thanh niên… được huy động tham gia Ban chỉ đạo kì thi và có phân công trách nhiệm cụ thể tới từng thành viên. 

Các phương án đảm bảo an toàn, an ninh cho khu vực thi, nơi bảo quản đề thi, vận chuyển đề thi, hỗ trợ thí sinh và cán bộ làm thi ở vùng khó khăn; phương án ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra như thiên tai, thí sinh hoặc cán bộ bị ốm trong khi thi… cũng đã được các địa phương xây dựng cụ thể.

Những điểm mới trong qui chế thi năm nay như: Sắp xếp thí sinh tự do, thí sinh Giáo dục thường xuyên (GDTX) thi chung với thí sinh THPT; lắp camera tại nơi giữ bài thi và đề thi; giao cho các trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm... đều đã được các địa phương bám sát, thực hiện. 

Một số địa phương có khó khăn trong chuẩn bị tổ chức kì thi hoặc phương án tổ chức chưa tối ưu, Bộ GD&ĐT đã có những hỗ trợ, điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể.

Công tác in sao đề thi đã được các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc, chu đáo, bảo mật, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.

Đến thời điểm hiện tại, các công việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại 63 cụm thi trên cả nước đã hoàn tất, sẵn sàng cho kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế.

Kì thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT có những biện pháp gì để ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra?

- Kì thi THPT quốc gia 2019 được tổ chức về cơ bản giữ nguyên phương thức thi như hai năm trước và có một số điều chỉnh về kĩ thuật, qui trình để đảm bảo kì thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra.

Một số thay đổi như: trường Đại học/Cao đẳng phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường Đại học/Cao đẳng thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, GDTX thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT; Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ.

Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, "đánh phách điện tử" Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi.

Năm nay, Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi phải đảm bảo nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao. 

Song song với đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương, trường đại học phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng cho từng cán bộ tham gia làm thi, có tập huấn chi tiết để đảm bảo rõ người, rõ việc, nắm chắc qui chế, làm đúng qui trình, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất. Công tác thanh tra, giám sát năm nay được tăng cường.

Đề thi quốc gia năm 2019 khó tới đâu?

IMG_0161

Thí sinh lớp 12 sẽ tham dự kì thi THPT quốc gia 2019 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu: Đình Tuệ.

Đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được ra theo hướng như thế nào để đạt được mục tiêu vừa dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng?

- Bộ GD&ĐT xác định, quan trọng nhất của đề thi quốc gia 2019 là phải đảm bảo chính xác, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình và có độ phân hoá phù hợp, đánh giá được khách quan năng lực của thí sinh. 

Kết quả thi là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh việc dạy – học cho phù hợp, đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.

Ông có lời nhắn nhủ gì tới các thí sinh tham dự kì thi THPT quốc gia 2019?

- Kiểm tra, đánh giá là hoạt động bình thường diễn ra trong suốt quá trình học tập của các em, nhưng đối với các học sinh kì thi THPT quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng vì đánh giá kết quả của 12 năm học phổ thông. 

Các em yên tâm rằng, Bộ GD&ĐT, các trường Đại học/Cao đẳng, các địa phương và Bộ, ngành liên quan đã vào cuộc sát sao, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tạo thuận lợi cho thí sinh tham dự kì thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế nhưng không căng thẳng.

Để làm được tốt bài thi, tôi khuyên các em cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về tâm lý, sức khỏe và kiến thức. Do đề thi sẽ ra theo hướng mở, có tính ứng dụng thực tiễn, nên thí sinh cần hệ thống lại và nắm chắc các nội dung đã học, chủ yếu yêu trong chương trình lớp 12. Chỉ khi vững kiến thức, kĩ năng các em mới có tâm lý tốt, tự tin để hoàn thành tốt bài thi.

Đặc biệt, kỉ luật trường thi rất nghiêm ngặt, do đó thí sinh phải chấp hành nghiêm chỉnh qui chế thi, tuyệt đối không đem vào phòng thi những dụng cụ không được phép, nhất là điện thoại di động. Khi thực hiện đúng qui chế, tâm lý các em mới ổn định và tập trung làm bài tốt.

Tôi chúc các em sẽ bình tĩnh, tự tin và thi đạt kết quả cao nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.