Vinaconex đạt 56% kế hoạch lãi năm sau một quý nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh các công ty con

Kết thúc quý I, Vinaconex báo lãi lớn nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh từ công ty con mới đầu tư. Trong quý, công ty đã hoàn tất nâng sở hữu lên 51% tại Vinaconex ITC, chủ đầu tư dự án Cái Giá Cát Bà, đây hiện cũng là dự án có tài sản dở dang dài hạn lớn nhất của công ty.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu thuần 1.333 tỷ đồng, tăng 40% so với quý I/2021, chiếm 67% trong đó là doanh thu từ hoạt động xây lắp với 891 tỷ đồng, tăng 96%. 

Giá vốn trong quý của công ty cũng tăng 46%. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 165 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính ghi nhận 737 tỷ đồng, tăng 49% chủ yếu nhờ ghi nhận thêm 597,5 tỷ đồng lãi do mua rẻ công ty con. 

Bên cạnh đó, công ty cũng có thêm khoản 108 tỷ đồng nhờ trích lập dự phòng phải thu khó đòi, ghi nhận tại mục chi phí quản lý doanh nghiệp. 

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 780 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ. Theo Vinaconex, lợi nhuận này đạt được là do công ty hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con mới đầu tư. Trong kỳ, công ty đã góp thêm vốn vào Vinaconex ITC, chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina (Cái Giá Cát Bà) và nâng sở hữu tại đơn vị này lên 51%, đồng nghĩa với việc đơn vị này trở thành công ty con của Vinaconex.

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng kinh doanh, Vinaconex đã hoàn thành được 56% kế hoạch năm.

 Tổng hợp: Hiền Minh.

Liên quan đến dòng tiền kinh doanh trong quý của doanh nghiệp, công ty ghi nhận âm 4.730 tỷ đồng mục tăng các khoản phải trả, trong khi cùng kỳ ghi nhận 1.452 tỷ đồng. Do đó, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh âm 2.445 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 1.512 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tiền chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định, tài sản dài hạn khác và để cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác tăng, do đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của công ty ty âm 1.408 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận gần 616 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm cuối quý I/2022, tổng tài sản của Vinaconex là 30.629 tỷ đồng, giảm 341 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn 10.416 tỷ đồng. 

Giá trị tồn kho là 3.774 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm nhờ tăng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, thành phẩm và hàng hóa bất động sản. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 3.643 tỷ đồng, chiếm 97% trong tổng tồn kho của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn là 831 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với đầu năm và chi phí xây dựng cơ bản là 3.515 tỷ đồng, tăng 82%. Sự tăng trưởng tại các mục chi phí này chủ yếu đến từ việc ghi nhận thêm chi phí tại dự án Cái Giá Cát Bà với giá trị lần lượt là 719 tỷ đồng và 1.805 tỷ đồng sau khi công ty hoàn tất nâng sở hữu tại Vinaconex ITC.  

 Dự án Cát Bà Cái Giá. (Ảnh: Vinaconex).

Về phần nợ vay tài chính, tại thời điểm cuối quý I, tổng nợ vay tài chính của công ty là 9.902 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm và cao gấp 1,08 lần so với vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, chiếm 61% trong số đó là nợ trái phiếu với giá trị 6.079 tỷ đồng.

Tag:
chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.