Năm 2020, khởi đầu bằng cuộc khủng hoảng mang tên "đại dịch Covid-19" – một khởi đầu theo cách không ai mong muốn. Đến nay, toàn cầu đã ghi nhận gần 79 triệu ca nhiễm, hơn 1,7 triệu ca tử vong.
Trong bối cảnh các nước vẫn đang ghi nhận số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày, Việt Nam được nhắc đến như một kỳ tích trong chống dịch Covid-19.
Việt Nam xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1, là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc.
Ngày 27/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần "chống dịch như chống giặc", yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Một tuần sau khi có ca nhiễm đầu tiên, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 được thành lập, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu.
Ban chỉ đạo đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch theo 5 phương châm: Ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để.
Từ 0h ngày 22/3, Chính phủ tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam. Đến đầu tháng 4, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Từ 1/4, Việt Nam cách ly toàn xã hội trong 15 ngày. Đến cuối tháng 7, khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát tại Đà Nẵng, nơi đây cũng nhanh chóng áp dụng cách ly toàn thành phố.
Đầu tháng 12, sau 88 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam xuất hiện ca mắc mới là bệnh nhân 1347 – giáo viên tiếng Anh ở TP HCM. Người này trước đó tiếp xúc gần với nam tiếp viên Vietnam Airlines (BN1342). Hai trường hợp lây nhiễm từ bệnh nhân 1347 lần lượt được Bộ Y tế công bố sau đó là BN1348 và BN1349.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu UBND TP HCM chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, với tinh thần cao nhất, đạt kết quả tối đa, không để lây lan vòng ba.
Hiện cả 4 người này đều đã khỏi bệnh, tiếp tục cách ly theo quy định.
Nhờ những biện pháp quyết liệt trong truy vết, khoanh vùng, dập dịch, Việt Nam đến nay mới xuất hiện hơn 1.400 ca bệnh, phần lớn là nhập cảnh và 35 ca tử vong. Kỳ tích trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam được truyền thông và bạn bè quốc tế ca ngợi.
Trong Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12/2020, Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam "có thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng Covid-19".
Nói với AFP, ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics, có trụ sở tại Hà Nội, cho biết chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch có thể mang đến nhiều lợi ích trong những năm tới.
Theo ông, cách ứng phó với đại dịch đã "gần như khiến Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới", đồng thời báo hiệu cho các công ty lớn ở nước ngoài rằng họ nên có cái nhìn khác về Việt Nam.
Từ ngày 20/9 đến ngày 28/10, toàn bộ 63 Đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ và các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy.
Tại Hà Nội, sáng 12/10, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.
Trong báo cáo chính trị, Hà Nội đưa ra một số mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, thành phố phát triển theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Ngoài ra, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,5-8%/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2025 theo hướng dịch vụ chiếm 65-65,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%.
Tại TP HCM, Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 14 đến 18/10, phiên khai mạc diễn ra sáng 15/10.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết đến năm 2025, TP HCM cần chuyển dịch để trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 đến 9.000 USD.
Đến năm 2030, TP HCM đặt mục tiêu trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, văn óa, đầu tàu kinh tế số với GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000-14.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Đối với tầm nhìn 2045, TP HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Ngày 19/11, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: "Hội nghị cán bộ toàn quốc của chúng ta đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra và đã thành công tốt đẹp. Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, thành công của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng".
Việt Nam đảm nhận Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thực hiện tốt trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công dưới hình thức trực tuyến và bán trực tuyến tất cả các cuộc họp Cấp cao 36 và 37, cùng hơn 30 cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng và tương đương; các cuộc họp tham vấn, cuộc họp quan chức cấp cao và nhiều hội nghị quan trọng khác.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam còn có nhiều sáng kiến cùng các nước ASEAN và đối tác kiểm soát dịch COVID-19, triển khai kế hoạch phục hồi tổng thể.
Đáng chú ý, Quỹ ứng phó với COVID-19 ASEAN và Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN được thành lập với hàng chục triệu USD được cam kết đóng góp từ các nước ASEAN và đối tác.
ASEAN cũng ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.
Một trong những thành công trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết ngày 15/11 giữa 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. RCEP là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới và tổng GDP 26.200 tỷ USD, gần 30% GDP toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN. "Chúng ta đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực.
Đặc biệt, với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch COVID-19 hiện nay".
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhiệm ba trọng trách quan trọng, là: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, cũng là năm chúng ta tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khối lượng công việc rất lớn, đồng thời lại phải chịu ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực của đại dịch, thiên tai bão lũ…, nhưng có thể khẳng định nước ta đã hoàn thành tốt cả ba trọng trách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử của AIPA, Đại hội đồng AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Với sự dẫn dắt, điều hòa của Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng AIPA 41 đã thành công tốt đẹp. Điều này thể hiện qua sự tham gia đông đủ, ủng hộ của các Nghị viện thành viên, các Nghị viện quan sát viên và nhiều tổ chức Nghị viện quốc tế.
Đại hội đồng lần này đã có nhiều sáng kiến đổi mới thực chất về quy trình thông qua văn kiện họp trực tuyến, số lượng nghị quyết không nhiều, nhưng nội dung khá toàn diện và bao trùm, đáp ứng thiết thực lợi ích của AIPA và các Nghị viện thành viên.
Những nội dung của Năm Chủ tịch AIPA 2020, Đại hội đồng AIPA 41 đã mở ra cho AIPA xác định một Tầm nhìn chiến lược của AIPA cho 5-10 năm tới, khẳng định vai trò của Ngoại giao Nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển, Cộng đồng của người dân, hướng tới người dân, hòa bình và thịnh vượng.
Năm 2020 ghi dấu ấn với việc Việt Nam đạt thành công trong đàm phán hàng loạt thỏa thuận thương mại quan trọng.
Một trong những thành tựu đáng chú ý là đàm phán thành công Hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 9 năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hiệp định này sẽ như một tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại, nối liền Việt Nam và châu Âu. Từ đây, người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp của hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau.
Có hiệu lực từ 1/8, EVFTA xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và châu Âu trong 10 năm tới. Hai phần ba (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực.
Đầu tháng 12, Việt Nam cũng đã hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). UKVFTA sẽ tiếp nối quan hệ thương mại Việt – Anh khi EVFTA không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020 vì Brexit. Hiệp định có hiệu lực vào đầu năm sau.
Theo Bộ Công thương, việc ký kết UKVFTA sẽ giúp Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.
Cũng trong năm 2020, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)
RCEP đã tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường 2,2 tỷ dân, chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26.200 tỷ USD, tương đương 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu.
Ngày 3/6, Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
Trong bối cảnh toàn cầu suy thoái nghiêm trọng, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về kinh tế. Chính phủ nhấn mạnh và kiên trì theo đuổi mục tiêu kép, song song phòng chống dịch và phát triển phục hồi kinh tế. Chính phủ nhận định kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng dương, đạt mức từ 2-3%, đứng đầu ASEAN và đứng thứ 2 trong các nước châu Á – Thái Bình Dương. Đây là cố gắng rất lớn khi các nước ASEAN đều tăng trưởng âm.
Cuối tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020. IMF cho rằng nhờ ứng phó nhanh chóng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, kinh tế Việt Nam năm 2020 dự báo tăng trưởng 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Báo cáo Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12 năm 2020 của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam.
Báo cáo cho rằng cho dù phải thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 2,8% trong năm 2020.
Tuy thấp hơn khoảng 4,2 điểm phần trăm so với thành tích những năm gần đây, Việt Nam vẫn nằm trong vùng tăng trưởng dương khi nền kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%. Tại khu vực Đông Á, chỉ có hai quốc gia khác là Trung Quốc và Myanmar dự kiến tăng trưởng GDP dương trong năm nay.
Nhờ chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 11 tháng, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
"Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 10 và 11 năm 2020. Có 15 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11 đạt trên 75%, trong đó 9 Bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 2/12.
Chính phủ nhận định việc tiếp tục đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM.
Năm 2019, TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước, chỉ sau GRDP của Hà Nội và lớn hơn Bình Dương, Đồng Nai.
Nghị quyết nêu rõ: "Thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56km2 diện tích tự nhiên và qui mô dân số 1.013.795 người".
Sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua việc thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Nghị quyết quyết nghị thành lập TP Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và qui mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc.
Sau khi thành lập, TP Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.
Trong đề án thành lập TP Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng việc thành lập TP Phú Quốc là cần thiết để thiết lập mô hình quản lý mới theo mô hình chính quyền đô thị cho phù hợp và tạo sự cân đối và phát triển đô thị giữa các khu vực, vùng miền cả nước.
Ngoài ra, việc thành lập thành phố sẽ tạo sự hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch của cả vùng và khu vực.
Bên cạnh những điểm sáng, năm 2020 cũng là năm xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai bất thường, cực đoan. Đáng chú ý là đợt lũ lịch sử ở miền Trung trong hai tháng 10 và 11 với 8 cơn bão liên tiếp đổ bộ, trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Lượng mưa lớn đổ dồn về khu vực, khiến nhiều địa phương tại miền Trung bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn.
Trong báo cáo tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung gửi tới Quốc hội, Chính phủ nhận định "tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.
Các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sỹ.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, thiên tai năm qua đã làm 291 người chết, 64 người mất tích. Trong đó, số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất 132 người, lũ 108 người. Thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 35.000 tỷ đồng.