40 năm trước, có một chiếc xe mì vịt tiềm cọc cạch bên góc đường Nguyễn Trãi. 30 năm trước, trên đường Châu Văn Liêm “mọc” lên một hàng chè Hoa chỉ vỏn vẹn 2 chiếc bàn gỗ con con cùng 4 món chè không hơn. Hơn 10 năm trước, ở một góc nhỏ tít sâu trong con đường một xoẹt Gia Phú, một quán ăn mang tinh hoa của ẩm thực Phúc Kiến đã đến để phục vụ người Việt.
Sau từng ấy năm, chiếc xe đẩy nhỏ bé đã vươn mình thành tiệm mì nổi tiếng; quán chè năm nào đã trở nên thật “lớn lao" với một thực đơn đa dạng; quán ăn Phúc Kiến đã thành điểm đến yêu thích của hàng trăm tín đồ sành ăn. Đan xen giữa hình ảnh quen thuộc ấy là màu áo xanh, đỏ… của những tài xế giao thức ăn đang nhộn nhịp ra vào.
Nhìn lại quận 5 - Chợ Lớn, chừng ấy năm qua đi là biết bao sự thay đổi, song, cái hương vị sơ khai ban đầu của những món ăn vẫn còn đó - vẹn nguyên và đủ hấp dẫn “bao tử” của biết bao người.
Đón một chuyến GrabBike dạo quanh khu vực quận 5 - Chợ Lớn, so với nhiều năm trước, những ai xa nhà dễ nhận ra sự đổi thay với nhiều toà nhà cao tầng, dòng xe cộ như nêm và hàng quán thì tấp nập. Duy chỉ còn một điều không đổi, đó là hương vị đặc trưng của những món ăn đã làm nên “cốt cách”cho khu vực này.
Dimsum là một trong những món ăn đa dạng nhất ẩm thực Trung Hoa, khi có đến hàng trăm loại nguyên liệu và cách chế biến khác nhau. Nhâm nhi lớp bánh mềm, nóng hổi với phần nhân vừa miệng, nhấp ngụm trà bửu lỉ dịu ngọt, bạn sẽ cảm thấy khoan khoái và dễ chịu đến lạ lùng.
Thỉnh thoảng, bóng dáng các tài xế GrabFood đến lấy những phần dimsum hấp dẫn mang đến cho thực khách ở xa. Có người đặt một, hai phần; có người đặt nhiều phần, kèm trà. Nhờ những người tài xế công nghệ, thực khách dù ở đâu cũng có thể dễ dàng tận hưởng thức quà sáng đặc trưng của quận 5.
Đồng hồ điểm 11h cũng là lúc bạn có thể chiêu đãi chiếc bụng đói của mình bằng một bữa ăn ấm cúng. Ghé vào một tiệm mì nhỏ nhắn trên góc đường Nguyễn Trãi, dù là người yêu thích hương vị nguyên bản, truyền thống hay muốn thưởng thức sự cách tân, mới mẻ, bạn đều có thể hài lòng với hai lựa chọn: Mì vịt tiềm mềm và mì vịt tiềm giòn.
Một tô mì vịt tiềm đúng vị phải là sự kết hợp hài hoà giữa sợi mì vừa chín tới cùng nước dùng được nấu từ những nguyên liệu cao cấp, nêm nếm vừa vặn.Bên cạnh mì vịt tiềm, sủi cảo tôm, gà ác tiềm thuốc bắc… cũng là những món ăn được nhiều thực khách yêu thích mỗi khi nhắc đến Thiêm Huy Mì Gia. Từ gia vị đến nguyên liệu đều chuẩn chỉnh, cách chế biến vẫn giữ vẹn nguyên công thức của 40 năm trước, tất cả chỉ nhằm một mục đích duy nhất - để thực khách tìm được hương vị thân thuộc như thể họ đang dùng bữa tại nhà.
Ghé Gia Phú Phúc Kiến một buổi chiều tháng 12, người ta cảm thấy sự dễ chịu, nhẹ nhàng và an yên như đang được dùng bữa tại gia đình. Nhắc đến món ăn “biển hiệu" của quán - Phật nhảy tường, những thực khách sành ăn hẳn vẫn nhớ như in độ thanh ngọt của nước dùng, vị hậu nồng ấm, bào ngư vừa chín tới, mềm và ngọt, mùi thơm thoang thoảng của hải sản khô đặc trưng nhưng không quá nồng.
Anh Đức, chủ nhà hàng Gia Phú Phúc Kiến, chia sẻ: “Một chén ‘Phật nhảy tường’ là tinh hoa từ nhiều nguyên liệu quý hiếm, gồm hải sâm, bào ngư, bong bóng cá, gân heo, vi cá, sò điệp khô Nhật. Mỗi nguyên liệu có một cách xử lý riêng.
Ví như hải sâm phải ủ 2 lần nước sôi tới khi nở ra, mất khoảng 3-4 ngày. Vi cá được ngâm đến khi mềm và đem hấp nhiều lần. Bong bóng cá và gân heo sau khi chiên được mang đi ủ để khử mùi đặc trưng. Sau bước sơ chế nguyên liệu là hầm nước dùng từ rau củ. Cuối cùng là bước cho nguyên liệu được sơ chế vào thố, châm nước dùng rồi mang đi tiềm khoảng 3 tiếng đồng hồ”.
Điểm đến cuối cùng trong một ngày tự do chiêu đãi chiếc bụng chính là quán chè 30 năm tuổi, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người - chè Hà Ký. Nép mình bên góc đường Châu Văn Liêm, quán chè Hà Ký nom có vẻ giản dị hơn nhiều so với sự nức tiếng của nó. Cửa quán khá hẹp, 1-2 anh GrabFood ghé đến mua mang đi cũng đã choán gần hết lối vào.
Nhưng cũng ít ai biết, chè Hà Ký ngày nay đã mở rộng ra nhiều so với thuở ban đầu. Ngày trước, nơi đây chỉ là một quán chè có 2 chiếc bàn gỗ với vỏn vẹn 4 món: Chè đậu đỏ, chè đậu xanh, hột gà trà và cháo đậu phộng. Sau một thời gian, cô Hà Thị Đoan (chủ quán chè) đổi từ cháo đậu phộng sang chè mè đen. Rồi không biết từ khi nào, chè mè đen trở thành “đặc sản”, làm nên tên tuổi của Hà Ký.
Nguyên liệu chỉ đơn giản là mè đen, đường, nhưng chén chè với lớp nước sóng sánh đẹp mắt, vị ngọt thanh, mùi thơm thoang thoảng lại đi vào lòng người ngay từ muỗng đầu tiên. Cô Đoan cho biết bước quan trọng quyết định hương vị của một chén chè mè đen chính là công đoạn rang mè - chỉ rang chuẩn mới cho hương thơm đặc trưng.
Nhìn quán đổi thay và phát triển mỗi ngày, cô Đoan phấn khởi: “Ngày xưa, khách hài lòng và thích hương vị chè của mình sẽ quay lại lần hai, lần ba và nhiều lần sau đó. Còn bây giờ, người ta review trên mạng xã hội. Nhìn từng lượt tài xế áo xanh đến quán lấy chè đi giao, mình mới biết món chè Hà Ký hấp dẫn thực khách đến mức nào. Không biết từ bao giờ, những chiếc áo màu xanh của tài xế giao hàng đã trở thành hình ảnh quen thuộc trước quán chè Hà Ký”.
Nói đoạn, cô Đoan lại xoắn xít trò chuyện với các anh tài xế GrabFood. Cô hay hỏi về những thực khách đang đợi, hỏi về những địa chỉ xa xôi nào đó đang có người chờ để thưởng thức món chè mình làm ra.
Một ngày vòng quanh quận 5 - Chợ Lớn, không khó để bất kỳ ai cũng có thể nhận ra rằng, cầu kỳ, lâu đời và đa dạng là 3 điểm nổi bật khi nhắc đến ẩm thực nơi đây. Mỗi ngày, ẩm thực quận 5 - Chợ Lớn lại được nhắc đến nhiều hơn, không chỉ người sành ăn mà cả du khách cũng tò mò tìm hiểu.
Khi tuổi đời của những quán ăn lớn dần theo tuổi người, việc có khách hàng cả 2-3 thế hệ là câu chuyện quen thuộc. “Hai đứa ấy ghé ăn từ hồi mới thương nhau, sau lấy nhau sinh con, thỉnh thoảng vẫn chở cả nhà đến đây, gọi lại những món ăn quen thuộc” luôn là câu chuyện mở đầu vừa thân thương vừa đầy ắp tự hào của những chủ quán tại quận 5 - Chợ Lớn.
Không phô trương, không cầu kỳ, cũng chẳng hề đặt nặng doanh thu, với những người chủ quán ở đây, việc mang đến trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn cho từng thực khách mới là điều quan trọng hơn cả.
Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, từ miệng truyền miệng, truyền tai, tiếng tăm của những quán ăn quận 5 lan toả qua những bài viết ẩm thực, hiển hiện trên những bức tranh tường, những trang sách ảnh, hay những Lễ hội ẩm thực như “Chợ Lớn Food Story” mà chính quyền quận 5 hợp tác cùng nền tảng giao thức ăn - GrabFood.
Trải qua mấy mươi năm hình thành và bảo tồn bản sắc riêng cũng là chừng ấy năm công nghệ dần len lỏi vào từng tế bào của ẩm thực nơi đây, ngày một gắn bó, ngày một sâu sắc. Chẳng còn chỉ mang nhiệm vụ chuyên chở tinh hoa ẩm thực nơi đây đi khắp Sài thành, giờ đây, các dịch vụ như GrabFood đã trở thành một phần quen thuộc, hoà mình trong bức tranh ẩm thực của quận 5 - Chợ Lớn. Cũng chính những nền tảng công nghệ ấy, tựa như một chuyên gia ẩm thực thực thụ, kể lại câu chuyện ẩn sau từng món ăn, giúp người sành ăn hiểu rõ hơn về vẻ đẹp nằm sau lớp áo thời gian của nền ẩm thực của khu vực này.
Một món ăn ngon sẽ luôn nhận được những lời khen, nhưng để trở nên đặc biệt trong lòng người thưởng thức, món ăn ấy cần kể được câu chuyện văn hóa ẩn phía sau. Và những dự án như “Chợ Lớn Food Story" chính là “người giao hàng" cần mẫn, đưa văn hoá ẩm thực đến mỗi người trong cộng đồng, để mỗi món ngon không dừng lại ở hương vị, mà còn được lan tỏa bởi câu chuyện văn hoá từ chính nơi làm nên món ăn ấy.
Giang Ngân Nhi - Minh San
Thiết kế: Yến Lệ