Nuôi con trầm cảm, cháu bại não, làm mất xe máy xịn của khách... bác bảo vệ già được cộng đồng mạng góp tiền giúp đỡ 100 triệu đồng nhưng xin chỉ nhận 40 triệu đồng để bồi thường, phần còn lại ông mang làm từ thiện với suy nghĩ giản đơn: "Mình khổ cực thật nhưng mình bươn chải được, ngoài xã hội còn có những người rất khó khăn".

Nên duyên vì cùng phải lòng một bài nhạc

Cô Trần Thị Kim Dung sinh ra tại Quảng Trị. Vào khoảng năm 1975-1976 cô thiếu nữ  theo học tại trường Kỹ thuật Nông Nghiệp. Đến năm 1978, người con gái năm ấy đi buôn ra Đông Hà (Huế) – cậu thanh niên Nguyễn Quốc Hưng làm nghề sửa đồng hồ.

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 1.

Ông Hưng, bà Dung cùng hai đứa cháu ngoại sinh đôi. Trong khi bé em bình thường thì bé chị (áo hồng) bị bại não. Người con trai của đôi vợ chồng bị bệnh trầm cảm, suốt ngày thu mình trên căn gác của phòng trọ.

"Kết thúc một ngày làm việc, tôi thường đến tiệm giặt ủi. Có một hôm tôi gặp được cô, là một khách đường xa đến tiệm. Ở cô, tôi thấy có sự đồng cảm nào đó...", chú Hưng kể rồi quay sang nhìn người vợ đang đưa tay che mặt với chút thẹn thùng.

"Hồi trẻ tôi hay đi uống cà phê, nghe nhạc và vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi hẹn hò nhau ở một quán quen và thường nhờ họ mở cho nghe 'Bài ca không tên số 8'", người đàn ông tuổi gần 70 móm mém cười, nhớ lại một phần kí ức của thanh xuân.

"Bài hát đó hợp với tâm trạng của chúng tôi. Ông thích nghe thôi nhưng không biết hát đâu", cô Dung nói rồi cười giòn. Ngừng một lát cô tiếp lời: "Hồi đó tôi cũng không nghĩ sẽ lấy ông ấy, nhưng rồi duyên số đưa đẩy..."

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 2.

Bà Dung thoáng thẹn thùng khi nhắc lại chuyện tình đẹp với chồng cuối thập niên 70 thế kỷ trước

Cuộc nói chuyện đang vui bỗng nhiên trầm lại khi cô nghĩ về cuộc hôn nhân đẹp nhưng có phần bất hạnh. "Ngày xưa khi còn con gái, tôi ở với cha mẹ vẫn rất sung sướng. Nhưng lấy chồng rồi là tôi... khổ từ lúc đó đến giờ", cô nói hơi buồn nhưng không hề có chút tiếc nuối nào.

Thế rồi, nước mắt chợt chảy dài trên đôi gò má gầy hao của người mẹ già, khi cô nghĩ về hai đứa con - người con trai đầu trầm cảm và người con gái út "gãy gánh giữa đường".

Tai họa ập đến vào năm 1994, khi con trai cô là anh Nguyễn Trần Anh Tuấn theo học lớp 4. Vào một buổi chiều mưa, Tuấn vội vã đến lớp thì bị một chiếc xe tông ngay trước cổng trường. Cặp vợ chồng sau đó bàng hoàng khi bác sĩ thông báo con bị chấn thương não nghiêm trọng. Sau ba tháng nằm viện, Tuấn như trở thành một đứa trẻ, không biết gì.

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 3.

Bà Dung bật khóc khi nhớ lại thời điểm người con trai không may gặp nạn

"Người ta đụng con tôi nhưng chỉ đưa vô tới bệnh viện rồi bỏ mặc. Để cứu con, tôi phải đi vay của hàng xóm mỗi người một ít được 34 triệu đồng chi trả viện phí. Thời ấy, 34 triệu là vô cùng lớn", cô Dung kể, giọng đứt quãng, nghẹn ngào.

"Sau đó hai vợ chồng tôi cố gắng dành dụm rồi xin trả dần. Thời gian ấy chắc là lúc gian nan nhất. Bởi vì từ đó, gia đình tôi không thể vươn lên nổi...", giọng ngậm ngùi, chú Hưng chen vào vì thấy vợ oà khóc không nói nên lời.

Im lặng hồi lâu, cô nghẹn ngào nói: "Con gái tôi còn đáng thương hơn...". Thế rồi, người mẹ bỏ lửng câu nói, liên tục đưa tay lao dòng nước mắt chảy tràn.

Cố gắng lấy lại bình tĩnh, cô kể: "Sau khi anh trai bệnh, nó nghỉ học để đi làm phụ mẹ khi chỉ mới 12 tuổi. Đến năm 2010, nó lấy chồng. Nhưng bất hạnh vì làm dâu gia đình không phù hợp nên hai vợ chồng li hôn. Lúc đó hai đứa con gái sinh đôi của nó chưa tròn một tuổi. Số tiền bên chồng chu cấp quá ít ỏi, mẹ con nó phải về ở với ngoại".

Đã có lúc, người phụ nữ này nghĩ rằng niềm đau và sự bất bất hạnh của gia đình mình được đẩy lên đến tột cùng. Vì không chỉ con trai trầm cảm, con gái không trọn vẹn trong hôn nhân, mà một trong hai đứa cháu ngoại bà hết mực yêu thương cũng mắc phải căn bệnh bại não.

"Nhiều lúc tôi bật khóc và tự hỏi trời cao rằng mình đã làm sai điều gì. Mình không ăn ở thất đức sao lại gặp nhiều biến cố bất hạnh như vậy", cô nức nở.

"Con ơi, ba làm mất xe rồi, chắc đợt này ba đi ở tù quá"

Sau năm 2000, chú Hưng nghỉ nghề sửa đồng hồ vì mắt kém. Lúc ấy, chú chuyển sang chạy xe ôm, còn cô vẫn bán hàng rong.

Thế nhưng, theo lời chú, thời tiết ở quê "6 tháng làm, 6 tháng ăn vì mỗi khi đến mùa thu đông thì trời mưa gió, buôn bán ế ẩm". Cứ thế, mỗi năm họ lại làm "âm nhiều hơn dương", ngày càng nghèo khó.

Bác bảo vệ kể về thời điểm bị những kẻ bất lương dàn cảnh trộm mất chiếc xe SH của khách

Nghe lời bạn bè nói niềm Nam sinh sống dễ, đầu năm ngoái, cả gia đình 6 người họ dắt díu nhau vào Sài Gòn. Tại đây, họ thuê một căn trọ khoảng chừng 16m2, dù nhỏ nhưng là nơi ăn chốn ở của cả 3 thế hệ.

Hiện tại cô bán vé số, còn chú làm bảo vệ. Cuộc sống bây giờ dù chật vật nhưng vẫn hơn ở quê, mỗi người góp một tay nên tạm ổn, đỡ phần lo nghĩ.

Hàng ngày, cô thức dậy từ sớm nấu cơm cho cả nhà rồi đi bán vé số. Nếu bán hết sớm thì 11h trưa cô về, nhưng mấy hôm bán chậm thì đến 13h mới xong. Chiều đến, 16h cô lại đi bán đến tối trễ. Mỗi ngày cô bán 100 tờ vé số, hôm nào ế phải trả lại 20 tờ. Những lúc trưa mệt quá, cô ghé lại dọc đường, ngồi nghỉ dưới bóng cây.

"Nghề bán vé số dù rất tầm thường, nhưng mình làm đúng lương tâm và không lừa đảo ai thì tôi đã thấy vui vẻ, thoải mái rồi", cô cười.

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 5.

Hai đứa cháu ngoại sinh đôi dễ thương như thiên thần của ông Hưng, bà Dung

Còn chú, dù tuổi gần 70 nhưng mỗi ngày phải thức đêm trực hai ca bảo vệ. Chú đi làm từ 19h tối cho đến tờ mờ sáng hôm sau mới được về nhà ngã lưng.

Nghĩ lại tai nạn vào tối 10/3, chú kể: "Hôm ấy, một người đàn ông tầm 30 tuổi chạy tới hỏi tôi đường về Linh Xuân (Thủ Đức). Tôi nghe giọng miền Trung quê mình, nghĩ họ không biết đường thật nên thật thà ra chỉ. Thế là họ dàn cảnh che tầm nhìn của tôi để cho đồng bọn bẻ khoá chiếc SH đi".

Lúc biết mất xe, chú chỉ biết đứng khóc nức nở. Giá chiếc xe đến 40 triệu đồng. Đêm đó,  chú bảo vệ già ngồi lẩm nhẩm mãi: mỗi tháng lương 5 triệu, trả tiền nhà hết 2 triệu rưỡi, tằn tiện không ăn uống thì hơn 1 năm mới trả đủ.

"Thế nhưng, cả nhà còn 6 miệng ăn vẫn trông chờ vào đồng lương còi cọc của tôi. Tôi không biết làm gì cả, đành ở lại thêm một tiếng nữa để kiếm thêm 15 ngàn đồng. Về nhà cũng không kể cho vợ nghe vì sợ bả lo. Đêm nào đi làm tôi cũng khóc…", mắt chú rơm rớm khi nhớ lại.

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 6.

Ông Hưng bật khóc sau khi bị bọn bất lương dàn cảnh lấy mất chiếc xe máy xịn của khách. Ảnh: Nhất Hoàng

Đến đây, cô chợt cất lời: "Hôm gặp nạn, ông giấu vì sợ tôi lo. Đến hai hôm sau, khi hai cô ở chung dãy trọ lên mạng thì mới nói với tôi 'bà ơi, hình như ông nhà mình bị mất xe' và đưa hình tôi xem thì tôi mới biết. Lúc đó tôi đang phơi áo quần, nghe rồi hai chân rung đứng không vững nữa".

"Trước đó ông về nhà chỉ nói với con trai 'Bi (Tuấn), ba làm mất xe rồi, chắc đợt này ba đi ở tù quá', tôi nghe mà đứt ruột", cô kể lại rồi chậm rãi chuyển ánh nhìn xót xa sang người bạn đời tội nghiệp.

Nhưng may thay, ngay tối hôm đó chú gọi về báo "bà ơi người ta cho đủ tiền xe rồi, đừng lo nữa". Hay tin, cô nhờ người đăng lên mạng cảm ơn cộng đồng. "Đêm đó tôi mừng đến ngủ không được", người phụ nữ cười ra nước mắt.

Chú cũng phá lên cười theo giòn giã vì trút được một tảng đá đè nặng trong lòng. "Nhiều người dân thương tôi gặp nạn nên đăng tin mạng kêu gọi giúp đỡ. Sau đó có rất nhiều người tìm tới quán cà phê, gom góp mỗi người 300 nghìn đồng, 500 nghìn đồng... cho tôi. Chẳng mấy chốc là đủ tiền", chú kể.

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 7.

Cộng đồng chung tay góp sức giúp gia đình người bảo vệ nghèo qua cơn hoạn nạn. Ảnh: Nhất Hoàng

Sau đó dù có rất nhiều nhà hảo tâm tìm tới cho tiền nhưng chú Hưng đành từ chối "các cô cậu có thương thì dành số tiền đó cho những hoàn cảnh khó khăn hơn". Vậy mà sáng 13/3, có hai người gọi cho chú và nói rằng "chú ơi, con lỡ nhận tiền ủng hộ của người ta rồi nên chú nhận giúp con, không thì con lại bị nói là lừa đảo".

Ngẫm nghĩ hồi lâu, chú đành nhận số tiền này, nhưng chỉ giữ đúng 4 triệu mua cho nhà cái tủ lạnh, phần còn lại dùng làm từ thiện. Sau đó, người bảo vệ già gửi 10 triệu đồng cho trường tình thương Ái Linh (nơi đứa cháu ngoại đang học lớp 1), 10 triệu nữa dành tặng một bệnh nhi sắp mổ thận tại bệnh viện Nhi Đồng, phần còn lại chú phụ giúp xây dựng lại một tịnh xá ở quê nhà.

"Chú thấy mình là may mắn nhất đời rồi, làm mất chiếc xe của khách 40 triệu, lại được giúp đỡ hơn 100 triệu, nên thôi chia phần may mắn cho người khác. Mình sống khổ, ăn khổ, nhưng tâm hồn an nhiên, không vì việc này mà lấy cơ hội làm giàu cho mình đâu", chú rành rọt chia sẻ, giọng chân thành.

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 8.

Những lúc được ở nhà, ông thường giúp vợ con những chuyện giặt giũ, cơm nước

Tán thành nghĩa cử cao đẹp của chồng, cô Dung từ tốn nói: "Mình khổ cực thật nhưng mình bươn chải được, ngoài xã hội còn có những người rất khó khăn. Làm được việc xuất phát từ cái tâm của mình tôi thấy rất vui".

6 người - một điều ước

Điều ước ấy chính là một sớm mai nào đó họ thức dậy mà đỡ nghĩ về cái ăn, cái mặc hơn. Và... cả gia đình nhỏ 6 người được một lần cùng nhau về thăm lại quê hương.

"Hơn một năm xa quê nhưng chưa lần nào tôi trở về. Hôm mùng 1 Tết đi bán vé số mà nước mắt tôi hai hàng trào ra", cô Dung nghẹn ngào kể.

Còn chú Hưng, chú nói rằng "Tết có thể không về, nhưng giỗ mẹ không thể vắng". Vậy mà, lần giỗ vừa rồi người con xa quê ấy không thể về vì có lúc "nhà chẳng có 20 nghìn để ăn". 

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 9.

Hai đứa cháu ngoại và người con trai bị bệnh trầm cảm đang là nỗi lo lắng không nguôi của vợ chồng ông Hưng.

Hơn thế, tự nhận mình ở tuổi đã "gần đất xa trời", cô Dung bật khóc khi mỗi lần nghĩ đến chuyện vợ chồng mình không may nằm xuống rồi, ai sẽ lo cho các con, các cháu.

"Ở trọ một năm trời mà Tuấn chưa lần nào bước xuống sân tiếp xúc với mọi người. Nó chỉ ở trên gác nhỏ, đến giờ cơm thì xuống ăn. Nhiều lúc tôi vờ nói 'Tuấn à, lâu rồi mẹ chưa đi uống cà phê, chưa được nghe bản nhạc đó, con đi với mẹ đi nhưng nó luôn từ chối", cô Dung nói rồi cúi đầu, hai tay vân vê tà áo.

Theo lời người mẹ già, con gái cô hằng ngày cũng đi bán vé số như mẹ. Nhiều lần chị khuyên cô ở nhà nghỉ ngơi, chăm sóc hai cháu, chị sẽ cố gắng bán thêm 50 tờ mỗi ngày nhưng cô không nỡ vì "nó quá khổ rồi".

"Mỗi ngày đi bán vé số tôi đều chừa lại 2 tờ cầu may. Và hầu như đêm nào trước khi ngủ tôi cũng cầu xin ơn trên khi tôi nhắm mắt thì các con có nơi ăn chốn ở, có thể sống tốt hơn", cô bộc bạch.

Chuyện tình đẹp như phim của bác bảo vệ già bị dàn cảnh trộm xe SH, bật khóc nức nở giữa Sài Gòn - Ảnh 10.

Mong ước của chú Hưng là năm nay gom góp đủ tiền để đưa cả gia đình về quê giỗ mẹ

Còn chú, vẫn với nụ cười lạc quan, nói rằng: "Không đủ tiền để cả nhà cùng về quê, thì tôi ráng để dành tiền để về giỗ mẹ trước. Rồi sau khi vô lại Sài Gòn, tôi tiếp tục đi làm bảo vệ để kiếm tiền nuôi mấy đứa nhỏ, lần lượt dắt từng người về thăm quê. Cuộc sống vô thường, tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều đâu, mình ráng sống tốt là được".

Gần 70 tuổi, đôi vợ chồng vẫn phải ngược nắng, ngược gió, thức trắng đêm tìm kế sinh nhai, vậy mà họ vẫn giữ nụ cười thật hiền và trái tim ấm áp...

-----

Bài: Ngự Kỳ 

Theo Đời sống & Pháp lý