Thời gian gần đây, ý thức bảo vệ môi trường của không ít bạn trẻ đã được cải thiện đáng kể. Bằng chứng là hàng loạt trào lưu được khởi xướng trên mạng xã hội như thử thách dọn rác #ChallengeForChange hay thử thách không dùng đồ nhựa #LessPlasticChallenge…
Chỉ cần gõ những hashtag nói trên lên thanh tìm kiếm của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay YouTube, chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều hình ảnh, bài viết mang màu sắc hưởng ứng, cổ động hay những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường.
Đơn giản nhất là không ít quán cà phê, cửa hàng thực phẩm đã chủ động hạn chế tối đa số lượng đồ nhựa thải ra môi trường như đã sử dụng đồ làm bằng thủy tinh, inox, những nguyên liệu thân thiện với môi trường như bột gạo, tre, giấy… thay vì những đồ nhựa, đồ xốp dùng một lần.
Hay những trào lưu đó cũng đã thay đổi thói quen của không ít tín đồ phong cách sống "mì ăn liền".
Giới trẻ đã kì công hơn trong việc tự sắm cho mình những hộp cơm văn phòng, bình nước hay chịu khó mang những túi bao bố, giỏ, làn ở nhà đi siêu thị, chợ để không phải đụng đến những hộp xốp, li nhựa, những túi bóng mà mất cả trăm năm mới phân hủy, họ đã kêu gọi cộng đồng mạng cùng lan tỏa những thông điệp ý nghĩa đó.
Thành công công hơn cả là trào lưu dọn rác với hashtag #ChallengeForChange. Bắt nguồn từ một lời thách thức từ một chàng trai nước ngoài, trào lưu đã nhanh chóng lan tỏa trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó.
Sau khi đã tìm thấy địa điểm thích hợp là những bãi đất với ngổn ngang rác thải, nhiều bạn trẻ đã xắn tay lên, cùng quét dọn, thu gom rác vào bao tải và chụp những bức hình kỉ niệm cho thấy rõ sự thay đổi của vùng đất trước và sau thử thách.
Thông điệp ý nghĩa của trào lưu này ngày càng được nhân rộng bởi những bức hình đăng tải trên mạng xã hội kèm lời "thách thức" bảo vệ môi trường. Không đơn thuần là một trào lưu vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội mà #ChallengeForChange đã dần thay đổi ý thức của không ít người.
Giới trẻ đã kì công hơn trong việc tự sắm cho mình những hộp cơm văn phòng, bình nước hay chịu khó mang những túi bao bố, giỏ, làn ở nhà đi siêu thị, chợ
Nhiều hệ thống siêu thị, nhà cung cấp cũng không nằm ngoài xu hướng, nằm ngoài những "thách thức" vô hình trên mạng xã hội khi đã sử dụng bao bì có khả năng phân hủy hay thậm chí không dùng nilon mà thay vào đó là dùng lá chuối, hộp giấy để đóng gói sản phẩm.
Cũng từ sự thành công của những thử thách trên mạng xã hội, người ta lại nhớ đến một qui định đã ban hành được gần nửa năm, vô cùng ý nghĩa với môi trường mà mãi "chưa qua nổi vạch xuất phát".
Vào cuối năm 2018, qui định về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cùng với những chế tài xử phạt cứng rắn đã khiến những người sinh sống, làm việc tại TP HCM nảy ra nhiều tranh cãi.
Theo đó, trước khi thải chất thải rắn sinh hoạt, các hộ dân phải chủ động phân loại, xử lí thành ba nhóm rác: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy; Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng; Nhóm chất thải còn lại.
Xét về mặt lí thuyết, qui định này và việc thực hiện qui định này đến hiện nay vẫn còn khá mới mẻ và gây nhiều tranh với không ít người. Nhưng có lẽ người dân chỉ "lạ" từ "qui định" chứ không hề lạ với việc phân loại rác thải bởi từ lâu, khái niệm về phân loại rác thải đã được nhắc đến khá nhiều lần.
Đơn cử như vào năm 2006. Mô hình 3R - Dự án phân loại rác tại nguồn do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ về vốn được thực hiện tại Hà Nội đã gây được tiếng vang, tác động phần nào đó vào ý thức môi trường của người dân nhưng cũng nhanh chóng chết yểu…
Năm 2009, JICA đã chuyển giao toàn bộ cho công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội – URENCO. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn chuyển giao, những thùng rác màu xanh, màu vàng đã bị "cướp" mất màu sắc để phân biệt "nhiệm vụ" mà nó phải làm và rồi xanh hay vàng thì cũng là thùng rác, đều phải chấp nhận tất cả các loại rác mà người dân vứt vào chứ không có quyền chọn lọc.
Hay chẳng cần nhắc đến dự án môi trường nào, từ rất lâu, người dân đã dần hình thành trong mình ý thức phân loại rác thải nhưng chỉ dựa trên duy nhất một tiêu chí và tiêu chí đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của người chủ vựa, chuyên thu mua ve chai. Và chính vì thế, nhiều người chỉ biết đến lợi ích của phân loại rác tại nguồn là chút hầu bao mà người bán ve chai đem lại chứ không hề nghĩ sâu, xa hơn là những lợi ích lâu dài, là bớt cực khổ cho những người thu gom rác thải hay đỡ hại cho môi trường.
Và có lẽ, nói về phân loại rác thải thì ai cũng biết nhưng lại chẳng ai nắm rõ phân loại rác thải theo qui định phải làm như thế nào.
So sánh qui định phân loại rác thải tại TP HCM với thử thách dọn rác #ChallengeForChange, có lẽ việc phân loại rác thải dễ dàng hơn nhiều bởi "người tham dự" sẽ không phải tìm địa điểm để thực hiện, càng không phải bỏ công, bỏ việc để đến những địa điểm ngổn ngang rác thải, xắn tay vào trực tiếp dọn dẹp mà chỉ cần sắm thêm một chiếc thùng rác cho căn nhà/địa điểm làm việc của mình và thực hiện nghiêm chỉnh việc phân loại rác thải là đã "hoàn thành chỉ tiêu".
Và từ sự thành công của những trào lưu trên mạng xã hội, câu hỏi đặt ra hiện tại là có nên thay "qui định" yêu cầu người dân phân loại rác thải bằng một "thử thách" hay không?
Bài: Mai Trịnh
Trình bày: Cô Trịnh
Theo Đời sống & Pháp lý