Thiếu tá Đào Văn Út (Đội trưởng Đội CSGT Phú Lâm, thuộc PC08, Công an TP.HCM) cho biết người vi phạm không đến thực hiện quyết định xử phạt để nhận lại bằng lái xe (hay còn gọi Giấy phép lái xe - GPLX) gây nhiều khó khăn cho CSGT.
Thiếu tá Út chia sẻ, ở Đội CSGT Phú Lâm, có những trường hợp 10 năm trôi qua nhưng người vi phạm vẫn không đến đóng phạt để nhận lại GPLX.
Hiện Đội CSGT Phú Lâm đang tạm giữ 7.708 GPLX mà người vi phạm chưa đóng phạt, chủ yếu là GPLX hai bánh. Các tủ chứa hồ sơ của đội đều chật kín vì GPLX.
Các hành vi vi phạm thường gặp và bị tước GPLX thường gặp nhất là: đi ngược chiều, đi vào đường cấm, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, chở hàng quá khổ quá tải,…
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), mỗi năm đều có hàng vạn GPLX bị tạm giữ để thực hiện quyết định xử phạt và bị tước do vi phạm đã hết thời gian tạm giữ nhưng người vi phạm không đến nhận.
Riêng năm 2018, tổng GPLX tồn của PC08 là: 22.795. Trong đó, số lượng GPLX bị tạm giữ để đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt là 13.695; Số lượng GPLX bị tước do vi phạm là: 9.100.
Hiện nay chưa có văn bản nào quy định về lưu trữ GPLX mà người dân không đến nhận thì sẽ được lưu trữ trong bao lâu, nhưng PC08 thường lưu trữ trong 10 năm rồi mới lập hội đồng tiêu hủy.
Mỗi đợt như vậy, một đội CSGT thường phải thuê cả xe tải mới chở hết GPLX tồn đọng để đi tiêu hủy.
Gần 160.000 bằng lái xe bị bỏ lại- Cực công thi, rồi cố tình 'bỏ quên' cho CSGT.
Ngày 28/12/2016, Cục CSGT Bộ Công an đã có Văn bản số 5581/C67-P9 về việc phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu về GPLX gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo đó, CSGT nhiều đơn vị địa phương đã phát hiện các trường hợp người lái xe lợi dụng việc báo mất GPLX, nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả… từ đó ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông.
Theo Cục CSGT, trong năm 2015 và 2016, lực lượng CSGT cả nước đã gửi 211.149 thông báo các trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở Giao thông vận tải địa phương.
Từ năm 2017 đến nay, lực lượng CSGT cả nước đã gửi 749.091 trường hợp bị tước GPLX tới cơ quan các cấp (năm 2017 gửi 350.927 trường hợp, năm 2018 gửi 346.486 trường hợp; 2 tháng đầu năm 2019 gửi 51.678 trường hợp).
Bên cạnh đó, còn một lượng lớn GPLX tồn đọng tại các cơ quan CSGT. Thống kê trong hai năm 2015 và 2016 còn 159.515 GPLX liên quan đến tạm giữ, bị tước quyền sử dụng mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận.
Trong đó có 122.137 GPLX bị tạm giữ để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng quá thời hạn mà người vi phạm không đến xử lý, 37.378 trường hợp đã hết thời gian tước quyền sử dụng GPLX nhưng người vi phạm cũng không đến nhận lại.
Theo tìm hiểu, có nhiều lý do mà người vi phạm “bỏ luôn” GPLX khi bị CSGT lập biên bản, như: mức phạt cao hơn chi phí cấp lại GPLX, có một GPLX khác hoặc có GPLX giả; một số trường hợp cũng làm cớ mất đến nơi đã cấp GPLX để xin cấp lại hoặc thi lại GPLX tại một nơi mới.
“Để ngăn chặn tình trạng người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại GPLX mà làm đơn cớ mất xin cấp lại GPLX hoặc thi lại GPLX, thời gian gần đây chúng tôi đã thực hiện việc gửi thông báo đến Sở GTVT các tỉnh nơi cấp GPLX cho người vi phạm rằng chúng tôi đang giữ GPLX để nhằm ngăn chặn hành vi né đóng phạt”, Đội trưởng Đội CSGT Phú Lâm cho hay.
Thực tế, Phòng PC08 đã gửi thông báo tước GPLX trong năm 2018 cho các cơ quan cấp GPLX là 23.944 lượt và gửi 15.699 thông báo nhằm ngăn chặn người bị tạm giữ giấy phép lái xe lấy cớ mất làm lại giấy phép lái xe mới. Thay vào đó người vi phạm phải đến các đơn vị của CSGT để thực hiện quyết định xử phạt.