Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản năm 2020 của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố cho thấy sự lệch pha cung cầu tại TP HCM ngày càng rõ nét.
Trong năm qua, phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi đó, phân khúc căn hộ cao cấp đang có tỷ trọng rất lớn, tạo thêm khoảng cách lệch pha cung cầu, có nguy cơ gây bất ổn an sinh xã hội.
Khảo sát từ thực tế dự án nhà ở đang chào bán trên thị trường, phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ khoảng 70%, đây là thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020. Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên 25% tổng số nhà ở.
Cũng theo đơn vị này, giá nhà vẫn tăng nóng trong năm 2020. Chẳng hạn, căn hộ tại Khu đô thị Thủ Thiêm có giá tương đương khoảng 5.000 - 7.000 USD/m2; tại khu vực quận 9, trên dưới 2.000 USD/m2 tùy vị trí,...
Trong khi đó, căn hộ trung cấp (2 phòng) hiện nay thường có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2).
HoREA cho rằng, mức giá này cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng, tức khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Thực tế này đang diễn ra ngày càng rõ rệt, khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp và trung bình trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Anh Hưng, đang sinh sống tại Quận 9, TP HCM cho biết, dù thu nhập bình quân 2 vợ chồng anh khoảng 40 triệu đồng nhưng hiện vợ chồng anh vẫn quyết định ở nhà thuê. Anh cho biết, giá căn hộ 2 phòng ngủ các dự án đã đi vào hoạt động xung quanh quận 9 có giá bình quân từ 2-3 tỷ đồng/căn.
"Tôi nhiều lần muốn mua căn hộ giá 2,2 tỷ đồng tại khu mình đang sống. Nhưng với số vốn 650 triệu đồng dành dụm được, phải vay thêm 1,55 tỷ đồng nữa với thời hạn 15 năm để mua nhà. Tính cả tiền gốc và lãi mỗi tháng lên đến gần 20 triệu đồng. Như vậy chỉ còn 20 triệu đồng để sinh hoạt hàng tháng cho gia đình 2 vợ chồng hai đứa con nhỏ là không đủ tại Thành phố này", anh Hưng chia sẻ.
Chị Xuân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm, vợ chồng chị có ý định vay ngân hàng để mua một căn hộ rộng 75m2, mức giá khoảng 2,5 tỷ đồng tại khu vực trung tâm. Thế nhưng, sau khi cộng trừ các khoản chi phí, vợ chồng chị đã từ bỏ ý định vì "tá hỏa" với khoản tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng.
"Nếu cộng cả các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình thì mỗi tháng vợ chồng tôi phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng phải từ 30 triệu đồng trở lên mới có thể tạm xoay sở được. Sau khi bàn lại, dù không muốn nhưng vợ chồng tôi đã quyết định làm hồ sơ đăng kí mua nhà ở xã hội", chị Xuân cho hay.
Với số tiền dành dụm được sau nhiều năm đi làm, vợ chồng chị Như (Xuân Đỉnh, Hà Nội) quyết tâm mua một căn nhà để cải thiện cuộc sống. Do tài chính chỉ giới hạn trong khoảng 1,5 tỷ đồng nên sau hơn một tháng chật tháng chật vật tìm kiếm, chị Như vẫn không tìm được một căn hộ như kỳ vọng có vị trí không quá xa trung tâm.
"Cực chẳng đã, vợ chồng tôi quyết định mua một căn hộ ở tận ngoại thành (Thanh Oai, Hà Nội). Tuy khoảng cách từ nhà đến chỗ làm khá xa nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau khắc phục. Những căn hộ ở nội thành đều có giá cao, với thu nhập như hiện nay, chúng tôi phải tích góp thêm 5 năm nữa may ra mới đủ tiền mua", chị Như nói.
Theo thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25 - 30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP HCM trong hai năm qua.
Theo khảo sát của người viết, hầu hết các dự án đang mở bán ở vị trí trung tâm đều có giá rất cao. Đơn cử, dự án The Matrix One (đường Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) có giá bán căn hộ trung bình 50 - 60 triệu đồng/m2. Hay dự án Florence Mỹ Đình đang có giá bán dao động khoảng 30 - 36 triệu đồng/m2.
Ở vị trí xa trung tâm hơn là dự án Le Grand Jardin (KĐT Sài Đồng, phường Phúc Đồng, quận Long Biên). Dự án này đang mở bán với mức giá dao động khoảng 26 - 29 triệu đồng/m2.
Hay dự án Bea Sky Nguyễn Xiển (KĐT mới Tây Nam Kim Giang 1, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) có giá bán dao động khoảng 35 – 40 triệu đồng/m2,...
Theo giới chuyên gia, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao dẫn đến giá tăng vọt và tỉ lệ hấp thụ ở mức cao. Một thực tế là trong khoảng hai năm trở lại đây, Hà Nội và TP HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt.
Thực tế, giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua, thậm chí ngay trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 giá nhà không những giảm như dự báo mà vẫn tiếp tục tăng. Mức giá sơ cấp vẫn neo cao vì chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng và giữ giá.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, cơ cấu giá thành chủ yếu của các dự án nhà ở thương mại, bao gồm 5 khoản chi phí như tạo lập quỹ đất, xây dựng, tài chính, quản lý và chi phí "không tên".
Trong đó, chi phí tạo lập quỹ đất thường chiếm khoảng 15% giá thành đối với dự án nhà chung cư (tùy thuộc dự án cao tầng hay thấp tầng). Ðối với nhà phố chiếm trên dưới 30% giá thành.
Đối với các dự án nhà ở hỗn hợp (gồm nhà chung cư, nhà phố, biệt thự), tùy theo cơ cấu sản phẩm nhà ở của dự án, chi phí này chiếm trên dưới 20% giá thành.
Chi phí xây dựng thường chiếm khoảng 50% giá thành đối với dự án nhà chung cư (tùy thuộc dự án cao tầng hay thấp tầng) và đối với nhà phố vào khoảng 30% giá thành.
Chi phí tài chính bao gồm chi phí trả lãi vay trên nguồn vốn vay để đầu tư thực hiện dự án. Nếu dự án nhà ở thương mại được thực hiện suôn sẻ trong ba năm thì chi phí tài chính thường chiếm khoảng 10%/giá thành.
Còn những chi phí "không tên" thường được các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tính vào khoản chi phí dự phòng.
Thực tế, các khoản chi phí "không tên" là không hề nhỏ, nhưng do không bảo đảm tính hợp pháp của khoản chi, nên không được tính vào chi phí đầu tư dự án. Và cuối cùng chủ đầu tư vẫn tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu, giá cả nhà ở được hình thành trên cơ sở các quy luật khách quan của thị trường, trước hết là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu.
Ngoài ra, giá cả nhà ở còn phụ thuộc rất lớn vào tâm thế thị trường và tâm thế các bên tại thời điểm giao dịch; phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ "cần bán", hoặc "cần mua". Tác động vào tâm lý khách hàng là phương thức được các chủ đầu tư và đơn vị môi giới (kể cả cò đất, cò nhà) thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ bán hàng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lo ngại, hiện nay, nhiều trường hợp thị trường nhà ở bị đầu cơ, hoặc đang trong tình trạng "bong bóng", hoặc đang bị tác động bởi các chiêu thức làm giá, thổi giá, lợi dụng tâm lý đám đông, thì có thể dẫn đến tình trạng giá ảo, khiến cho người có nhu cầu thật khó tạo lập được nhà ở.
Sau khi đã giải quyết được các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, chữa bệnh, học hành thì mối quan tâm lớn nhất của đông đảo người trẻ ở các đô thị hiện nay là nhu cầu tạo lập nhà ở.
Câu hỏi đặt ra là tạo lập bằng cách nào khi sự lệch pha cung cầu ngày càng rõ nét? Tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, căn hộ giá thấp gần như vắng bóng trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu của phân khúc này chiếm tới 70 - 80%, theo thống kê của Bộ Xây dựng.
Còn theo khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá nhà ở Việt Nam đã tăng trung bình 4 - 5%/năm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Và hiện nay, giá nhà vẫn đang tiếp tục tăng trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung và tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Theo CBRE, diễn biến thị trường nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM cho thấy xu hướng tăng giá trong vài năm trở lại đây trên thị trường sơ cấp.
Cụ thể, mức giá tăng sơ cấp căn hộ bán trung bình tại Hà Nội và TP HCM tăng lần lượt khoảng 2% và 9%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Mặc dù trong năm 2020, dưới tác động của dịch COVID-19, một số dự án cũng áp dụng nhiều hình thức ưu đãi hơn liên quan đến giá.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 chỉ là một yếu tố ngắn hạn và các tác động của dịch bệnh cũng đã phần nào phản ánh ở lượng giao dịch giảm ở cả Hà Nội và TP HCM trong năm 2020.
"Trong tương lai, xu hướng tăng giá nhà ở được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh kinh tế và thu nhập người dân dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát trên diện rộng", bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho biết.
Trong tương lai, thu nhập của người dân có theo kịp tốc độ tăng giá nhà? Làm thế nào để người dân thu nhập trung bình tiếp cận được nhà ở tại các đô thị? Chính Bộ Xây dựng cũng đã thừa nhận, giá nhà đang ở đang không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Trao đổi với người viết, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho biết, để người mua nhà có thể tiếp cận được với các dự án phù hợp, một trong các giải pháp là chủ đầu tư liên kết chặt chẽ với các ngân hàng nhằm đưa ra chính sách vay ưu đãi cùng với thời gian vay linh hoạt.
Mặt khác, thị trường nhà ở cũng cần sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng, để người mua nhà dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn có chi phí vốn vay phù hợp hơn.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, kết nối với các khu vực đang có sự mở rộng của thị trường nhà ở phát triển cũng tạo cơ sở để có nguồn cung với mức giá hợp lý hơn. Việc kết nối tốt hơn sẽ khiến người mua nhà có thêm động lực để sở hữu các căn hộ ở vị trí xa trung tâm hơn nhưng có mức giá phù hợp hơn.
Về phía người dân, vị chuyên gia này cho rằng, việc linh hoạt trong lựa chọn hình thức nhà ở sẽ giúp họ chủ động hơn với kế hoạch tài chính của bản thân. Bên cạnh lựa chọn mua nhà, người mua nhà cũng có thể lựa chọn thuê nhà, đặc biệt trong bối cảnh mức giá thuê ở thị trường hiện tại đang ở mức tương đối hợp lý, sau khi dịch COVID-19 diễn ra.
Ngoài các lựa chọn mua căn hộ mới, người mua có thể lựa chọn các căn hộ đã hoàn thiện được một thời gian với mức giá bán thứ cấp tương đối ổn định và có thể dọn vào ở luôn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Kinh Doanh Nhà ở Savills Hà Nội cho biết, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP TP HCM, nhu cầu về nhà ở luôn tăng do sự ra tăng nhanh chóng về dân số, và lực lượng lao động ở các tỉnh di cư về các thành phố lớn không ngừng ra tăng.
Theo ông Thêm, đối với tâm lý chung của người dân Việt Nam, việc sở hữu ngôi nhà là một kế hoạch dài hạn trong 3 - 5 năm hoặc thậm chí 10 năm nên những khách hàng có nhu cầu mua và ở thực tại thời điểm năm nay, họ vẫn săn dự án để mua vì đó là kế hoạch dài hơi đã có sự chuẩn bị.
Nếu so sánh giá nhà tại các thành phố lớn tại Việt Nam với các thành phố lớn khác trong khu vực Châu Á hay Đông Nam Á như Singapore, Thượng Hải, Kuala Lumpur, Bangkok, Hồng Kông, Tokyo... thì giá ở Việt Nam vẫn rất rẻ. Trong khi đó để phát triển một dự án đủ tốt thì các chi phí đầu tư, vốn, các chi phí khác cũng kéo theo giá tăng.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, việc tăng giá nhà không phải đối với dự án nào cũng thành công, có một số dự án có tình trạng "thổi giá" quá cao so với mặt bằng chung nên tỷ lệ hấp thụ rất thấp hoặc thậm chí phải thu hồi quỹ hàng và làm lại giá bán. Vì vậy, việc giá nhà tăng dần đều như hiện nay hoàn toàn không có gì lạ.
"Nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn luôn rất cao và không ngừng gia tăng. Trong khi đó, thời gian qua nguồn cung lại hạn chế và kèm theo nhiều yếu tố khác nên giá nhà lại tăng, càng gây bất lợi cho đại đa số người mua nhà có nhu cầu ở thực", ông Thêm nói.
Hiện nay, để đại đa số người dân được tiếp cận mua nhà một cách "dễ thở" hơn, theo ông Thêm, Nhà nước và các cơ quan liên quan nên chú trọng phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập trung bình hoặc thấp.
Bên cạnh việc gia tăng về nguồn cung cho phân khúc này thì cũng cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ vay linh hoạt nhằm hỗ trợ người mua.
Ngoài ra, cần tập trung phát triển hạ tầng, tiện ích, dịch vụ các khu vực lân cận xung quanh các thành phố lớn nhằm giãn dân số, thu hút bớt sự tập trung quá đông trong nội đô dẫn tới nhu cầu nhà ở luôn cao thì rất khó để giảm giá.
Trả lời tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, giá cả trong lĩnh vực bất động sản hiện nay do thị trường quyết định.
"Tuy nhiên, giải pháp hiện nay là cần tăng lượng cung cho nhà giá xã hội giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động. Giá nhà ở xã hội đang có khung giá từ 15 - 20 triệu đồng/m2, cần đẩy nhanh các dự án tăng cung số lượng lên", ông Hùng nói.
Vị này cho biết thêm, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất có thêm loại nhà ở thương mại giá rẻ giá 20 - 28 triệu đồng/m2, cho phép xây nhà có diện tích dưới 45 m2 tạo nguồn cung cho loại nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được.
Với nhà ở thương mại thông thường, giá 30 - 45 triệu đồng/m2 thì hoàn toàn do thị trường quyết định. Nhưng giải pháp vẫn là tăng cung. Thứ hai là tăng cường minh bạch thông tin, nhà đầu tư có thể giao dịch trực tiếp với người mua có nhu cầu, tránh qua các đối tượng đầu cơ, môi giới, trung gian.
Để kéo giảm giá nhà, đại diện Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu đề nghị thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên "hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở", với thuế suất có thể bằng khoảng 15 - 20% giá đất trong Bảng giá đất.
Đồng thời, để bù đắp hụt thu ngân sách Nhà nước và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước, đại diện HoREA đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế bất động sản.
Vị này dẫn chứng, ở Hoa Kỳ, các tiểu bang tự quyết định mức thu thuế bất động sản hàng năm. Chẳng hạn, Bang California đánh thuế bất động sản khoảng 1,21%/năm trên giá trị nhà đất. Như vậy trong khoảng 81 năm thì thu thuế hết giá trị bất động sản và tiếp tục thu hàng năm.
Một biện pháp nữa theo lãnh đạo HoREA, UBND các TP cần ban hành quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng gồm 4 bước đối với dự án nhà ở thương mại, nhằm xác định thời gian thực hiện từng thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện toàn bộ các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm triển khai "Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp" với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22 - 25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, theo ông Châu, việc tuân thủ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng suất lao động, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực, chi phí quản lý cũng là một cách để giảm giá thành nhà ở.
Khác với các thành phố lớn, nhiều khu vực tại đất nước tỷ dân lại gặp vấn đề trái ngược: Xây dựng quá nhiều khu chung cư, nền kinh tế địa phương sa sút và ít người mua bất động sản, theo The Economist.
Hàng năm, Trung Quốc thường xây dựng thêm 15 triệu nhà ở mới, gấp hơn 5 lần số lượng tại Mỹ và châu Âu kết hợp. Tuy nhiên, 1/5 lượng nhà ở tại Trung Quốc đang bị bỏ trống. Trong khi số đông người dân có nhu cầu an cư lại vượt xa tầm tay của đại bộ phận người trẻ tại các đô thị.
Tình trạng đầu cơ quá mức khiến khối nợ của người mua nhà và công ty phát triển bất động sản đang phình to. Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã vay 120 tỷ USD, tăng gấp 56 lần chỉ trong vòng 10 năm.
Để ngăn chặn nguy cơ bong bóng và kìm hãm đà tăng giá nhà, hàng loạt quy định đã được Trung Quốc áp dụng trong những năm gần đây.
Một số quy định đã được áp dụng từ lâu, chẳng hạn như yêu cầu trả trước ít nhất 30% giá nhà khi mua nhà trả góp. Khi trả trước một khoản lớn cho căn nhà, chủ nhà sẽ có động lực thanh toán tiền trả góp hàng tháng, hạn chế rủi ro về một vòng tuần hoàn của việc vỡ nợ, bị ép phải bán nhà và làm giảm giá trị căn nhà.
Ở các thành phố đông dân bậc nhất Trung Quốc, nhu cầu cũng bị siết chặt, vì trước tiên khách hàng cần có hukou (giấy phép cư trú tại địa phương) để mua nhà.
Bắc Kinh có cơ sở để áp dụng nhiều quy định hơn. Ví dụ, các thành phố như Thượng Hải và Hàng Châu đã bắt đầu yêu cầu công ty địa ốc bán căn hộ mới theo hình thức xổ số, ưu tiên cho những người chưa sở hữu nhà.
Ở các thành phố khác, chính quyền cấm hành vi mua căn nhà thứ hai. Để lách luật, một số cặp vợ chồng ly hôn giả để mua thêm nhà. Hôm 21/1, Thượng Hải ra phán quyết yêu cầu những người ly hôn phải đợi ba năm để được tính là người mua nhà lần đầu nếu họ từng có nhà khi kết hôn với nhau.
Theo China Daily, người dân Trung Quốc luôn có xu hướng đầu tư vào bất động sản bởi họ không có nhiều lựa chọn khi mà thị trường chứng khoán kém ổn định, thị trường vốn không phát triển và lãi suất ngân hàng là quá thấp.
Để chống lại rủi ro bong bóng nhà đất và ổn định giá cả, từ năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những quy định tài chính để trấn áp hiện tượng đầu cơ.
Cụ thể, nước này mở rộng danh sách các thành phố bị giới hạn số lượng nhà mà một gia đình có thể mua. Đã có 40 thành phố nằm trong danh sách này, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Mức trả trước tối thiểu cho căn nhà thứ hai được tăng lên từ 10% thành 60%.
Thượng Hải và Trùng Khánh cũng là những thành phố đầu tiên ở Trung Quốc thực thi thuế sở hữu bất động sản đối với những trường hợp sở hữu nhiều ngôi nhà nhằm trừng phạt hành vi đầu cơ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng đối với người mua nhà. Những hành động này là một phần trong nỗ lực hạ nhiệt thị trường bất động sản trước thực trạng giá nhà đất tăng cao.
Nhằm góp ý xây dựng chính sách thuế, HoREA trước đó cũng đã chỉ ra những mô hình đánh thuế tài sản trên thế giới (nhắm đến căn nhà thứ hai trở đi) mà Việt Nam có thể cân nhắc tham khảo.
Tại Mỹ, việc đánh thuế bất động sản do các tiểu bang quy định, mỗi tiểu bang có thuế suất khác nhau. Chẳng hạn, tại bang California, thuế suất là hơn 1,2% giá trị BĐS một năm, gồm nhà và đất. Ở Bang Texas, thuế suất là hơn 4%. Sở dĩ, thuế suất ở các bang tại Mỹ khác nhau là do giá trị BĐS ở các bang khác nhau.
Tại Đài Loan, mức thuế lại phân biệt theo từng phân khúc BĐS như áp dụng mức thuế 1,2-2% đối với nhà chung cư; khoảng 1,4% đối với nhà riêng và 3-5% đối với công trình thương mại.
Tại Hàn Quốc, mức thuế được áp dụng khác nhau đối với các dòng sản phẩm BĐS, cụ thể đánh thuế 0,15-0,5% đối với nhà riêng; đối với nhà chung cư là 0,25%; đối với biệt thự, nhà trong khu sân golf, các khu vui chơi giải trí là 4%; đối với nhà tại các khu đô thị lớn là 5%. Mức thuế được tính trên bảng giá đất do địa phương ban hành.
Tại Singapore, mức đánh thuế BĐS thứ 2 rất cao, thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên BĐS thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà và 10% đối với BĐS thứ 3.
Tại Nhật Bản, mức thuế BĐS từ 1,4% – 2,1% trên giá trị cả nhà và đất tính theo giá thị trường và được điều chỉnh 3 năm một lần
Ngoài ra, tại Australia, một loại thuế được áp dụng khi tài sản được mua hoặc chuyển nhượng, thường ở mức 5% giá trị của tài sản. Đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể áp dụng thêm một số khoản phí đặc biệt.