Một Đà Nẵng rực rỡ, sôi động, cuồng nhiệt vào ban ngày, trái ngược hẳn với sự lạnh lẽo, buồn tẻ khi về đêm.

Đà Nẵng không còn là một điểm đến xa lạ trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Nhưng với những ai đã đặt chân đến mảnh đất này nhiều hơn 2 lần, ắt hẳn đều có cảm nhận chung về nét đối lập giữa nhịp sống ngày và đêm.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 3.

Trong danh sách 52 điểm đến “hot” nhất năm 2019 do The New York Times - tờ báo danh tiếng của Mỹ công bố, Đà Nẵng của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 15, vượt qua nhiều địa danh nổi tiếng khác của thế giới.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 4.

“Du lịch Đà Nẵng, bạn sẽ có hàng trăm trải nghiệm thú vị. Bạn có thể bắt đầu ngày mới bằng một buổi sáng trên bãi biển Non Nước rồi dừng chân tại khu chợ Hàn để thưởng thức ẩm thực nơi đây. Sau đó, bạn ghé Ngũ Hành Sơn vào buổi chiều để khám phá những ngôi đền và chùa hướng ra bãi biển Mỹ Khê, rồi trở lại thành phố để thưởng thức buổi tối tại một trong những nhà hàng nổi tiếng được giới travel blogger yêu thích. Cuối cùng, bạn nên kết thúc một ngày bằng chuyến tham quan Cầu Rồng về đêm. Đến đây, bạn tha hồ chụp hàng trăm bức ảnh lung linh để đăng lên Instagram mời bạn bè cùng thưởng thức”, tờ The New York Time viết.

Bất kể là ai, cá tính thế nào, đam mê ẩm thực hay khát khao khám phá địa danh mới, hoặc chỉ đơn giản muốn đổi gió với loạt trò chơi cảm giác mạnh, “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” đều có thể đáp ứng những kì vọng ấy.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 5.

Có một Đà Nẵng sôi động tại Bà Nà Hills với thế giới lễ hội cuồng say, một Đà Nẵng “cười thả ga, chơi thả phanh” tại Sun World Danang Wonders, khu du lịch Núi Thần Tài.

Cũng có một Đà Nẵng lịch lãm với InterContinental Danang Sun Peninsula Resort - khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới, hay lãng mạn như những resort 5 sao ven biển Mỹ Khê…

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 7.

Lại có một Đà Nẵng khác hồn hậu và giản dị qua nền ẩm thực trù phú với bánh tráng thịt heo, bún chả cá, gỏi cá Nam Ô, bún mắm nêm, bánh xèo, ốc hút, bánh canh, mực rim…

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 9.

Nói cho đúng thì ăn, chơi, tắm biển, ngắm cảnh… chẳng nơi nào sánh được với Đà Nẵng. Nhưng đó là vào ban ngày, còn khi mặt trời xuống núi, Đà Nẵng lại mang một gương mặt, một tính cách hoàn toàn khác biệt!

Không ít du khách lần đầu đến đây đã mạnh dạn lên lịch trình 4 ngày 3 đêm, nhưng thực tế họ sẽ không thể ở hết chừng ấy thời gian. Lí do đơn giản vì đêm Đà Nẵng quá buồn.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 10.

Chị Mai Trang (du khách đến từ Hà Nội) đã ở 2 đêm tại Đà Nẵng trong chuyến du lịch hồi tháng 7 vừa qua, chia sẻ: "Chúng tôi dự định ở 4 ngày 3 đêm, nhưng không đủ kiên nhẫn ở tiếp nên đã về trước một ngày. Ban ngày thì không nói vì có rất nhiều hoạt động như đi Bà Nà Hills, vào Hội An, thăm làng đá Non Nước, tắm biển… nhưng cứ ăn tối xong là chúng tôi không biết làm gì. Đi dạo bộ ngắm cầu, ngồi cà phê cũng chỉ một đêm là chán. Có vài quán bar mở muộn hơn nhưng nhà có con nhỏ nên môi trường đó cũng không thực sự phù hợp. Thay vì ở lại Đà Nẵng, chúng tôi đã quyết định đi Huế ngày cuối cùng".

Khi được hỏi về khu chợ đêm ở thành phố, chị Mai Trang thẳng thắn: “Chợ đêm Sơn Trà nhiều mặt hàng phong phú nhưng chưa có sự khác biệt. Ở Đà Nẵng nhưng tôi có thể mua ô mai Hà Nội. Có lẽ đã đến lúc cần nhìn nhận lại tính chất, đặc trưng của một khu chợ đêm gọi là chợ đêm du lịch”.

Còn với Helio Center ra đời đầu năm 2015, đến nay, trung tâm giải trí phức hợp này vẫn chưa có nhiều đổi mới, thời gian mở cửa chỉ đến 22h30 (duy nhất rạp chiếu phim mở cửa đến khoảng 24h).

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 11.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 12.

Ở “phố Tây” An Thượng, dẫu có những cửa hàng tiện lợi 24 giờ, bar, pub, spa… và nhiều nhà hàng ẩm thực, quán bia, nhưng khi đồng hồ điểm 23h, khu phố đã chìm dần vào màn đêm đen đặc, khó ai còn nhận ra gương mặt của một khu “phố Tây” sầm uất.

Xét những “điểm sáng” khi đêm về trên bản đồ châu Á, Đà Nẵng chỉ là một chấm nhỏ so với người anh em đồng hương là Hà Nội và TP HCM. Với Thượng Hải, Thẩm Quyến, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc), khoảng cách ấy càng trở nên cách biệt. Có lẽ, đã đến lúc đánh thức tiềm năng của mảnh đất này, ít nhất là đưa Đà Nẵng trở thành một Hà Nội hay TP HCM thứ hai, chứ không chỉ dừng lại ở việc sáng hơn những thành phố lân cận như Huế hay Vũng Tàu.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 13.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 14.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tiên Phong (Tiên Phong Travel), thừa nhận: “Thật khó để tìm được một chỗ chơi đêm khiến du khách ưng ý tại Đà Nẵng. Chính vì thế, dù đang tổ chức tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm nhưng Tiên Phong Travel phải thiết kế cho khách ngủ một đêm tại Đà Nẵng, 2 đêm ngủ tại Hội An để các thượng đế không cảm thấy nhàm chán”.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 15.

Như thế, khoản tiền chi tiêu của du khách đã có lý do chính đáng để "tuột khỏi tay" Đà Nẵng.

Tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX (diễn ra từ 9-11/7), ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, cảnh báo doanh thu từ du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đang có xu hướng tăng chậm.

Thống kê từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay 8 tháng đầu năm nay, lượng khách lưu trú ước đạt trên 4 triệu lượt, tăng 22,5% so với cùng kì năm 2018. Tuy nhiên, số ngày lưu trú bình quân bắt đầu sụt giảm so với cùng kì năm 2018, cụ thể khách quốc tế từ 1,99 ngày xuống còn 1,84 ngày và khách trong nước từ 1,73 xuống còn 1,68 ngày.

Trong khi đó, tại Phú Quốc - điểm đến đi sau rất nhiều so với Đà Nẵng, số ngày lưu trú của du khách lại dài hơn. 8 tháng đầu năm 2019, thời gian lưu trú bình quân của du khách ở Phú Quốc là 2,4 ngày, đối với khách ngoại là 2,9 ngày.

Đây là thực trạng đáng báo động đối với thủ phủ du lịch miền Trung. Nếu không tìm ra giải pháp, Đà Nẵng sẽ bị các điểm du lịch khác ngay trong nước “vượt mặt”.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 70% doanh thu từ du lịch là vào ban đêm (18h đến 6h sáng hôm sau). Không khó hiểu khi khoảng trống quá lớn về kinh tế đêm đang là vật cản ngáng đường phát triển của du lịch Đà Nẵng.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 17.

Các siêu cường trên thế giới đã chứng minh kinh tế đêm là “cỗ máy in tiền”. Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP của nước Anh, với quy mô xấp xỉ 66 tỉ bảng Anh, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 18.

Còn theo nghiên cứu của Deloitte Access Economics, Sydney sẽ "đánh rơi" 16 tỷ USD/năm nếu không kịp thời thay đổi chính sách, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các hoạt động vui chơi về đêm hiệu quả cao hơn.

Nhìn sang Trung Quốc, vừa qua, chỉ 3 tháng sau khi chính quyền TP Bắc Kinh triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh ban đêm, doanh số tại các cửa hàng trên những con phố đi bộ như Wangfujing, Qianmen, Xidan... đã tăng trên 50%.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để hình thành kinh tế ban đêm phải bắt đầu từ chính sách không “giới nghiêm” giờ giấc đối với các hoạt động vui chơi về đêm. Tuy nhiên, cần có quy hoạch bài bản thành khu vực riêng phục vụ du khách hơn là để phát triển theo kiểu tự phát. Đà Nẵng có lợi thế du lịch biển, cần thêm những khu công viên, tổ hợp du lịch cả ngày lẫn đêm để thu hút khách du lịch quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc APT Travel, bổ sung: “Kinh tế ban đêm không gói gọn trong chợ đêm hay phố đi bộ, vũ trường, quán nhậu, karaoke... mà còn hàng loạt dịch vụ khác như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau... Khi có tiền, khách muốn chơi mà ta không đáp ứng được, trong khi các nước láng giềng và thế giới vẫn làm, thì tiền sẽ chạy ra ngoài”.

“Cần thu hút những nhà đầu tư lớn vì họ có kinh nghiệm và vận dụng các mô hình quốc tế. Tôi rất hoan nghênh những tập đoàn lớn như Sun Group có thể đầu tư vào đấy. Chúng ta hãy vận dụng mô hình quốc tế vào sao cho hợp lý để có kinh tế ban đêm hiện đại”, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, khẳng định.

Hai ‘gương mặt’ đối lập của du lịch Đà Nẵng - Ảnh 19.


Hà Mỹ Giang

Đồ họa: Yến Lệ

Nguồn: Tri thức trực tuyến