Chỉ trong vòng 10 ngày, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ ô tô gây tai nạn liên hoàn, cướp đi sinh mạng của 3 người phụ nữ. Nguyên nhân cả 2 vụ tai nạn đều do tài xế sử dụng rượu bia quá chén, say xỉn và lái xe trong tình trạng mất kiểm soát.
Ngày 23/4, một người đàn ông điều khiển chiếc xe Huyndai gây tai nạn liên hoàn, tông chết một nữ lao công trên đường Láng, Đống Đa, Hà Nội.
Gây tai nạn trong tình trạng say khướt, mất kiểm soát hoàn toàn, người đàn ông thành đạt trở thành kẻ giết người, biến 2 đứa trẻ thành trẻ mồ côi chỉ trong tích tắc. Khi cơ quan công an kiểm tra, nồng độ cồn trong khí thở của tài xế này ở mức 1,041 mg/lít khí thở, cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4mg/lít) theo Nghị định 46.
Tới ngày 1/5, khi cả nước đang nghỉ lễ, đoàn tụ cùng bạn bè và gia đình, thì tiếp tục một tài xế xe Mercedes tông chết 2 người phụ nữ trong hầm Kim Liên.
Thời điểm bị bắt giữ, nồng độ cồn trong hơi thở của người đàn ông này là 0,751 mg/ lít khí thở. Khi tỉnh táo anh này thừa nhận, 13 năm kinh nghiệm cầm lái của mình rồi cũng hóa vô nghĩa trước 6 chai bia và vài chén rượu mà anh ta đã uống tại tiệc liên hoan họp lớp với bạn bè.
Thông tin từ Cục Quản lí khám, chữa bệnh (Bộ Y tế ) sáng 2/5, theo báo cáo chưa đầy đủ của 40 sở y tế và một số bệnh viện Trung ương, trong dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày từ 27/4-1/5, cả nước có 9.798 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn giao thông.
Trong số gần 10.000 ca cấp cứu do tai nạn giao thông kể trên cũng có không ít trường hợp gặp tai nạn do lái xe, hoặc điều khiển xe máy sau khi đã uống - sử dụng rượu bia.
Đó là những con số đếm được, có thể ghi lại rõ ràng trên từng trang giấy. Nhưng nỗi đau, những gia đình tan vỡ, những hạnh phúc dang dở, những tương lai không trọn vẹn đằng sau đó thì không sổ sách nào ghi được.
Nỗi đau, những gia đình tan vỡ, những hạnh phúc lỡ dở, những tương lai không trọn vẹn đằng sau những vụ tai nạn thương tâm không có sổ sách nào ghi được. (Ảnh tổng hợp từ các báo)
Riêng với những kẻ tội đồ, trước khi cụng li, nhiệt tình "không say không về" ai cũng cho rằng bản thân là kẻ "biết kiểm soát", "uống giỏi", "tửu lượng cao". Thế nhưng, họ cũng chẳng kiểm soát được gì, khi chính họ gây ra những tai họa đau lòng, ngay thời điểm chất cồn, chất men của cuộc nhậu tới bến vẫn đang chảy dọc huyết quản?
Thực sự, đó là những hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng rượu bia tại Việt Nam, nhất là khi văn hoá "1-2-3 dô dô" phổ biến đến mọi hang cùng ngõ hẻm, nhà giàu uống, nhà nghèo cũng nhậu; đàn ông uống, đàn bà uống; vui uống, buồn càng phải uống. Thậm chí dùng chiêu trò, móc máy, o ép nhau uống cho bằng được.
Họa do lái xe sau khi uống rượu bia ai ai cũng nhìn thấy được. Nhưng còn những mối họa khác cũng từ rượu, từ bia sẽ giết dần giết mòn con người thì không phải ai cũng biết.
GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tháng 3/2017 từng trả lời báo chí rằng, sau khi được nạp vào cơ thể các chất độc có trong rượu sẽ từ từ ngấm vào cơ thể và dần dần tàn phá các cơ quan. Cơ chế "đầu độc", phá huỷ các cơ quan nội tạng, xương khớp và cơ thể người của rượu rất đa dạng và không kiêng kị bất cứ bộ phận nào.
Dù bạn uống bia, rượu mạnh, rượu vang, rượu thuốc hay cả rượu trái cây… thì đều bị ảnh hưởng như nhau.
Rượu đi đến đâu sẽ tàn phá cơ thể ngay tới đó. Nhưng ghi nhận mà các bác sĩ có thể nhìn thấy rõ nhất đó là khi rượu mạnh vào cơ thể thường làm bỏng, làm cháy vòm họng, thực quản, dạ dày.
Nếu thời điểm đó, các bộ phận này bị viêm loét, và việc uống rượu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn tới phát triển thành ung thư. Bởi rượu khi nạp vào cơ thể sẽ sinh ra những phải ứng khiến tế bào trong cơ thể bị phá huỷ và ác tính hoá rất nhiều.
GS. Mai Trong Khoa cho rằng, nghiêm trọng và trực tiếp nhất chính là việc rượu có thể gây hại cho gan. Các độc tố trong rượu sẽ bắt gan phải làm việc cật lực để khử độc. Khi bị làm việc quá sức, gan mệt mỏi thì dẫn đến xơ gan, sau đó rất nhanh chóng tiến triển thành ung thư gan rồi mất mạng.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng khẳng định lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm suy giảm miễn dịch của cơ thể. Kể cả uống rượu "xịn" hay uống bia thì vẫn gây ra một loại gánh nặng cho gan.
"Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại "độc chất" gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.
Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh", ThS.BS Nguyên cảnh báo.
Rượu cũng được các chuyên gia ung bướu coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cho nam giới ở Việt Nam.
Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh", Ths.BS Nguyên cảnh báo. (Ảnh tổng hợp từ các báo)
Một số nghiên cứu chỉ rõ, đối với một số bệnh ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản thì người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu mỗi ngày (mỗi đơn vị rượu bằng 30 ml rượu 40%) thì nguy cơ tăng khoảng 5 lần, so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống.
Còn uống 2 đơn vị rượu mỗi ngày thì có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng 9% so với người không uống rượu.
Theo thông tin bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cung cấp tại một Hội thảo liên quan đến Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tháng tháng 4/2019: Sử dụng rượu, bia dù chỉ uống 1 lon 330 ml/lần vẫn có mối quan hệ nhân quả với nhiều loại ung thư gồm: Ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư tế bào vảy thực quản, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư ung thư tụy, ung thư máu, ung thư tế bào bạch cầu...
Sử dụng rượu, bia còn gây rối loạn chuyển hóa là nguyên nhân gây ra các bệnh tiểu đường, mỡ máu...
Nguy hiểm hơn cả là sau khi uống rượu, bia dù ít cũng làm chậm khả năng xử lí khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu bia là nguyên nhân có hơn 32% các vụ tai nạn giao thông ở nam giới và gần 20% ở nữ giới.
Người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dL có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không uống.
Rượu, bia gây còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với người vị thành niên và thanh niên dưới 25 tuổi gây chậm phát triển não bộ, tăng nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn, tự tử, sát thương, giảm sút kết quả học tập...
Theo qui chuẩn của WHO, 1 đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (nồng độ %) x khối lượng riêng (cồn có khối lượng riêng là 0,793g/cm3). 1 đơn vị cồn = 10g cồn nguyên chất.
Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương 1 cốc bia 330ml (4%), 3/4 lon bia 330ml (5%) hay 1 chén rượu 30ml rượu mạnh 40 độ, 1 li rượu vang 100ml (13,5%).
Một người được cho là uống rượu bia ở mức có hại khi trong vòng 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên.
Một thông tin giật mình được TS Kidong Park - Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam công bố tại hội thảo Hội thảo xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức.
Theo đó, ông Kidong Park bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng bia rượu của người Việt khi có tới 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá nhiều (đây là hình thức uống rượu nguy hiểm); 48% người uống rượu bia trưởng thành là nam giới và tham gia lái xe…
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế được cũng đưa ra những con số biết nói khác tại Hội thảo nêu trên: Nếu chỉ tính riêng nhóm trưởng thành (từ trên 15 tuổi ở cả 2 giới), lượng cồn bình quân 1 người tiêu thụ mỗi năm tăng nhanh từ 3,8 lít giai đoạn 2003 - 2005 lên 4,7 lít năm 2009 - 2011 và 8,3 lít trong giai đoạn 2015 - 2017.
Dự báo, nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả để kiểm soát, lượng cồn trung bình ở người trưởng thành tại Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng lên 9,9 lít và tiếp tục tăng lên 11,4 lít vào năm 2025.
Trong khi đó suốt 10 năm qua, nồng độ cồn/đầu người trên toàn thế giới vẫn giữ nguyên 6,4 lít.
Hiện tại, tốc độ tiêu thụ bia của Việt Nam đang đứng thứ 10 thế giới, thứ 3 trong châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản), trong khi cách đây 10 năm, Việt Nam vẫn xếp thứ 8 châu Á.
Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3.4 tỉ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công. Đến năm 2017, chỉ tính riêng lượng tiêu thụ bia đã vượt qua con số 4,05 tỉ lít bia (tăng gần 6% so với 2016) và đến 2018, tiếp tục tăng lên 4,67 tỉ lít bia.
Bài: Thu Huyền
Trình bày: Cô Trịnh
Theo Đời sống & Pháp lí