Cung đường đèo Hải Vân ngoạn mục nối liền Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế được mệnh danh là một trong "tứ đại đèo" của Việt Nam. Ngoài những khúc cua đầy mạo hiểm, đèo Hải Vân còn khiến du khách trầm trồ với cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ một bên là núi, một bên là biển cả bao la.
Dạo gần đây nhiều bạn trẻ còn truyền tai nhau về "cổng trời" ngay dưới chân đèo Hải Vân hùng vĩ - cây cầu mái vòm bắc ngang một con suối, nơi tàu lửa chạy qua với cái tên nghe khá lạ - cầu vòm Đồn Cả gần ga Hải Vân Bắc. Nếu may mắn bắt gặp tàu chạy qua, bạn sẽ sở hữu những bức ảnh đẹp tựa những thước phim tại đây.
Tuy vậy, để di chuyển đến cầu vòm, du khách sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi tại đây không có một bảng biển chỉ dẫn và có thể, du khách chỉ có thể "mò" được đường xuống nhờ thông tin của những người dân địa phương hoặc người có kinh nghiệm đi trước đó.
Để đi đến cầu vòm, du khách chỉ có một cách duy nhất là đi bộ từ ga Hải Vân Bắc, men theo đường ray khoảng 1 km. Ở khu ga vắng người qua lại, tản bộ dọc đường ray xuyên rừng tựa như trong bộ phim Hàn lãng mạn.
Không gian đường đi ra cầu vòm yên tĩnh, nghe rõ cả tiếng chim hót, tiếng xào xạc của lá, nhìn xa xa là rừng núi và biển cả nối liền làm một. Bỏ qua cây cầu nhỏ đầu tiên thêm một đoạn sẽ có tiếng suối chảy báo hiệu rằng đã đến nơi.
Có lẽ bất kì ai đến đây cũng sẽ phải thốt lên rằng chiếc cầu vòm còn đẹp hơn trong ảnh chụp, đến cả đường ray uốn lượn đâm về phía núi, chung quanh là thảm xanh của đèo Hải Vân trùng điệp. Đứng từ dưới suối ngước lên, cầu vòm Đồn Cả giống như "cổng trời" nhìn ra mây xanh, núi rừng xanh biếc hùng vĩ. Cấu trúc và vị trí đặc biệt khiến cây cầu trông như một cánh cổng trời, khiến du khách như lạc vào thế giới khác, chỉ có trong truyện tranh, hay một đất nước xa xôi nào đó.
Nằm ở vị trí khá khuất, đường đi khó nên cây cầu còn giữ được hoang sơ, chỉ cần đi gần đến nơi có thể nghe tiếng suối chảy, khung cảnh đẹp như đang bước vào một thế giới khác, đầy sự bình yên, tự do hòa mình vào thiên nhiên
Nhìn từ trên cao, con đường xe lửa cùng với cây cầu vòm như một dải lụa mềm vắt ngang qua núi, đẹp không thua kém bất cứ cảnh quay trong phim nào, đặc biệt là khi bạn may mắn bắt được cảnh đoàn tàu lửa đang "xé gió, xé rừng" lao vun vút qua cầu.
Nếu là tín đồ của bộ phim Harry Potter, chỉ cần nhìn qua chắc chắn cầu vòm Đồn Cả sẽ khiến ta liên tưởng ngay đến đường ray Glenfinnan, Lochaber, Scotland từng xuất hiện trong bộ phim kinh điển này. Có thể nói, cầu vòm Đồn Cả giống như phiên bản thu nhỏ của đường ray với 21 vòm nổi tiếng từng chở những cô cậu học sinh của trường Hogwarts đi qua.
Để đến được cầu vòm Đồn Cả, bạn phải qua đèo Hải Vân đến ga Hải Vân Bắc trước tiên. Đây là nhà ga xe lửa nằm tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhà ga là một điểm của tuyến đường sắt Bắc Nam, nối ga Lăng Cô (Huế) với ga Hải Vân (Đà Nẵng).
Vì nhà ga không nằm trên đường lộ lớn nên rất khó tìm, bạn có thể tìm trên Google Maps "lối vào cầu vòm Đồn Cả" đã có sẵn và đi theo. Từ đường lộ, men theo lối mòn bê tông ra đến đường ray, rẽ phải khoảng 100 m sẽ thấy nhà ga Hải Vân Bắc. Dấu hiệu nhận điểm rẽ từ lộ vào là đoạn gần cầu Đồn Nhì, ngay hầm thông gió Hải Vân, đối diện với đoạn rẽ xuống đường ray có thấy một chốt kiểm lâm nhỏ.
Đến ga Hải Vân Bắc, bạn có thể gửi xe và đi bộ về phía bên phải khoảng 1 km (qua 1 trạm gác nhỏ, 1 đồn gác khác và cây 1 cầu sắt nhỏ) sẽ đến cầu vòm. Đoạn đường có chút xa và khó đi vì đường ray sỏi đá hơi gồ ghề.
Tuy nhiên bù lại là cảnh đẹp như một bức tranh với đường ray uốn lượn giữa bạt ngàn cây xanh mướt hai bên và xa xa là Hải Vân Quan nổi tiếng. Khi đến thành cầu, thêm vài bước sẽ thấy một con đường nhỏ dẫn xuống dòng suối để nhìn được toàn cảnh "cánh cổng trời" tuyệt đẹp như trong ảnh.
Đường đèo Hải Vân tuy đẹp nhưng cũng không kém phần nguy hiểm nên bạn có thể chọn xe số để dễ kiểm soát tốc độ, chạy chậm và chú ý quan sát.
Đoạn từ nhà ga Hải Vân Bắc ra cầu vòm khá xa, đường ray toàn sỏi đá nên nếu có ý định đi, bạn nên chuẩn bị trang phục phù hợp, không nên mang vác quá nhiều đồ nặng. Một chai nước nhỏ sẽ rất có ích khi chinh phục đoạn đường này. Khi di chuyển trên đường ray nên chú ý và tuân theo đèn tàu báo hiệu.
Giữa dòng nước trong mát lành dưới cầu Đồn Cả cùng khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng; một bữa tiệc nhỏ, đắm mình trong làn nước xanh biếc sẽ đem đến trải nghiệm khó quên khi đặt chân đến đây. Tuy nhiên tùy theo mùa mà nước ở con suối có thể nhiều hoặc ít, bạn nên xem trước thời tiết để đi, tránh trơn trợt vào mùa mưa và nước chảy xiết.
Cứ khoảng 30 phút sẽ có tàu chạy qua (cuối tuần thì khoảng 15 phút), những ai muốn có ảnh sống ảo với "tàu anh qua núi" thì có thể đợi nghe tiếng tàu từ xa và canh máy, chuẩn bị tư thế cho bức ảnh để đời.
Ngoài ra, vì khu vực này không có người quản lí vệ sinh nên du khách luôn phải có ý thức bảo vệ môi trường.
Bài và ảnh: Hường Trần
Thiết kế: Đức Việt
Nguồn: Đời sống & Pháp Lý