Quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt vào năm 2011 theo Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tên của nó thì khá dài, nên chúng ta tạm gọi là quy hoạch 1259. Như vậy, đến 2021 thì bản quy hoạch này đã 10 năm tuổi.
Trước hết, tôi muốn nói về bối cảnh ra đời của bản quy hoạch 1259. Bản quy hoạch này ra đời khoảng 3 năm sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Tôi đánh giá, đây là bản quy hoạch vừa có tính chủ động mà cũng vừa bị động.
Năm 2008, Quốc hội biểu quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội trên cơ sở sáp nhập tỉnh Hà Tây. Lúc đó, Thủ tướng nhận định rằng Hà Nội phải nằm trong một thực thể, có không gian cụ thể đã rồi mới tính đến việc quy hoạch như thế nào.
Từ năm 2005, khi nghe đồn sắp sửa sáp nhập về Hà Nội, Hà Tây đã cấp đất tràn lan. Giai đoạn 2006 – 2007, địa phương này đã cấp hàng ngàn ha đất. Lúc đấy, có những quy hoạch ở tỉnh Hà Tây giao đất tùy tiện.
Thậm chí, đã có rất nhiều diện tích đất được giao cho những doanh nghiệp, tập đoàn mà chuyên ngành hoạt động không liên quan gì đến phát triển đầu tư.
Bởi vậy, quy hoạch chung Hà Nội 1259 được đưa ra nhằm khống chế sự phát triển tự phát này, ra đời một cách bị động để giành lại thế chủ động, tức là anh đưa ra một kịch bản phát triển cho một không gian đã hình thành trước đó 3 năm và kiểm soát nó một cách chủ động trong tình thế bị động.
Nói về những điểm sáng trong việc thực hiện quy hoạch 1259 thì một thập kỷ qua, Hà Nội đã có rất nhiều đã thay đổi tích cực.
Đường phố sạch sẽ, khang trang hơn; nhà ở chất lượng hơn, rộng hơn; trụ sở xã phường đẹp hơn; phương tiện vật chất, máy móc nhiều hơn; bệnh viện to hơn; chất lượng sống cải thiện hơn…
Nhưng, thành công nhất chính là vấn đề nhà ở. Tôi từng tham gia làm đề án nhà ở cho Hà Nội vào năm 2000. Trong 100 năm (1900 – 2000), Hà Nội có 12 triệu m2 nhà ở. Từ đó đến nay, mỗi năm thị trường bất động sản tung ra 12 – 14 triệu/m2.
Như vậy, tính riêng nhà ở, mỗi năm chúng ta làm được bằng 100 năm, 10 năm qua đã làm được bằng cả nghìn năm. Theo tôi, đây là điều thành công rực rỡ.
Như tôi đã nói, bản quy hoạch 1259 đã mở đường cho kinh doanh bất động sản thắng lợi. Rất nhiều người có nhà ở mới, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã trở thành tỷ phú.
Nhưng, đổi lại, cả xã hội lại có nhiều thua thiệt: Đất mất đi, ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm không khí, không gian công cộng/cây xanh mặt nước thiếu, cơ hội sinh kế đối với một bộ phận người dân ngày càng nhỏ lại… Để nói về những hạn chế của quy hoạch 1259, tôi có thể khẳng định rằng có nhiều vấn đề "thiếu khả thi".
Quy hoạch năm 2011 đã đưa ra nhiều khái niệm mới: Đô thị vệ tinh, hành lang thoát lũ, hành lang xanh, nêm xanh, thành phố thông minh, thành phố sinh thái, khu công nghệ cao… nhưng tới nay chưa có cái nào có thể gọi là thành công.
Đặt ra những mục tiêu mới để phát triển là tốt, nhưng một đêm chúng ta có thể vẽ được cả nghìn cái, còn 1.000 năm chưa chắc đã làm trọn vẹn được một cái do chúng ta vẽ ra? Bởi vậy, việc lập quy hoạch cần phải sát thực tế, tập trung vào những vấn đề mà nguồn lực của chúng ta có thể hiện thực hóa được.
Theo quy hoạch, chúng ta sẽ có 5 đô thị vệ tinh để giảm tải cho đô thị trung tâm một số chức năng hiện đã quá tải như công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao…
Trong đó, mỗi đô thị vệ tinh lại có một định hướng phát triển khác nhau: Hòa Lạc tập trung phát triển khoa học công nghệ và đào tạo; Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, còn Phú Xuyên, Sóc Sơn, Xuân Mai lại hướng đến đô thị công nghiệp – dịch vụ… Tuy nhiên, tôi đánh giá đến nay vẫn chưa có khu vực nào thành công.
Ở Hòa Lạc, hơn 1 tỷ USD ngân sách đã đổ vào, nhưng điểm nhấn duy nhất vẫn chỉ là khu công nghệ cao, chưa thể gọi là thành phố vệ tinh. Tương tự, Xuân Mai, Phú Xuyên… cũng chưa có nhiều chuyển biến và còn rất lâu nữa mới có thể trở thành đô thị vệ tinh.
Trong quy hoạch 1259 xuất hiện khái niệm mô hình hành lang xanh (sông Nhuệ, sông Tích, sông Đà), bản chất là nằm trên hành lang thoát lũ do người Pháp quy hoạch từ những năm 1905 và đập Đáy được hoàn thành vào năm 1937 để phòng lũ cho sông Hồng.
Những công trình này nằm trong quy hoạch từng được người Pháp làm rất bài bản: Vùng đất cao thì dân ở, chỗ thấp thì làm ruộng, thấp hơn nữa thì nuôi cá, còn hành lang thoát lũ là không được làm gì.
Sau khi có hồ Hòa Bình để thoát lũ, nước sông Hồng giảm, không còn lũ lớn, hành lang thoát lũ gần như không có nước. Thấm thoắt, khu vực hành lang thoát lũ trống trải được đưa vào để làm đô thị, đây chính là nguồn cơn gây nên tình trạng ngập lụt ở khu vực đê chắn giữa hành lang thoát lũ, chính là Đại lộ Thăng Long hiện nay.
Ngập nước ở Đại lộ Thăng Long nhiều năm qua là cái nhiều người nhìn thấy được, nhưng ít ai biết rằng nước còn ngập tràn vào tầng hầm các khu đô thị. Thậm chí, có những ngôi làng ở ngoại thành ngập hàng mét cũng không nhiều người biết? Người dân những nơi đó chỉ biết đắp đê cho cao lên. Đến bây giờ Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai vẫn thường xảy ra ngập sâu.
Ở nội thành, theo quy hoạch sẽ xây dựng hệ thống thoát nước mới thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km2 (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) và có thể giải quyết tình trạng ngập úng cho những trận mưa có cường độ 300 mm/2 ngày.
Trong đó, thành phố đã đầu tư được 12/39 trạm bơm với tổng công suất khoảng 180 m3/s, đạt tỷ lệ khoảng 18%/tổng công suất trạm bơm khu vực đô thị trung tâm.
Các khu vực khác của Hà Nội như khu vực Tả Hữu Nhuệ, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
Trong quy hoạch phân khu có quy hoạch thoát nước cụ thể, nhưng đấy là bản vẽ. Vấn đề thoát nước không chảy theo bản vẽ, nó chảy theo địa hình tự nhiên. Chỗ cao thì khô, chỗ thấp thì nước đổ vào đấy.
Bên cạnh đó, 20 năm nay, có nhiều quy hoạch không được thực hiện. Nếu tình trạng tiếp diễn, phải hàng chục năm nữa thì những địa điểm kể trên mới thoát được nước, còn hiện tại thì người dân phải chấp nhận chờ đợi mà thôi.
Trong điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới, theo tôi Hà Nội cần có chiến lược phân thành ba khu vực để có giải pháp cụ thể: Nội thành, các khu đô thị mới ven đô và vùng nông thôn (nhất là vùng trũng ngập, hành lang thoát lũ).
Đồng thời cần tích hợp dự án thoát nước với các dự án hạ tầng đô thị như đường sắt đô thị đi ngầm, bãi đỗ xe ngầm, dịch vụ kỹ thuật, hầm đường bộ…
Cùng với đó, thoát nước kết hợp với dự trữ nước sạch và nâng cấp cảnh quan, tăng cường sinh kế, khuyến khích vận tải thủy, năng lượng tái tạo…
Trong 10 năm qua, đường phố Hà Nội đã sạch sẽ, rộng rãi và khang trang hơn. Các tuyến đường vành đai, các cầu vượt sông, đường cao tốc đối ngoại hay những cầu vượt nội đô… Nhờ những công trình này mà tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô đã được cải thiện tương đối nhiều.
Tuy nhiên, theo tôi chúng ta vẫn cần cân đối lại nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng giao thông vì tỷ lệ nợ vay còn lớn.
Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đi vào vận hành. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).
Theo Quy hoạch giao thông Hà Nội năm 2005 (lúc chưa mở rộng), Hà Nội mục tiêu làm 600 km đường bộ, 120 km đường sắt đô thị, 80 km BOT, 8 cầu vượt sông Hồng.
Lúc đó, JICA (Nhật Bản) chủ trì đã mời nhiều đơn vị quy hoạch khác thiết kế cho chúng ta hệ thống giao thông, ước tính để thực hiện cần khoảng 25 tỷ USD. Nhưng con số này hiện đã lớn hơn nhiều, ví dụ như đường sắt đô thị, lúc đó họ tính ra chỉ 4 – 5 tỷ USD thôi, bây giờ đã đội vốn lên hàng chục tỷ USD.
Đến năm 2016, quy hoạch giao thông đẩy số cầu vượt sông Hồng lên thành 18 chiếc, đường sắt nâng lên thành 460 km,… Tính ra tiền hết khoảng 1 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội cần khoảng 500 nghìn tỷ đồng để phát triển giao thông, nhưng thực tế mỗi năm ngân sách của thành phố chỉ bố trí được khoảng 5.000 – 7.000 tỷ đồng.
Về đường sắt đô thị, chúng ta từng đặt mục tiêu trước năm 2020 hoàn thành 5 tuyến dài 290 km, nhưng thực tế bây giờ mới thực hiện khoảng 20 km, chưa được 7% tổng chiều dài, còn về hiệu quả là chưa có, trong khi gánh nợ 3 tỷ USD.
Về cầu vượt sông Hồng, chúng ta đã xây mới được 4 cầu, trong đó vay vốn ODA ba cầu hết 1,6 tỷ USD; mỗi cầu Vĩnh Tuy là sử dụng nguồn ngân sách, song mất 15 năm mới thu xếp xong hai giai đoạn hơn 400 triệu USD.
Khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).
Trong 10 năm qua, chúng ta đang dần đánh mất một cấu trúc bền vững xã hội, đó chính là văn hóa làng xã - nền văn hóa "Xứ Đông - Xứ Đoài" được hình thành hàng trăm nay. Những cái này không tính được bằng tiền, do đó chúng ta không thể đưa vào con số thống kê tăng trưởng/mất đi bao nhiêu phần trăm.
Mùa Covid-19 vừa qua, người ta mới dần nhận ra tầm quan trọng của cấu trúc bền vững này, khi mà hàng vạn người từ các thành phố lớn trở về quê hương, chẳng ai mở rộng vòng tay cưu mang họ ngoài đồng quê.
Có thể thấy, nhờ quy hoạch khép kín, các cấu trúc làng xã trở nên an toàn trước Covid-19, xung quanh là một khoảng giãn cách đủ lớn với các làng xã khác (đồng ruộng, ao, hồ). Ở trong làng, người dân có đủ nước sạch để uống, đủ rau để ăn,… tức là một đơn vị tự chủ sinh thái có sự đùm bọc mà ở những đô thị lớn không thể có.
Ở TP HCM hay Hà Nội, chúng ta có thể thừa ăn nhưng người bên cạnh đói chẳng ai biết, trong khi dễ gì mình có thể hỗ trợ họ. Còn ở trong cấu trúc xóm làng, người ta đùm bọc nhau, đấy là điều chẳng đâu có, cái giá trị ấy mất đi chẳng ai đong đếm được.
Từ đấy, có thể nói đó là một trong những điều không thành công của quy hoạch. Anh tạo nên một nơi chốn, tạo ra không gian vật chất để người nhập cư có cơ hội được làm giàu, nhưng tính gắn kết giữa họ thì không có.
Hà Nội có lịch sử phát triển đô thị thành công vào nửa đầu thế kỷ 20 (1900 - 1955), từ một kinh thành bị quên lãng giữa vùng nông thôn, chúng ta đã trở thành một trong những thành phố đẹp nhất ở châu Á.
Sau những năm tháng chiến tranh, bao cấp khó khăn, Hà Nội cũng đã nỗ lực xây dựng một thành phố công cộng lấy lợi ích của người dân lao động làm trung tâm. Chúng ta mở cửa với nhiều điều mới lạ và không ít bối rối nên có cái được và mất trong quy hoạch, phát triển đô thị 30 năm qua (1990 - 2021).
Vẽ ra một viễn cảnh thì dễ, nhưng thực thi nó ra sao để tạo nên niềm tin cho cả xã hội nhìn về một hướng lại là điều khó.
20 năm qua, chúng ta đã thấy hạn chế của bản quy hoạch, hay sâu xa hơn là hạn chế của những người lập quy hoạch, không chỉ người vẽ mà cả người duyệt, không chỉ người Việt Nam mà cả những quy hoạch nhập khẩu từ các đối tác.
Do đó, trong lần điều chỉnh sắp tới, quy hoạch cần phải sát thực tế, tập trung vào những vấn đề mà nguồn lực của chúng ta có thể hiện thực hóa được. Tránh lặp lại việc vẽ ra quá nhiều điều kém khả thi như bản quy hoạch 1259.
Một điều may mắn, đợt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung sắp tới của Hà Nội diễn ra trong bối cảnh cả nước tham gia thảo luận sửa đổi Luật Đất đai; thế giới đang trải qua đại dịch; người dân chi tiêu thận trọng hơn;…
Những yếu tố này sẽ thúc đẩy cả xã hội suy nghĩ thấu đáo, từ đó các bản quy hoạch đô thị kèm theo kế hoạch hoạch phát triển bền vững, khả thi, đa mục tiêu, đa lợi ích sẽ xuất hiện. Để làm được điều này, chúng ta cần phát huy tinh thần phản biện của cộng đồng xã hội về quy hoạch đô thị.