Hoài Đức là một huyện ngoại thành của Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 12 km về phía tây.
Phía bắc Hoài Đức giáp huyện Đan Phượng, phía nam giáp quận Hà Đông, phía tây giáp huyện Quốc Oai và huyện Phúc Thọ với ranh giới là sông Đáy và phía đông giáp quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.
Huyện gồm có 1 thị trấn và 12 xã, với dân số năm 2019 là 262.943 người.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hoài Đức là một trong 4 chuỗi đô thị thuộc khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4, bên cạnh Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Trì.
Đây là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng của vùng, quốc gia. Dân số đến năm 2030 khoảng 1,2 - 1,4 triệu người.
Cùng với thông tin lên quận vào năm 2022 và mạng lưới hạ tầng, giao thông ngày càng hoàn thiện, Hoài Đức là địa phương được các nhà đầu tư bất động sản săn đón.
Khi quỹ đất sạch tại lõi nội đô Hà Nội đang ngày càng khan hiếm, giới đầu tư bất động sản có xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư sang các vùng ven.
Tại khu vực phía tây nam Hà Nội, dòng vốn của loạt ông lớn bất động sản như Vingroup, GFS, WTO đổ về các dự án khu đô thị sinh thái quy mô hàng trăm ha như Splendora An Khánh, Vân Canh, Ciri An Khánh, Lideco - Bắc Quốc lộ 32, Vinhomes An Khánh, Hinode Royal Park... đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực.
Theo khảo sát mới nhất của CBRE, trong năm 2020, tỷ lệ giao dịch thành công tại phía tây nam Hà Nội ghi nhận ở mức cao, chiếm 60 - 70% toàn thị trường.
Riêng tại Hoài Đức, đây là địa phương tập trung nhiều dự án khu đô thị, thương mại dịch vụ. Tiêu biểu là dự án Hinode Royal Park tại xã Kim Chung và Di Trạch rộng 146,7 ha. Dự án do Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO) rót vốn với tổng mức đầu tư 41.248 tỷ đồng.
KĐT Splendora gồm tổ hợp biệt thự – khu nhà ở liền kề – căn hộ rộng 264,13 ha tại xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh. Ban đầu, dự án do Công ty Liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (tên viết tắt là An Khánh JVC) - doanh nghiệp liên kết của Vinaconex làm chủ đầu tư với tổng mức vốn là 2,57 tỷ USD.
Ngày 14/8/2020, An Khánh JVC đã chính thức thay đổi chủ sở hữu, Vinaconex được thay thế bằng CTCP Đầu tư và phát triển Pacific Star, nắm giữ 50% vốn của An khánh JVC.
Địa bàn huyện Hoài Đức còn có Vinhomes Thăng Long, khu biệt thự liền kề cao cấp rộng 24,2 ha, nằm trong khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư.
KĐT Lideco thuộc thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội. Dự án được xây dựng và thi công bởi CTCP đầu tư phát triển đô thị Từ Liêm với quy mô 38,238 ha.
KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, được xây dựng tại huyện Hoài Đức và quận Hà Đông, diện tích 135 ha và quy mô dân số ước tính khoảng 26.069 người. Tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, do Geleximco đầu tư toàn bộ.
Trong cuộc họp báo cáo tiến độ triển khai một số dự án ngoài ngân sách trên địa bàn Hoài Đức hồi cuối tháng 3, UBND huyện cho biết trên địa bàn huyện hiện nay có 7 dự án đô thị gồm: Dự án khu nhà ở Tân Việt; Dự án Khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32; Dự án Khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn – Glexemco; Dự án Khu đô thị mới Vân Canh; Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch; Dự án Khu biệt thự Vườn Cam và dự án Khu đô thị mới thuộc khu đô thị Đại học Vân Canh.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tiến độ các dự án còn chậm so với chủ trương đầu tư được duyệt. Trong đó, tại Khu nhà ở Tân Việt còn 111 nhà liền kề, 75 căn biệt thự chưa triển khai xây dựng; các khu đô thị: KĐT mới Vân Canh, KĐT mới hai bên đường Lê Trọng Tấn – Geleximco, KĐT Bắc Quốc lộ 32, Khu biệt thự Vườn Cam có nhiều công trình nhà ở chưa thực hiện, các công trình hạ tầng xã hội bao gồm trường học, y tế, dịch vụ, văn hóa thể thao… chưa được đầu tư xây dựng.
Ngoài các dự án đô thị, Hoài Đức còn sở hữu một số công viên, điểm du lịch - văn hóa làng nghề như Thiên đường Bảo Sơn, công viên Đắc Sở, Nam An Khánh, và một lượng lớn các đình, chùa,...
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 9 tuyến đường sắt đô thị. Riêng tại huyện Hoài Đức sẽ có 5 tuyến metro chạy qua.
Tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 21 km có điểm đầu tại Nhổn, vị trí giáp ranh với Hoài Đức. Đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành. Đoạn từ ga Hà Nội đến ga Hoàng Mai dự kiến khai thác từ năm 2028.
Còn sau năm 2030, tuyến đường sắt đô thị số 3 sẽ được kéo dài đến Sơn Tây (30 km).
Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) dài 39 km, tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 65.000 tỷ đồng.
Dự án đi qua địa phận các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tổng số ga trên tuyến 17 ga và 2 đề pô tại Sơn Đồng (Hoài Đức) và Hòa Lạc.
Tại Hoài Đức, dự án sẽ đi dọc theo đại lộ Thăng Long và dự kiến có 5 điểm ga tại đoạn đường này. Đầu tiên là điểm ga ở nút giao giữa đại lộ Thăng Long với đường Lê Trọng Tấn (nơi vị trí của dự án Vinhomes Thăng Long).
Điểm ga thứ hai là cầu vượt An Khánh (gần dự án Splendora, Thăng Long Victory, Thăng Long Capital). Điểm thứ ba là trước Dự án khu đô thị Hà Đô Charm Villas - Hà Đô Dragon City.
Cách Hà Đô Charm Villas hơn 1 km là trạm dừng ở nút giao đại lộ Thăng Long - Đê Song Phương (Đê tả sông Đáy).
Ga số 5 và cũng là điểm dừng cuối cùng trong giai đoạn đầu xây dựng tuyến metro số 5 nằm ở nút giao Đại lộ Thăng Long và cầu vượt Song Phương, thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội). Đây cũng chính là vị trí có tuyến đường vành đai 4 đi qua trong tương lai.
Hồi đầu tháng Hai, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thẩm định đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 5.
Tuyến số 6 Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi, dài 43 km. Tại Hoài Đức, tuyến này giao cắt với tuyến số 7 ở đường Lê Trọng Tấn, sau đó đi tiếp qua xã La Phù trước khi vào địa phận quận Hà Đông.
Tuyến số 7 (Mê Linh - Đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội) dài 28 km, tuyến đi cao toàn bộ hoặc đi cao kết hợp đi ngầm trong đoạn đô thị đông Vành đai 4, với tổng số 23 ga và 1 đề pô tại Mê Linh.
Tại Hoài Đức, tuyến metro này sẽ đi dọc theo tuyến đường vành đai 3,5 qua xã Kim Chung, Di Trạch, Vân Canh, An Khánh, La Phù.
Tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá) với chiều dài khoảng 37 km, tổng vốn dự kiến khoảng 105,24 tỷ đồng.
Điểm bắt đầu tại Hoài Đức, đoạn Sơn Đồng - Mai Dịch dài 12 km, quy hoạch đi cao, đoạn tuyến đi theo Vành đai 3 đến Lĩnh Nam đi ngầm, đoạn tuyến từ Lĩnh Nam - vượt sông Hồng - Dương Xá đi trên cao. Tổng số ga trên tuyến 26 ga và 2 đề pô tại Sơn Đồng và Cổ Bi.
Tuyến đường sắt đô thị số 8 sau khi hoàn thành theo quy hoạch sẽ kết nối các khu vực dân cư, đô thị lớn của Hà Nội thuộc địa bàn các quận, huyện gồm Hoài Đức, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Gia Lâm.
Kế hoạch thực hiện đầu tư và triển khai các dự án của tuyến đường sắt đô thị số 6, 7, 8 theo quy hoạch được duyệt là giai đoạn 2020 - 2030.
Phần lớn diện tích huyện Hoài Đức nằm trong quy hoạch phân khu S2, thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường vành đai 4, cửa ngõ phía tây của Hà Nội.
10 năm trở lại đây, khu vực Hoài Đức được chú trọng đầu tư mạnh về hạ tầng, quy hoạch để lên quận. Thực tế, địa bàn huyện Hoài Đức bây giờ đã phát triển nhiều tuyến đường trọng điểm của Thủ đô như: Quốc lộ 32, đại lộ Thăng Long (cũng là nơi đi tuyến metro số 5 đi qua), trục đường lớn khu Tây Thăng Long hay đường quốc lộ 70 nối từ Nhổn tới đại lộ Thăng Long chạy qua huyện Hoài Đức đã hoàn thành mở rộng lên tới 4 làn xe,...
Bên cạnh những con đường hiện hữu, trong tương lai, Hoài Đức sẽ có nhiều quy hoạch giao thông đáng chú ý; đơn cử như tuyến đường mới với chiều dài khoảng 500 m kết nối huyện Hoài Đức với quận Nam Từ Liêm từ trục trung tâm Khu đô thị Vân Canh; đường vành đai 3,5, vành đai 4... Bên cạnh đó, nhiều tuyến giao thông khác sẽ được cải tạo, nâng cấp, mở rộng.
Theo Nghị quyết số 21 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 được HĐND TP Hà Nội phê duyệt, huyện Hoài Đức sẽ thu hồi 211,81 ha đất để làm 104 dự án, trong đó có 24 dự án cải tạo, mở rộng đường giao thông.
Một số dự án quan trọng như sẽ mở đường vành đai 3,5 giai đoạn 1 và 2; tuyến đường DH04; tuyến đường dọc kênh Đan Hoài (đại lộ Thăng Long) đến huyện Hoài Đức; đường giao thông liên xã Cát Quế - Dương Liễu; đường liên xã Đức Giang - Đức Thượng; đường từ QL32 qua KĐT Cienco 5 khớp nối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài; đường trục chính xã Kim Chung,...
Ngoài ra, trục đường Hồ Tây - Ba Vì sẽ mở trên cơ sở kéo dài đường Hoàng Quốc Việt từ vành đai 3 đến quốc lộ 21 hay tuyến đường Trịnh Văn Bô kéo dài, xây dựng như đường Tân Lập - An Khánh - La Phù dài 16 km rộng 50 m,...
Trong Nghị quyết số 13 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội, Hoài Đức đang được rót 3.539,5 tỷ đồng vào 13 dự án.
Trong đó có 3 dự án liên quan đến xây dựng đường xá, là xây dựng đường Vành đai 3,5 (giai đoạn 2017 - 2021), với tổng vốn đầu tư 1.355 tỷ đồng.
Đường liên khu vực 8 (đoạn từ đại lộ Thăng Long đến đường tỉnh 423) (giai đoạn 2019 - 2021), tổng vốn là 421,5 tỷ đồng.
Đường liên khu vực 1 đoạn từ Đức Thượng đến Song Phương, tổng vốn 1.026 tỷ đồng. Đường Lại Yên - Vân Canh (từ đường liên khu vực 2 đến đường Vành đai 3), trị giá 469,8 tỷ đồng.
4 dự án liên quan đến trường học là xây dựng trường mầm non Sơn Đồng, tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng; trường mầm non An Khánh B trị giá 67,3 tỷ đồng; xây dựng, mở rộng trường mầm non An Thượng A - khu Đồng Thuệ, xã An thượng 66 tỷ đồng.
Ngoài ra thành phố dự kiến sẽ xây mới trường tiểu học Đức Giang, tổng vốn đầu tư 63,3 tỷ đồng.
6 dự án liên quan đến quy hoạch là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (phần quy hoạch sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng vị trí đóng quân mới và thao trường huấn luyện Trung đoàn bộ binh 692 thuộc Sư đoàn Bộ Binh 301 - Bộ Tư lệnh Thủ đô), tổng giá trị dự toán là 110 triệu đồng. Ngoài ra còn có quy hoạch chi tiết trung tâm thị trấm Trạm Trôi, trị giá 112 triệu đồng.
Xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc giới tuyến đường liên khu vực nối hai phân khu đô thị S1, S2 - tuyến số 1 giữa Hoài Đức và Đan Phượng, tỷ lệ 1/500 trị giá 1,7 tỷ đồng.
Xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc giới tuyến đường liên khu vực nối ba phân khu đô thị S1, S2 và S3 - tuyến số 2 giữa Hoài Đức và Đan Phượng, tỷ lệ 1/500 trị giá 2,7 tỷ đồng.
Xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc giới tuyến đường liên khu vực dọc đường sắt Hà Nội - Lào Cai và đường Vành đai 4, tỷ lệ 1/500 tại Hoài Đức và Hà Đông, trị giá 50 triệu đồng.
Theo báo cáo về Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố công bố năm 2018 (hiện đang được tái giám sát), huyện Hoài Đức có tất cả 56 dự án vi phạm, chậm triển khai.
2 dự án chậm triển khai đã có có quyết định thu hồi là dự án rộng 32,4 ha tại Phú Đa, Phú Thượng, Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương làm chủ đầu tư. Dự án diện tích 6.327 m2 tại cụm công nghiệp Lại Yên, xã Lại Yên, Hoài Đức, chủ đầu tư là Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Đức Tiến.
2 dự án được giao đất sau đó điều chỉnh quy hoạch đã xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung là dự án nhà máy sản xuất thức ăn gia súc rộng 2.514 m2 của CTCP Thái Dương; tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại Thăng Long AZ diện tích 15,4 ha của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long;
Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính là dự án đầu tư điểm dịch vụ du lịch sinh thái Song Phương tại xã Song Phương, chủ đầu tư là CTCP thương mại và du lịch Phương Viên.
51 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, hầu hết là các dự án khu đô thị, nhà ở xã hội, khu thương mại dịch vụ. Đơn cử như dự án khu đô thị (KĐT) mới Tây Nam An Khánh 1, 2; KĐT mới Nam đường 32; KĐT mới An Thịnh 1, 2, 3, 4, 5, 6; Dầu khí Đức Giang; khu biệt thự và căn hộ cao cấp Hoàng Kim; khu du lịch sinh thái Ngân Hăng; điểm phát triển làng nghề truyền thống kết hợp DI - làng nghệ tạc tượng Sơn Đồng,...
Nhiều năm nay, mỗi khi có mưa bão lớn, toàn bộ tầng hầm hàng chục hộ dân khu liền kề, cùng hệ thống đường giao thông khu đô thị Geleximco, Kim Chung Hinode Royal Park Kim Chung Di Trạch, Bắc An Khánh, nhiều điểm tại đại lộ Thăng Long... ngập chìm trong nước.
Các hộ dân sống trong khu vực này phải dùng đất, bao tải cát đắp bờ ngăn không cho nước tràn vào nhà. Do nước rút chậm, người dân phải dùng máy bơm, xô, chậu nhựa... để tát nước ra ngoài. Nước ngập sâu trong các ngày mưa bão lớn, để tương tác với bên ngoài, có người dân đã phải dùng thuyền để đi lại.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội thành còn 12 điểm úng ngập còn tồn tại năm 2020. Trong đó có 6 điểm không giảm được úng ngập do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả, trong số này có đại lộ Thăng Long.
Sở Xây dựng cũng cho biết một số điểm ngập cục bộ vẫn còn tồn tại trên địa bàn huyện Hoài Đức như quốc lộ 32, trên đường gom Đại lộ Thăng Long (Hầm chui Ngã ba Thiên đường Bảo Sơn - vành đai 3,5), đường Lê Trọng Tấn, khu đô thị Geleximco và tại một số vị trí hầm chui dân sinh,...
Được biết vào tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 5037 cho ý kiến về việc khắc phục tình trạng úng ngập tại nút giao thông đường Lê Trọng Tấn với đường gom Đại Lộ Thăng Long, khu vực cổng Sông Đà Sudico và khu A đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức.
Sở Xây dựng nêu giải pháp giải quyết úng ngập lâu dài: Khi hệ thống thoát nước trong khu vực được đầu tư đồng bộ tổng thể theo quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt; Dự án nút giao thông Lê Trọng Tấn với Đại lộ Thăng Long (Công ty Him Lam làm Chủ đầu tư) hoàn thành; Trạm bơm Yên Nghĩa đi vào khai thác vận hành 100% công suất cùng với việc cải tạo nâng cấp các tuyến mương tiêu (tuyến kênh tiêu T3A); mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Ngà được kiểm soát sẽ giải quyết triệt để tình trạng úng ngập trong khu vực.
Dù vậy, với dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, tiến độ GPMB đang rất chậm. Tính đến tháng 8/2020, dự án mới GPMB được 161.773/307.358,7 m2. Theo đó, còn tới 145.585,7 m2 đất cần phải GPMB.
Bên cạnh đó, vào năm 2018, được sự cho phép của UBND TP Hà Nội, Tập đoàn Geleximco đã lắp 3 máy bơm với công suất 4000m3/h, với tổng công suất 12.000 m3/h để thoát nước khu đô thị Geleximco.
Tuy nhiên đến nay, tình trạng ngập lụt tại KĐT Geleximco vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn này, Hoài Đức, cùng với các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng của TP Hà Nội dự kiến thành lập quận.
Riêng huyện Hoài Đức phấn đấu hoàn thành các tiêu chí vào cuối năm 2021 để năm 2022 trở thành quận.
Trong buổi giao ban báo chí ngày 11/8/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết huyện này đã đạt 22 tiêu chí lên quận.
Trong đó đạt 5/6 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng. Các tiêu chí huyện này đạt và vượt mức quy định như: Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt 10,74%, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, hiện nay huyện không còn hộ nghèo, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt 95,3% (yêu cầu là 90%), tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, điện chiếu sáng…
Một tiêu chí chưa đạt như: Cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, cơ sở y tế cấp đô thị, đất cây xanh công cộng, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý…
Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Hoài Đức ước đạt 2.398,6 tỷ đồng, đạt 164% so với dự toán thành phố giao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 62 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu 7 triệu đồng/người/năm…
Bước sang năm 2021, huyện Hoài Đức đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 11%/năm, phát triển cơ sở hạ tầng kiến trúc, cảnh quan đô thị như tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông khung; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; phát triển không gian xanh đô thị, tuyến đường văn minh đô thị.
Ngoài ra, địa phương này tập trung đầu tư các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025...
Từ năm 2018 đến nay, đặc biệt là thời điểm đầu năm 2019, cơn sốt đất Hoài Đức đã đẩy giá đất đã tăng mạnh.
Theo khảo sát, khu vực dọc quốc lộ 32 đang có mức giá cao nhất tại Hoài Đức. Giá đất mặt đường tại một số xã như Kim Chung hay thị trấn Trạm Trôi đang được rao bán với giá dao động từ 100 triệu đồng/m2 trở lên.
Hay như phân khu shophouse thuộc một dự án nằm gần quốc lộ 32 đang đang có giá bán lên tới 100 triệu đồng/m2.
Riêng đối với đất dịch vụ, chủ một văn phòng môi giới nhà đất tại Vân Canh cho biết, lô có sổ đỏ rẻ nhất cũng phải 50 triệu đồng/m2. Khu vực gần đường vành đai 3,5 có giá 70 - 80 triệu đồng/m2. Còn đất ở trong làng Di Trạch, chỗ "xó xỉnh" giờ cũng hơn 30 triệu đồng/m2. Mảnh đẹp, mặt đường to thì phải 40 - 50 triệu đồng/m2.
Môi giới này cho biết thêm, cách đây vài năm, đất thổ cư trong làng, xã ở quanh khu vực này cao nhất cũng chỉ mười mấy triệu đồng/m2.
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong năm 2020 đối với khu vực đất đai trong khu dân cư hiện hữu, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2019 khoảng 50%.
Đáng lưu ý, mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau.
Trước đó, động thái gom đất của giới đầu tư đã tạo nên một cơn sốt đất tại Hoài Đức giai đoạn 2007 - 2011. Nhưng khi cơn sốt lắng xuống từ sau năm 2011, đến nay, nhiều khu đô thị như Kim Chung Di Trạch, Nam An Khánh, Geleximco, Thiên Đường Bảo Sơn... có hàng nghìn các căn biệt thự bỏ hoang, không người ở. Tiền lệ này được coi là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư bất động sản cần nắm rõ các thông tin trước khi "xuống tiền" vào các dự án.