Những ngày này, dọc theo các con phố trung tâm của Hà Nội như Bà Triệu, phố Huế, Hai Bà Trưng,… là những con đường vắng lặng thưa thớt người qua, những cửa hiệu im lìm khoá, những tấm biển thông báo dày đặc chữ với nội dung sang nhượng cửa hàng.
Có cảm giác trong một phút giây ta có thể nghe thấy cả tiếng lá rơi dưới gốc cây trên đường Phan Đình Phùng, trong cái im lặng của phố Hà Nội nhiều thời điểm trong ngày. Chụp một tấm hình, đưa cho người bạn xem, bạn phán: "Không khác gì Hà Nội trong tranh phố Phái. Bình yên quá". Đúng là bình yên, nhưng thẳm sâu bên trong cái vẻ vắng lặng của phố phường mơ mộng đầy chất trữ tình lãng mạn kia lại là những con người đang cố gắng chống chọi qua cơn bão mang tên: Covid - 19.
Dịch bệnh Covid - 19 càn quét qua thành phố khiến bao người lao đao. Kẻ đóng cửa quán, người tính chuyển nghề, người lo sợ, người lại tìm thấy cơ hội trong bão. Một bức tranh muôn mặt của thành phố trong tâm dịch dần hiện lên dưới ánh đèn mờ ảo của khu chợ người Long Biên.
19h tối, tốp phu vác hàng vẫn đứng ken đầy một góc chợ đầu mối Long Biên, chờ người đến thuê. Dưới ánh đèn đường vàng yếu ớt, khuôn mặt người đàn ông ngoại tứ tuần hiện ra vẻ khắc khổ của một người từng trải bao biến cố cuộc đời. Tay vẫn còn cầm mấy đồng bạc lẻ, ông Khánh lấy vạt áo vội lau mồ hôi trên trán, đút tiền vào túi quần rồi mới ngẩng mặt lên: "Hôm nay được chuyến hàng đã quá. Ba trăm nghìn. Hai tiếng. Lâu lắm rồi mới có người gọi đi".
Dịch bệnh bùng phát, buôn bán ngừng trệ. Các chuyến hàng đổ về thành phố cứ thưa dần, thưa dần rồi ít hẳn. Những người phu khuân vác tại các chợ đầu mối ở Hà Nội lâm vào tình trạng… đói ăn.
Nghề nghiệp không có, gia đình cũng không, những người phải đi tha hương cầu thực như ông Khánh ngoài việc cố bám trụ lấy thành phố này, đói no qua ngày thì cũng chỉ biết buông xuôi, chứ không thể làm gì hơn để chống lại cơn bão Covid - 19. "Làm chẳng đủ đổ vào miệng. Tháng này không đủ tiền đóng trọ thì lại phải 'mặt dày' xin khất với người ta. Cũng ngại…", ông Khánh trầm ngâm.
Dịch bệnh Covid - 19 đã khiến các ngành kinh tế, dịch vụ, sản xuất,… bị ngừng trệ, hàng trăm doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đối tượng bị tác động trực tiếp, tức thì chính là những người lao động có thu nhập thấp, dưới mức trung bình đang sống tại các thành phố lớn có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Gần 10.000 là số trường hợp khai báo hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ tính riêng từ Tết âm lịch đến nay tại Hà Nội, theo số liệu từ cơ quan bảo hiểm. Và trên thực tế, dự báo con số này còn cao hơn nhiều, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Gặp chúng tôi dưới cái nắng đầu hè gay gắt của Hà Nội trên đường Đinh Tiên Hoàng, anh Thương, một người chạy xích lô 40 tuổi, ngụ tại Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, nằm dài trên xe chờ khách, úp chiếc mũ vãi lên mặt để che đi cái nóng đang toả ra từ những cao ốc bê tông gần đó.
Chiếc xe cà tàng này suốt hơn 10 năm nay đã trở thành nguồn sống của một gia đình 5 miệng ăn. Anh Thương kể ngày trước khi chưa có dịch, mỗi ngày khách nhiều anh cũng kiếm được đôi ba trăm, phụ với đồng tiền chạy chợ của vợ ở nhà, gia đình anh cũng đủ sống.
Tuy nhiên từ khi dịch bùng phát, khách du lịch đến thành phố giảm hẳn. "Bữa đực bữa cái có ngày chẳng kiếm được đồng nào", anh Thương nói. Tất cả gánh nặng chi tiêu trong gia đình nay đè nặng lên người vợ, với những buổi chạy chợ tất bật từ sáng sớm đến tối mịt.
"Đêm nào tôi cũng thức đến 4h sáng, chỉ với cốc cà phê và điếu thuốc. Đau đầu nghĩ cách làm sao kiếm cho ra tiền nuôi ba đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn. Nghĩ nhưng rồi cũng bất lực. 40 tuổi rồi biết chuyển nghề gì nữa đây?", anh Thương thở dài.
Cũng rơi vào bế tắc như anh Thương là bà Vũ Thuý Hoa, chủ một quán sách hơn 30 năm trên phố Đinh Lễ (Hà Nội).
Từ nửa tháng nay, bà chủ hiệu sách người Hà Nội cứ sớm sớm dọn sách ra như một thói quen, rồi tối lại lặng lẽ cất sách vào. Từng khách đi đường đều khẩu trang kín mít, vội vã lướt qua. Nhân viên duy nhất của quán là cô cháu họ bà Hoa thì đã về quê đã lâu.
"Không có khách, cũng không còn đủ tiền trả lương. Duy trì đến nay là giỏi lắm rồi", xoa xoa chén chè mạn xanh ngắt, vẫn còn toả khói trên tay, bà Hoa trăn trở.
Bà Hoa kể, cửa hàng sách này đã mở được 30 năm, nhưng chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn như vậy: "Ngay đến dịch Sars năm 2003 nói đáng sợ nhưng cũng trôi qua một cách rất nhẹ nhàng, không ảnh hưởng nhiều như bây giờ".
"Có những buổi sáng mở cửa ra thấy cả phố vắng tanh không một bóng người. Nhưng có thể với những người trẻ, mới bước chân vào nghề kinh doanh sách thì sẽ rất dễ chạnh lòng. Nhưng kinh doanh lâu năm, chính những lúc này mới đòi hỏi con người ta phải kiên trì, tìm hướng vượt qua khó khăn", bà chủ hiệu sách tâm sự.
Nắng cuối chiều vàng phía xa, len lỏi qua những tán cây, lọt vào từng ô đá vỉa hè Hồ Gươm. Trầm ngâm giây lát, bà Hoa thở dài: "Đinh Lễ từ lâu là phố sách của thủ đô, nơi tập trung những người yêu sách của Hà Nội. Nếu mình đóng cửa thì họ biết đến đâu?".
Khó, nhưng người lái xích lô bên bờ Hồ Gươm vẫn một giọng dứt khoát, rằng: "Còn người thì còn của". Lạc quan lên! Với rất nhiều người dân lúc này được xem như khoảng thời gian 'thử lửa' để thay đổi, học cách đứng lên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
Còn bà chủ hiệu sách trên phố cổ Đinh Lễ đưa tay vuốt lại một bìa sách đang chỏng chơ trên kệ, chép miệng, hướng ánh nhìn về phía hồ Gươm, nơi cây lộc vừng to với những chiếc lá non bừng sáng.
Dịch được kiểm soát và du lịch phát triển trở lại, chúng tôi sẽ lại có cơ hội", một chủ khách sạn nơi phố cổ thắp lửa hi vọng sau một đêm đập đầu vào tường vì làm ăn thua lỗ.
Một ông chủ công ty du lịch nổi tiếng đã phải cắt giảm hơn một nửa số nhân viên, những người còn bán trụ lại phải đi chạy bàn, bán dưa hấu, nước rửa tay để kiếm thêm thu nhập. Ông vẫn tin rằng: "Tôi nghĩ rằng hết hồi bĩ cực sẽ đến hồi thái lai".
Từ nhiều ngày nay, người dân đi lại trên con đường Bà Triệu đã quen thuộc với hình ảnh một ông lão trong bộ đồ rộng thùng thình, ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ bên cạnh cửa hàng tranh sơn mài, đang đưa những ngón tay xương xẩu chậm chạp lướt trên màn hình chiếc máy tính bảng. Có khách ghé vào, ông Thắng mới dừng lại chầm chậm nhìn lên.
Dịch bệnh đã khiến những người ở độ tuổi "thất thập cổ lai hi" như ông Thắng học cách sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, để trao đổi với khách. Ông Thắng nói, để học được cách dùng phải mất cả tháng trời, mà cũng chỉ biết cách gửi hình sản phẩm cho khách, chứ chưa biết làm gì.
Trong một bức tâm thư viết gửi nhân viên của mình trước dịch Covid - 19 bùng phát tại Hà Nội, vị giám đốc của công ty truyền thông nọ đã ví công cuộc chống lại đại dịch Covid - 19 là một trận chiến.
"Bước vào trận chiến, là một người tiểu đội trưởng, cũng như các tiểu đội trưởng khác trong đại đội, chắc chắn sẽ không bỏ mặc cho chiến sĩ nào thương vong. Nhưng ngược lại, khi vào cuộc chiến, chúng ta cũng không thể nào tìm chỗ ẩn nấp hay trốn chạy, khi mà xung quanh ta, cả nước vẫn đang sống - làm việc - chiến đấu chống Cô Vy", vị giám đốc này viết.