Đầu thôn Từ Tây, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên mấy ngày gần đây xuất hiện một vài lán trại được dựng tạm. Đó là những trạm kiểm dịch lợn tạm thời của xã Yên Phú.
Yên Phú được xem là địa phương chăn nuôi lợn với số lượng nhiều nhất của huyện Yên Mỹ.
Ở đầu thôn, quán cơm của chị Luyến mấy hôm nay vắng vẻ khác một cách đặc biệt so với các tháng trước. Bàn ghế thì bày biện nhiều nhưng bên trong cũng chỉ có chị và một bà cụ tuổi ngoài 70 đang ngồi xem ti vi.
"Bà chủ ơi nhà mình có gì ăn không chị", chúng tôi hỏi với vào trong.
"Có, các chú vào trong đi, nhà tôi hôm nay chỉ có gà luộc, gà rang với cá rán thôi nhé", chị Luyến vừa nói vừa cười.
Quán cơm của chị ngày trước đến giờ cơm trưa đông khách bao nhiêu thì nay lại vắng bấy nhiêu. Mang cơm cho chúng tôi xong chị ngồi cạnh bảo: "Từ khi bắt đầu ổ dịch, lợn chết nhiều cả làng không ai dám ăn thịt lợn nữa, nơi khác họ không chứng kiến thì không sợ, chứ dân ở đây không cần khuyến cáo họ cũng không ai dám ăn".
Vừa ngồi gọt quả cam, chị Luyến vừa thở dài chia sẻ: "Dạo này bán cơm ế lắm. Trước lợn chưa bị dịch thì làm cơm có nhiều món chế biến từ lợn, nào là nem rồi thì thịt rang thay đổi theo ngày nên họ vào ăn nhiều.
Giờ nhà tôi làm cơm toàn thịt gà với cá họ ăn mãi cũng chán. Từ khi ở xã bên bắt đầu thông báo có ổ dịch là họ không ăn ở quán nhà tôi nữa rồi.
Ngày thường, mỗi buổi tôi bán 50 suất cơm là bình thường, bây giờ thì giỏi lắm chỉ được hơn chục suất là nhiều. Dân lao động đi qua, chả mấy người vào ăn nữa. Có tâm lý đề phòng dịch, họ mang thức ăn từ nhà đi vừa an toàn lại vừa đỡ chi phí cho gia đình".
Nghỉ trưa xong, theo lời chị Luyến chúng tôi rẽ trái để vào làng, chạy thẳng 500m thì thấy nhiều trang trại nuôi lợn được nuôi cách li với nhà ở của dân.
Nơi đây là một khu chăn nuôi rộng, đường đi lối lại thuận tiện, nhiều trang trại xây dựng san sát nhau, người dân nơi đây mỗi hộ chăn nuôi đều xây dựng mô hình trang trại theo kiểu vườn, ao, chuồng.
Nhiều trang trại nuôi lợn được nuôi cách li với nhà ở của dân.
Vốn chuẩn bị sẵn tâm lý về mùi hôi ở những khu chăn nuôi nhưng càng đi vào sâu thì những chiếc khẩu trang của chúng tôi dường như càng mất đi tác dụng bởi mùi thối ở các kênh mương dọc đường bốc lên mỗi lúc một mạnh. Mùi nước phân lợn xen lẫn mùi nồng nặng của vôi bột được rắc xuống để khử trùng.
Có một điều mà hiếm khi tồn tại ở trang trại lợn này, đó chính là vắng tiếng lợn kêu. Những ngày này, bóng người ở khu vực này cũng cực kỳ hiếm hoi, bởi còn lợn đâu mà cần người chăm. Khắp các con đường xung quanh các trang trại được phủ bởi một lớp vôi bột trắng xóa.
Thật tình cờ, trong lần tìm hiểu thực tế này, chúng tôi biết được thông tin về một hộ dân báo cáo dịch bệnh và chính quyền xã đang huy động người, xe đến nhà để mang lợn đi tiêu hủy.
Đó là hộ nhà nhà anh Chuyên, chị Doãn. Nghe chúng tôi hỏi thăm đường vào nhà anh Chuyên, người dân trong thôn đã đoán ngay ý định rồi chỉ đường. Có lẽ, thông tin đi tiêu hủy lợn đối với mỗi hộ dân ở đây giống như một câu chuyện buồn càn lướt qua từng hộ. Và hôm nay, đến hộ nhà anh Chuyên, chị Doãn.
Nhà anh Chuyên được biết đến là một trong những hộ nuôi nhiều lợn của thôn với khoảng 60 con lợn nái (lợn sề) và hàng trăm con lợn thịt to nhỏ các loại. Đợt dịch tả này gia đình anh chị đang đứng trước nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng nếu cả đàn lợn phải mang đi tiêu hủy.
Nhà anh Chuyên được biết đến là một trong những hộ nuôi nhiều lợn của thôn với khoảng 60 con lợn nái (lợn sề) và hàng trăm con lợn thịt to nhỏ các loại.
Mời chúng tôi vào nhà cùng với các cán bộ ở xã xong, anh Chuyên ngồi trên chiếc ti vi cũ đã được biến thành chiếc ghế tạm để trình bày nguyện vọng.
"Đợt này dịch thế này gia đình tôi mong muốn chỉ tiêu hủy những con lợn ốm yếu, hiện tại lợn yếu rất nhiều, còn những con khỏe để lại xem có cứu được hay không", anh Chuyên trình bày sau khi các vị khách nhấp môi chén trà vừa được chủ nhà rót ra.
Theo tìm hiểu mỗi chiếc sàn đẻ cho lợn nái chi phí khoảng 10 triệu /cái, riêng mỗi 1 vách ngăn có giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy vào kích thước và tùy loại vật liệu.
Về con giống riêng đầu tư lợn nái từ lúc bắt về cho tới lúc lên sàn đẻ chi phí vào khoảng 14-16 triệu đồng mỗi con. Tính trung bình, mỗi lứa lợn nái đẻ trên 10 con, thòi điểm con giống đạt từ 6-7kg khi bán với giá trung bình 1,5 triệu đồng một con, thời điểm đắt nhất có thể lên tới 1,8 triệu đồng một con giống đẹp.
Theo tìm hiểu mỗi chiếc sàn đẻ cho lợn nái chi phí khoảng 10 triệu /cái, riêng mỗi 1 vách ngăn có giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy vào kích thước và tùy loại vật liệu.
Mỗi hộ dân trong thôn khi bắt đầu gây dựng chuồng trại mất rất nhiều chi phí, từ xây dựng chuồng trại đến con giống đầu tư hàng trăm triệu đồng.
Với gương mặt mệt mỏi, sau khi việc bàn bạc với cán bộ xã xong xuôi, vợ chồng anh Chuyên dẫn chúng tôi vào khu chuồng lợn nái. Theo lời anh Chuyên kể, hàng chục con lợn nái đang từng ngày yếu dần đi, có những con đã chết khi đang đẻ non.
Đến đây, mắt đã rơm rớm nước, chị Doãn nói như mếu: "Lợn nhà em bị thế này cách đây nửa tháng rồi. Nuôi nhiều năm rồi không nghĩ nó bị như thế này, thời tiết không nóng mà vẫn bị đẻ non".
Bên trong những ô chuồng lợn nái, những con lợn khỏe và ốm nằm xen kẽ nhau, có những con cũng đã chết trong lúc đẻ non, con thì sưng bắp, con thì nằm im sùi bọt mép. Nỗi ngao ngán vì mỗi lần vào chuồng thăm đàn lợn đều phải chứng kiến cảnh tượng đó đã kéo dài cả nửa tháng nay với cặp vợ chồng này.
Đối với những con lợn được gia đình đồng ý cho mang đi tiêu hủy, anh Chuyên đều tự tay vào chuồng để đo kích thước rồi đánh dấu trên lưng bằng những vạch sơn màu đỏ. Vừa đánh dấu, tay anh vừa run run. Đó là những con lợn nái to hơn một tạ. Còn bên ngoài, các cán bộ đứng ghi chép vào sổ thông tin về lợn mang đi tiêu hủy.
Trong buổi chiều hôm đó, gia đình anh chị phải mang đi tiêu hủy hơn chục con lợn nái và vài con lợn thịt ở khu chuồng bên. Không cầm được lòng, chị Doãn bước theo ra cổng nhìn lên xe lợn đang lăn bánh rời xa cổng nhà mình.
Người phụ nữ này thẫn thờ nói: "Hơn 10 năm nuôi lợn chưa năm nào bị như năm nay. Mới năm ngoái bị dịch lở mồm long móng nhưng vẫn có người đến mua lợn. Đợt này bị thế không ai dám mua, phải mang đi bỏ hết".
Gia đình anh Chuyên chị Doãn phải mang đi tiêu hủy hơn chục con lợn nái và vài con lợn thịt.
"Hai vợ chồng ngày nào cũng phải ở ngoài trại thay ca nhau trông, khổ nhất những ngày lợn đẻ liên tục phải thay nhau trực", chị Doãn nhớ lại quãng thời gian trước đó.
Nhưng tại thời điểm này, khoảng thời gian vất vả đó của anh chị dường như lại là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Theo lời chị Doãn, từ đợt lợn bị dịch, gia đình vừa xót của đến mất ăn mất ngủ. "Nhìn mấy con lợn nhà hàng xóm bị khiêng đi vứt thì chảy nước mắt, nuôi lợn thịt không tiếc bằng lợn sề vì con lợn nó gắn bó với mình lâu, tiền mất đã đành nhưng nhìn thấy người ta chôn lợn, thương lắm.
Đợt này thiệt hại quá nặng nề, gia đình vào thế bần cùng rồi, mong có thuốc chữa được cho mấy con trong chuồng hi vọng vớt vát chút ít chứ không thì vỡ nợ mất", người phụ nữ này nói.
Nhìn "cơ ngơi" của mình đang từng ngày phải mang đi chôn, một suy nghĩ cho tình huống xấu nhất đã kịp hình thành trong đầu anh Chuyên chị Doãn những ngày này. Họ đã tính đến phương án đi làm thuê, làm mướn chứ không dám chỉ trông chờ vào con lợn nữa.
Trong làng này, nhà anh Chuyên chị Doãn chưa phải là hộ gia đình chịu thiệt hại nhiều nhất khi "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi càn quét tới.
Tiêu hủy cả đàn lợn gồm 27 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt chỉ trong một ngày, gia đình anh Lê Văn Viên được mọi người biết tới là một trong những hộ phải tiêu hủy số lượng lợn lớn nhất trong làng.
Tiêu hủy cả đàn lợn gồm 27 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt chỉ trong một ngày, gia đình anh Lê Văn Viên được mọi người biết tới là một trong những hộ phải tiêu hủy số lượng lớn lợn lớn nhất trong làng. Bây giờ, khu chuồng nhà anh trống không, được phủ bởi một màu trắng toát của vôi bột để khử trùng.
Giờ đây, bên cạnh những ô chuồng trống không, gia đình anh Viên chỉ còn lại căn nhà cấp 4 cũ được dựng lên để tiện trông nom chăm sóc cho đàn lợn trước đây.
Dù còn trẻ nhưng anh Viên cũng có tiếng về việc chăn nuôi lợn trong vùng.
Câu nói đầu tiên sau khi rót chén nước chè để mời vị khách lạ của anh Viên đó là: "Nhà anh hết sạch rồi em, giờ có còn con nào trong chuồng đâu". Vừa nói anh vừa chỉ vào khu chuồng lợn giờ đây trống không, được phủ bởi một màu trắng toát của vôi bột để khử trùng.
Ngoài một sào đất dùng để canh tác trồng rau, kinh tế gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào đàn lợn. Tính đến nay, gia đình anh đã nuôi lợn được chục năm. Con lợn gắn bó với người đàn ông này trước khi anh xây dựng gia đình và toàn bộ vốn liếng của hai vợ chồng đều được dồn vào chuồng trại.
Giờ đây, bên cạnh những ô chuồng trống không, gia đình anh Viên chỉ còn lại căn nhà cấp 4 cũ được dựng lên để tiện trông nom chăm sóc cho đàn lợn trước đây.
"Bao nhiêu công sức từ năm 2011, mọi vốn liếng dồn vào chuồng trại đến ngày hôm nay mất sạch chú ạ. Gây dựng từ lúc cưới đấy. Đợt này nhà tôi tiêu hủy hết tính ra mất ngót 1 tỉ bạc. Trước đó, năm 2016, đã mất 600 triệu đồng rồi, nhưng năm nay thế này thì hết sạch", anh Viên nghẹn ngào chia sẻ.
Anh Viên thống kê: Tháng 8/2016 thì "chết" giá (giá lợn xuống thấp), sang tháng 3/2018 mới lên giá được một chút thì đến tháng 10/2018 lại bị dịch lở mồm long móng.
"Chú bảo như thế thì chăn nuôi sao khá lên được. Đợt này may ra nhà nước có hỗ trợ thì còn hi vọng tái được đàn chú ạ", anh Viên nói.
Những con lợn sau khi được đánh dấu bằng một loại sơn màu đỏ được chính quyền xã Yên Phú ghi chép vào sổ sách rồi họ tiến hành cho xe và người vào mang đi tiêu hủy. Những con lợn to hơn một tạ không khiêng được, phải cần đến 2 - 3 người đẩy, kéo lợn đi bộ ra đến thùng xe. Chúng tôi đi xe máy theo chiếc ô tô này.
Một bãi đất trũng rộng được đào thành hố để chôn lợn. Thấy chúng tôi cầm máy ảnh và điện thoại để chụp ảnh và quay video, một người đàn ông đang lái máy xúc bất ngờ nhảy xuống xe với thái độ hung hãn và không cho tác nghiệp.
Hỏi một vị phó chủ tịch xã này, chúng tôi mới hay bãi đất dùng làm nơi tiêu hủy này không phải của thôn, là đất đi mượn. Ông phó chủ tịch xã này cũng mong muốn chúng tôi chỉ chụp ảnh cảnh chôn chứ không chụp ảnh khu vực xung quanh hay chụp ảnh có mặt những người chôn.
Những con lợn sau khi được đánh dấu bằng một loại sơn màu đỏ được chính quyền xã Yên Phú ghi chép vào sổ sách rồi họ tiến hành đưa lên xe chuyển đi tiêu hủy.
Trong công đoạn đầu của việc chôn lợn dịch, những con lợn sau khi được kéo khỏi thùng xe và di chuyển đến gần khu vực hố chôn được một số thanh niên đạp, đẩy từ trên bờ đê xuống gần miệng hố. Ở công đoạn thứ hai, dưới gần miệng hố, một nam thanh niên khác đợi sẵn cầm kích điện chọc vào những con lợn cho chết hẳn.
Phần việc còn lại của người điều khiển máy xúc. Đứng xung quanh ở vị trí xa hố chôn một chút là các công an xã làm nhiệm vụ trông coi khu vực bãi chôn lợn để đề phòng lợn bị mất. Những ngày trước đó, vì chủ quan, một số hộ dân có lợn chết đã chôn lợn ngay trong khu vực vườn nhà mình.
Không riêng hai gia đình anh Chuyên và anh viên, mỗi người dân thôn Từ Tây, những ngày này thực sự là những ngày buồn đối với họ. Sau khoảng thời gian dài rớt giá, niềm hi vọng vực dậy kinh tế gia đình của họ sau quãng thời gian dài giá thấp, dịch bệnh bỗng dưng tiêu tan bởi "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi càn quét qua. Đến hội làng, họ cũng chẳng còn tâm trí tổ chức rộn ràng như mọi năm.
Bài: Bảo Sơn
Trình bày: Cô Trịnh
Theo Đời sống & Pháp lý