Bà Huỳnh Bích Ngọc hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Bởi hai nguyên do, bà "xắn tay làm giỏi hơn nói", và bà may mắn có người chồng (doanh nhân Đặng Văn Thành) "làm giỏi, nói cũng hay". Vì thế, những dịp tiếp xúc với công chúng, bà thường lùi lại để chồng bước lên.
Suốt cuộc đối thoại hai giờ đồng hồ, bà ghi chép tỉ mỉ từng từ khóa trong câu hỏi, và luôn dành ít giây suy nghĩ trước khi nói bất kỳ một câu nào. Thói quen đó chỉ thay đổi khi bà nói về niềm say mê lớn nhất của cuộc đời mình: ngành đường.
Phóng viên: Ngành đường đã trải qua những năm chật vật vì rớt giá và đường lậu Thái Lan, vài tháng nữa Việt Nam sẽ xóa hạn ngạch nhập khẩu đường theo cam kết ATIGA. Bà có nghĩ rằng đây là một cú knock-out với các doanh nghiệp đường trong nước?
Bà Huỳnh Bích Ngọc: Thực ra, nền kinh tế không có cạnh tranh sẽ không có phát triển. Vấn đề ATIGA chính phủ các nước đã thông qua, các doanh nghiệp ngành đường cũng phải chuẩn bị cho mình để củng cố nội lực, hoạt động, có chiến lược, kế hoạch hành động khi hội nhập, làm sao sản xuất đường với giá thành cạnh tranh được.
Ngành đường có 3 khâu trọng yếu: nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh. Đó cũng là ba bài toán phải giải. Với nguyên liệu, phải tăng năng suất mía và có chữ đường cao. Với nhà máy, phải giảm thiểu chi phí sản xuất. Với kinh doanh, phải tối ưu cách thức bán hàng và phân khúc khách hàng. Không giải được các bài toán đó thì chưa cần đến ngày xóa hạn ngạch, chỉ riêng đường lậu đã có thể "đánh gục" ngành đường.
Bạn nghĩ xem, đường lậu không chịu thế VAT 5%, không chịu thuế TNDN 20%, doanh nghiệp cạnh tranh sao nổi về giá thành. Hai khoản thuế đó nhà nước thất thu, rồi phụ phẩm sản xuất như phân bón hữu cơ, vận chuyển xe cộ, công ăn việc làm... nhiều thứ kéo theo nếu một doanh nghiệp sản xuất đường trong nước. Trong khi, với đường nhập lậu nhà nước sẽ không thu được những khoản này.
Việc xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường gần như là không thể khác được. Nhiều chuyên gia cũng đã nói rằng ngành đường phải tự xoay xở, không thể trông cậy vào chính sách hỗ trợ. Đường lậu và đường nhập chính ngạch sẽ làm khó khăn tăng lên gấp đôi?
Điều chúng tôi lo ngại là ngành đường Thái Lan được chính phủ hậu thuẫn quá nhiều về chi phí, từ nghiên cứu giống đến phân bón, thủy lợi và cả các công cụ điều tiết thị trường. Hiện Thái Lan sản xuất 12 - 13 triệu tấn nhưng chỉ tiêu thụ 3 triệu tấn, số lượng còn lại là xuất khẩu. Đường là nhu yếu phẩm mỗi ngày, nếu đối thủ lớn là Thái Lan bán lẻ vào Việt Nam, sẽ phần nào gây khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa.
Mở cửa là mở cửa, nhưng cần nghiên cứu xem nếu nhập về quản lý lượng đường nhập thế nào, cho nhập đường gì. Hôm trước tôi vừa dự họp cùng Hiệp hội mía đường, chúng tôi đang kiến nghị chỉ nên nhập đường thô cho các doanh nghiệp chế biến đường song song với sản xuất từ mía, để vừa giữ được nhà máy, giữ công nhân viên và nông dân.
Chúng ta có thể nhìn qua Indonesia và Phillipines, họ cũng thực thi cam kết ATIGA, xóa hàng rào thuế quan nhưng thiết lập hàng loạt hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành đường nội địa.
Nhưng doanh nghiệp cũng phải vận động chứ, thưa bà?
Thực ra ATIGA không phải bây giờ mới thực thi. Chúng ta đã thực hiện theo lộ trình từ cả 10 năm nay rồi, nên mới có hạn ngạch. Trong hạn ngạch, thuế suất chỉ 5%, ngoài hạn ngạch thì lên tới 85% tùy loại đường.
Nên TTC cũng đã chuẩn bị cho ATIGA trong suốt từng đó năm. Chuẩn bị quyết liệt, trong cả ba khâu.
Về vùng nguyên liệu, chúng tôi có các nhà máy tại các tỉnh thành trong nước và khu vực Đông Dương. TTC phối hợp với nông dân cơ giới hóa, phát triển giống, sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học, liên tục áp dụng kỹ thuật mới vào canh tác, phát triển cánh đồng mía lớn.
Về sản xuất, chúng tôi rà soát và cắt giảm chi phí trong nhà máy, vận hành tối ưu để giảm giá thành. TTC đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 mới nhất để không xả khí thải ra ngoài môi trường. Hệ thống nhà máy của TTC sản xuất ra các sản phẩm có chứng nhận tuân thủ theo nhiều tiêu chuẩn ISO, FSSC, HALAL, Kosher…; ngoài ra sản phẩm đường organic của chúng tôi được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và EU, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường khó tính nhất như Mỹ, Châu Âu…
Năm 2017, TTC đã sáp nhập Công ty CP đường Biên Hòa (BHS) và Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT). Sau khi sáp nhập, công suất tối đa tăng lên 750.000 - 800.000 tấn đường mỗi năm, với 9 nhà máy. Cải thiện được khâu nguyên liệu và sản xuất, giá thành đã giảm xuống mức cạnh tranh được.
Với hơn 40 danh mục sản phẩm đường, đáp ứng đa dạng các kênh khách hàng nội địa cũng như hơn 17 thị trường xuất khẩu, chúng tôi còn khai thác các sản phẩm cạnh đường - sau đường, như: mật rỉ, điện thương phẩm, phân vi sinh hữu cơ, nước đóng chai… Những sản phẩm này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thân thiện môi trường. Giai đoạn tới, TTC Sugar sẽ tập trung tăng thị phần, giảm giá thành, phát triển hơn nữa các sản phẩm cạnh đường và sau đường, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi kì vọng đây sẽ là những chiến lược cần thiết để phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp đường Thái Lan có thể có thêm sự hậu thuẫn lớn nhờ sự hiện diện mạnh mẽ của các nhà bán lẻ của nước này tại Việt Nam. Đó có phải là một mối đe dọa khác?
Nhìn chung về kinh doanh, TTC đang tạo được lợi thế nhờ dịch vụ bán hàng và chất lượng đường vượt trội. Hiện chỉ có TTC cung cấp đường cho các hãng dược trong nước. Khi Vinamilk sản xuất các sản phẩm cho em bé và mẹ bầu, cũng chỉ sử dụng đường TTC. Năm 2018, chúng tôi ký thỏa thuận hợp tác với ED&F Man Sugar, công ty thương mại nông sản lớn thứ hai châu Âu để xuất khẩu 4.500 tấn đường organic sản xuất tại Lào qua châu Âu.
Với khách hàng doanh nghiệp, TTC Sugar có quan hệ sâu đậm với các khách hàng truyền thống. Ngoài việc đảm bảo chất lượng, TTC có chính sách giao hàng trước trả tiền sau và cho phép công nợ linh hoạt cho khách hàng. Vừa rồi, có một công ty sản xuất bánh kẹo gọi cho chúng tôi vào ngày thứ Bảy, cần gấp 20 tấn đường. Chúng tôi sẵn sàng giao hàng cho khách trước. TTC luôn ưu tiên phục vụ khách hàng kịp thời, nhưng vẫn đảm bảo theo đúng thủ tục, đúng quy định đã đề ra. Đó là lợi thế mà không công ty nước ngoài nào có được, khi họ phải làm nhiều thủ tục từ L/C cho đến cơ chế thanh toán trước…
Hiện các nhà máy của TTC nhận sản xuất đường theo yêu cầu riêng của khách hàng. Khi có sự cố về đường, kỹ thuật viên của TTC sẽ có mặt ngay để ghi nhận và xử lí. Khách hàng cần đổi trả, TTC cũng đáp ứng ngay.
Nhà máy của TTC Attapeu (Lào) có vẻ đang tạo đà thuận lợi nhất cho TTC Sugar?
TTC tập trung chiến lược sản xuất đường chất lượng cao và đường organic. Tại Lào, khi TTC Sugar tiếp nhận thì các cánh đồng chỉ trồng mía thường. Sau đó, tôi nhận thấy sản xuất đường organic sẽ tốt hơn, vừa tốt cho sức khỏe vừa hiệu quả nên cho chuyển hướng. Đường organic có giá trị xuất khẩu gấp ba lần đường tinh luyện thông thường.
Chuyển qua làm đường organic, vừa có lợi cho người tiêu dùng, vừa hiệu quả cho doanh nghiệp, vậy tại sao không làm? Tôi vẫn luôn nghĩ, tạo sản phẩm sạch hoàn toàn cho người dân yên tâm, "hơn xây 7 cái chùa". Tôi công tác Lào thường xuyên, một tháng dành một tuần ở Lào để hướng dẫn nhân viên làm việc.
Theo kế hoạch, đến 2022 toàn bộ nhà máy và diện tích ở Lào sẽ dành để trồng mía và sản xuất đường organic. Hiện có 7.500 ha, chúng tôi đang hoàn tất thủ tục để được chính phủ Lào giao thêm dự án 8.000 ha và đang dự kiến xúc tiến dự án có diện tích lớn ở Campuchia để theo đuổi chiến lược organic.
Trong quan hệ thương mại, Lào nhận được nhiều ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu đi châu Âu. Chúng tôi cũng đang xúc tiến xuất khẩu chính ngạch đường sản xuất tại Lào qua Trung Quốc, thị trường đông dân nhất thế giới.
Tại sao lại là Lào và không phải là Việt Nam, nơi TTC Sugar đang có 70.000 ha vùng nguyên liệu và hợp tác chặt chẽ với nông dân?
Trước đây, TTC có triển khai sản xuất ở Việt Nam nhưng gặp vấn đề ở khâu trồng mía. Điều kiện của organic rất khắt khe, khi các khu vực lân cận trồng sử dụng phân bón khóa học, thuốc trừ sâu, không khí bay qua gây ảnh hưởng cũng không được. Ngoài ra, nguồn nước tưới cũng không đảm bảo.
Các vùng nguyên liệu của Việt Nam không phải là không thể sản xuất organic. Để làm được, trước hết phải có quyết tâm lớn của doanh nghiệp lớn. Sau đó, quan trọng nhất là quyết tâm của người nông dân để thay đổi thói quen canh tác và bắt tay cùng doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật, đáp ứng được tiêu chuẩn organic.
Xu hướng organic đang được doanh nghiệp tại Việt Nam chú ý lắm. Hôm trước tôi ngồi với anh Viên (ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Vinamit), thấy ảnh cũng quyết tâm lắm.
Nhưng rõ ràng là việc phát triển cánh đồng lớn để áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác tại Lào đang thuận lợi hơn là những cánh đồng của nông dân do lịch sử để lại tại Việt Nam. Có khi nào, TTC sẽ không dựa vào nông dân Việt Nam nữa?
Không bao giờ có chuyện đó. Tôi là người miền Tây, quê Bến Tre. Từ nhỏ đã sống với đất, với nông dân, nông nghiệp. Từ nhỏ đi ghe ra thăm ruộng, thấy nông dân làm ra hạt lúa rất vất vả. Từ đó tôi yêu quí họ và trân trọng sản phẩm họ làm ra. Tôi làm đường cũng vì muốn cùng nông dân phát triển. Tôi gặp anh Thành cũng từ ngành đường. Có thể nói, đường và nông dân là cuộc đời của tôi.
TTC hiện có 3 vùng nguyên liệu lớn: Gia Lai, Tây Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa). Từ nhiều năm nay ở Gia Lai đã hình thành lại các hợp tác xã, tập hợp nông dân thành khu 50 - 100 ha để cơ giới hóa.
Chặng đường đó gian nan lắm. Ban đầu nông dân lo lắng và không muốn làm, họ sợ mất, sợ thay đổi. Mặc dù lúc đó, năng suất và chữ đường của Việt Nam thấp lắm, không so được với các nước. Dần dần, chúng tôi thuyết phục bằng nhiều giải pháp: giải thích mô hình, làm thử nghiệm đối chứng, cam kết giá mua, hỗ trợ ứng trước tiền mua mía… để người nông dân tin tưởng và hiệu quả và tham gia mô hình liên kết. Từ mô hình ở Gia Lai, dần áp dụng qua các vùng nguyên liệu khác.
Hiện chúng tôi tiếp tục thuê đất để phát triển vùng nguyên liệu mới ở Bình Dương, Bình Phước. Mới đây, tôi cũng vừa được giới thiệu về phương pháp canh tác cho đồng mía có diện tích nhỏ và đã chuyển giao cho cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho những người nông dân không thể tham gia cánh đồng lớn. Cụ thể thế này, trong diện tích nhỏ, thay vì trồng theo luống thì trồng theo hố. Vừa giảm công làm đất, vừa tập trung phân, tập trung nước nên năng suất tăng đáng kể.
Mỗi lần ra Hà Nội, tôi đều qua Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với các anh chị bên đó, xem có giống gì mới, phương pháp canh tác gì mới. Mọi người biết tôi, nên ai có cái gì mới thường chỉ cho tôi. Tôi học hỏi, cập nhật từ các buổi trao đổi như vậy, thấy cái gì có lợi thì tư vấn áp dụng cho nông dân. Người trồng mía cực lắm, hỗ trợ được họ cái gì tôi vui mừng cái đó.
Cách thức mà TTC Sugar đang hợp tác với nông dân cũng không khác nhiều với cách mà Thái Lan hỗ trợ ngành mía đường: hỗ trợ nghiên cứu giống, giải pháp canh tác và chăm sóc mía, cơ giới hóa, chia sẻ lợi nhuận giữa nhà máy và nông dân, ứng trước tiền mua mía… Có sự học hỏi ở đây?
TTC không sao chép mô hình nào. Đơn giản là vì các vùng nguyên liệu liên kết có nhiều đặc thù không phù hợp với bất kì mô hình nào hiện có. Từ năm 2011, công ty đã cho các nhân viên cốt cán ngành đường đi học hỏi ở các nước phát triển nhất về đường. Từ 2012 đến nay, qua đăng cai và tham gia các hội thảo quốc tế về mía đường, TTC chọn lọc các mô hình phù hợp với Việt Nam và từ đó phát triển thành mô hình riêng của mình.
Một đề tài hơi nhạy cảm: hiện nay tỉ lệ nợ vay ngắn hạn của TTC Sugar khá cao. Công ty sẽ xoay xở thế nào với số nợ này để đảm bảo thực hiện được các chiến lược dài hạn?
Công ty đã hoạch định kế hoạch tài chính rõ ràng. Có thể thấy phần nào qua việc tiếp tục tái cơ cấu các nhà máy, và phát triển các đối tác chiến lược. Nợ vay đã giảm và sẽ tiếp tục giảm. Một, hai năm nữa sẽ nhìn thấy kết quả ngay.
Chúng tôi hiện tái cấu trúc lại nguồn vốn, giảm nợ ngắn hạn, giảm nợ vay, tăng cơ cấu nợ dài hạn, tuân thủ các chuẩn mực của IFRS (International Financial Reporting Standards - các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế - PV) về chỉ tiêu tài chính, chuẩn hóa hệ thống báo cáo theo cấu trúc chi phí mới, nhằm giảm bớt gánh nặng lãi vay. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có kế hoạch tìm kiếm, hợp tác với các đối tác chiến lược nhằm tiếp tục hỗ trợ tái cấu trúc vốn. Vừa qua, DEG - một trong những Tổ chức Tài chính phát triển tên tuổi của Châu Âu do Chính phủ Đức sở hữu, đã tham gia đầu tư chiến lược vào TTC Sugar 649 tỷ đồng dưới dạng cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi. Điều này sẽ góp phần lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu vốn theo hướng dài hạn.
Có điều nói thêm, thực trạng nợ vay ngắn hạn không tệ như mường tượng nếu hiểu được đặc thù kinh doanh của ngành đường.
Kinh doanh đường qui mô lớn thì lượng hàng tồn kho, lượng hàng đang sản xuất đều lớn. Ngoài ra, TTC áp dụng chính sách giao hàng trả chậm. Công ty đầu tư cho nông dân không hoàn lại 15 - 20 triệu mỗi ha, ứng trước tiền mua mía và cho vay không lãi suất để nông dân có đất mà không có tiền cũng có thể trồng mía…
Vì vậy, nhu cầu vốn lưu động với ngành mía đường là cực lớn. Chỉ tính riêng các khoản ứng trước để phục vụ mua hàng và phát triển sản xuất cho nhà máy tại Lào đã lên tới ngàn tỉ. Hiểu được đặc thù đó thì thấy việc vay nợ là bình thường, vì TTC Sugar đảm bảo khả năng trả nợ do các khoản doanh thu đều khả thi.
Về câu chuyện áp lực của việc xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu với ngành đường, TTC Sugar có thể sẵn sàng ứng phó. Còn ngành đường chung thì sao, theo nhận định của bà?
Tôi vừa gặp chị Mai Kiều Liên. Chúng tôi rất đồng cảm và đang cùng với Hiệp hội nghĩ cách cho ngành đường phát triển chứ không chỉ một mình mình. ATIGA sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, vận hành thủ công và không tối ưu được chi phí.
Tại các hội thảo quốc tế, các chuyên gia nước ngoài như Brazil, Ấn Độ đều cho rằng những nhà máy công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày khó cạnh tranh. Chúng tôi đang nỗ lực kiến nghị chính sách, làm sao để hỗ trợ được các doanh nghiệp đường vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong, Chính phủ sẽ có giải pháp đồng hành cùng Hiệp hội Mía đường, hội nhập vì nông dân… để ngành mía đường trong nước có thể phát triển bền vững.