Nhường ghế CEO PNJ từ tháng 3 năm ngoái, hiện "nữ tướng" Cao Thị Ngọc Dung vẫn giữ chức Chủ tịch Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và là người làm nên "linh hồn" không chỉ cho doanh nghiệp này mà còn cho cả ngành kim hoàn trong nước.
Tính đến nay, PNJ đã có 368 cửa hàng, phủ khắp hơn 50 tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, năm 2018 cũng là năm đánh dấu một cột mốc quan trọng của doanh nghiệp này, khi lợi nhuận lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỉ đồng, thậm chí lên đến 1.205 tỉ đồng.
Dưới sự điều hành của vị "thuyền trưởng" Cao Thị Ngọc Dung, PNJ đã phát triển vượt bậc từ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc nhỏ nằm tại quận Phú Nhuận, mà theo bà chia sẻ, vốn liếng lúc đầu chỉ 14 triệu đồng và 20 nhân viên.
Nữ tướng của PNJ cho biết thành công của doanh nghiệp này bắt đầu bằng câu hỏi tại sao và ngay từ lúc thành lập năm 1988, bà đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, dù lúc đó Cao Thị Ngọc Dung là một cán bộ nhà nước trẻ và chưa biết gì về kinh doanh vàng bạc đá quý.
Cuối những năm 80, Nhà nước thành lập các xí nghiệp vàng bạc theo mô hình thí điểm để chính thức đưa ngành này thành một sản phẩm hàng hóa, không còn bị cấm đoán như trước. Quận Phú Nhuận cũng thành lập Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận - tiền thân của PNJ ngày nay.
"Ngày đó, tôi còn trẻ và được được giao nhiệm vụ thành lập công ty này. Đây là nhiệm vụ, buộc tôi phải nhận, và sau này chị cán bộ mới cho biết rằng 'nhìn vào mắt em, chị biết em làm được'. Đó cũng là niềm tin khiến tôi phấn vì PNJ", bà Cao Thị Ngọc Dung nhớ lại.
Đồng ý đứng ra làm chủ cửa hàng, bà Dung cũng rất quyết đoán lựa chọn mô hình hoạt động cho "đứa con" của mình, dù thời điểm đó, cách thức hoạt động của PNJ được xem là không giống ai. Nguyên nhân là hầu hết công ty vàng bạc của thành phố và quận huyện ra đời đều đi theo mô hình hợp tác với tư nhân.
"Tôi nhớ rất rõ chú Trần Thiện Tứ lúc đó là đại biểu Quốc hội cũng cho rằng phải đi bằng con đường hợp tác tư nhân để phát triển doanh nghiệp. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi chọn cách mình tự làm. Tôi nói với chú là 'nếu chú đã tin cháu, cho cháu làm thì phải làm theo cách của cháu'. Tôi không chấp nhận hợp tác để kinh doanh vàng", bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn giữ vẻ cương quyết nói về quyết định cuối những năm 80.
Dù bị các bậc tiền bối cho là quá "cứng đầu" nhưng cuối cùng, mô hình của PNJ đã chứng minh là đi đúng hướng khi năm 1992, Nhà nước cho tư nhân kinh doanh vàng, vậy là xảy ra một làn sóng các nhà buôn bỏ đi kinh doanh riêng.
Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước khác điêu đứng thì PNJ vẫn trụ vững. Thậm chí trong kí ức của bà Dung, PNJ thời đó lại nổi lên như một ngôi sao khi không bị phụ thuộc và có được đội thợ chế tác kim hoàn được xây dựng từ những ngày đầu tiên. Không chỉ có đội ngũ nghệ nhân nhiều kinh nghiệm mà PNJ còn có hẳn xí nghiệp kim hoàn riêng.
"Cũng năm 1992, đây là cột mốc vừa thách thức, vừa khẳng định chúng tôi khi thành phố có giới thiệu cho PNJ một đối tác của Úc để thành lập công ty liên doanh sản xuất trang sức theo hướng công nghiệp hóa. Thời điểm đó, tôi lại đặt ra câu hỏi tại sao mình phải liên doanh", bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết.
Với bản tính cẩn thận, bà Dung đã chủ động đề nghị lãnh đạo quận Phú Nhuận sang nước họ để xem họ kinh doanh thế nào rồi hãy quyết định có liên doanh hay không.
"Sau khi học hỏi mô hình tại nước bạn, thời điểm đó, tôi cương quyết nói với các anh rằng với những gì tôi học hỏi được thì thế giới làm được, tôi cũng làm được. Tôi sẽ cho thế giới thấy ngành công nghiệp kim hoàn của Việt Nam phải ngang bằng thế giới", bà Dung cho biết và quyết định không chấp nhận liên doanh.
Sau đó, ngay lập tức, bà Cao Thị Ngọc Dung cho nhập máy móc để có những sản phẩm công nghiệp đầu tiên cho ngành kim hoàn Việt Nam. Bà cho rằng đây là giai đoạn hết sức khó khăn của doanh nghiệp lẫn toàn thể cán bộ, nhân viên của công ty. Thậm chí, có những hoài nghi nhưng cuối cùng tất cả đã vượt qua và tên tuổi PNJ lại càng sáng hơn.
"Tôi có niềm tin rằng đội ngũ cán bộ PNJ chúng tôi sẽ làm được, tôi cũng là người tạo niềm tin cho họ và cuối cùng chúng tôi đã làm được", nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung nói bằng giọng tự hào khi nhớ về giai đoạn rất khó khăn này của công ty mà bà chính là vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền vượt qua sóng gió.
Cứ tưởng bà Dung và PNJ sẽ tiếp tục băng băng phát triển sau khi định hình được nền công nghiệp kim hoàn, thì sự cố Ngân hàng Đông Á lại ập đến vào năm 2015. Bà không ngại thừa nhận thời điểm đó, nhiều người cho rằng PNJ sẽ gục ngã vì là cổ đông lớn của ngân hàng này, thậm chí, là "sân sau" của Đông Á.
"Đó là suy nghĩ rất bình thường trong xã hội, không trách được. Chỉ có Đông Á là khác, PNJ là khác. Ngày hôm nay, cái khác đó được trả lời. Chúng tôi đã vượt qua cơn sóng lớn nhất. Nếu chúng tôi không tự tin vào bản thân mình, nếu những con người PNJ không có niềm tin vào sự chính trực của mình thì không có PNJ với vóc dáng hôm nay", nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung thường nhắc lại thử thách này với hàng nghìn nhân viên nhằm củng cố niềm tin và cổ động sự vươn lên của họ.
Chủ tịch PNJ cho biết tầm nhìn của doanh nghiệp là phải xây dựng ngành kim hoàn Việt Nam cho thế giới thấy người Việt không hề thua kém. Đây chính là lí do tại sao phải xây dựng PNJ, tiếp đến là phải trả lời được câu hỏi "how" - phải làm như thế nào?
"Để đạt được tầm nhìn thì phải hình thành tổ chức. Tôi chọn con người, chính các nghệ nhân làm nền tảng. Con người là tài sản của PNJ chứ không phải vì tiền. Khi ngồi trên đống tiền không biết kết nối những người tài thì cũng không phát triển được", bà Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.
Từ một cửa hàng vàng bạc nhỏ với 20 thợ kim hoàn, hiện PNJ đã có khoảng 7.000 con người gắn kết và cùng nhau phát triển doanh nghiệp. Bà Dung cho rằng sợi dây gắn kết con người PNJ chính là lòng tin. Từ giai đoạn đầu làm ăn, vàng bạc là một ngành hàng đặc thù, chỉ tin tưởng nhau mới có thể đi lâu dài và suốt 31 năm qua vẫn luôn như vậy.
Nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung gọi quãng thời gian hình thành và phát triển của PNJ từ cuối những năm 80 đến nay là niềm tin vàng, niềm tin gắn kết những người lãnh đạo, những người thợ kim hoàn và toàn bộ nhân viên.
"Cách đây 30 năm, tôi nói với nhân viên 'Tôi có thể tha thứ cho các bạn về nghiệp vụ nhưng không tha thứ khi không có niềm tin, đặc biệt là niềm tin khách hàng. Các anh chị đến công ty chúng tôi, cứ hỏi thì ai cũng biết được tầm nhìn, sứ mệnh của công ty. Nếu không tin nhau thì không làm được, nhất là làm vàng bạc đá quý", bà Dung tiết lộ.
Chia sẻ về PNJ, về văn hoá danh nghiệp nhưng Chủ tịch công ty vàng bạc đá quý này luôn dành nhiều thời gian nói về các nhân viên. Xem nhân viên là những người làm nên thành công của PNJ. Vì vậy, bà chia sẻ quan điểm không hài lòng với những chủ doanh nghiệp không tôn trọng nhân viên.
"Tôi rất bực khi nhiều chủ doanh nghiệp nói họ nuôi mấy nghìn công nhân. Người ta đi làm, người ta đâu có đi ăn xin, chính những người đó đang làm cho mình, tạo ra sự thịnh vượng cho mình", bà Dung thẳng thắn.
"Khi cổ phần hóa, chúng tôi có châm ngôn đặt lợi ích người lao động lên trên cổ đông, khác với các doanh nghiệp khác. Tôi nói thẳng, tôi phải đặt lợi ích nhân viên của tôi cao hơn mấy ông, bởi chính họ là người nuôi mình", nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung bày tỏ.
Theo bà, con người là trung tâm, vì vậy, tại PNJ, họ được phát triển toàn diện với nhân, tâm, trí chứ không phải chỉ xem là một người lao động. Phải làm sao để mỗi ngày đến công ty, họ đều cảm thấy như bước đến một ngôi nhà hạnh phúc.
Lãnh đạo PNJ từ cuối những năm 80, vượt qua nhiều sóng gió để đạt lợi nhuận vượt nghìn tỉ sau 30 năm, bà Cao Thị Ngọc Dung được truyền thông nhắc đến với vai trò là một lãnh đạo có tầm nhìn xuyên thập kỉ, khi thấy trước được xu hướng và sự phát triển của ngành kim hoàn.
"Muốn được triệu USD thì phải bền vững, phải có tư duy phát triển bền vững. Doanh nghiệp không phải chăm chăm chỉ có lãi mà cần phải quan tâm cả môi trường và xã hội. Ba khía cạnh này phải giao thoa với nhau trong sự phát triển, kinh doanh phải nằm trong xã hội và môi trường", bà Cao Thị Ngọc Dung khẳng định.
Theo bà chính sự bền vững này sẽ chi phối trong xuyên suốt quá trình doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải có một hệ thống quản trị bài bản, rõ ràng nếu không sẽ rất khó thành công.
"Chúng tôi theo văn hóa gia đình và tự hào khi xem tổ chức là gia đình. Văn hóa gia đình thường vị nể, bao che nhưng chúng tôi vẫn có quy trình, quy chế hẳn hoi. Tôi lưu ý các công ty gia đình thường nói họ có hệ thống quản trị nhưng thực tế, sự thể hiện này không rõ ràng", bà Dung khẳng định.
Song song đó, bà cũng cho biết thêm các doanh nghiệp phải chủ động mời các công ty tư vấn, chỉ họ mới có thể nhìn thấy những rủi ro có thể xảy ra trong doanh nghiệp. Điều này đã được PNJ thực hiện nhiều lần và có hiệu quả.
Nữ tướng Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cho rằng sai lầm của người trẻ là sự tự mãn, trong khi đó, các doanh nghiệp truyền thống cũng chủ quan trước kinh nghiệm lâu đời của mình mà không thấy được xu hướng của tương lai, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có thách thức rất lớn với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bà Dung cho rằng các đơn vị tư vấn sẽ chỉ ra những thay đổi cần có của công ty, nhưng nếu không hợp với văn hoá doanh nghiệp thì có thể xem xét lại, không nhất thiết nghe hoàn toàn ý kiến của họ.
"Thành công của PNJ là bắt đầu bằng chữ 'why' - tại sao, và cuộc đời tôi cũng như vậy. Khi chúng ta biết được tại sao làm điều đó thì mới xác định được tầm nhìn đi đến đâu, phải làm như thế nào và cuối cùng là làm gì, các sản phẩm và dịch vụ trả lời được câu hỏi why ban đầu đã đặt ra", nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung kết luận về chặng đường 31 năm của PNJ cũng như thời gian bà đã cống hiến hết sức cho "đứa con" của mình.
Bài: Phúc Minh
Đồ họa: Pukgy
Nguồn: Đời sống & pháp lý