Làng hoa Tây Tựu, Hà Nội điêu đứng giữa mùa đại dịch Covid - 19. Những nông dân trồng hoa bảo rằng, thời này mà trồng hoa thì chỉ có đường chết đói...

"Ở đây giờ còn mấy ai trồng hoa nữa. Họ bỏ đi làm việc khác hết cả rồi", người đàn ông dừng việc phun thuốc cho mấy luống cúc, ngẩng lên nhìn tôi - vị khách lạ hỏi thăm đường tới Tây Tựu, vựa hoa lớn nhất nhì Hà Nội.

"Đây! Tây Tựu đây rồi. Nhưng thời này mà trồng hoa thì chỉ có đường chết đói".

Đi sâu vào trong làng hoa, cảnh tượng hiện lên khiến nhiều người sững người. Những cánh đồng hoa khô khốc, nứt nẻ. Những "đống" hoa cao quá đầu người bị vứt bỏ ngay bên vệ đường. Và những thửa ruộng còn trơ gốc hoa bị cháy xém trong nắng chiều, nhiều vườn hoa không thu hoạch mà bỏ dở, cỏ dại mọc còn cao hơn cả hoa.

Làng hoa Tây Tựu đang héo hon giữa mùa đại dịch.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 2.

"Giá mỗi củ hoa ly là 12.000 đồng, cao điểm có khi lên tới 20.000 đồng. 100 triệu một sào, một mẫu thì mất 10 tỉ đồng. Vị chi mất 5 tỉ bạc cho cả ruộng ly", vừa đưa tay sốc lại bó hoa ly rồi nhanh chóng xếp vào xô nước gần đấy, anh Trường - một người có thâm niên trồng hoa ly hơn 20 năm tại Tây Tựu, nhẩm tính. Chỉ riêng vụ này, anh Trường nói ruộng hoa của anh mất khoảng 70%.

Vẫn cúi mặt cần mẫn xếp hoa thành từng bó, anh Trường cho biết như gia đình anh là còn thiệt hại "nhẹ". Nhiều nhà trồng ly trong làng còn bị lỗ nặng hơn, họ cầm cố cả sổ đỏ đi vay ngân hàng để trồng hoa.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 3.

"Mỗi tối đi ngủ không thể duỗi chân nằm thẳng. Món nợ vài tỉ bạc vẫn cứ treo lủng lẳng trên đầu", anh Trường chép miệng.

Từ đầu mùa dịch đến nay, hoa ly bị rớt giá thê thảm. Từ vài trăm ngàn một bó rớt xuống chỉ còn mấy chục, những người trồng hoa như anh Trường không kịp trở tay. Qua một đêm ngủ dậy thấy tài sản bạc tỉ đổ sụp ngay trước mắt mà không làm gì được.

Lãi nợ ngân hàng tăng lên từng ngày, hoa thì vẫn nở đầy đồng nhưng không thể hái về mà ăn được. Nhiều người thối chí, bế tắc phá bỏ ruộng hoa chỉ sau một đêm.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 4.

Bỏ ruộng khô, dừng canh tác, thậm chí tính đến chuyện bán đất trả nợ rồi chuyển nghề là phương án không hiếm người trồng hoa tính đến. Hoa thì không bán được, nhưng nếu vẫn cố duy trì thì mỗi ngày họ sẽ phải tốn thêm hàng trăm ngàn để thuê người dọn cỏ, tưới nước, bón phân.

"Giá mỗi ngày công trung bình 250.000 đồng, ruộng bé thì thì thuê một người, ruộng lớn thì phải hai ba người làm mới xuể. Chú bảo lấy tiền đâu ra trả? Thà bỏ ruộng hoang còn hơn", anh Trường trầm ngâm ngồi nhìn những xô hoa ly đang chất đầy trong một góc nhà.

Ngoài kia, nắng vẫn vàng, hoa vẫn bung nở trên những cánh đồng, chỉ có lòng người trồng hoa là héo hon, với những cái thở dài mỗi khi đêm xuống và những trăn trở khi một ngày mới lại bắt đầu.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 5.

Hiện diện tích trồng hoa ở Tây Tựu khoảng 723 ha. Từ nhiều thập kỉ, Tây Tựu cùng với Phú Thượng, Đông Anh được coi là những vựa hoa lớn nhất nhì Hà Nội. Người dân tại đây canh tác đủ các loại hoa, từ ly, hồng, cúc tới loa kèn, đồng tiền, hướng dương,… Hoa ở đây được trồng quanh năm, luân phiên gối vụ, mùa nào thức đấy và đã trở thành một nguồn thu nhập chính của người nông dân.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 6.

"Bó hồng 100 bông này giờ bán chỉ 30.000 - 40.000 đồng. Như bó cúc này thì chỉ 20.000 đồng, thậm chí có khi còn chẳng được", chỉ tay vào những chồng hoa tươi vừa cắt ra khỏi ruộng, được xếp ngay bên vệ đường, người đàn ông ngoại tứ tuần, ủng vẫn còn sũng nước và bùn đất, nói cho chúng tôi giá của từng loại hoa.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 7.

Không vì thiên tai, không vì thời tiết, sâu bệnh, nhưng vụ mùa này, hơn 10 hecta hoa hồng và cúc của nhà ông Đức đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì không thể tiêu thụ. "Thời tiết ủng hộ, hoa nở đẹp, đều, cánh dầy. Cắt về không biết bán cho ai mà bỏ tại ruộng thì cũng chẳng xong", ông Đức xót xa.

Lượng khách hàng giảm, giá hoa giảm kéo theo. Từ nhiều ngày nay, trên những con đường làng hoa không còn những chiếc xe tải thu mua hoa của thương lái.

Hoa cắt về không bán được, cứ chất đống lên, dồn ứ trong một góc nhà, để mãi cũng hỏng. "Nhìn đống hoa hỏng phải vứt bỏ mà không cầm lòng được. Từ những năm 85- 86 khi tôi bước chân vào nghề trồng hoa đến nay, chưa thời điểm nào khó khăn đến vậy", ông Đức cúi nhìn những bông hoa đang nằm rạp dưới đất.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 8.

Nén tiếng thở dài, ông tiếp lời: "Như ngồi trên đống lửa, ăn một miếng cơm nuốt cũng không trôi. Ngày nào cũng theo dõi thời sự mong dịch bệnh sớm đi qua".

Từ đầu mùa dịch, khoảng vỉa hè nhỏ, trên đường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành một "cửa hiệu" bán hoa bất đắc dĩ của 4 người trong gia đình nhà ông Đức. Không sạp gỗ, không mái che,  hoa tươi vừa cắt ở thửa ruộng gần đấy được mang lên, xếp trên những bao tải để bán luôn cho khách qua đường.

"Ai trả được giá là bán. Giá nào cũng bán. Vớt vát được đồng nào hay đồng ấy", vợ ông Đức ngồi đó liền nói.

Hai vợ chồng anh con trai ông Đức cũng nghỉ việc phụ ba mẹ trong những ngày này. Một ngày làm việc của gia đình ông Đức bắt đầu bằng cắt hoa từ ruộng, sau đó trở lên vỉa hè gần đó, vừa lựa hoa xếp thành từng bó, vừa tiện bán luôn cho khách ghé thăm.

Sau đó vợ chồng anh con trai sẽ chia nhau số hoa tốt, người chạy chợ bỏ mối, người đi bán rong. Ông Đức và vợ sẽ ngồi bán nốt số hoa còn lại cho đến tận tối muộn. "Ai người ta thương thì họ ghé vào mua giúp. Âu cũng là một nắm khi đói….", vợ ông Đức trầm ngâm.

Không chỉ gia đình ông Đức, từ nhiều ngày nay đường làng Tây Tựu bỗng nhiên biến thành những cửa hàng hoa có một không hai.

Hai bên đường, nhà nào có mặt tiền cũng cố cơi nới kê thêm một chiếc bàn nhỏ, dựng mấy xô hoa để bán cho khách vãng lai. Nhà nào có vỉa hè rộng thì có thể nhận thêm hoa của hàng xóm để bán hộ, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, khi thương lái dừng thu mua.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 10.

Gặp chị Xuân trong một cửa hiệu bán hoa nhỏ trên đường làng Tây Tựu, bên ấm chè xanh toả khói nghi ngút, chị kể: Hàng ngày anh ra đồng chăm hoa thì chị ở nhà vừa trông cái quán nhỏ vừa quán xuyến cơm nước. Mấy sào cúc trồng quanh năm cũng đủ anh chị cho hai đứa con ăn học đàng hoàng.

"Ăn hết vụ xuân lại chuyển sang vụ hè, cứ gối vụ như thế thì chẳng bao giờ hết việc mà cũng chẳng sợ chết đói", đưa tay chỉnh lại chiếc khẩu trang ngang mũi, rồi vặn chặt sợi dây lạt buộc bó cúc trên tay, chị Xuân tâm sự.

"Trồng! Vẫn trồng nữa chứ! Cả nhà trông chờ vào mấy sào hoa là nguồn thu nhập chính. Giờ không trồng nữa biết lấy cái gì mà sống tiếp", chị Xuân quả quyết khi được hỏi về ý định trong thời gian tới nếu dịch bệnh còn kéo dài.

Chị Xuân kể, giờ giới trẻ trong làng không còn mấy người còn mặn mà với nghề trồng hoa, quanh năm phải "trông trời, trông đất, trông mây" như này nữa. Đặc biệt là khi gặp những biến cố như đại dịch lần này lại càng có cớ cho họ bỏ nghề, bỏ ruộng.

Thời thượng bây giờ là phải đi thoát li, thoát làng. Đứa học ít thì vào nhà máy làm công nhân, đứa học rộng thì cũng tìm cách bươn chải lên phố kiếm việc, ngồi phòng lạnh, chẳng còn mấy ai chịu ngoái lại nhìn cái nghề khiến đất nở hoa của cha mẹ, ông bà chúng.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 11.

Giọt mồ hôi lăn xuống khoé mắt. Cay xè.

Phá đi bầu không khí chùng xuống sau câu chuyện của mình, chị Xuân cất lời: "Nói thế thôi chứ tôi biết nhiều người không bỏ được ruộng đâu. Cả đời mình gắn bó với đồng ruộng. Đất đai cho hoa thơm, quả ngọt, đâu có nói bỏ là bỏ được luôn. Sao đành". Chị Xuân nhìn xa xăm.

Đúng thế! Đừng vội bi quan về tương lai của làng hoa, khi mà ở đó vẫn còn những người như chị Xuân kiên quyết bám trụ với nghề, dù thời cuộc có ra sao. Ở đó vẫn còn vợ chồng anh con trai ông Đức sẵn sàng nghỉ việc ở nhà giúp ba mẹ cứu cánh đồng hoa. Vẫn còn những người như anh Trường, bị thiệt hại tới 70% nhưng vẫn nghĩ mình còn may mắn hơn những người khác,.... Và rất nhiều, rất nhiều những người nông dân trồng hoa khác không đành lòng bỏ mặc những ruộng hoa bị không, không người chăm sóc, mặc dù phải chịu thêm những chi phí nhân công đắt đỏ.

Những cánh đồng hoa ‘chảy máu’ - Ảnh 12.

Chị Xuân nói người ta là hoa đất, còn người thì còn của. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều lắm những khó khăn, vất vả nhưng người dân tại làng hoa Tây Tựu thì vẫn không quên nuôi hi vọng một ngày kia dịch bệnh sẽ sớm qua đi, thị trường hồi phục như trước để họ có thể đứng dậy và làm lại từ đầu.


Đức Huy
Alex Chu
Đời sống & Pháp lý