"Nói chung là mình thương con mình thôi, nên mình vượt qua mọi áp lực". Đó là lời chia sẻ từ phía cô Nguyễn Lang Mộng – một người mẹ có con thuộc cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT). Nghe lời chia sẻ ấy, chúng tôi lặng người đi ít phút và cảm thông hơn trước nỗi lo lắng, đau đáu từ các bậc cha mẹ với con của mình.
Bấy lâu nay, nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ có những người con là LGBT mới phải chịu những rào cản từ cha mẹ, lo sợ cha mẹ cáu giận, đánh mắng, không chấp nhận bản dạng giới và xu hướng tính dục. Nhưng thực tế, người làm cha, làm mẹ cũng chịu áp lực rất lớn khi có con là LGBT.
"Nước mắt chảy xuôi" – đó là lời đúc kết của người xưa nhưng nó cũng là một chân lí sống bởi tình thương mà ba mẹ dành cho con không bao giờ đong đếm được. Và hơn hết, phận làm con chưa bao giờ có thể hiểu hết được những tình cảm, sự yêu thương, hi sinh mà cha mẹ đã làm cho mình.
Chúng tôi gặp cô Mộng vào một buổi tối tại Hà Nội sau chuyến bay của cô từ Sài Gòn ra. Khi ấy, trời Hà Nội đã về khuya và tĩnh lặng hơn nhiều. Có lẽ sự tĩnh lặng ấy vừa từ không khí dịu nhẹ của cơn mưa, mà một phần cũng từ câu chuyện mà cô chia sẻ với chúng tôi – câu chuyện từ một người mẹ có con là người đồng tính.
Chúng tôi chăm chú nghe cô kể chuyện mà lòng thổn thức biết bao, hóa ra bấy lâu nay cha mẹ của người thuộc cộng đồng LGBT lại gặp nhiều khó khăn đến vậy.
Cô Mộng chia sẻ rất cởi mở, vẻ mặt đăm chiêu hồi tưởng về quá khứ vài năm trước, giọng nói nhè nhẹ nghẹn ngào không khỏi khiến người ta xúc động. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi thấy xúc động như vậy, xúc động trước nghị lực, tình thương của một người mẹ dành cho con mình.
Kết thúc phỏng vấn, chúng tôi ra về và trong đầu vẫn vang vẳng câu chuyện cô kể. Chúng tôi vừa đi, vừa nghĩ, vừa thán phục và suy ngẫm rất nhiều. Phải chăng, cảm xúc của cô khi biết con trai mình là người đồng tính cũng giống như bao nhiêu người cha mẹ khác có con thuộc cộng đồng LGBT?
Tuy chưa thể trả lời câu hỏi này, nhưng chúng tôi hiểu rằng, cha mẹ có con là LGBT gặp nhiều khó khăn, gian nan để thừa nhận con mình lắm chứ! Giá như xã hội này tôn trọng sự khác biệt hơn thì có lẽ chẳng ai phải khổ sở như vậy.
Cứ miên man từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, chúng tôi trở về nhà lúc nào chẳng hay. Bước vào căn phòng và cất những dòng suy tưởng đi, trong lòng chỉ còn hình ảnh về người mẹ ấy với sự thán phục! Chúng tôi nhận ra rằng, quả thật tình thương gia đình đã khiến cho con người ta vượt qua mọi rào cản và nỗi sợ của bản thân.
"Năm 2011, nói về LGBT tôi không hiểu biết gì hết, chỉ biết đó là "pê đê", là "bóng lai cái", nói chung nó rất là xấu, bệnh hoạn. Cứ suy nghĩ như vậy, nên khi mọi người nói con tôi là đồng tính, là "pê đê", tôi không thể nào chấp nhận được. Con tôi không thể nào như vậy! Và chỉ vì thế mà tôi tạo rất nhiều áp lực cho con mình.
Sau một thời gian, bẵng đi một năm, tôi nhận ra mình đặt áp lực cho con rất nhiều khi thấy con có ý định tự tử. Lúc ấy, lo sợ mất con vĩnh viễn, tôi bắt đầu đi tìm hiểu về cộng đồng này, mới biết được LGBT là gì. Thời gian đầu khi biết con là đồng tính, tôi rất xấu hổ, sợ mọi người xung quanh biết là mình có con như vậy.
Tôi né tránh không về thăm họ hàng vì ngại người ta nói đến mình và con. Ngay cả buôn bán với hàng xóm láng giềng cũng thế, người ta chọc ghẹo nói con "pê đê" mà tôi cũng đau lòng lắm! Nhưng sau này hiểu về LGBT và xác định hoạt động trong PFLAG, tôi mới tự tin bảo vệ con mình".
Yêu thương con vô bờ bến, nhưng người mẹ này đã phải một lần nữa gồng mình để đối diện với những rào cản của cuộc sống để cùng con vượt qua mọi khó khăn khi là người LGBT.
Con cái là máu thịt của mình, chính vì vậy mà mỗi người làm phụ huynh luôn khao khát, mong mỏi con được hạnh phúc, có cuộc sống hôn nhân trọn vẹn. Thế nhưng, khi biết được bí mật của con là người LGBT đã làm đổ vỡ những kì vọng bấy lâu, nhiều cha mẹ sợ hãi và không muốn thừa nhận điều đó.
Vì sự sĩ diện và lòng tự trọng quá cao, luôn cho rằng mình đúng nên nhiều phụ huynh đã vô tình trượt dài liên tiếp từ sai lầm này đến sai lầm khác trên hành trình hiểu và chia sẻ với con. Sự trượt dài của sai lầm của nhiều phụ huynh bởi đơn giản họ chưa hiểu về LGBT, chưa hiểu mình sẽ phải làm gì, đối diện và đón nhận con như thế nào.
Mới tham gia hoạt động, tôi ngần ngại lên hình vì người ta hay phỏng vấn, chụp hình. Nhưng nghĩ đến việc mình đang làm để bảo vệ con, tôi mới tự tin hơn và bước ra khỏi "cánh tủ" của mình. Phần e ngại ấy cũng vì thời gian đó áp lực rất là nhiều, đi hội thảo gia đình không cho, mọi người bảo "không lo làm ăn mà đi mấy cái đó". Nghe lời ấy mà tôi vẫn cứ đi. Tôi nghĩ rằng, không làm thì không có cách nào đó để cho mọi người hiểu về con mình, cứ như vậy họ sẽ giống như tôi - đã từng hiểu sai về con vậy.
"Nói chung là mình thương con mình thôi" cô Mộng chia sẻ.
Lúc trước tôi không hiểu con mình, nó có ý định tự tử, mà mất nó thì tôi thấy đau khổ vô cùng, mất đi đứa con đời tôi còn gì nữa. Nghĩ như vậy nên khi đã bước vào hoạt động vì con, tôi vượt qua mọi khó khăn. Đi như vậy thì kinh tế cũng eo hẹp, nhưng một khi mình muốn thì phải làm thôi. Cái chính là khi con tôi vui, nó rất vui và tự tin.
Quá trình hoạt động chứng kiến nhiều mảnh đời, nhiều câu chuyện
Cuối năm 2011 bắt đầu tham gia PFLAG, đến nay được 8 năm, tôi gặp nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời vì PFLAG cũng chuyên tham vấn cho các cha mẹ. Tôi nhớ nhất câu chuyện của một bạn nữ, bạn ấy ở một tỉnh thành khác vào thành Thành phố Hồ Chính Minh hẹn cafe với mình để tâm sự.
Bạn ấy mất 4 năm để xác định bản thân vì nghĩ mình bệnh hoạn, không giống người ta, 4 năm phải loay hoay tìm kiếm chính mình vì internet chưa phổ biến. Trong thời gian này, bạn ấy phải vừa học vừa làm kiếm tiền mua điện thoại để kết nối với cộng đồng và xác định được bản thân là một nữ yêu nữ. Nhưng rồi bỏ ra 2 năm để yêu một người con trai khác để xem có thật sự yêu nữ không và đương nhiên là không có kết quả.
Sau khi hiểu biết rõ mình là ai, bạn ấy nói với gia đình thì mẹ bạn ấy bị kích động, nói rằng không thay đổi bà sẽ tự vẫn. Từ đó, bạn này bị bắt ở nhà, không được đi học, rồi gia đình bắt lấy chồng. Tới bước đường cùng bạn tự tử, nhưng may mắn là cứu được. Gia đình không ép nữa, chấp nhận con mình là đồng tính nữ, không ép thay đổi nhưng cách ly với xung quanh. Được thời gian sau, nhà lại ép lấy chồng bằng cách cho uống bia say và cho một người đàn ông khác vào phòng. Bạn ấy sợ quá, bỏ trốn xuống thành phố đi làm.
Sau hai năm, mẹ gọi về quê vì bệnh, bạn ấy cũng về và bị ép lấy chồng với lý do "mẹ đã khổ lắm rồi, con phải thương mẹ". Sau đó, cũng lấy chồng vì phải trả hiếu cho mẹ. Ngày lấy chồng, bạn ấy nhắn cho tôi, khi đó tôi cũng nghĩ rằng bao nhiêu năm nay làm rất nhiều việc thay đổi nhận thức xã hội, nhưng trong các ngõ ngách, trong các gia đình, các bạn thuộc cộng đồng LGBT rất khổ sở chỉ vì các bậc cha mẹ chưa hiểu hết về con mình.
Đây là câu chuyện mà tôi nhớ mãi, chỉ mong mình có thể làm nhiều điều hơn để mọi người không hiểu sai về cộng đồng!
"Cha mẹ thật sự thương con thì hãy thấu hiếu cuộc sống của con!"
LGBT không phải là bệnh, là tự nhiên, không thay đổi được. Các bạn ấy rất khổ, rất áp lực. Nếu cha mẹ thật sự yêu thương con mình thì hãy thấu hiểu cuộc sống của con. Chỉ khi hiểu về con thì cách hành xử của mình với con phù hợp hơn, cách bảo vệ con cũng sẽ khác hơn và có thể khiến nó vui vẻ hạnh phúc hơn.
Tôi nghĩ rằng, mỗi đứa con sẽ hạnh phúc hơn khi có cha mẹ là chỗ dựa. Mong rằng các bậc cha mẹ có con là người thuộc cộng đồng LGBT sẽ yêu thương các bạn ấy bằng cách để con được là chính mình!
Cô Nguyễn Lang Mộng chia sẻ về hành trình đồng hành cùng con trong cộng đồng LGBT.
Ảnh và video: Bằng Giang
Bài: Bằng Giang
Trình bày: Cô Trịnh
Theo Đời sống & Pháp lý