Năm 2023, nước ta vẫn đang trong quá trình đô thị hóa với việc nhiều vùng nông thôn được đưa lên đô thị, nhiều đô thị cấp thấp được "thăng cấp" lên đô thị cấp cao hơn.

Khu vực đô thị hiện nay đang là nơi định cư của hơn 50% dân số thế giới, và trong tương lai sẽ là 70%, trở thành khu vực phát triển quan trọng nhất, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung về kinh tế, phát triển xã hội…

Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020.  

Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6% (năm 2022 là 41,7%).

Hệ thống đô thị ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng góp trên 70% GDP cả nước.

 Một góc TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá cả nước đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. 

Năm 2023, nước ta vẫn đang trong quá trình đô thị hóa với việc nhiều vùng nông thôn được đưa lên đô thị, nhiều đô thị cấp thấp được "thăng cấp" lên đô thị cấp cao hơn. 

Bình Dương có thành phố thứ 4

Trong số các địa phương được thăng cấp đô thị, phải kể đến tỉnh Bình Dương với việc có thêm thành phố thứ tư là TP Tân Uyên. 

Theo đó, ngày 10/4, Nghị quyết số 725 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực, TX Tân Uyên chính thức trở thành TP Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

TP Tân Uyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ gần 192 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 466.053 người của TX Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

Sau khi thành lập, Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và hai xã Bạch Đằng và Thạnh Hội.

Với việc thành lập TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện (Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên), một thị xã (Bến Cát) và 4 thành phố (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên); 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 45 phường và 5 thị trấn.

Giai đoạn 2021 - 2025, Tân Uyên xác định quan điểm phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025.

Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển TP Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn phía nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá - du lịch...

Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như TP HCM và TP Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía nam đất nước; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.

Một góc TP Tân Uyên hiện nay. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Bắc Giang đón thêm một thị xã

Cùng với Bình Dương, tỉnh Bắc Giang đón thêm một thị xã. Cụ thể, ngày 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập TX Việt Yên và các xã phường trực thuộc.

TX Việt Yên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 171 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 229.162 người của huyện Việt Yên. TX Việt Yên sẽ có 9 phường gồm: Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 thị trấn Bích Động, Nếnh và 7 xã là Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn thuộc huyện Việt Yên.

Quy hoạch đến năm 2027, mục tiêu Việt Yên đạt tiêu chí đô thị loại III và đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Giang với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 75%, đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75 - 85% vào năm 2045.

Tính chất đô thị gắn với động lực phát triển chủ yếu gồm công nghiệp, đô thị và thương mại dịch vụ. Dân số đến năm 2030 khoảng 305.000 người; năm 2045 khoảng 450.000 người. Trung tâm đô thị được xác định ở khu vực đô thị hiện hữu phát triển theo dạng lan tỏa mở rộng. Vùng trung tâm kết nối với sông Cầu kiến tạo trục không gian chức năng đô thị đa tiện ích.

Về tổng thể, đô thị Việt Yên được định hướng phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm là thị trấn Bích Động. Đây là hướng phát triển các khu vực đô thị tổng hợp, bao gồm các chức năng chính về phát triển dân cư đô thị, hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại và du lịch.

 Một góc TX Việt Yên hiện nay. (Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị).

Bắc Ninh đưa hai huyện lên thị xã

Hồi đầu tháng 4, UBND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã công bố Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập TX Thuận Thành và các phường thuộc TX Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, thành lập TX Thuận Thành và các phường thuộc TX Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ 118 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 199.577 người của huyện Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Sau khi thành lập, TX Thuận Thành giáp thị xã Quế Võ, các huyện Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du thuộc tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội. Sau khi thành lập thị xã Thuận Thành và các phường, thị xã Thuận Thành có 18 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 10 phường.

Theo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TX Thuận Thành được quy hoạch là trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng đồng đều về cả công nghiệp và dịch vụ hướng tới phát triển bền vững.

Cùng với đó, Thuận Thành nằm trên hai hành lang kinh tế của tỉnh Bắc Ninh là hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao dọc quốc lộ 17, nối Quế Võ - Gia Bình - Lương Tài - Thuận Thành.

Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc quốc lộ 38 và vành đai 4 vùng Thủ đô; hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối TP Từ Sơn, huyện Tiên Du và TX Thuận Thành dọc tuyến đường tỉnh 276.

 Một góc TX Thuận Thành hiện nay. (Ảnh: Báo Công thương).

Cùng thời gian trên, một địa phương khác của tỉnh Bắc Ninh cũng được lên thị xã là huyện Quế Võ. Được biết, TX Quế Võ giáp TP Bắc Ninh, TX Thuận Thành, các huyện Gia Bình, Tiên Du thuộc tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, diện tích khoảng 171 km2, dân số khoảng 213.753 người.

Sau khi thành lập TX Quế Võ và các phường, TX Quế Võ có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Đại Xuân, Nhân Hòa, Phố Mới, Phù Lương, Phương Liễu, Phượng Mao, Quế Tân, Việt Hùng và 10 xã gồm Châu Phong, Chi Lăng, Đào Viên, Đức Long, Hán Quảng, Mộ Đạo, Ngọc Xá, Phù Lãng, Việt Thống, Yên Giả.

TX Quế Võ được quy hoạch là trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ, thể dục thể thao, y tế cấp vùng, phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.

Theo quy hoạch, Quế Võ nằm trên hai hành hang kinh tế của tỉnh Bắc Ninh là hành lang kết nối dịch vụ - công nghiệp - thương mại dọc quốc lộ 18, nối Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ, xây dựng khu vực đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ phục vụ cho hoạt động của các khu công nghiệp.

Hành lang sinh thái dọc tuyến sông Đuống, sông Cầu; bố trí các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị với mật độ thấp; quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Quế Võ, huyện Yên Phong và huyện Tiên Du.

 Một góc TX Quế Võ hiện nay. (Ảnh: UBND tỉnh Bắc Ninh).

Hàng loạt thị trấn mới

Cũng trong tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết nghị thành lập TX Tịnh Biên và các phường thuộc TX Tịnh Biên; thành lập thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Sau khi thành lập TX Tịnh Biên, thị xã này có 7 đơn vị hành chính cấp xã phường và 7 đơn vị hành chính cấp xã, 7 phường bao gồm An Phú, Chi Lăng, Nhà Bàng, Nhơn Hưng, Núi Voi, Thới Sơn, Tịnh Biên và 7 xã bao gồm An Cư, An Hảo, An Nông, Tân Lập, Tân Lợi, Văn Giáo, Vĩnh Trung. Diện tích khoảng 355 km2, dân số khoảng 143.098 người.

TX Tịnh Biên được tỉnh An Giang quy hoạch là đô thị biên giới của tỉnh, đầu mối giao thương quốc tế qua cửa khẩu Tịnh Biên, liên kết chặt chẽ với tuyến hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên và hành lang biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu; là trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Cùng với đó, tỉnh An Giang cũng sẽ phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang tại TX Tịnh Biên, huyện An Phú và TX Tân Châu.

Bên cạnh TX Tịnh Biên, An Giang cũng đã thành lập thị trấn Đa Phước trên cơ sở toàn bộ gần km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 17.590 người của xã Đa Phước thuộc huyện An Phú.

Tỉnh cũng thành lập thị trấn Hội An trên cơ sở toàn bộ 23 km3 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 18.225 người của xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới.

 Một góc TX Tịnh Biên hiện nay. (Ảnh: Báo An Giang).

Ngoài An Giang, năm 2023 cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều thị trấn mới tại nhiều tỉnh khác.

Hồi tháng 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết nghị thành lập thị trấn Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Sau khi thành lập, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 xã và hai thị trấn.

Cùng thời gian đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Sau khi thành lập, huyện Châu Thành có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và hai thị trấn; huyện Ba Tri có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và hai thị trấn; huyện Mỏ Cày Bắc có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 xã và một thị trấn.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi thành lập, huyện Krông Búk có 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và một thị trấn.

Tại tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập các phường thuộc TX Điện Bàn và thị trấn Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn.

Sau khi thành lập, TX Điện Bàn có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường và 8 xã. Huyện Nông Sơn có 6 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 xã và một thị trấn.

Tại tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ và nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ.

Sau khi thành lập, huyện Đồng Hỷ có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 xã và 3 thị trấn. Huyện Đại Từ có 29 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 27 xã và 2 thị trấn.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Kim Long thuộc huyện Tam Dương, thị trấn Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc và phường Định Trung thuộc TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi thành lập, huyện Tam Dương có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và hai thị trấn. Huyện Yên Lạc có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và hai thị trấn. TP Vĩnh Yên có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường và một xã.

Thời gian tới, dự kiến quá trình đô thị hóa tại nước ta sẽ diễn ra mạnh mẽ với việc nhiều địa phương được thăng cấp đô thị.

Rõ ràng nhất trong số đó phải kể đến việc HĐND TP Hà Nội đã thông qua cá Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và quận Gia Lâm lần lượt trên cơ sở huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm hiện nay.

Hay tại Quảng Ninh, thị xã Đông Triều hiện đã đủ tiêu chí để trở thành thành phố thứ 5 của Quảng Ninh.

Về dài hạn, mô hình thành phố trong thành phố sẽ tiếp tục được triển khai ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, nhiều quận, huyện, thị xã thuộc ngoại thành Hà Nội và TP HCM hiện nay đang được quy hoạch lên thành phố trong tương lai.