Qui hoạch phát triển đô thị theo hướng sáng tạo là định hướng mới của TP HCM. Chính quyền thành phố mong muốn hình thành một khu đô thị sáng tạo nằm trên trục phát triển hướng đông - đông bắc về phía quận 2, quận 9, quận Thủ Đức.
Bởi vậy, thành phố đã phát động cuộc thi “Ý tưởng qui hoạch đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, TP HCM”.
Nhân dịp này, Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đỗ Dũng, một trong các nhà qui hoạch tham gia cuộc thi để chia sẻ về ý tưởng thiết kế và những giải pháp giúp hiện thực hóa đồ án.
- Khu vực phía đông TP HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thành đô thị hiện đại nhưng tốc độ phát triển hiện tại chưa được nhanh như kỳ vọng. Theo ông, những khó khăn nào đang làm chậm tiến độ phát triển của khu vực này?
- Khó khăn lớn nhất đang bao trùm hiện nay là sự thiếu vắng một chiến lược tổng thể dành cho khu phía đông TP HCM. qui hoạch của các quận hiện nay vẫn chỉ được thực hiện riêng rẽ như các khu vực độc lập.
Điều này dẫn tới sự thiếu gắn kết và thiếu đi khả năng chia sẻ các lợi thế cho nhau. Thêm vào đó, đặc trưng của khu vực với hệ thống kênh rạch chằng chịt cũng khiến địa hình bị chia cắt, các cụm, khu bị phân mảnh, đặc biệt là quận 2 và 9.
Chi phí phát triển hạ tầng để kết nối rất lớn và chưa có qui hoạch nào để kết nối các cụm khu đó lại với nhau càng khiến vấn đề kết nối giữa các cụm, khu trong khu vực này trở nên khó khăn hơn.
Chính vì vậy, để tận dụng lợi thế từ các công ty công nghệ, viên nghiên cứu và nhà nghiên cứu đang làm việc ở đây, chúng ta sẽ cần một qui hoạch tổng thể giúp gia tăng khả năng kết nối.
- Vậy những giải pháp chính để phát huy hết các tiềm năng, lợi thế mà nhóm nghiên cứu đưa ra là gì?
- Chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng lợi thế nên xây dựng đồ án với ý tưởng chính dựa trên 2 trục phát triển chính là sáng tạo và sản xuất.
Trục sản xuất được xây dựng dọc theo xa lộ Hà Nội, đường metro số 1 từ Thủ Thiêm đến Thảo Điền, Đại học Quốc gia TP HCM, Khu công nghệ cao… được gọi là trục sáng tạo.
Hiện nay đã hình thành cụm, hệ sinh thái sáng tạo và khoa học - công nghệ. Trong tương lai, khu Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm tài chính sẽ nhấn mạnh mảng công nghệ tài chính bởi rất có tiềm năng.
Với cụm Thảo Điền, nơi tập trung các nghệ sỹ, kiến trúc sư, còn có cả trung tâm tin học. Chúng tôi coi đấy là một không gian nghệ thuật, không gian sáng tạo rất thú vị.
Với cụm Rạch Chiếc, chúng tôi coi thể thao cũng là cơ hội cho các ngành sáng tạo. Khi đời sống của con người ngày càng phát triển thì sẽ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và các hoạt động văn hoá, giải trí. Và chúng tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội để xây dựng và phát triển trung tâm về các sản phẩm liên quan đến thể thao.
Như với giày thể thao, Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ xuất khẩu và sản xuất da giày hàng đầu thế giới nhưng hàm lượng chất xám trong đó rất ít. Các trung tâm nghiên cứu về thể thao và các sản phẩm thể thao cũng là một cơ hội phát triển rất lớn.
Khu cảng tại Trường Thọ sẽ được di dời sang Long Phước (quận 9). Khu vực này dự kiến là một thành phố ứng dụng công nghệ mới nhất trong tương lai.
Bên cạnh trục sáng tạo, trọng tâm là nền kinh tế 4.0, chúng ta vẫn cần những ngành sản xuất dùng nhiều lao động, vẫn cần có công nhân, những cụm có cơ sở hạ tầng lớn. Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất trục sản xuất. Trục này chạy dọc tuyến đường vành đai 3 của TP HCM. Trong đó có tuyến đường quốc lộ 1 đi qua khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghệ cao TP HCM xuống phía nam, qua gần khu cảng Cát Lái.
Đây là cụm chúng tôi nghiên cứu cùng rất nhiều chuyên gia ngoài nước và thấy được tiềm năng lớn. Nó vừa có đủ quỹ đất để phát triển trong tương lai, vừa giữ quỹ đất sản xuất cho thành phố. Chúng tôi đề xuất khu vực này sẽ hiện thực hóa các sản phẩm được tạo ra ở khu sáng tạo. Bản thân Khu công nghệ cao TP HCM hiện tại cũng là một trung tâm sản xuất lớn.
- Như ông nói, hạ tầng giao thông kết nối đã cản trở khu phía đông thành phố phát triển. Vậy có giải pháp đột phá nào về giao thông trong đồ án không?
- Chúng tôi đề xuất 3 trục động lực giao thông để tạo ra những cơ hội mới, những động lực mới.
Hai trục hiện hữu mà ai cũng hình dung ra là Xa lộ Hà Nội và đại lộ Đông Tây (từ Mai Chí Thọ kéo dài đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây). Đây là trục này cực kỳ quan trọng, đi xuyên qua trung tâm thành phố và đóng góp quan trọng cho sự phát triển.
Chúng tôi đề xuất ý tưởng để tận dụng quỹ đất rất lớn giữa 2 trục này, nhưng chưa phát triển được vì thiếu kết nối gọi là trục thứ 3. Trục này được ban giám khảo quan tâm nhất và rất thích với kết nối từ Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), qua Thanh Đa, đến cảng Trường Thọ, Rạch Chiếc, rồi đi về phía nam của Khu Công nghệ cao TP HCM và cuối cùng là tới sân bay Long Thành (Đồng Nai).
Nó là trục đông - tây thứ ba này giúp giải quyết 2 vấn đề cơ bản. Một là mở ra cơ hội phát triển cho các khu vực như Thanh Đa, Trường Thọ, Rạch Miễu… nơi ở vị trí chiến lược vì nó ở ngã tư đường. Nó cũng mở ra quỹ đất rất lớn nằm ở quận 9 mà hiện nay là chưa có kết nối tốt, bao gồm cả Khu công nghệ cao. Trục này sẽ giúp giảm tải kết nối với Đồng Nai, đặc biệt tại cầu Đồng Nai và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn được coi như những nút thắt cổ chai.
Như vậy, trục này sẽ đi qua khu vực phát triển công nghiệp rất mạnh mẽ của toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ. Một điểm quan trọng nhất là giúp kết nối sân bay Long Thành đến Tân Sơn Nhất.
- Trọng tâm khu đô thị phía đông được định hướng là sáng tạo. Vậy yếu tố sáng tạo nằm ở đâu?
- Chúng tôi đề xuất 4 nguyên tắc để tạo nên dự án này.
Một là, kết nối để tạo cơ hội mới. Khi chúng ta kết nối những mảnh đất còn tiềm năng với những mảnh đất đã có tiềm năng để tạo ra cơ hội mới cùng phát triển.
Hai là, sáng tạo ở mọi nơi. Người ta đang hình dung sự sáng tạo chỉ nằm ở một số nơi như Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia hay Thảo Điền… Tuy nhiên, bản thân TP HCM đã là một trung tâm sáng tạo, là trung tâm khởi nghiệp lớn thứ ba tại Đông Nam Á. Người ta đang khởi nghiệp ở những căn nhà trong ngõ phố, khu dân cư bình thường.
Bản qui hoạch của chúng tôi không đập đi những gì hiện hữu, mà trao cơ hội, kết nối với những gì hiện hữu. Sự sáng tạo nằm ở nhiều nơi, nên chúng tôi muốn kết nối lại.
Thứ ba là “toàn cầu hoá đậm chất địa phương”. Nếu chúng ta muốn thu hút nhân tài, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, thì phải có các tiêu chuẩn về môi trường sống, làm việc quốc tế. Môi trường sống xanh, giao thông phải thuận tiền, mạng Internet phải nhanh… có thể tìm thấy Bangkok, Manila, Singapore… nhưng TP HCM có những nét riêng biệt.
Xã hội Sài Gòn rất mở, nơi tiếp nhận rất nhiều văn hóa, nhiều ý tưởng mới, một thành phố thân thiện nghĩa tình. Đó là điều giúp thu hút nhân tài, doanh nghiệp trên thế giới đến làm ăn.
Thứ tư, khu vực phía đông TP HCM, đặc biệt quận 9, hay bị ngập lụt nên chúng tôi làm qui hoạch sao cho phù hợp với tình hình địa phương. Chúng tôi giúp đưa ra các phương pháp thích ứng để phát triển bền vững.
Có thể thấy về tổng thể đề án, chúng tôi chọn ra 6 điểm sáng tạo chính: Đại học Quốc gia TP HCM; Khu công nghệ cao; trung tâm tài chính Thủ Thiêm; khu Rạch Chiếc với các yếu tố sức khoẻ, thể thao; khu Tam Đa - quận 9 với trọng điểm sáng tạo về tìm các giải pháp giải quyết ngập lụt, sinh thái; khu cảng Trường Thọ mở ra cơ hội mới, thành phố tương lai với một mặt giáp sông, một mặt cạnh metro sắp đang hình thành.
- Chiến lược triển khai để đưa đồ án vào hiện thực như thế nào?
- Để hiện thực hóa đồ án qui hoạch, chúng tôi đưa ra 10 chiến lược để triển khai. Tuy nhiên, tôi thấy có 3 điểm quan trọng nhất.
Thứ nhất, phải có một cơ quan, một cá nhân chịu trách nhiệm về sự thành công của dự án. Chúng ta phải tránh chuyện “cha chung không ai khóc” và quyết tâm thực hiện điều này.
TP HCM cũng đang đề xuất với trung ương tạo ra một thành phố mới trong lòng TP HCM với trọng tâm chính là 3 quận này. Tạo ra một cơ chế hành chính mới, tập trung, riêng để phát triển 3 quận. Nếu 3 quận riêng rẽ thì không thể nói chuyện, cùng phát triển.
Tôi lấy ví dụ có thể thành lập thành phố sáng tạo, với một ông thị trưởng. Người này phải chịu trách nhiệm làm dự án này thành công. Cái này chúng tôi đang đề xuất và TP đang triển khai mạnh mẽ.
Thứ hai, cần có một cơ chế như đặc khu tại khu vực 3 quận này. Khó khăn của việc làm công nghệ chính là rào cản về luật pháp và thể chế. Luật pháp hiện tại sẽ cản trở những mô hình kinh doanh mới, những công nghệ mới. Do đó, khu vực này có thể được phát triển giống như sandbox, nơi có thể chế mở, cho phép thử nhiệm những công nghệ mới nhất, mô hình kinh doanh mới nhất…
Nhà nước có thể không biết công nghệ sẽ đi về đâu, chấp nhận cho thử nghiệm và điều chỉnh dần trước khi áp dụng rộng rãi. Tôi lấy ví dụ vấn đề đang tranh luận ở Mỹ là cho phép xe tự lái, điển hình là không phải bang nào cũng cho phép. Do đó, ở Việt Nam có thể cho phép vận hành xe tự lái ở riêng vực 3 quận phía đông TP HCM sau đó mới áp dụng rộng rãi. Luật pháp phải cho điều đó xảy ra.
Điểm thứ ba, tôi lưu ý là với nguồn lực hiện tại còn hạn chế, nên không thể coi dự án thành phố sáng tạo là độc lập với các dự án khác như kẹt xe, chống ngập, xây dựng trung tâm tài chính…
Tôi lấy ví dụ cùng một khoản tiền để đầu tư chống ngập, ta trích khoảng 5% để thuê chính những công ty công nghệ tại khu vực này, nghiên cứu giải pháp tối ưu. Sau đó khu vực có thể sử dụng giải pháp này, doanh nghiệp bán cái đó cho các thành phố khác gặp vấn đề tương tự trên toàn thế giới.
Cùng một nguồn lực về một vấn đề, chúng ta kết nối nó lại, dành một phần cho công nghệ tạo ra một nền kinh tế mới, thậm chí xuất khẩu. Biến chính chúng ta thành chuyên gia trong vấn đề của chính chúng ta. Ví dụ như Hà Lan là chuyên gia về chống lụt, Singapore là chuyên gia về cấp nước…
- Nguồn lực thực hiện đồ án sẽ là rất khổng lồ. Vậy, các ông đề xuất gì để có nguồn lực hiện thực hóa thành phố sáng tạo?
- Nhóm chúng tôi có đưa ra bộ công cụ thực thi để hiện thực hóa dự án. Thành phố về cơ bản có 2 công cụ chính trong tay, tôi ví von như “cây gậy và củ cà rốt”. “Cây gậy” chính là các quy định, còn “củ cà rốt” là vốn mồi từ ngân sách, quỹ đất…
Về mặt ngân sách, thì thành phố có thể chi, nhưng cũng có thu rất nhiều. Chính sách có “cứng” và “mềm”. Chính sách “cứng” là tôi bắt buộc anh phải làm theo. Chính sách “mềm” là anh làm được thì tôi thưởng.
Ví như khu Trường Thọ sẽ dùng quản trị chính sách cứng, bán hoặc đấu giá đất cho doanh nghiệp nhưng bắt buộc phải làm công nghệ. Như vậy, Nhà nước vừa thu được tiền, lại vừa có thể đạt được mục tiêu là phát triển công nghệ. Tại Thủ Thiêm, Nhà nước không thể bắt doanh nghiệp làm công nghệ. Tuy nhiên, có thể thưởng doanh nghiệp phát triển công nghệ bằng việc cấp phép cho dôi ra % diện tích sàn nhất định.
Như vậy, Nhà nước vẫn thu được tiền, vẫn có lượng sàn để phát triển công nghệ.
Khu công nghệ cao và khu Đại học Quốc gia TP HCM nằm gần nhau nhưng gần như không có tương tác gì. Nhưng cả 2 bên cùng nghiên cứu, trong khi Khu công nghệ cao là sản xuất. Nhà nước phải tạo cơ chế, quỹ để khuyến khích 2 khu làm việc với nhau. Anh chị được lấy tiền nghiên cứu từ quỹ khi có sự tương tác 2 bên.
Tôi nhấn mạnh bức tranh linh hoạt, có những việc Nhà nước thu rất nhiều tiền, nhưng cũng có những việc phải chi tiền ra. Như vậy, Nhà nước còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng chứ không phải lúc nào cũng phải chi rất nhiều tiền.
- Nhiều chuyên gia cho rằng TP HCM đang phải mặc một chiếc áo quá chật về thể chế so với yêu cầu phát triển. Làm thế nào để những rào cản này không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng một thành phố sáng tạo ở phía đông?
- Chúng ta phải có một cơ chế giống như đặc khu với 3 quận này. Hay ít nhất, tôi cho rằng cần lập ra mô hình thành phố trong lòng thành phố để quản lý 3 quận. Đây cũng cần là nơi áp dụng chính quyền đô thị đầu tiên. Mô hình này có tính chủ động, tính quyết định cao hơn, bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả linh hoạt và phù hợp.
Tôi ví như 3 quận này sẽ không cần sở nông nghiệp nữa, cần sở khác mang tính chuyên môn và phù hợp bối cảnh ở đây. Ta cần nhớ rằng trung tâm công nghệ lớn nhất của Trung Quốc chính là Thâm Quyến. Họ có cơ chế đặc khu, với thể chế ở nơi khác không được làm, để phát triển được như vậy.
- Bài toán hóc búa mà nhóm nghiên cứu phải giải quyết? Giải pháp nào mà nhóm nghiên cứu đưa ra cảm thấy tâm đắc nhất?
- Vấn đề hóc búa nhất là bắt đầu từ đâu, chọn điểm nào để bắt đầu. Không gian nghiên cứu rộng tới 22.000 ha và chỉ làm trong 3 tháng, yêu cầu cả về chiến lược và thực hiện thiết kế. Chọn điểm nào thực hiện, và phải có tính khả thi.
Hai điểm tâm đắc nhất mà chúng tôi giải quyết được là xác định cơ hội về quỹ đất. Các quỹ đất mà thành phố kiểm soát và có thể tác động như Thủ Thiêm, Trường Thọ, Thanh Đa… Thanh Đa không phải đất công nhưng thành phố có thể tác động. Một số nhà đầu tư lớn đang quan tâm quỹ đất tại đó. Chúng ta tìm được điểm bắt đầu và điểm tập trung.
Hai là, chúng tôi thấy khu vực phía đông, xung quanh Khu công nghệ cao TP HCM rất nhiều trường đại học rải rác xung quanh, mà gần như không có kết nối, tương tác nào với nhau, ví như Đại học GTVT, Đại học Fulbright đang xây dựng… Đây là tiềm năng để tạo ra một thành phố sáng tạo trong tương lai.
Khu công nghệ tạo có thể “dang tay ra”, kết nối với vùng đô thị, không gian giáo dục, để sự sáng tạo được nhân lên.