Trước tình hình đợi chờ mỏi mòn của cộng đồng người chuyển giới và những người ủng hộ, đã có nhiều cá nhân và tổ chức đã đứng kêu gọi mọi người cùng lên tiếng để thúc đẩy Bộ Y Tế trình dự thảo luật lên Quốc Hội. Trong quá trình này, những người hoạt động vì quyền của người LGBT cũng lên tiếng mạnh mẽ. Chúng tôi đã cùng hẹn gặp và trao đổi với anh Huỳnh Minh Thảo, một nhà hoạt động độc lập về quyền LGBT tại Việt Nam và cũng là người đã tham gia tổ chức những chiến dịch, hoạt động như Tôi Đồng Ý, Đừng Bỏ Sót, VietPride ... trước đó.
Huỳnh Minh Thảo: Cần sớm có nghị định hướng dẫn cho việc sử dụng quyền của người chuyển giới - Ảnh 1.

Trước tình hình đợi chờ mỏi mòn của cộng đồng người chuyển giới và những người ủng hộ, đã có nhiều cá nhân và tổ chức đã đứng kêu gọi mọi người cùng lên tiếng để thúc đẩy Bộ Y Tế trình dự thảo luật lên Quốc Hội. Trong quá trình này, những người hoạt động vì quyền của người LGBT cũng lên tiếng mạnh mẽ, chúng tôi đã cùng hẹn gặp và trao đổi với anh Huỳnh Minh Thảo, một nhà hoạt động độc lập về quyền LGBT tại Việt Nam và cũng là người đã tham gia tổ chức những chiến dịch, hoạt động như Tôi Đồng Ý, Đừng Bỏ Sót, VietPride ... trước đó.

- Chào anh Huỳnh Minh Thảo! Anh đã có những thông tin gì mới về việc

thông qua luật chuyển đổi giới tính tại Việt Nam chưa?

Luật chuyển đổi giới tính đã được bàn luận vào tháng 1/2016 từ sau khi Điều 37 Luật dân sự 2015 (sửa đổi) được thông qua. Mọi người đọc trong Điều 37 bộ Luật dân sự cũng thấy rồi, đó là công dân được chuyển đổi giới tính theo quy định của luật, và chữ "luật" đó sẽ là những văn bản pháp luật nhỏ hơn được quy định trong các văn bản đính kèm. Tôi nhớ thời điểm đó, chính phủ giao cho Bộ Y Tế soạn thảo luật chuyển đổi giới tính, bởi vì ngay từ đầu chính phủ nghĩ đó là vấn đề của Y tế.

Trong quá trình soạn thảo luật và làm việc với các bên liên quan, các tổ chức cộng đồng thì vụ pháp chế cũng gặp những khó khăn về kiến thức LGBT, nhưng sau đó, họ cũng tìm hiểu và cập nhật các kiến thức cụ thể hơn nhưng cũng chính vì vậy mà phát sinh ra nhiều khó khăn, những vấn đề khác nhau mà luật không thể đáp ứng hết được cho cộng đồng người chuyển giới. Ví dụ những người chỉ nghĩ trong đầu họ là người chuyển giới mà họ không có nhu cầu sử dụng hormone hay can thiệp phẫu thuật thì sẽ rất khác so với người có nhu cầu phẫu thuật, hoặc những người có nhu cầu sử dụng hormone thôi nhưng không có nhu cầu phẫu thuật.

Điều này tạo ra nhiều cấp độ và trường hợp khác nhau, cũng là thách thức lớn cho những nhà làm luật. Luật chuyển đổi thời điểm soạn thảo thì phải cập nhật từ từ, ban đầu là 2016 và bản cuối cùng là đầu năm 2018. Khi có bản nháp cuối, cá nhân tôi thấy nó cũng khá là hoàn thiện, nhóm làm luật cũng không quá cầu toàn, họ cũng nói rõ rằng luật này chỉ đáp ứng nhu cầu cho những nhóm có tiếp cận về phẫu thuật, thấp nhất trong nhóm là sử dụng hoocmon chứ họ không bao gồm được hết những nhóm cộng đồng chuyển giới khác.

Đối với việc cho tới nay luật chuyển đổi giới tính vẫn chưa được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội thì theo nhiều nguồn thông tin hành lang thì do Bộ trưởng bộ Y tế chưa xem đây là vấn đề quan trọng so với những vấn đề khác. Một phần, Bộ Y tế cũng cảm thấy luật chuyển đổi giới tính chỉ tác động đến một nhóm thiểu số, nên có lẽ vì vậy mà họ không ưu tiên chăng? Ngoài ra, cá nhân tôi nhận thấy từ phía cộng đồng LGBT nói chung cũng có sự thờ ơ với sự thúc đẩy cho luật này, họ vẫn còn xem đây chỉ là việc của nhóm chuyển giới. Mà như vậy thì thật sự tiếc, vì khi cả xã hội thúc đẩy cho luật hôn nhân cùng giới thì các bạn chuyển giới chính xác là những người đi đầu của phong trào. 

Huỳnh Minh Thảo: Cần sớm có nghị định hướng dẫn cho việc sử dụng quyền của người chuyển giới - Ảnh 2.

Anh Huỳnh Minh Thảo nhận thấy từ phía cộng đồng LGBT nói chung cũng có sự thờ ơ với sự thúc đẩy cho luật này, họ vẫn còn xem đây chỉ là việc của nhóm chuyển giới.

- Là người hoạt động lâu năm anh có nhận xét gì về phong trào LGBT nói chung và phong trào vận động quyền của người chuyển giới nói riêng?

Trong quá trình hoạt động, tôi nhận thấy phong trào thúc đẩy quyền của chính cộng đồng LGBT tại Việt Nam được bắt đầu khá là bài bản, với tiêu chí đối thoại với xã hội và chính phủ đã không tạo ra những cảm giác tiêu cực hay cực đoan.

Một lý do may mắn nữa là Việt Nam không bị chi phối quá lớn bởi tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo phản đối đồng tính, so với một số quốc gia khác, họ chọn những con đường phản đối, hay vì tôn giáo của đất nước họ còn nhiều quyền lực trong xã hội cho nên đã gặp khó khăn hơn chúng ta khá nhiều.

Còn con đường phát triển cộng đồng LGBT tại Việt Nam thì khá là đa dạng và phong phú, họ có thể làm từ vận động xã hội, các nhóm nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng, phụ huynh hay những mảng nghề nghiệp đặc thù như giáo dục, y tế... thậm chí, có những tổ chức chỉ chuyên thúc đẩy những thay đổi của truyền thông, hay chia sẻ thông tin đến những người làm luật. Và tôi tin đó là thế mạnh của những tổ chức cộng đồng LGBT Việt Nam.

Mặc dù cho tới hiện tại các luật đang rất còn dở dang như luật hôn nhân và gia đình chưa thừa nhận kết hôn cùng giới, quyền của người chuyển giới thì hiện tại mới chỉ thông qua trong luật dân sự 2015 thôi, nó vẫn còn đó những công việc chúng ta cần tiếp tục làm.

Tuy nhiên, tôi nghĩ nền tảng chúng ta đã có khá tốt và việc còn lại là những người tiếp nối - các bạn sẽ phải tiếp tục đi những con đường mà đàn anh, đàn chị mình đã gầy dựng trước đây. Với lại trong giai đoạn này, chủ đề LGBT dù đã không còn "hot" như trước, nhưng lại được đan xen với nhiều chủ đề khác nhau, như bình đẳng giới hay quyền của các nhóm thiểu số khác, tôi tin đây sẽ là thách thức thú vị để cùng với sự thúc đẩy cho quyền người LGBT, xã hội chúng ta cũng sẽ phát triển luôn quyền cho những nhóm cộng đồng khác.

- Trong quá trình anh hoạt động cộng đồng cho LGBT và người chuyển giới, anh có câu chuyện nào đáng nhớ nhất?

Thời kỳ đầu, rất nhiều trường hợp tôi gặp mọi người không ý thức được là mình đang bị mất quyền, thậm chí có những người nói rằng "yêu nhau là được mà, tôi đâu nhất thiết cần luật hôn nhân cùng giới làm gì" hay những bạn chuyển giới khá yên ổn với ngoại hình của mình, hài lòng với chính cuộc sống và công việc của mình và họ không đứng lên đấu tranh, thậm chí họ không muốn ai biết mình từng là người chuyển giới.

Khó khăn của những người vận động cộng đồng là phải làm sao để họ nhận ra việc dù họ có sử dụng tới những quyền kia hay không, thì nó vẫn cần được vận động cho những người cần xài đến. Quá trình này, đa phần chúng tôi phải truyền thông để thay đổi, bằng nhiều cách khác nhau, có khi là kể chuyện, bài luận, cũng có khi sử dụng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện như video, hình ảnh, âm thanh... để gợi mở.

Huỳnh Minh Thảo: Cần sớm có nghị định hướng dẫn cho việc sử dụng quyền của người chuyển giới - Ảnh 3.

Với lại trong giai đoạn này, chủ đề LGBT dù đã không còn "hot" như trước, nhưng lại được đan xen với nhiều chủ đề khác nhau, theo anh Thảo.

Cũng trong quá trình này, tôi đã gặp rất nhiều người chuyển giới dù có hai ba bằng cấp nhưng họ vẫn phải đi làm những công việc lao động chân tay, thấp hơn khả năng học vấn của họ, thậm chí nhiều người còn làm những công việc ở dưới đáy xã hội vì xã hội coi rẻ họ thật, bởi họ không hề được công nhận gì từ năng lực của mình.

Cũng như nhiều người khác, tôi cũng từng thắc mắc tại sao người chuyển giới nữ thường đi hát đám ma, hát lô tô... nhưng rồi tôi nhận ra rằng, bản thân người chuyển giới nữ có rất ít lựa chọn, vì vậy họ sẽ chọn môi trường nào an toàn nhất, vui tươi nhất, kiếm được tiền, sống được.

Người chuyển giới nam cũng gặp chuyện tương tự, họ không thể làm công việc sài tới chuyên môn dù có 2 3 bằng cấp, họ khó xin việc vì ngoại hình không khớp với giấy tờ. Nó là những cái bất cập xuất hiện trong cả pháp luật, cho đến chuẩn mực xã hội. Mà tôi nghĩ đến giờ, những chuẩn mực này cũng đã thay đổi ít nhiều, nhưng vẫn rất ít và chưa rốt ráo.

Tôi tin là chỉ cần những người chuyển giới được thực hiện đầy đủ quyền của mình, được sống đúng với bản thân mình, họ sẽ dư sức để đóng góp rất nhiều điều có ích cho đất nước. Với những nước cởi mở về vấn đề này, họ đã cho thấy một cộng đồng LGBT hũu ích và mang lại nhiều lợi ích như thế nào.

Huỳnh Minh Thảo: Cần sớm có nghị định hướng dẫn cho việc sử dụng quyền của người chuyển giới - Ảnh 4.

"Tôi tin, thậm chí không cần tới luật, chỉ cần có nghị định hướng dẫn việc sử dụng quyền chuyển đổi giới tính thế nào, cũng đã rất thuận tiện cho cộng đồng người chuyển giới..."

Ở Việt Nam không phải là quá gay gắt với người chuyển giới, tuy nhiên việc chậm trễ trong quá trình làm luật có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngàn người, hàng triệu người mà bản thân họ không nhìn thấy một cách nhanh chóng. Đôi khi các  bác có vai trò, trách nhiệm nhưng lại còn nghĩ quá nhiều tới sự an toàn cho mình mà không cân nhắc tới những nguy cơ tiềm ẩn cho cả xã hội.

Ví dụ như chưa hoàn toàn thừa nhận quyền của người chuyển giới sẽ kéo theo những rủi ro khác, những bất mãn và sự tuyệt vọng khác, đương nhiên các bộ ngành lúc này sẽ không thấy được trách nhiệm của mình, nhưng xã hội nói chung sẽ là những người đầu tiên hứng chịu, và đó là một điều cực kì tổn thất!

Tôi tin, thậm chí không cần tới luật, chỉ cần có nghị định hướng dẫn việc sử dụng quyền chuyển đổi giới tính thế nào, cũng đã rất thuận tiện cho cộng đồng người chuyển giới, rồi dần dần mở rộng thành một luật hoàn chỉnh cho các nhóm bạn chuyển giới ở những khái niệm không can thiệp y tế sau.

- Thông điệp anh muốn nhắn gửi cho cộng đồng?

Với những người ngoài xã hội , không thuộc cộng đồng, có thể đang chưa hiểu về LGBT thì việc họ tìm hiểu thêm thông tin để đứng về phía cộng đồng, để họ lên tiếng vì lẽ phải, thì tôi nghĩ là việc mà bất kỳ ai cũng nên làm.

"Đã đến lúc chúng ta cùng góp sức lên tiếng cho quyền của người chuyển giới, bởi chỉ có như vậy, từng bước từng bước chúng ta mới được sống trong một xã hội ngày càng tử tế và công bằng", - Huỳnh Minh Thảo

Nói về những người đang xem LGBT là những nhóm rất nhỏ và không chọn làm đối tượng ưu tiên trong quá trình làm luật, thì họ hãy lưu ý tới những người đã nằm xuống do sử dụng hormone lậu hay các bạn phải đau khổ, sống trong nước mắt trong thời niên thiếu, vì chưa có luật đồng nghĩa với việc chưa có nhiều kiến thức được phổ cập, đồng nghĩa với việc người chuyển giới sẽ tiếp tục còn bị hiểu lầm từ đời này qua đời khác, rồi cuộc sống của họ lại tiếp tục rơi vào vết xe đổ.

Với chính cộng đồng, tôi nghĩ không chỉ người chuyển giới đang khao khát với quyền của họ, những người LGB khác cũng hãy nghĩ rằng chúng ta đều là những nhóm thiểu số, quyền của nhóm này được thông qua cũng giúp ích rất nhiều cho cả cộng đồng. 

Đã đến lúc chúng ta cùng góp sức lên tiếng cho quyền của người chuyển giới, bởi chỉ có như vậy, từng bước từng bước chúng ta mới được sống trong một xã hội ngày càng tử tế và công bằng. Nếu cộng đồng mình mà vẫn còn thờ ơ với chính mình thì còn ai đứng lên vì chúng ta mai sau?


Bài: Bằng Giang / Ảnh: NVCC

Trình bày: Cô Trịnh

Theo Đời sống & Pháp lý