Hoàng Mai là một quận nội thành nằm ở cửa ngõ phía đông nam Hà Nội, diện tích 4.104,1 ha (41 km2).
Đây là quận có diện tích lớn thứ 4 của thủ đô và có dân số đông nhất trong số 30 quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội, khoảng 423.100 người tính đến năm 2019.
Quận Hoàng Mai thuộc phân khu H2-3 và H2-4 của Hà Nội, gồm 14 phường, với phía bắc giáp quận Hai Bà Trưng; phía tây bắc giáp quận Thanh Xuân với ranh giới là đường Giải Phóng; phía đông và đông bắc giáp huyện Gia Lâm, Long Biên với ranh giới là sông Hồng; phía tây và phía nam giáp huyện Thanh Trì với ranh giới là sông Tô Lịch.
Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Hà Nội đang mở rộng khu vực đô thị trung tâm từ các quận nội đô về các quận phía tây và nam thành phố, trong đó có quận Hoàng Mai.
Khu vực đô thị trung tâm (nội đô mở rộng) giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là nơi phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại. Khu vực này cũng sẽ được hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, chỉnh trang kiến trúc một số khu dân cư và làng xóm ven đô trong quá trình mở rộng đô thị. Dân số đến năm 2030 khoảng 0,85 - 0,9 triệu người.
Ngoài ra, Hà Nội đang trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành vào tháng 6 tới.
Theo tờ trình đồ án, quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội, trong đó có Hoàng Mai.
Phân khu đô thị sông Hồng sắp phê duyệt trên địa bàn quận Hoàng Mai có diện tích khoảng gần 1.000 ha (tính cả mặt nước sông Hồng).
Phân khu qua địa bàn các phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú và Yên Sở. Trên địa bàn quận này, phân khu tính từ nút giao đường Nguyễn Khoái - Bạch Đằng, đoạn Cảng Hà Nội và kết thúc ở khu vực Đầm Lớn, giáp ranh với huyện Thanh Trì.
Hoàng Mai là quận có tốc độ đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh nhất trong số các quận huyện mới của thủ đô, với hàng loạt khu đô thị và chung cư của các doanh nghiệp BĐS lớn như Vingroup, Geleximco, Gamuda Land, Vinaconex, HUD,...
Đơn cử như phường Hoàng Liệt hiện nay có khoảng 80 tòa chung cư với số lượng dân cư khoảng 80.000 người. Phường Đại Kim cũng có tới trên 40 tòa chung cư với hơn 40.000 người.
Quận Hoàng Mai dày đặc các khu đô thị (KĐT) như Linh Đàm, Định Công, Đại Kim, Đền Lừ, Kim Văn – Kim Lũ, Vĩnh Hoàng, Hoàng Văn Thụ, Ao Sào, Thịnh Liệt, Đại Kim – Định Công, … cùng hàng loạt dự án chung cư trên đường Lĩnh Nam, Tam Trinh, Pháp Vân, Nghiêm Xuân Yêm như Gamuda City, Hateco Yên Sở, khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, The Manor Central Park, Eco Lake View, Gelexia Riverside, Rose Town, Athena Pháp Vân,...
KĐT mới Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) là KĐT hiện đại kiểu mẫu đầu tiên của thủ đô Hà Nội, được khởi công từ năm 1997. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư.
Hoàng Mai có hàng loạt khu đô thị và chung cư của các doanh nghiệp BĐS lớn như Vingroup, Geleximco, Gamuda Land, Vinaconex, HUD,...
Theo quy hoạch ban đầu, toàn bộ KĐT Linh Đàm rộng 200 ha, bao gồm 2 khu dân cư: Khu nhà ở Bắc Linh Đàm và khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở bán đảo Linh Đàm.
Tuy nhiên, tại khu đất rộng 3 ha định làm khu dịch vụ phía Tây Nam bán đảo Linh Đàm đã được Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) xây dựng Tổ hợp HH gồm 12 tòa chung cư cho người thu nhập thấp.
Dự án được phép xây dựng 27 tầng, nhưng chủ đầu tư lại xây dựng tới 36 tầng với tòa HH4 và 41 tầng đối với các tòa HH1, HH2, HH3 (vượt nhiều tầng so với quy hoạch được phê duyệt).
Ngay sát KĐT Linh Đàm, một dự án khác cũng do HUD đầu tư xây dựng là KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp rộng 50 ha. Dự án đã khởi công xây dựng tháng 10/2002, được quy hoạch thành quần thể bao gồm hơn 20 nhà cao tầng, hơn 100 nhà biệt thự, nhà vườn, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, trường học, mẫu giáo nhà trẻ, trụ sở làm việc,...
KĐT mới Gamuda City (phường Trần Phú và Yên Sở) do Gamuda Land làm chủ đầu tư với tổng vốn 5 tỷ USD. Dự án rộng 274 ha được khởi công từ 2012, bao gồm 4 phân khu: Gamuda Gardens, Gamuda Lake, Gamuda Central, công viên Yên Sở. Hiện tại khu Gamuda Gardens quy mô 75 ha đã hoàn thiện.
KĐT Kim Văn - Kim Lũ 26,9 ha tại đường Nghiêm Xuân Yêm, phường Đại Kim, do CTCP Xây dựng số 2 - Vinaconex 2 làm chủ đầu tư. Quy mô dự án gồm 1 tòa tháp chung cư 40 tầng, 4 tòa tháp chung cư 38 tầng, 3 tòa tháp chung cư 36 tầng.
Gelexia Riverside là dự án tổ hợp chung cư, biệt thự nhà vườn 3,5 ha với tổng vốn đầu tư 2.893,3 tỷ đồng. Chung cư do CTCP Đầu tư và Kinh doanh BĐS HTL Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư.
Hiện tại dự án đã hoàn thành với 31 tầng tại 727 Tam Trinh, Yên Sở, cùng 1.966 căn hộ đang được giao dịch.
Times City Park Hill thuộc Tập đoàn Vingroup, nằm ở phía Đông Nam KĐT Times City, địa chỉ số 25 ngõ 13 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai. Dự án gồm 7 tòa căn hộ với tổng diện tích 7,5 ha. Dự án đã hoàn thành năm 2017 và đi vào hoạt động.
Tuy có loạt các KĐT và chung cư lớn, nhưng quận Hoàng Mai lại không sở hữu những trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn. Gần nhất là TTTM Vincom Mega Mall Times City thuộc quận Hai Bà Trưng, gần Times City Park Hill.
Gần đây nhất, Hà Nội đã công bố bản điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị H2-3 tại các ô đất thuộc phường Đại Kim và Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai để xây dựng bãi đỗ xe và đại siêu thị AEON Mall. Cụ thể, dự án tại lô 6A.KT - Phân khu H2-3, quận Hoàng Mai, phía sau ga Giáp Bát hiện hữu với quy mô 6,1 ha, vốn đầu tư dự kiến 280,7 triệu USD.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các KĐT và chung cư khiến quận Hoàng Mai đối diện với mật độ dân số cao; thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, ngập nước và khủng hoảng điểm để xe.
Đơn cử như KĐT HH Linh Đàm với 12 toà nhà cao từ trên 30 tầng đến 43 tầng nằm san sát nhưng chỉ thiết kế một tầng hầm để xe máy. Hơn 30.000 cư dân dồn vào 9.000 căn hộ tại 12 tòa nhà khiến nơi đây trở thành khu chung cư đông nhất Hà Nội.
Để giải quyết tình trạng này, trong nghị quyết số 21 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 được HĐND Thành phố Hà Nội phê duyệt, quận Hoàng Mãi sẽ có thêm 6 bãi đỗ xe mới tại phường Yên Sở, khu Đền Lừ, Vĩnh Hưng.
Cầu Thanh Trì thông xe năm 2007 với tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng, là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng.
Cầu nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Hoàng Mai), cắt đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Thạch Bàn, Long Biên, điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Long Biên).
Cầu được đưa vào sử dụng cùng với đường vành đai 3 tạo thành chuỗi giao thông liên kết giữa vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và liên thông trục Bắc - Nam, giảm đáng kể lưu lượng xe đi qua nội thành Hà Nội.
Theo quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, địa phận quận Hoàng Mai sẽ không có thêm cây cầu vượt sông mới.
Ngoài ra, đây là quận có các hồ lớn như hồ Yên Sở, Linh Đàm, Định Công, Đầm Đỗi với diện tích mặt nước lớn. Khu vực Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội là một trong những bán đảo lớn nhất Thủ đô, với diện tích 200 ha, với hệ thống hồ nước rộng trên 70 ha.
Trong kế hoạch sử đụng đất năm 2021 quận Hoàng Mai có dự án khu công viên sinh thái Vĩnh Hưng cần thu hồi 15 ha.
Quận Hoàng Mai là địa phương có diện tích mặt nước lớn của Hà Nội.
Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong giai đoạn đến năm 2050, sẽ có 4 tuyến đường sắt đô thị chạy qua địa phận quận Hoàng Mai (số 1, 3, 4 và số 8).
Cụ thể, tuyến số 1 metro số 1 Ngọc Hồi (Hoàng Mai) - Yên Viên - Như Quỳnh, dài khoảng 38,7 km. Tại địa phận quận Hoàng Mai, tuyến này sẽ chạy trực tiếp qua trục Ngọc Hồi - Giải Phóng với ba ga là Phương Liệt, Giáp Bát và Hoàng Liệt.
Tuyến metro số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên sẽ triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020, còn đoạn Gia Lâm - Dương Xá từ 2020 - 2030.
Sau nhiều lần trì hoãn, đến đầu năm 2019, Bộ GTVT cho biết sẽ tiến hành giai đoạn 1 của dự án với việc xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi, thời gian thực hiện là từ 2019 - 2024, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 19.046 tỷ đồng.
Tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 21 km, chia làm hai giai đoạn. Đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành. Đoạn từ ga Hà Nội đến ga Hoàng Mai dài 8,8 km với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tôn, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở) và 1 khu lập tàu (phía sau, sát trạm bơm Yên Sở).
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai được UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng với tổng mức đầu tư 1,75 tỷ USD (40.500 tỷ đồng), dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 – 2030.
Tuyến số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà dài 53,1 km đi qua huyện Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Đan Phượng.
Tại Hoàng Mai, tuyến này sẽ đi qua dọc đường vành đai 2,5 qua 4 phường Định Công, Giáp Bát, Tân Mai, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Vĩnh Hưng và Thanh Trì.
Tuyến metro số 4 kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5 và dự kiến được triển khai sau năm 2030.
Tuyến đường sắt đô thị số 8 có lộ trình từ Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá. Đây là tuyến vành đai kết hợp với các tuyến xuyên tâm để kết nối các khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố và ngược lại.
Tại Hoàng Mai, tuyến này chạy dọc theo đường vành đai 3, qua Lĩnh Nam để sang huyện Gia Lâm. Theo quy hoạch, đoạn Sơn Động - Mai Dịch được thực hiện giai đoạn 2020 - 2030, còn đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá sẽ được triển khai sau năm 2030.
Với vị trí là cửa ngõ phía đông nam Hà Nội, trong những năm gần đây quận Hoàng Mai liên tục có sự thay đổi về hạ tầng.
Quận sở hữu nhiều tuyến giao thông trọng yếu như Giải Phóng, Tam Trinh, Lĩnh Nam, trục Vành đai 3, Ngọc Hồi, quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ… tỏa đi các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An…
Đây cũng là nơi tập trung hầu hết các tuyến xe buýt, các tuyến xe liên tỉnh và trục đường sắt Bắc Nam giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện.
Quận Hoàng Mai liên tục có sự phát triển về hạ tầng và đang sở hữu nhiều tuyến giao thông trọng yếu.
Cuối năm 2019, cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm hơn 342 tỷ đồng được khởi công là một trong 5 công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội.
Sau gần 11 tháng thi công, việc khánh thành công trình này vào ngày 6/10/2020 giúp giảm tải cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm.
Cùng với dự án này, tuyến đường vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng được khép kín, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo nghị quyết số 21 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 được HĐND Thành phố Hà Nội phê duyệt, quận Hoàng Mai có 63 dự án, cần thu hồi 178,2 ha.
Trong đó có 14 dự án liên quan đến mở rộng, xây mới đường giao thông, cần thu hồi 48,65 ha. Cụ thể là dự án mở rộng đường Tam Trinh nối dài từ cầu Mai Động đến đường Vành đai 3 được thi công mở rộng gấp đôi so với trước đây, cần thu hồi 11,37 ha.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ nút giao thông đường Tam Trinh đến điểm giao cắt với tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên; mở rộng đường đoạn cạnh chùa Tứ Kỳ; đường vào trường tiểu học Hoàng LIệt; tuyến đường vào chợ dân sinh Lĩnh Nam, vào trường Tiểu học Yên Sở.
Một số tuyến đường sẽ mở rộng, xây mới như Tam Trinh, Lĩnh Nam, Vành đai 2,5,...
Ngoài ra năm nay quận này dự kiến sẽ xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A; nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam cần thu hồi 9,83 ha; hầm chui tại nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; xây dựng tuyến đường từ Vành đai 2,5 vào đến UBND phường Hoàng Văn Thụ.
Dự án xây dựng 1/2 cầu Đền Lừ và tuyến đường 2,5 phía bắc KCN Vĩnh Tuy; dự án MR tuyến QL Pháp Vân - Cầu Giẽ; tuyến đường từ sông Gạo đến đê sông Hồng; đường từ KĐT Đồng tàu đến đường Tam Trinh cần thu hồi 5,9 ha.
Trong Nghị quyết số 13 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội, quận Hoàng Mai được rót vốn vào 8 dự án, với tổng mức đầu tư 5.191 tỷ đồng.
Dự án được rót nhiều vốn nhất là nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam theo quy hoạch với mức đầu tư 2.249 tỷ đồng và xây dựng đường Nguyễn Tam Trinh với tổng mức đầu tư 2.066 tỷ đồng;
Hai dự án xây dựng 1/2 cầu Đền Lừ và tuyến đường 2,5 đoạn phía bắc khu công nghiệp Vĩnh Tuy với tổng mức đầu tư 152,4 tỷ đồng; xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội trị giá 711 tỷ đồng.
4 dự án liên quan đến quy hoạch là điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 tại một phần ô đất thuộc phân khu ký hiệu B3 trị giá 94 triệu đồng; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 tại một phần ô quy hoạch ký hiệu D3/HTKT2 trị giá 67 triệu đồng.
Hà Nội đang rót vốn đầu tư vào 8 dự án ở Hoàng Mai.
Ngoài ra còn có quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), 6,5 tỷ đồng; quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Ngọc Hồi, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ Vành đai 3,5 đến Vành đai 4) trị giá 4,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo về Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố công bố năm 2018 (hiện đang được tái giám sát), quận Hoàng Mai có tất cả 54 dự án vi phạm, chậm triển khai.
Cụ thể, UBND thành phố có Quyết định thu hồi đất với dự án tại phường Hoàng Liệt do Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật thiết bị y tế làm chủ đầu tư, thu hồi 27 ha;
Dự án được giao đất sau đó điều chỉnh quy hoạch đã xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung là dự án xây dựng nhà ở bán tại Khu Ba Hàng B Lĩnh Nam, do CTCP Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội 22 làm chủ đầu tư; dự án xây dựng trụ sở làm việc tại CC5A bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, chủ đầu tư là CTCP Đầu tư và xây dựng Thành Nam;
Dự án Metropolitan CT36 tại tổ 24 phường Định Công do Tổng Công ty 36 làm chủ đầu tư; xây dựng khu nhà ở X2 tại phường Trần Phú do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội rót vốn; bãi trung chuyển vật liệu xây dựng thuộc phường Yên Sở do Công ty TNHH Vận tải sông Hồng đầu tư;
Dự án Nhà văn hoá, thể thao và bưu điện tại lô đất số 14; Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công, do CTCP Dịch vụ thương mại Sơn Hậu làm chủ đầu tư; dự án xây dựng trường mầm non tư thục Tuổi thơ tại số 59 phố Thanh Đàm, phường Thanh Trì, do Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Huy làm chủ đầu tư;
Dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ Cục cảnh sát Kinh tể - Bộ Công an, tại lô đất sổ 19.NO và 20.BT Khu đô thị mới Bắc Đại Kim mở rộng, phường Định Công do CTCP đầu tư và thương mại Trung Yên làm chủ đầu tư.
Quận Hoàng Mai có tất cả 54 dự án vi phạm, chậm triển khai.
Dự án đầu tư xây dựng Trường mầm non Linh Đàm tại ô đất NTl, Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển giáo dục Linh Đàm làm chủ đầu tư.
15 dự án có dấu hiệu vi phạm là Tòa nhà chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh; xây dựng Trường mầm non Vạn Xuân tại KĐT mới Vạn Xuân; dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hỏa, thể dục thể thao tại KĐT mới Đại Kim; dự án Xây dựng trường mầm non tư thục Tuổi thơ; Dự án đầu tư xây dựng trường mầm non và tiểu học HP; Trường THCS và THPT Lý Nhân Tông tại KĐT Kim Văn; Trường tiểu học Lý Nhân Tông; Trường mầm non khu đô thị Đồng Tầu; khu nhà ờ X2 phường Trần Phú; khu nhà ở giãn dân Vĩnh Hưng,...
15 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính như dự án tòa nhà chung cư - VPHH tại số 12 ngõ 115 Đinh Công, của Công ty TNHH Dinh Cồng còn chậm nộp 63,8 tỷ đồng; DA ĐTXD VP giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự nhà vườn để bán và cho thuê tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai của CTCP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu chậm nộp 226,4 tỷ đồng; khu nhà ở Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà chậm nộp 87,7 tỷ đồng;...
13 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn: Dự án Khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng 1,2 ha; dự án xây dựng trường huấn luyện, đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ 1 ha; Trường mầm non Đồng Tàu 3.000 m2; tổ hợp văn phòng cho thuê, siêu thị, nhà trẻ mẫu giáo 2.700 m2; Bệnh viện kính mắt Hà Nội 7.900 m2; Trường mầm non Thần Đồng 4.100 m2; khu nhà ở giãn dân Vĩnh Hưng 1,4 ha; trường mầm non Vạn Xuân 6.500 m2; đầu tư xây dựng Khu nhà ở quân đội K35 - TM 1.800 m2; khu nhà ở X2 1,5 ha; Trường THCS và THPT Lý Nhân Tông 1,4 ha; Trường tiểu học Lý Nhân Tông 8.600 m2; Trung tâm thương mại dịch vụ Trương Định 442 m2.
Theo báo cáo thị trường BĐS quý I/2021 của Savills, ở phân khúc căn hộ, các dự án bình dân tập trung chủ yếu ở Hoàng Mai, bên cạnh các quận Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên và huyện Gia Lâm.
Giá chào bán sơ cấp trung bình 1.522 USD/m2 tăng 5% theo năm. Nhu cầu đối với các sản phẩm có giá từ 1.000 đến 1.500 USD/m2 tăng mạnh, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số căn bán được với 38%.
Năm 2021, Hà Nội sẽ có gần 25.800 căn hộ từ 25 dự án mới và căn hộ hạng B sẽ tiếp tục dẫn đầu với 89% thị trường. Trong đó, Hoàng Mai là địa phương có nguồn cung lớn thứ hai (13%), sau quận từ Liêm (59%).
Còn báo cáo thị trường bất động sản quý I/2021 của JLL Việt Nam ghi nhận, nguồn cung tại Hà Nội dự báo tiếp tục được cải thiện cho đến cuối năm 2021, dao động khoảng 20.000 – 25.000 căn, chủ yếu đến từ phân khúc giá rẻ.
Trong đó, nguồn cung chủ yếu đến từ dự án Feliz Homes Hoàng Văn Thụ tại quận Hoàng Mai, cùng hai dự án tại Từ Liêm và Gia Lâm.
Một báo cáo khác trong quý I của batdongsan.com cho thấy, trong giai đoạn dòng tiền bất động sản đổ dồn về thị trường Hà Nội, mức độ quan tâm đối với bất động sản tại quận Hoàng Mai tăng 7% so với năm trước.
Giá căn hộ bình dân trên 28 triệu đồng/m2, giá trung cấp 28 - 35 triệu đồng/m2, giá cao cấp 35 - 80 triệu đồng/m2. Một số khu vực tại Hoàng Mai giá rao bán chung cư tăng đáng kể, khoảng 2%.
Khảo sát tại một số trang bất động sản như batdongsan.com, dothi.net, alonhadat, giá các căn hộ chung cư tại quận Hoàng Mai dao động từ 25 - 90 triệu đồng/m2. Vài dự án hạng sang sẽ có mức giá nhỉnh hơn, khoảng trên 100 triệu đồng/m2.
Đơn cử, Louis City Hoàng Mai có mức giá chào bán 75 - 86 triệu đồng/m2. Đến thời điểm này, giá bán dao động từ 100 - 140 triệu/m2, sắp tới tăng thêm 7 - 10%. Căn hộ của dự án Athena Pháp Vân có mức giá dao động từ 1,532 đến 2,202 tỷ đồng, tương đương 23,7 - 24,1 triệu đồng/m2.
Xem thêm các thông tin quy hoạch khác ở quận Hoàng Mai tại đây.