Huyện Đan Phượng sẽ lên quận trong vài năm tới; sắp có quy hoạch hai bên sông Hồng; nhiều cầu, đường cùng hai tuyến metro sẽ mở theo quy hoạch; 10 dự án đang được Hà Nội rót vốn; các doanh nghiệp lớn đang đầu tư như Vingroup, HUD, Hải Phát, DIA,...
Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 1.

Vị trí huyện Đan Phượng. (Nguồn: Google Maps - Design: Justin Bui).

Đan Phượng là một huyện nằm ở phía tây bắc trung tâm Hà Nội, tại khoảng giữa của trục đường Quốc lộ 32 từ trung tâm Hà Nội đi Sơn Tây. 

Phía bắc giáp huyện Mê Linh có sông Hồng cắt ngang làm ranh giới, phía nam giáp huyện Hoài Đức, phía đông giáp quận Bắc Từ Liêm và Đông Anh, phía tây giáp huyện Phúc Thọ với kết nối là sông Đáy.

Đan Phượng có diện tích 77,35 km2, với 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Phùng và 15 xã. Từ huyện đi đến trung tâm TP Hà Nội khoảng 20 km.

Thông tin sắp lên quận, quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng, cùng sự phát triển về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây đã khiến bất động sản Đan Phượng có nhiều diễn biến mới.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 2.

Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, trong đó Đan Phượng là một phần của đô thị trung tâm.

Cụ thể, Đan Phượng, cùng với Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì thuộc khu đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4. Đây là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia. Dân số đến năm 2030 khoảng 1,2 - 1,4 triệu người.

Đan Phượng thuộc khu đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Riêng theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đến năm 2030, toàn bộ không gian của huyện được chia thành hai phần với ranh giới là đường Vành đai 4. 

Trong đó, phần phía đông Vành đai 4 (gồm khu vực dân cư đô thị thuộc phân khu đô thị S1, S2, GS, sông Hồng) được xác định phát triển theo hướng đô thị, gắn với các dịch vụ công cộng chất lượng cao về y tế, giáo dục với tổng quy mô 2.522,62 ha.

Phần phía tây Vành đai 4 nằm trong khu vực hành lang xanh của Thủ đô, được định hướng phát triển như sau: Khu vực phát triển đô thị, gồm thị trấn Phùng và vùng phụ cận có quy mô 579,41 ha, phát triển thành khu đô thị mang tính chất sinh thái, công nghệ cao gắn với trục phát triển mới Tây Thăng Long, đóng vai trò là trung tâm huyện hỗ trợ phát triển vùng nông thôn.

Ngoài ra, Hà Nội đang trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành vào tháng 6 tới.

Theo tờ trình đồ án, quy hoạch này nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội. Trong đó, đoạn đi qua Đan Phượng rộng hơn 6,4 triệu m2 và là điểm đầu của phân khu. 

Cụ thể, dự kiến quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng sẽ qua 4 xã của Đan Phượng là Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà và Liên Trung

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 4.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 5.

7 dự án khu đô thị tại huyện Đan Phượng (Design: Justin Bui).

Nhờ quỹ đất rộng, cùng sự phát triển về hạ tầng, giao thông, Đan Phượng ngày càng có nhiều dự án của các ông lớn bất động sản đổ về, đặc biệt là các dự án khu đô thị.

Nằm tại hai xã Tân Hội và Liên Trung, Vinhomes Đan Phượng, hay Vinhomes Wonder Park, là dự án tiếp theo của tập đoàn Vingroup tại khu vực phía Tây Hà Nội, ngay sau đại dự án Vinhomes Smart City Tây Mỗ Đại Mỗ. 

Đây cũng là dự án đầu tiên của Vingroup tại Đan Phượng với tổng diện tích 133 ha, tạo ra không gian sinh sống cho khoảng 12.248 cư dân. 

Hiện tại, Vinhomes Wonder Park đã được đưa vào kế hoạch dụng đất năm 2021 của huyện Đan Phượng, địa phương dự kiến sẽ thu hồi 103,44 ha đất để triển khai dự án.

Khu đất dự kiến xây dựng Vinhomes Đan Phượng. (Ảnh: Hạ Vũ).

The Phoenix Garden (45 ha) thuộc địa bàn thị trấn Phùng và xã Đan Phượng, nằm ngay giao lộ đường Vành đai 4 và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài. 

Dự án do Công ty TNHH đầu tư & Phát triển DIA làm chủ đầu tư,với tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Theo quy hoạch trước đây, dự án gồm 468 căn biệt thự có diện tích từ 200 - 800 m2.

The Phoenix Garden được UBND TP Hà Nội cho phép chia nhỏ diện tích biệt thự. Sau khi điều chỉnh, tổng số lô đất của toàn dự án từ 468 căn biệt thự lên khoảng 626 căn.

Hiện tại, nhiều công trình tiện ích tại dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng, các lô biệt thự cũng đã mở bán.

Dự án KĐT mới Tân Lập, do Tổng công ty phát triển Nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư với quy mô lên đến 183 ha. Dự án tại xã Tây Tựu và Tân Hội, nằm gần các khu công nghiệp Nam Thăng Long và khu công nghiệp Cầu Diễn, các khu đô thị mới như Vân Canh, Xuân Phương của huyện Hoài Đức.

Dự án Khu nhà ở xã Tân Lập – Cienco 5 nằm tại xã Tân Lập, ven đường Hoàng Quốc Việt kéo dài. Tổng diện tích khu đất lập dự án là 10,77 ha, với 630 căn hộ và nhà vườn. Tổng mức đầu tư 453 tỷ đồng, do UBND huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư và nhà thầu là Cienco 5.

Cũng tại xã Tân Lập, KĐT mới Tân Tây Đô (23 ha) là một tổ hợp gồm nhà ở cao tầng, nhà ở thấp tầng, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng. Dự án khởi công năm 2012 và đã bàn giao nhà vào năm 2019, do CTCP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư.

Huyện Đan Phượng hiện nay có nhiều khu đô thị lớn của các doanh nghiệp bất động sản như Vingroup, HUD, Hải Phát, DIA,... (Ảnh: Hạ Vũ).

KĐT Hồng Hà là dự án liên doanh đầu tư của 3 doanh nghiệp là CTCP Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Trường An, CTCP Du lịch biển Mỹ Khê và CTCP BĐS Tài chính Dầu khí Hà Quang. 

Dự án có vị trí tại Xã Liên Hồng và xã Liên Hà, huyện Đan Phượng với tổng diện tích đất gần 100 ha, tổng vốn 971 tỷ đồng. Dự án bao gồm khu nhà ở cao tầng và khu biệt thự cao cấp.

Trước đó, tháng 7/2008, KĐT Hồng Thái được duyệt quy hoạch với quy mô 198 ha ở xã Thượng Mỗ và Đan Phượng. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, KĐT này được xác định bị ảnh hưởng của quy hoạch đường Vành đai 4. Đến tháng 11/2020, UBND TP Hà Nội duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết KĐT Hồng Thái rộng 47 ha, giảm 151 ha so với ban đầu.

Tại huyện Đan Phượng hiện nay có nhiều dự án quy mô lớn khác đang triển khai xây dựng. Đơn cử như khu chức năng đô thị Green City quy mô 130 ha đang được triển khai đầu tư xây dựng; Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng 45 ha đang chuẩn bị thi công các hạng mục; Khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập đã giải phóng mặt bằng diện tích 35 ha/42 ha. 

Ngoài ra, theo kế hoạch sử đụng đất trong năm 2021, thành phố sẽ thu hồi nhiều diện tích đất tại địa phương để triển khai một số dự án KĐT như: Khu chức năng đô thị tại 4 xã Tân Hội, Liên Trung, Tân Lập và Liên Hà, thu hồi 103,44 ha; khu đô thị nhịp sống mới - NewStyle City thuộc KĐT mới Tây Nam xã Tân Lập, thu hồi 42,3 ha,...

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 7.

Khác với vị trí các huyện như Đông Anh, Long Biên, hay Gia Lâm, người dân cần phải di chuyển qua các cây cầu bắc qua sông Hồng để vào trung tâm thành phố, tại Đan Phượng, người dân sẽ đến các quận trung tâm Hà Nội thông qua đường bộ, trong đó con đường chính là trục quốc lộ 32.

Còn sông Hồng là điểm kết nối giữa huyện này với Mê Linh và Đông Anh. Tuy nhiên, hiện nay ở huyện Đan Phượng không có cây cầu nào bắc qua sông Hồng, người dân di chuyển chủ yếu qua hai bến phà Liên Hà và Thọ An. 

Cây cầu gần nhất là cầu Thăng Long (cách 7 km), xa hơn là cầu Nhật Tân (cách 12 km), cầu Vĩnh Thịnh (cách 15 km).

Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, thành phố sẽ xây thêm cầu Hồng Hà vượt sông Hồng để kết nối huyện Đan Phượng với Mê Linh.

Theo quy hoạch cây cầu dài 6 km, với mức đầu tư khoảng 9.900 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên hiện nay, cầu vẫn chưa được khởi công.

Dự kiến, phía nam cầu Hồng Hà sẽ nằm tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu sẽ giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai. Phía bắc cầu Hồng Hà nằm tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh.

Hiện tại, cây cầu duy nhất tại huyện Đan Phượng là cầu Phùng vượt sông Đáy, nối thị trấn Phùng với huyện Phúc Thọ. Cây cầu này đã đi vào hoạt động từ năm 2010.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 8.

Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong giai đoạn đến năm 2050, sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 3 và 4 qua địa bàn huyện Đan Phượng. 

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 10.

Trong tương lai, huyện Đan Phượng sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 3, 4 đi qua.

Tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 21 km có điểm đầu tại Nhổn, vị trí giáp ranh với Hoài Đức. Đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành. Đoạn từ ga Hà Nội đến ga Hoàng Mai dự kiến khai thác từ năm 2028.

Còn sau năm 2030, tuyến đường sắt đô thị số 3 sẽ được kéo dài đến Sơn Tây (30 km). Dự kiến đoạn kéo dài này sẽ đi qua thị trấn Phùng của huyện Đan Phượng, theo dọc quốc lộ 32.

Tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà) dài 53,1 km sẽ đi qua huyện Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Đan Phượng. Tuyến số 4 kết nối với các tuyến số 1, số 2A, số 3 và số 5.

Đoạn qua Đan Phượng được quy hoạch đi trên cao, với 3 điểm ga tại xã Tân Lập, Tân Hội và 1 ga đề pô tại Liên Hà. 

Kế hoạch thực hiện đầu tư và triển khai các dự án của hai tuyến metro này là sau năm 2030.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 9.

Năm 2020, Đan Phượng đã xây dựng 8 tuyến đường giao thông cấp huyện có mặt cắt rộng 13 - 22 m. Trong tương lai, huyện này tiếp tục triển khai nhiều dự án xây dựng mới, mở rộng, cải tạo các tuyến đường trọng điểm, đơn cử như "siêu dự án" đường Vành đai 4. 

Dự kiến đường Vành đai 4 sẽ đi qua 5 tỉnh, đoạn qua Hà Nội dài 53 km. Đường Vành đai 4 theo quy hoạch qua địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội có chiều dài khoảng 4,3 km, đi qua địa bàn các xã Liên Hồng, Hồng Hà, Hạ Mỗ và Tân Hội.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 5.

Vành đai 4 trên địa bàn huyện Đan Phượng có chiều dài khoảng 4,3 km, đi qua địa bàn các xã Liên Hồng, Hồng Hà, Hạ Mỗ và Tân Hội. Trong ảnh: Vành đai 4 có điểm đầu từ đường đê Hồng Hà, nơi dự kiến xây dựng cầu Hồng Hà. (Ảnh: Hạ Vũ).

Cách đây ít ngày, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã có văn bản đề xuất Chính phủ làm nhanh đường Vành đai 4, chi phí lên đến 105.000 tỷ đồng.

Cụ thể, công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án được đề xuất thực hiện một lần theo chỉ giới đường đỏ (rộng 120 m) bằng vốn đầu tư công.

Ngoài ra, các tỉnh thống nhất sẽ triển khai đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn nhằm đảm bảo tính kết nối.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND của 5 tỉnh, thành phố đề xuất, ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng với quy mô 4 - 6 làn xe cao tốc.

Riêng đoạn vành đai phía Tây và một đoạn tuyến vành đai phía Đông có đường sắt quốc gia đi trên cao được xây dựng trong dải đất rộng khoảng 30 m, còn lại 90 m xây dựng đường đô thị đi phía dưới và đường cao tốc trên cao.

Ngoài ra theo quy hoạch, đường quốc lộ 32 đoạn qua thị trấn Phùng có vai trò là đường trục chính, quy mô mặt cắt ngang rộng B=35 m (4 làn xe cơ giới), gồm hai dải lòng đường xe chạy mỗi bên rộng 10,5 m.

Khu vực nút giao quốc lộ 32 với đường Vành đai 4, quy mô mặt cắt ngang được mở rộng từ B=35 m lên thành B=50 m để xây dựng cầu vượt.

Tuyến đường Tây Thăng Long dài khoảng 33 km, có điểm đầu xuất phát tại nút giao với đường Võ Chí Công, điểm cuối tại nút giao đường 32 thuộc thị xã Sơn Tây. Con đường này đi qua các quận, huyện, thị xã lần lượt là quận Tây Hồ – quận Bắc Từ Liêm – huyện Đan Phượng – huyện Phúc Thọ – thị xã Sơn Tây.

Khi hoàn thiện, đường Tây Thăng Long sẽ góp phần giảm tải cho tuyến đường 32 cũng như kết nối khu trung tâm Hồ Tây với các dự án The Phoenix Garden, Vinhomes Wonder Park… Hiện tại tuyến đường đang thi công đoạn thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 6.

Khu vực đường Tây Thăng Long đi qua địa bàn huyện Đan Phượng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Trục Tây Thăng Long đoạn qua huyện Đan Phượng có chiều dài khoảng 9.970 m, đi qua địa bàn các xã Tân Lập, Tân Hội, Thượng Mỗ và Phương Đình.

Điểm đầu tuyến tại ranh giới hành chính giữa huyện Phúc Thọ và huyện Đan Phượng; điểm cuối tuyến tại ranh giới hành chính giữa huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm. Bề rộng của tuyến đường này khoảng 40 - 60,5 m.

Ngoài ra, trong tháng 3, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường dài 297 m vào Trường THCS xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, nằm cách dự án Vinhomes Wonder Park khoảng 700 m.

Theo Nghị quyết số 21 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 được HĐND TP Hà Nội phê duyệt, huyện Đan Phượng sẽ thu hồi 226 ha đất để làm 64 dự án, trong đó có 13 dự án cải tạo, mở rộng đường giao thông.

Đó là tuyến đường từ Quán Đoài Khê đường N12; đường nhánh N13; đường từ nhà văn hóa thôn Đoài Khê đến Trường mầm non Đan Phượng; đường nối đường N4 với N1; đường vào đền Văn Hiến; đường từ dốc đê đi trường THCS Lương Thế Vinh; đường N1 từ đê Tiên Tân đến đường N4.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 6.

Giao thông tại Đan Phượng ngày càng hoàn thiện. (Ảnh: Hạ Vũ).

Bên cạnh đó, Đan Phượng cũng sẽ cải tạo, mở rộng đường từ tỉnh lộ 422 vào thôn Thượng Hội; đường nối đê Hữu Hồng đến đê quai Liên Trì; đường Vành đai Đình Đại Phùng; đường từ ngã ba chợ Tân Lập đi trường THCS Tân Lập; đường từ chân cầu Phùng đến UBND xã Đồng Tháp; cải tạo đường giao thông từ Trường mầm non Đồng Tháp đến đường trục thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 14.

Trong 5 năm 2015 - 2020, Đan Phượng đã huy động được hơn 2.597 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 646 công trình ở tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư tương đối đồng bộ.

Thời gian tới, theo Nghị quyết số 13 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội, huyện Đan Phượng được rót vốn vào 10 dự án, với tổng mức đầu tư trên 645 tỷ đồng.

Cụ thể là dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng đường tỉnh 417 đoạn Km0 đến Km3 + 700 với tổng mức đầu tư 132,9 tỷ đồng.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 8.

Huyện Đan Phượng được rót vốn vào 10 dự án, với tổng mức đầu tư trên 645 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

6 dự án xây dựng trường học bao gồm trường Tiểu học Tân Lập (khu B) 86 tỷ đồng; trường Mầm non Tân Lập 80 tỷ đồng; trường Tiểu học Thượng Mỗ 95,6 tỷ đồng; trường THCS Tân Hội 73 tỷ đồng; trường THCS Thọ An 78,2 tỷ đồng; trường THCS Hồng Hà 89,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Nghị quyết, Đan phượng còn có hai dự án xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc giới tuyến đường liên khu vực nối hai phân khu đô thị S1, S2 - tuyến số 1 giữa Hoài Đức và Đan Phượng, tỷ lệ 1/500 trị giá 1,7 tỷ đồng; nối ba phân khu đô thị S1, S2 và S3 - tuyến số 2 giữa Hoài Đức và Đan Phượng, tỷ lệ 1/500 trị giá 2,7 tỷ đồng.

Cuối cùng là dự án lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) tỷ lệ 1/5000 trị giá 6,5 tỷ đồng.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 17.

Theo báo cáo về Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố công bố năm 2018 (hiện đang được tái giám sát), huyện Đan Phượng 3 dự án chậm triển khai.

Đây là 3 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai địa phương đề nghị rà soát, thu hồi, bao gồm: KĐT nhịp sống mới tại xã Tân Lập do CTCP DIA làm chủ đầu tư; dự án nhà máy nước xã Tân Lập rộng 33.263 m2, chủ đầu tư là Công ty TNHH Long Long (dự án đề nghị thu hồi một phần diện tích) và dự án khai thác cát san nền của CTCP Tập đoàn Bình Minh (dự án bị đề nghị thu hồi).

Ngoài ra, vào ngày 16/6/2020, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành Quyết định số 4729 về việc thanh tra dự án mở rộng đường từ Quán Đoàn Khê đến đường N12 thuộc địa bàn xã Đan Phượng.

Theo kết luận thanh tra, việc UBND xã Đan Phượng (chủ đầu tư) đã triển khai thực hiện dự án khi chưa có thông báo, quyết định thu hồi đất, phương án đền bù theo quy định; chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công là trái với quyết định số 11/2017 của UBND TP Hà Nội.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 18.

Theo quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Đan Phượng sẽ dự kiến thành lập quận trong giai đoạn này.

Vào tháng 4 vừa qua, trong Chương trình 04 về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành, Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đưa 5 huyện, trong đó có Đan Phượng, lên quận trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện tại, huyện Đan Phượng có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu trong năm 2021 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 12.

Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đưa 5 huyện, trong đó có Đan Phượng, lên quận trong giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh: Hạ Vũ).

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng ngày 5/5/2020, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lúc ấy là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định cần tầm nhìn, giải pháp để Đan Phượng lên quận vào 2025. 

Ông Huệ cho biết trên cơ sở của một huyện đã có 100% xã đạt nông thôn mới thì đô thị của Đan Phượng phải khác với đô thị của các quận khác, trong đó phải bảo đảm có đặc trưng và bản sắc riêng.

Vướng mắc lớn cần giải quyết tại Đan Phượng hiện nay là hạ tầng khung và khai thác các quỹ đất phía đông Vành đai 4.

Đồng thời, quỹ đất phía tây Vành đai 4 chưa đáp ứng các tiêu chí lên phường. Đối với các tuyến đường khung kết nối khu vực, thành phố đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ và giao cho huyện triển khai đầu tư xây dựng.

Để khai thác hiểu quả quỹ đất phân khu đô thị S1, GS khu vực phía đông Vành đai 4, thành phố kêu gọi đầu tư thực hiện xã hội hoá công tác lập quy hoạch chi tiết theo định hướng phát triển đô thị.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 20.

Theo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý I/2021 của Bộ Xây dựng, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại Đan Phượng thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng, bị đẩy lên tương đương 30 – 50 triệu/m2.

Còn theo báo cáo thị trường BĐS quý I/2021 của Savills, nguồn cung mới phân khúc biệt thự, nhà liền kề tại Đan Phượng đứng thứ hai tại Hà Nội (22%), xếp sau Hoài Đức (35%).

Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.463 USD/năm, tăng 4% theo quý và 12 % theo năm. Giá sơ cấp trung bình của nhà liền kề 4.664 USD/m2 , giảm -3% theo quý và tăng 14% theo năm.

Loạt thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh 12.

Trong quý I/2021, nguồn cung mới phân khúc biệt thự, nhà liền kề tại Đan Phượng đứng thứ hai tại Hà Nội (22%), xếp sau Hoài Đức (35%). (Ảnh: Hạ Vũ).

Theo Savills, trong năm nay dự kiến sẽ có khoảng 3.600 căn từ 16 dự án sẽ được mở bán tại Hà Nội. Trong đó hầu hết nguồn cung tương lai nằm tại huyện Đan Phượng và Hoài Đức. Khu vực phía Tây với quỹ đất lớn và cơ sở hạ tầng cải thiện sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Khảo sát tại một số trang bất động sản như batdongsan.com, Dothi.net, alonhadat, giá đất tại trục gần quốc lộ 32 đang ở mức từ 15 triệu đồng/m2 trở lên. Những khu vực gần KĐT Tân Tây Đô lên đến 40 - 50 triệu đồng/m2. 

Tại các xã Tân Hội, Liên Hà, khu vực quanh dự án Vinhomes Wonder Park, giá đất dao động từ 38 - 58 triệu đồng/m2. Ở các xã còn lại, nơi ít có dự án, giá đất ở mức dao động trên dưới 15 triệu đồng/m2.

Nhật Minh
Justin Bui
Kinh tế chứng khoán