Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khẳng định, ở một mức độ nào đó có những chất được đưa vào trà giảm cân, thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân có tác dụng giống như dopping, thậm chí một số chất là tiền chất ma túy vì tác dụng gây kích thích mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khẳng định, ở một mức độ nào đó có những chất được đưa vào trà giảm cân, thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân có tác dụng giống như dopping, thậm chí một số chất là tiền chất ma túy... 

Hiện nay, trà giảm cân được rao bán tràn lan, nhiều loại được quảng cáo như những "thần dược", giúp đánh tan mỡ, giảm cân siêu tốc... Không ít chị em tin vào những lời quảng cáo "trên mây" mà uống loại trà này với hi vọng nhanh chóng tìm lại dáng vóc đẹp mà không cần tập luyện thể dục, thể thao. 

Search cụm từ "trà giảm cân" trên google thì chỉ trong khoảng 30 giây, công cụ này sẽ trả về tới 37 triệu kết quả. Điều này phần nào cho thấy sự đa dạng của các loại trà giảm cân cũng như nhu cầu lớn của người sử dụng.  

Điều đáng lo ngại là, ở nước ta ngày càng có nhiều trường hợp nhập viện, thậm chí bị suy gan, suy thận sau một thời gian uống trà giảm cân không rõ nguồn gốc. 

Mới đây, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phát hiện một lô hàng trà giảm cân chứa chất cấm có xuất xứ từ Việt Nam. Cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 15 người mua bán, phân phối lô hàng này. 

Liên quan đến vụ việc, tháng 3 vừa qua, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã cho thu hồi loại trà giảm cân của một doanh nghiệp trong nước có nhãn mác giống với loại trà chứa chất cấm bị phát hiện ở Hàn Quốc. 

Những thông tin trên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc tùy tiện sử dụng các loại trà giảm cân, thực phẩm chức năng (TPCN), thuốc có tác dụng giảm cân được bán tràn lan trên thị trường của người Việt.

Là người từng điều trị, cấp cứu và cứu sống nhiều nạn nhân của trà giảm cân, TPCN giảm cân, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai có những chia sẻ thẳng thắn "bóc trần bản chất" của nhiều loại trà giảm cân, TPCN giảm cân đang được bán tràn lan "thiếu kiểm soát" trên thị trường.

Trà giảm cân: Thần dược hay mầm mống tai họa? - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, ở Việt Nam hiện nay, phổ biến hơn cả thuốc giảm cân là các loại trà giảm cân, thảo dược giảm cân, cà phê giảm cân… được gọi chung là TPCN giảm cân. 

Những sản phẩm giảm cân này được bán công khai trên thị trường, trên mạng xã hội và khá nhiều bạn trẻ tin dùng. Giá thành của những sản phẩm này "đắt cắt cổ", nhưng chất lượng và hiệu quả thì rất khó nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, TPCN là nhóm sản phẩm "tạp" đa dạng và phức tạp nhất, hiệu quả thấp và độ an toàn rất không đảm bảo. Thậm chí vì lợi nhuận lớn, trên thị trường còn có các TPCN giả, không rõ nguồn gốc.

TPCN ở tất cả các nước nói chung đang được kiểm soát không chặt chẽ. Các sản phẩm TPCN, TPCN giảm cân được đăng ký kiểm soát với tiêu chuẩn đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều so với thuốc, chỉ khi sản phẩm gây ra vấn đề sức khỏe thì các cơ quan chức năng mới xử lý.

Cơ quan quản lý thì yêu cầu các nhà sản xuất và phân phối không được quảng cáo, giới thiệu sản phẩm có công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh lợi dụng thổi phồng quảng cáo TPCN thành "thánh thần" với những công dụng như thuốc, thậm chí chữa ung thư, hiệu quả tức thì, chỉ cần dùng là có hiệu quả. Trong khi bản chất TPCN không thể hiệu quả và an toàn bằng thuốc.

Trà giảm cân: Thần dược hay mầm mống tai họa? - Ảnh 2.

"Dân mình nhiều người nhận thức còn hạn chế. Có rất ít người chủ động đi khám chuyên môn y tế để đánh giá về tình trạng cơ thể, tình trạng béo phì khi muốn giảm cân. Thay vì thế, người ta tự nghĩ ra, tự đi mua các loại TPCN hoặc thuốc giảm cân để giảm cân theo mong muốn của mình.

Như thế là chúng ta đang tự nhiên áp dụng ngay một biện pháp cuối cùng trong thang bậc điều trị béo phì, ngược với chuyên môn y tế.

Nếu bạn chọn sử dụng TPCN, trà giảm cân, đặc biệt là loại có tác dụng kích thích thần kinh, tim mạch và nghĩ rằng khi đưa chất đó vào cơ thể sẽ giúp tiêu mỡ, tan mỡ, đốt cháy mỡ thì bạn hoàn toàn sai lầm và cân thay đổi ngay nhận thức của mình. 

Bởi, những sản phẩm này nếu có đốt mỡ và tiêu hao năng lượng thì cũng chỉ bằng cách bắt tim mạch hoạt động mạnh lên, kích thích não hoạt động nhiều hơn, trong khi cơ bắp toàn thân không chịu vận động...

Trà giảm cân: Thần dược hay mầm mống tai họa? - Ảnh 3.

Phân tích sâu hơn về các loại trà giảm cân và TPCN giảm cân, bác sĩ Trung Nguyên nói: "Về bản chất TPCN vẫn có thành phần hóa chất, thường người ta dùng các chất có hoạt tính mạnh để tác động lên cơ thể, như thế rất rủi ro".

Bác sĩ Nguyên từng chứng kiến và chữa trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân gặp phải những biến chứng nguy hiểm do lạm dụng sử dụng các loại trà, TPCN giảm cân không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ thống kê và phát hiện có 3 nhóm chất thường được cho vào các sản phẩm giảm cân mà người dân sử dụng nhiều, nhóm chất này các bác sĩ chống độc trong và ngoài nước cũng hay gặp phải.

Nhóm 1, TPCN giảm cân có các chất kích thích: Những sản phẩm này có chứa nhiều chất khác nhau như: Synephrine, tinh chất hạt chanh đắng, cafein, ephedrine, phenylpropanolamine, tinh chất tuyến giáp,…

Những chất này khi vào cơ thể sẽ kích thích tim mạch làm tim đập nhanh, huyết áp tăng, nếu nặng hoặc ở một số người có bệnh tim mạch có thể gây loạn nhịp tim nguy hiểm, xuất huyết não, kích thích thần kinh gây mất ngủ, bồn chồn, hồi hộp, vã mồ hôi, run, nặng có thể gây co giật.

Ephedrine và phenylpropanolamine còn là các tiền chất ma túy và nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ sự lưu hành các chất này thì kẻ xấu sẽ mua rất dễ và tự sản xuất ma túy gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Mục đích khi đưa những chất kích thích vào những sản phẩm giảm cân là để bắt cơ thể vận động một cách thụ động, bắt cơ tim, mạch máu hoạt động mạnh lên, kích thích não căng thẳng thêm chỉ để tiêu hao được một ít năng lượng trong khi chúng ta vẫn ngồi im một chỗ, cơ bắp toàn thân không hoạt động.

Đây là những sản phẩm cực kì nguy hiểm có thể gây ra những biến chứng nặng với cơ thể.

Trà giảm cân: Thần dược hay mầm mống tai họa? - Ảnh 4.

Nhóm 2, TPCN có chứa các chất gây chán ăn: Các chất này là các thuốc có tác dụng trên tâm thần, gây cảm giác chán ăn, thường là các chất cũng có hoạt tính trên tim mạch, thần kinh, nên dễ gây tác dụng phụ nếu dùng không đúng chuyên môn, dễ gây ngộ độc nếu dùng ở dạng TPCN do liều lượng rất khó kiểm soát.

Nhóm 3, TPCN có chứa các chất làm no giả: Các chất liệu này khi vào đường tiêu hóa không được hấp thu, chiếm chỗ của thức ăn tạo cảm giác no giả. Người sử dụng sản phẩm này sẽ có cảm giác no dù không ăn gì nhiều.

Trong các loại hoạt chất được cho thêm vào trà giảm cân, TPCN giảm cân kể trên, có chất cơ quan chức năng cho phép, có những chất cơ quan chức năng không cho phép và buộc phải quản lý rất nghiêm ngặt ngay cả trong việc sử dụng làm thuốc.

Trà giảm cân: Thần dược hay mầm mống tai họa? - Ảnh 5.

Nhưng, dù là chất đó được cho phép sử dụng dưới dạng thuốc đi chăng nữa thì nó chỉ an toàn khi nó được lưu hành dưới dạng thuốc và được quản lí, sử dụng an toàn dưới sự giám sát của bác sĩ có chuyên môn y tế.

Còn khi chất chỉ được dùng làm thuốc nhưng lại lưu hành ở dạng TPCN thì rất không đảm bảo an toàn vì ai cũng dùng và dễ dùng sai liều và không đúng với tình trạng bệnh cụ thể của mình.

Nhìn chung các chất được cho vào trà giảm cân, TPCN giảm cân được kể trên có tác dụng rất "lơ tơ mơ", hiệu quả không rõ ràng, trong khi nó không đảm bảo yếu tố an toàn, tác dụng phụ nhiều, còn giá của nó lại quá đắt, thậm chí đắt hơn cả thuốc.

Nếu những người có tuổi, có bệnh lí tim mạch, động kinh, đặc biệt là những người nhạy cảm có vấn đề từ trước, có bệnh gan, thận mà sử dụng những sản phẩm này sẽ dễ bị ngộ độc, thậm chí tử vong khi bị kích thích quá mức.

Bác sĩ Nguyễn nhấn mạnh: "Ở một mức độ nào đó có những chất được đưa vào trà giảm cân, TPCN giảm cân hiện nay có tác dụng giống như dopping, một số chất là tiền chất ma túy có tác dụng gây kích thích mạnh tim mạch, mạch nhanh, huyết áp tăng, kích thích thần kinh".

Trà giảm cân: Thần dược hay mầm mống tai họa? - Ảnh 6.

Thực tế theo vị chuyên gia chống độc nổi tiếng này, nhiều người Việt rất dễ dàng sử dụng các sản phẩm trà giảm cân, thực phẩm giảm cân trên cơ thể mình mà ít có câu hỏi về vấn đề kiểm chứng tính an toàn, hiệu quả với sức khỏe, không chỉ trong việc giảm cân mà còn trong cả việc sử dụng thuốc, chăm sóc sức khỏe bản thân".

Nói về việc giảm cân, bác sĩ Trung Nguyên cho rằng, người bệnh cần hiểu rõ từ khái niệm tới phương pháp điều trị từ gốc thì giảm cân mới bền vững, hiệu quả và an toàn.

Để biết khi nào cần giảm cân, cách thức giảm cân thế nào cho đúng, giảm cân thế nào cho hiệu quả và an toàn thì bạn cần phải tới các cơ sở y tế, gặp các chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về nội tiết hoặc nội khoa để thăm khám. Tại đây, chuyên gia sẽ đưa ra những đánh giá kết luận chính xác nhất và có phác đồ riêng cho từng người.

Chuyên gia sẽ giải thích thế nào là thừa cân, thế nào là béo phì? Với thể trạng của người này thì nên điều chỉnh cân nặng thế nào? Khi nào nên sử dụng thuốc giảm cân các bác sĩ cũng sẽ có tư vấn cụ thể chi tiết nhất.

Thực tế, khi điều trị béo phì, thừa cân, để giảm được mỡ thừa trong cơ thể, theo phác đồ điều trị chính thức hiện nay trong y học hiện đại thì việc đầu tiên quan trọng nhất là điều chỉnh về hành vi, hướng người bệnh tới việc sinh hoạt, vận động khoa học, tập luyện thể dục thể thao, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Đây là các biện pháp an toàn, hiệu quả cao, bền vững và ít tốn kém.

Trà giảm cân: Thần dược hay mầm mống tai họa? - Ảnh 7.

Sau khi áp dụng đầy đủ các biện pháp về thay đổi hành vi, thói quen, tăng cường vận động, thể dục thể thao và thay đổi chế độ ăn không đạt được kết quả, bác sĩ mới cân nhắc tới sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị giảm cân. 

Xin nhắc lại, dùng thuốc để hỗ trợ điều trị béo phì luôn là một trong các biện pháp cuối cùng khi điều trị.

Thuốc thì phải có sự kiểm chứng về an toàn hiệu quả và được nhà nước quản lí, được bác sĩ kê đơn, có liệu lượng theo chỉ định, mỗi người dùng thuốc với chủng loại và liều lượng khác nhau… Những loại thuốc này phải được nghiên cứu, bào chế, kiểm nghiệm, thử nghiệm trên người và được đánh giá cả một quá trình dài mới được phép sử dụng. Người dân không nên tùy tiện sử dụng một chất nào đó theo cách truyền miệng, nghe nói hoặc nghe quảng cáo mua hàng online về dùng.

"Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho những bệnh nhân cả nữ cả nam nhập viện sau khi uống tinh chất trà xanh, trà giảm cân. Sau khi uống bệnh nhân bị kích thích thần kinh liên tục, tim đập nhanh, mạch nhanh dồn dập, huyết áp tăng, phải nhập viện điều trị nhiều ngày mới ổn định được.

Trà giảm cân: Thần dược hay mầm mống tai họa? - Ảnh 8.

Người dân khi thấy mình tăng cân nhiều, sợ béo thì hãy đến các cơ sở y tế để bác sĩ xác định cụ thể và có tư vấn, điều trị tốt nhất, kể cả việc dùng thuốc nếu có chỉ định. Các bạn cần rất cẩn thận với các thực phẩm chức năng.

Các bạn cũng tuyệt đối không nên mua bán thuốc giảm cân qua mạng (vì đây là các thuốc thường phải kê theo đơn và chỉ khi đi khám bệnh mới có).

Nếu bạn muốn tự giảm cân hãy chọn những cách giảm cân an toàn, chú ý điều chỉnh chế độ ăn, lối sống, chăm chỉ luyện tập thể thao để giảm cân bền vững, từ gốc", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.


Bài: Thu Huyền

Trình bày: Cô Trịnh

Theo Đời sống & Pháp lý