Căng thẳng Mỹ - Trung có thể dẫn tới chiến tranh thế giới

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khuyên chính quyền ông Joe Biden nên nhanh chóng khôi phục các kênh liên lạc với Trung Quốc, vốn đã rạn nứt dưới chính quyền Tổng thống Trump.
Cựu Ngoại trưởng Kissinger cảnh báo ông Biden: Căng thẳng Mỹ - Trung có thể ngang tầm thảm hoạ chiến tranh - Ảnh 1.

Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, 97 tuổi, đã có một số bình luận về căng thẳng Mỹ - Trung trong phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mới của Bloomberg. (Ảnh: Bloomberg)

Tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mới của Bloomberg, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger cho hay: "Nếu không có một số cơ sở để hợp tác hành động, thế giới sẽ rơi vào một thảm họa tương đương với Thế chiến I".

Theo ông Kissinger, công nghệ quân sự ngày nay có thể khiến thế giới "khó kiểm soát" một cuộc khủng hoảng như vậy hơn so với trong quá khứ.

"Mỹ và Trung Quốc đang dần hướng tới đối đầu. Chính phủ hai nước cũng đang áp dụng chính sách ngoại giao theo chủ trương chống đối nhau", vị cựu ngoại trưởng 97 tuổi nhấn mạnh. "Nguy hiểm là một cuộc khủng hoảng nào đó sẽ từ khẩu chiến biến thành xung đột quân sự thực sự".

Theo Bloomberg, ông Kissinger chính là nhà ngoại giao đã mở đường cho chuyến công du lịch sử năm 1972 của cựu Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc. Ông Kissinger hi vọng mối đe dọa chung từ đại dịch Covid-19 sẽ tạo cơ hội cho hai nước trao đổi chính trị khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau.

"Đại dịch Covid-19 có thể được coi như một lời cảnh báo. Trên thực tế, dù các quốc gia gần như đang tự mình xử lí cuộc khủng hoảng, giải pháp lâu dài phải xuất hiện trên cơ sở toàn cầu", cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger nói tiếp.

Quan hệ Mỹ - Trung đang chạm đáy của nhiều thập kỉ dù hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào đầu năm nay. Khi Tổng thống Trump tăng cường chỉ trích và đổ lỗi cho Trung Quốc về thiệt hại mà đại dịch gây ra tại Mỹ, mỗi bên cũng bắt đầu thực hiện các động thái mà bên kia coi là thù địch.

Tuần trước, Bắc Kinh tiếp tục siết chặt quyền kiểm soát đặc khu tự trị Hong Kong. Đáp lại, Mỹ tuyên bố cấm đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc mà theo Washington là do quân đội Trung Quốc kiểm soát.

Cựu Ngoại trưởng Kissinger nói: "Ông Trump có một phương pháp đàm phán rất đối địch mà nước Mỹ không thể áp dụng mãi được. Đầu nhiệm kì, ông ta cần phải nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc của người Mỹ về sự phát triển không cân bằng của nền kinh tế thế giới. Tôi nghĩ nên nhấn mạnh điểm này. Song kể từ đó, tôi sẽ muốn lựa chọn một cách tiếp cận khác biệt hơn".

Theo ông Kissinger, sự xói mòn nhanh chóng trong quan hệ Mỹ - Trung năm nay cho thấy hai siêu cường đang tiến tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh hai bên nên "nhất trí rằng dù có xung đột nào khác, họ sẽ không dùng đến quân sự".

Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ và Trung Quốc nên tạo ra một "hệ thống thể chế mà theo đó, một số quan chức mà Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc cùng tin tưởng được chỉ định giữ liên lạc với nhau thay mặt cho các nhà lãnh đạo của họ", ông Kissinger đề xuất.

Quan hệ với Trung Quốc có thể chi phối chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông Biden được cho là sẽ tìm cách xoa dịu căng thẳng trong các lĩnh vực như mạng 5G, quan điểm của Trung Quốc trên Biển Đông và quyền tự chủ của Hong Kong.

Dù có hàng chục năm kinh nghiệm xử lí các vấn đề Trung Quốc, thái độ của ông Biden đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở nên cứng rắn hơn trong quá trình tranh cử tổng thống năm nay. Ông thường xuyên chỉ trích chính sách của Trung Quốc cũng như đề cập đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền của nước này.

Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã sử dụng một bài phát biểu để kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác và tránh xung đột, ngay cả khi các chính sách của ông đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với Mỹ. Song, cũng trong tuần trước, Bắc Kinh đã gửi lời chúc mừng tới ông Biden và "phó tướng" Kamala Harris cho chiến thắng bầu cử của họ.

"Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ phải đối đầu với một quốc gia có sức mạnh tương đương họ. Đây là trải nghiệm đầu tiên của hai nước. Chúng ta phải tránh biến nó thành xung đột và hi vọng có thể đi đến hợp tác", ông Kissinger đề xuất.

Xem xét một số đề xuất của ông Biden trong việc xử lí vấn đề Trung Quốc, ông Kissinger kêu gọi chính quyền Biden nên thận trọng với ý tưởng xây dựng một liên minh dân chủ để đối đầu Bắc Kinh.

"Theo tôi, một liên minh nhắm vào một quốc gia cụ thể là không khôn ngoan, song một liên minh để ngăn chặn các mối họa là rất cần thiết", ông Kissinger nhấn mạnh.

chọn
Diễn biến mới tại sân golf Đồi Cù từng xây dựng sai phép của Hoàng Gia ĐL
Hoàng Gia ĐL vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục clubhouse hơn 15.000 m2 tại dự án sân golf Đà Lạt. Công trình này từng bị phát hiện vi phạm xây dựng không phép khiến chủ đầu tư bị phạt 240 triệu đồng.