Ông Biden không dễ dàng 'xoa dịu' căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung được cho là sẽ trở nên dễ đoán hơn sau khi ông Biden đắc cử. Mỹ vẫn sẽ đối đầu với Bắc Kinh, chỉ khác là sử dụng giọng điệu mềm mỏng hơn so với ông Trump.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ không biến mất dưới thời ông Biden - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden. (Ảnh: AP)

Sau khi Mỹ ca thán về các thông lệ kinh doanh bất công của Trung Quốc suốt nhiều thập kỉ, ông Trump đã tăng cường sức ép lên Bắc Kinh trong 4 năm ở Nhà Trắng. Các biện pháp nổi bật nhất ông Trump sử dụng là đánh thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và trừng phạt Huawei.

Ông Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết: "Các vấn đề còn tồn tại giữa mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung không thay đổi khi chính quyền thay đổi. Cả hai bên đều chịu áp lực phải giữ lập trường cứng rắn với nhau dưới sức ép chính trị trong nước".

Mỹ và Trung Quốc kí thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 1, giải tỏa bớt một phần căng thẳng. Tuy nhiên, theo CNBC, Trung Quốc vẫn còn cách xa các cam kết mua hàng hóa Mỹ, còn các cuộc đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn hai vẫn chưa bắt đầu.

Chưa rõ chính quyền ông Biden sẽ xử lí thế nào về vấn đề thuế quan.

Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét: "Có lẽ giai đoạn ngừng bắn trong cuộc chiến thương mại sẽ tiếp diễn, nhưng còn quá sớm để biết liệu thuế quan sẽ được gỡ bỏ hay các hành động chống lại Huawei và những công ty khác có được thu hồi không".

Mỹ-Trung vẫn sẽ đối đầu

Các nhà phân tích chỉ ra rằng chính quyền ông Biden sẽ phối hợp với các đồng minh tốt hơn ông Trump trong việc chống Trung Quốc. Một trong những vấn đề hiếm hoi cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa đồng ý với nhau là cứng rắn hơn với Trung Quốc.

"Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc," ông Biden viết trong bài báo trên tờ Foreign Affairs với tiêu đề: "Vì sao Mỹ phải dẫn đầu một lần nữa: Cứu vãn chính sách đối ngoại của Mỹ sau thời của Trump".

"Nếu để mặc Trung Quốc hành động tùy ý, Trung Quốc sẽ tiếp tục cướp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ và các doanh nghiệp. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục sử dụng các khoản trợ cấp để mang lại cho các doanh nghiệp nhà nước lợi thế không công bằng - và nâng cao vị thế thống trị các công nghệ và ngành công nghiệp trong tương lai".

"Cách hiệu quả nhất để đối mặt với những thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối đầu với các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc".

Tuy nhiên, ông Biden cũng lưu ý rằng Mỹ cần "tìm cách hợp tác với Bắc Kinh về các lợi ích chung như chống biến đổi khí hậu, hạn chế vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu".

Ẩn số Trump

South China Morning Post (SCMP) nhận định Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu ông Trump nhắm đến trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng. Ông Trump đã nhiều lần đổ lỗi Trung Quốc vì để đại dịch lây lan đến Mỹ, tàn phá nền kinh tế và hủy hoại triển vọng tái đắc cử của ông.

Một trong những cách nhanh chóng để ông Trump chọc giận Trung Quốc và khiến quan hệ hai nước nhanh chóng xấu đi có thể liên quan tới Đài Loan. Ông Trump có thể cử thêm thành viên nội các tới Đài Loan, củng cố quan hệ quân sự giữa hai bên và thông báo đang thảo luận về hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, ông Trump có thể làm ầm lên về các cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền của người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương, chặn thị thực của nhiều quan chức nước này.

Mặc dù lệnh hành pháp của tổng thống không có sức nặng như các đạo luật cần Quốc hội phê chuẩn, chính quyền ông Biden khó có thể thu hồi chúng vì sợ bị coi là mềm yếu. Ngoài ra, việc nhanh chóng đảo lộn quyết định của tổng thống tiền nhiệm có thể làm tổn hại uy tín của Mỹ.

Cơ hội hợp tác

Cả hai bên bờ Thái Bình Dương đều đang hi vọng chính sách đối ngoại dễ đoán hơn sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho việc kinh doanh.

Ông Xu Hongcai, Phó giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc nói với CNBC: "Ông Biden là người biết lí lẽ. Ông Biden và ông Obama hiểu rõ những điều cơ bản của việc đối thoại".

Ông Xu nhấn mạnh "sự chấm dứt thời kì phi lí của Trump" và cách dùng thuế quan, lệnh trừng phạt và các chiến thuật "thô thiển" khác để giải quyết các vấn đề về hoạt động thương mại không công bằng.

Ông Xu tuyên bố rằng Bắc Kinh đang làm việc để giải quyết các vấn đề như tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, điều mà Mỹ đang thúc đẩy trong các cuộc đàm phán thương mại.

Mối quan hệ "mong manh"

Nhiều lãnh đạo thế giới đã nhanh chóng chúc mừng ông Biden thắng cử, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa lên tiếng. Trong khi đó hồi năm 2016, ông Tập lại gọi điện chỉ một ngày sau khi ông Trump thắng cử.

Đội ngũ tư vấn của Eurasia Group viết: "Bắc Kinh sẽ vui mừng đón nhận sự chia rẽ sâu sắc của hệ thống chính trị Mỹ, bao gồm thực tế rằng Đảng Cộng hòa có lẽ sẽ tiếp tục kiểm soát Thượng viện".  

Những chuyên gia này lưu ý rằng sự bế tắc trong Quốc hội cản trở các nỗ lực của Mỹ trong việc đưa ra các chính sách đầy tham vọng chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, "sự lộn xộn" của cuộc bầu cử tổng thống lại cho Trung Quốc cái cớ để nêu nêu bật những bất ổn trong nội bộ Mỹ.

"Nhận thức rằng Mỹ phải đối mặt với rối loạn chính trị cung cấp thêm lí do để ông Tập không nhượng bộ về các vấn đề quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, từ Hong Kong và Biển Đông cho đến các chính sách công nghiệp và công nghệ".

"Thực tế này nhấn mạnh điểm cân bằng mong manh trong mối quan hệ song phương, tuy ổn định hơn so với thời Tổng thống Trump nhưng vẫn căng thẳng và cạnh tranh gay gắt".

chọn
Diễn biến mới tại sân golf Đồi Cù từng xây dựng sai phép của Hoàng Gia ĐL
Hoàng Gia ĐL vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục clubhouse hơn 15.000 m2 tại dự án sân golf Đà Lạt. Công trình này từng bị phát hiện vi phạm xây dựng không phép khiến chủ đầu tư bị phạt 240 triệu đồng.