Một số hạng mục vừa được lắp đặt tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Ảnh: Hà Đồng |
Theo quyết định cấp phép xả thải, đây là nguồn nước thải từ hoạt động thử thủy lực, súc rửa đường ống công nghệ trong nhà máy (không sử dụng hóa chất trong quá trình thử thủy lực, súc rửa đường ống) và nước từ phân xưởng khử khoáng trong giai đoạn thi công xây dựng tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên - môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn được xả vào mương thu gom chung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, sau đó chảy ra vùng biển ven bờ (xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia) với lưu lượng xả trung bình 2.250 m3/ngày đêm, chế độ xả 24 giờ/ngày đêm.
Quyết định cũng nêu: UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chất lượng nước thải phải đảm bảo giá trị các thông số ô nhiễm được phép xả thải vào nguồn nước không vượt quá giá trị tối đa cho phép.
“Trước khi xả nước thải vào nguồn tiếp nhận phải lấy mẫu, phân tích chất lượng nước thải, đạt giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp mới được phép xả thải” - quyết định của tỉnh Thanh Hóa nêu.
UBND tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu doanh nghiệp quan trắc nước thải và nguồn tiếp nhận; quan trắc liên tục lưu lượng nước thải qua đồng hồ đo lưu lượng ở đầu ra, việc quan trắc chất lượng thải sau xử lý trước khi xả vào vùng biển ven bờ được yêu cầu thực hiện theo tần suất quan trắc 7 ngày/lần.
Quyết định của tỉnh Thanh Hóa cũng nêu Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn phải thu gom, vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình và thực hiện đúng các cam kết, chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có bất kỳ thông số nào không đạt theo quy chuẩn.
Đồng thời 7 ngày/lần phải báo cáo Sở Tài nguyên - môi trường, ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, UBND huyện Tĩnh Gia về tình hình xả nước thải và các vấn đề phát sinh trong quá trình xả nước thải.
Theo GS Trần Hiếu Nhuệ - viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường, việc cấp phép xả thải ra biển phải đảm bảo các yêu cầu về giám sát quy trình xả thải.
“Phải giám sát bằng quan trắc chất lượng nước thải và phải quan trắc tự động có truyền số liệu về Sở Tài nguyên - môi trường để kịp thời phát hiện nếu chất lượng nước thải không đạt yêu cầu” - ông Nhuệ lưu ý.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Trọng Quang, phó giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên - môi trường Thanh Hóa, thừa nhận “việc quan trắc tự động có truyền số liệu về sở là chưa làm được”.
Trả lời câu hỏi khi chưa có hệ thống quan trắc tự động, việc giám sát được thực hiện thế nào, ông Quang cho rằng “trước khi cho xả thì có đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý, nếu đáp ứng được tiêu chuẩn thì cho xả”.
Cơ quan quản lý có biện pháp nào giám sát độc lập thay vì chờ doanh nghiệp tự quan trắc rồi báo cáo kết quả?
Ông Quang trả lời: “Cái quan trắc của mình chỉ làm trước khi xả. Còn trong quá trình xả mà có bất thường thì yêu cầu dừng báo cáo. Ngoài ra còn có cộng đồng giám sát, giám sát bằng kiểm tra định kỳ của sở”.
Về câu hỏi “nếu nước thải không đạt mà doanh nghiệp che giấu, cơ quan quản lý nhà nước làm sao ngăn chặn được kịp thời?”, ông Quang thừa nhận thực tế đúng là từng có những doanh nghiệp vi phạm không báo cáo. Sở sẽ phải kiểm tra định kỳ và kết hợp với việc giám sát qua cộng đồng.