Ngân hàng Nhà nước yêu cầu 9 ngân hàng thương mại khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
9 ngân hàng thương mại gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, đã đăng ký cho vay tổng cộng 145.000 tỷ đồng cho dự án này.
Theo Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ không đưa số tiền vay này vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các nhà băng. Thời gian thực hiện chính sách tối đa đến 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà ngân hàng thương mại đã đăng ký. Nhà băng nào không có nhu cầu cho vay theo chính sách này cần gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước trước 15/1/2025.
Định kỳ hàng tháng, các nhà băng tiếp tục báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng nghiêm túc các cam kết về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay. Các ngân hàng cần phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.
Được triển khai từ tháng 4/2023, song tốc độ giải ngân của gói tín dụng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân rất thấp. Tới tháng 4 năm ngoái, các ngân hàng mới chỉ giải ngân được 415 tỷ, chưa tới 1%.
Nhà ở xã hội là chủ trương đảm bảo an sinh xã hội và là vấn đề nhiều người dân rất quan tâm. Thời gian qua, Chính phủ cũng đôn đốc các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý nhà ở xã hội được ưu đãi về vốn vay, đất đai... nên có giá thành phù hợp hơn với những người thu nhập thấp, công nhân... Việc làm các thủ tục nhanh, thi công nhanh cũng giúp giảm chi phí và giá thành. Tuy nhiên, các hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, điều kiện vệ sinh, môi trường... phải bảo đảm đầy đủ, thuận tiện cho người dân như với các dự án nhà ở thương mại.