Chữa bệnh cho tiêu kiểu "chẳng giống ai"
Ông Đỗ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây tiêu với bà con nông dân. |
Khi mà giá hồ tiêu đang lên cao, người dân ồ ạt phá bỏ cà phê để chuyển qua trồng tiêu, chuyện tưởng đơn giản nhưng kĩ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu rất khó khăn, không phải chỉ học ngày một ngày hai là có thể nắm được. Chính vì vậy, nhiều hộ gia đình đã tán gia bại sản vì “chạy theo phong trào”.
Ngay lúc đó, có một vị giám đốc "điên” đã ngày đêm nghiên cứu và cho ra sản phẩm phân bón giúp người dân cứu vớt được vườn tiêu đang trơ gốc. Vị giám đốc “điên” mà chúng tôi nhắc đến là ông Dương Hùng Đỗ, một kĩ sư địa chất. Người dân nơi đây gọi ông với cái tên thân thương là “giám đốc điên” bởi vì ông sử dụng phương pháp chữa trị cho cây tiêu không giống ai.
Ông Phạm Văn Hậu (SN 1960, trú tại thôn 5 xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) kể về ông giám đốc “điên”: “Lúc đầu, cứ đến nửa đêm khi mọi người chìm trong giấc ngủ, ông Đỗ lại lủi thủi soi đèn, đào bới các gốc tiêu để lấy mẫu. Việc làm của ông cứ diễn ra từ ngày này qua ngày khác, không quản nắng mưa. Sau một thời gian, ông Đỗ đứng ra công bố là đã tìm được thuốc đặc trị căn bệnh trên cây tiêu nhưng không ai quan tâm. Đến khi ông Đỗ áp dụng loại thuốc của mình lên vườn tiêu cằn cỗi, khiến tiêu trở nên xanh tốt thì ai cũng ngỡ ngàng và khâm phục”.
Chỉ tay ra vườn tiêu với 1000 trụ tiêu của gia đình, ông Hậu nhớ lại, trước đây, khi vườn tiêu của gia đình ông đang đến kì thu hoạch, bỗng dưng bị vàng lá, trơ gốc rồi chết hàng loạt. Gia đình ông rất hoang mang vì số nợ phải trả trước mắt.
“Lúc đó, gia đình tôi đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua thuốc về cứu chữa, nhưng vẫn không có tác dụng. Đang trong lúc tuyệt vọng, ông Đỗ cứ như “vị cứu tinh” đã giúp vườn tiêu của gia đình hồi sinh, tươi tốt trở lại. Sau 1 tháng sử dụng thuốc của ông, vườn tiêu bắt đầu tươi tốt và cho thu hoạch bình thường”, ông Hậu chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình ông Hậu, nhiều hộ dân nơi đây khi nghe tin có thuốc đặc trị bệnh cho cây tiêu đều tìm đến ông Đỗ. Cũng đã từng mất ăn, mất ngủ nhiều ngày vì tiêu chết hàng loạt, ông Nguyễn Văn Tung (SN 1963, trú tại xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) kể: “Gia đình tôi nhận thấy hồ tiêu có giá trị kinh tế cao nên đã chặt hàng trăm gốc cà phê để chuyển qua trồng tiêu. Nhưng do không biết áp dụng khoa học kĩ thuật nên các gốc tiêu còi cọc, trơ lá và chết dần chết mòn. Nếu không có ông Đỗ chắc gia đình chúng tôi đã “tiêu điều” theo vườn tiêu”.
Sáng kiến mới trong nông nghiệp
Không chỉ riêng đối với cây tiêu, nhiều loại cây trồng cũng đạt năng suất cao nhờ phân bón của ông. |
Chúng tôi đến thăm giám đốc “điên” vào một ngày nắng chói chang, nơi làm việc của ông nằm ẩn mình trong khuôn viên nhà máy xi măng Gia Lai xập xệ, cũ nát. Căn phòng của ông tuy nhỏ, nhưng chứa đựng nhiều tấm bằng khen, huân huy chương.
Ông Đỗ kể lại, trong một lần tình cờ nghe tin người dân ở thủ phủ tiêu (Gia Lai) đang khốn đốn vì nhiều diện tích tiêu bỗng dưng trơ gốc, lá héo úa hàng loạt. Do muốn giúp đỡ bà con nên ông đã lặn lội vào mảnh đất Gia Lai với hi vọng tìm được nguyên nhân gây bệnh, từ đó nghiên cứu loại thuốc cứu chữa vườn tiêu.
Khi vào đến mảnh đất Chư Suê (tỉnh Gia Lai), ông phát hiện ra bà con nơi đây chăm sóc tiêu hoàn toàn trái khoa học. Ông nhận ra rằng, tiêu chết hàng loạt là do bà con sử dụng phân bón và thuốc BVTV một cách tùy tiện. Chính vì lí do đó đã khiến cây tiêu không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng, gây ra các bệnh như “chết nhanh, chết chậm, tiêu điên”. Ngay lập tức, ông Đỗ bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu biện pháp cứu chữa những vườn tiêu cằn cỗi.
Phương pháp của phân bón của ông Đỗ là tạo kết tủa muối phèn, cân bằng độ pH trong đất, kích thích tế bào rễ hoạt động. Bên cạnh đó, loại phân bón này khiến cây không bị ngộ độc phèn, giúp cây phát triển mạnh. Phân bón dễ sử dụng lại thân thiện với môi trường nên rất được bà con tin dùng. Đặc biệt loại phân bón này có thể trị dứt điểm được ba căn bệnh nan y phổ biến ở cây hồ tiêu.
Trao đổi về sản phẩm phân bón mà ông Dương Hùng Đỗ sáng tạo ra, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho biết: “Sản phẩm phân bón của ông Đỗ là một bước tiến mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghiên cứu của ông không chỉ giúp ích cho cây hồ tiêu mà còn có công dụng với nhiều loại cây trồng khác. Chính vì vậy, phân bón của ông được nhiều người dân tin dùng và phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Đỗ đã giúp hồi sinh hàng ngàn ha tiêu của bà con ở Gia Lai. Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc với ông Đỗ nhiều người dân ở Gia Lai đã tạc tượng bán thân nhằm ghi nhớ công ơn của ông.