Tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Lộc Giang tại Long An đối với CTCP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD). Tháng 8 vừa qua, dự án này đã được phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000, đồng thời duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo quy hoạch, KCN Lộc Giang nằm tại các xã Lộc Giang, An Ninh Đông và Tân Mỹ thuộc huyện Đức Hòa với tổng diện tích 466 ha. Phía bắc dự án giáp khu NOXH phục vụ KCN Lộc Giang; phía nam giáp khu dân cư; phía đông giáp kênh Thầy Cai và kênh đào Thạch Bích; phía tây giáp đất nông nghiệp.
Vị trí này nằm trên trục kết nối đường vành đai 4 TP HCM; bán kính 1km xung quanh có KCN Thành Thành Công và sân golf Tân Mỹ.
Trong báo cáo mới đây, chủ đầu tư cho biết, kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2022, đến nay dự án đã được UBND huyện Đức Hòa phê duyệt 3 đợt về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với diện tích đất thu hồi hơn 410 ha. Hiện dự án đã bồi thường GPMB xong 401,2/466 ha và đang tiếp tục triển khai đối với phần còn lại.
Hiện trạng khu đất dự án chủ yếu là đất ruộng, khu dân cư chính nằm ngoài ranh giới quy hoạch tập trung chủ yếu dọc tuyến ĐT.821 và ĐT.822. Để thực hiện dự án, chủ đầu tư cần thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích khoảng 401 ha.
Khu đất dự án hiện có 11 ha đất ở nông thôn với khoảng 822 hộ dân, trong đó có 147 hộ (588 nhân khẩu) phải di dời, tái định cư. Đất mặt nước chiếm 25,4 ha với hai hồ nước lớn, sẽ được giữ lại để làm hồ điều hòa. Đường giao thông chiếm gần 16 ha, chủ yếu là đường bê tông dân sinh...
Ngoài ra, khu vực quy hoạch có khoảng 11,5 ha đất dự trữ cây xanh, mặt nước thuộc dự án của CTCP Thương mại Dịch vụ Bất động sản Thiên Lộc Phát. Đây là dự án khai thác sét gạch ngói đã được gia hạn giấy phép khai thác đến tháng 9/2026.
Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 316 ha cho các công trình nhà máy, xí nghiệp; hơn 4 ha đất hành chính, dịch vụ, khu lưu trú công nhân; khoảng 57 ha đất cây xanh; hơn 53 ha đất giao thông; hơn 18 ha đất mặt nước.
Công trình nhà máy, xí nghiệp tại dự án có mật độ xây dựng không quá 70%, cao tối đa 5 tầng (45 m), hệ số sử dụng đất tối đa 3,5 lần. Khu hành chính, dịch vụ có mật độ xây dựng không quá 40%, cao 3 - 5 tầng, hệ số sử dụng đất 1,2 - 2 lần.
Đối với khu đất 11,5 ha của Thiên Lộc Phát, khu này được quy hoạch là đất cây xanh, mặt nước. Thiên Lộc Phát đã được cấp quyền sử dụng đất trên diện tích 4,5 ha; đã thỏa thuận với người dân và đang chuyển đổi 5 ha; còn lại 5,1 ha chưa thỏa thuận được với người dân.
Tổng mức đầu tư của KCN Lộc Giang là 5.198 tỷ đồng, trong đó vốn góp nhà đầu tư là 780 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Về tiến độ, dự kiến đến quý II/2025 dự án sẽ hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, thủ tục giao đất, cho thuê đất. Thi công xây dựng từ năm 2024, có thể vận hành và cho thuê từ 2025.
Ngoài hạng mục KCN, chủ đầu tư cũng sẽ thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ KCN Lộc Giang với quy mô 31 ha, tổng vốn gần 444 tỷ đồng.
Về chủ đầu tư, SCD được thành lập vào năm 2003, có trụ sở tại huyện Củ Chi, TP HCM, Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Thành Tâm. SCD được biết đến là chủ đầu tư của KCN Tân Phú Trung 542 ha tại huyện Củ Chi, một dự án được thành lập từ năm 2004.
Ngoài ra, SCD còn đầu tư vào khu dân cư Tân Phú Trung (hơn 47 ha), dự án cụm công nghiệp và khu tái định cư Phước Vĩnh Đông 4 tại Long An.
Tính đến cuối 2023, SCD có vốn điều lệ 750 tỷ đồng. Tại ngà 30/9, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) nắm 74,3% tỷ lệ sở hữu tại SCD.
Theo dữ liệu của người viết, tính đến ngày 22/11, SCD đã thực hiện tăng vốn lên thành 1.181 tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật tiến độ các dự án của Kinh Bắc mới đây, Chứng khoán SSI cho biết, vào tháng 7/2024, KCN Lộc Giang đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000. Để thúc đẩy dự án, lãnh đạo huyện Đức Hòa, Long An đã phê duyệt phương án bồi thường cho 95,8 ha của dự án, với tổng chi phí bồi thường là 749 tỷ đồng trong tháng 7/2024.
Tính đến tháng 6/2024, tổng chi phí đầu tư cho KCN Lộc Giang là 48,3 tỷ đồng. Do những khó khăn liên quan đến quá trình giải phóng mặt bằng trước đó, SSI không ước tính kế hoạch kinh doanh cụ thể cho dự án này.
Đơn vị chứng khoán cho biết thêm, trong nửa cuối năm 2024, Kinh Bắc dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu từ các KCN Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung.
Đối với KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, tính đến năm 2023, Kinh Bắc đã cho thuê 102/204 ha đất thương phẩm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Kinh Bắc đã đàm phán để giải phóng mặt bằng 50 ha. Trong nửa cuối năm 2024, doanh nghiệp dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng tiếp 50 ha để có đủ diện tích đất cho dự án cho thuê trong các năm tiếp theo.
Tại Hưng Yên, năm 2023 Chính phủ đã chấp thuận cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang đất công nghiệp cho CCN Đặng Lễ và Kim Động. Tính đến tháng 6/2024, Kinh Bắc đã trả 334 tỷ đồng tiền đền bù. SSI dự kiến doanh nghiệp sẽ hoàn thành quá trình giải phóng mặt bằng vào năm 2024 và bắt đầu cho thuê trong năm 2025.
Cuối quý II vừa qua, Kinh Bắc đã cam kết cho thuê 40 ha đất trong nửa cuối năm 2024, gồm 6 ha tại KCN Quang Châu, 15 ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và 19 ha tại KCN Tân Phú Trung.
Cùng với 15 ha đã cho thuê trong nửa đầu năm, SSI dự báo Kinh Bắc sẽ cho thuê 55 ha đất công nghiệp trong cả năm 2024. Con số này thấp hơn so với dự báo trước đó là 102 ha.
Đối với KCN Tràng Duệ 3, dự án vẫn đang trong giai đoạn cuối cùng của việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2025. Đã có một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Trung Quốc muốn thu mua khoảng 80 ha đất tại KCN Tràng Duệ 3.
Quy hoạch 15:11 | 15/01/2025
Chủ đầu tư 07:00 | 11/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Dự án 19:00 | 05/01/2025
Dự án 07:00 | 03/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Dự án 14:25 | 29/12/2024