Nông dân Quảng Nam “khóc ròng” vì dưa rớt giá. |
Trước tình hình trên, chính quyền Quảng Nam, nhiều tổ chức đoàn thể... có thư kêu gọi và chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu. Tuy nhiên, người đặt câu hỏi, tại sao năm nào người nông dân xứ Quảng cũng lặp lại tình trạng trên và kịch bản “giải cứu” có phải giải pháp căn cơ?
Nông dân trồng dưa “khóc ròng”!
Đứng tại cánh đồng dưa bội thu, ông Nguyễn Ngọc Anh (58 tuổi, ngụ Phú Lai, xã Tam Phước) buồn rầu: “Năm nay gia đình tôi đầu tư 6 sào dưa, tăng gấp đôi so với mọi khi.
Đang vào thời điểm rộ thu hoạch, dự kiến được khoảng 6 tấn, đột nhiên thương lái thông báo giá dưa chỉ còn từ 1.000đồng/1kg (đầu vụ thương lái thông báo mua 6.000/ đồng/ký). Nếu tính tiền đầu tư như mua bạt phủ, phân bón, giống cây..., ông lỗ hết gần 1 triệu đồng/sào, chưa kể công chăm sóc 2 tháng qua...
Đến đường cùng nông dân đã chấp nhận bán giá rẻ, nhưng theo ông Anh, khi hái dưa đẩy đoạn đường khá xa tới chỗ thương lái thu mua, “họ còn làm khó”, chỉ lấy quả đẹp, to; số còn lại trả về quá nửa. Vợ con ông Anh nhìn cảnh trên chỉ biết khóc ròng, đành chở ra chợ bán với giá 500-1.000 đồng/1kg nhằm “vớt vát”.
Tương tự, anh Dương Văn Hòa (35 tuổi, ngụ thôn Phú Lai, xã Tam Phước cũng đứng ngồi không yên với 7 sào dưa của mình. Anh Hòa tính, nếu bán hết với giá hiện tại, mùa này gia đình anh lỗ 5 triệu đồng.
Song, đang vào kỳ thu hoạch nên không thể chần chừ đợi giá “có thể thay đổi” vì dưa để lâu sẽ chín và gặp trời mưa còn bị hư hỏng hơn.
Ông Đinh Long Toàn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh (Quảng Nam) cho biết, huyện Phú Ninh là vùng trồng dưa lớn nhất tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với loại đặc sản Hắc Mỹ Nhân Kỳ Lý.
Vụ xuân hè năm 2018, toàn huyện có khoảng 500 ha dưa hấu, tập trung trồng chủ yếu các xã Tam Phước, Tam Thanh, Tam Lộc và Tam An, Tam Lộc… Điểm đáng nói, trước đó, bà con trồng dưa đã bán một đợt có giá từ 6.000 - 7.000 đồng/1kg, xuất qua Trung Quốc.
Thấy lợi nhiều, bà con tăng lượng trồng vụ này. Đột nhiên, phía thương lái Trung Quốc dừng thu mua, nên dưa liên tục giảm giá chỉ còn từ 1.000 - 1.200 đồng/1kg. Người trồng dưa xứ Quảng giờ chỉ biết khóc ròng.
Không riêng người trồng dưa tại Quảng Nam, tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Thương, Phó Giám đốc Sở NN&PNTN tỉnh Quảng Ngãi thông tin, vựa dưa lớn của tỉnh là huyện Bình Sơn đang có 56 ha dưa hấu đang chín, cần thu hoạch.
Giá dưa rất thấp chỉ từ 1.000- 1.500 đồng/kg, thậm chí nông dân “bán tháo”, nhưng không tiêu thụ được. Nếu tính toàn tỉnh, có khoảng 850ha hưa hấu tồn đọng.
Theo ông Trương, sản lượng dưa hấu của bà con chủ yếu bán sang qua Trung Quốc. Vì thời điểm này, do trùng thời vụ dưa hấu bên Trung Quốc khiến giá giảm mạnh.
Ngoài ra, dưa hấu không thuộc loại cây khuyến khích trồng nhưng chi phí đầu tư ít nên người dân tự ý trồng đại trà khiến “đầu ra” mất kiểm soát.
Năm trước “giải cứu”, năm sau tăng diện tích trồng!
Trước tình hình trên, ngày 11/5, Sở NN&PTNT đã có thư kêu gọi, gửi các đơn vị, tổ chức đóng trên địa bàn tỉnh vận động cán bộ công chức, viên chức và người lao động mua ủng hộ giúp bà con nông dân. “Mọi liên hệ làm đầu mối tiêu thụ dưa hấu theo số điện thoại: 0905.715717, gặp ông Võ Thanh Anh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh”, thư kêu gọi Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam.
Trong khi chờ đợi sự vào cuộc của chính quyền, nhiều bạn trẻ Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng những ngày qua cũng vận động và trực tiếp đến các vựa dưa hấu để “giải cứu” dưa cho bà con.
Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, tại sao năm nào người nông dân xứ Quảng cũng lặp lại tình trạng, dưa rớt giá, thương lái ép mua vì không xuất bán được cho Trung Quốc? Và kịch bản “giải cứu” dưa hấu có phải giải pháp căn cơ?
Để người trồng dưa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi không còn cảnh “bị động”, vào gần cuối tháng 4 vừa qua, Vụ Thị trường trong nước (thuộc Bộ Công Thương) cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức “Hội nghị kết nối tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản có thế mạnh tỉnh Quảng Ngãi”.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu tham dự thừa nhận, lâu nay người dân tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam trồng dưa hấu bán cho thương lái hoàn toàn tự phát. “Vào năm 2017, cũng thời điểm tháng 4, 5, giá dưa rớt xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg.
Vì giá dưa hấu rớt thê thảm nên Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cùng nhiều cá nhân, tổ chức đã “giải cứu” dưa, nâng giá lên 2.000 - 3.000 đồng/kg nhằm giúp người dân vớt vát lại số vốn đã bỏ ra.
Thế nhưng, người dân không lấy đó làm kinh nghiệm mà đến năm 2018, diện tích trồng dưa hấu tại tỉnh lại tăng vọt, sản lượng thu hoạch ước tính tới 50.000 tấn”, một trong những ý kiến được đưa ra gây chú ý tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, nguyên nhân dưa hấu được mùa mất giá, do nông dân trồng dưa một cách tự phát, chưa xác định được thị trường, số lượng và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, bà con hầu như chưa có sự gắn kết với các đại lý bao tiêu mà chỉ bán lẻ sản phẩm trực tiếp.
Đồng tình với ông Bính, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông nhìn nhận, nông dân mở rộng quy mô sản xuất khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường. Từ đó gây nhiều khó khăn và áp lực cho vấn đề tiêu thụ nông sản.
Để từng bước chủ động và ổn định thị trường đầu ra, đồng thời nâng cao giá trị cho mặt hàng dưa hấu và một số nông sản có thế mạnh của các địa phương miền Trung… ông Đông thông tin, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức hội nghị kết nối cung cầu.
Qua đó, tạo môi trường trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài./.
Hà Nội: Thi công ga ngầm S10, giao thông đi lại trên phố Cát Linh khó khăn
Nhiều người tham gia giao thông khá vất vả khi đi qua tuyến đường Cát Linh. Bởi hiện nay, một phần tuyến phố đang được ... |