Hành vi hạn chế cạnh tranh (Anti-competitive practices) là gì? Những hành vi cụ thể

Hành vi hạn chế cạnh tranh (tiếng Anh: Anti-competitive practices) là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Hiện nay pháp luật qui định cụ thể những hành vi được coi là hành vi hạn chế cạnh tranh.
copyright

Hình minh họa (Nguồn: Du Toit's Attorneys)

Hành vi hạn chế cạnh tranh (Anti-competitive practices)

Hành vi hạn chế cạnh tranh - động từ, trong tiếng Anh tạm dịch là Anti-competitive practices.

"Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền".

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Hành vi lạm dụng ví trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.  (Theo Luật cạnh tranh năm 2018)

Những hành vi hạn chế cạnh tranh cụ thể

Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

- Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;

- Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

- Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

- Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

- Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

- Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận;

- Thỏa thuận hạn chế phát triển kĩ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;

- Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện kí kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

- Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận;

- Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận;

- Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;

- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lí hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kĩ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

- Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong kí kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

- Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;

- Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo qui định của luật khác.

Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền

- Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;

- Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lí do chính đáng;

- Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo qui định của luật khác. (Theo Luật cạnh tranh năm 2018)

chọn