Ngày 14/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay robot đào ngầm (TBM có tên Thần tốc) đã hoàn thành được 631 m. Bên cạnh kinh nghiệm tích lũy từ dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP HCM, tại dự án này, nhà thầu FECON có sự hỗ trợ thi công, kỹ thuật từ phía đội ngũ chuyên gia của Tunnel Pro, đơn vị hàng đầu thi công TBM từ Italia và đội ngũ chuyên gia từ Hiệp hội Công trình ngầm quốc tế.
Hiện robot dừng tại giếng khoan, một trong những hạng mục quan trọng của dự án, là nơi thoát hiểm khi gặp sự cố.
Đến nay, tiến độ tổng thể dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt hơn 80% (đoạn trên cao đã vận hành thương mại, đoạn ngầm đạt trên 50%). Cùng với việc đào ngầm từ ga S9 Kim Mã, hoạt động thi công diễn ra trên tất cả công trường.
Cụ thể, ga S10 Cát Linh đang làm kết cấu bên ngoài; ga S11 Văn Miếu hoàn thành bản đáy ga, chuẩn bị thi công ở hai đầu ga; ga S12 Trần Hưng Đạo đang đắp trả một phần phía Nam bản đỉnh và đào bản trung chuyển.
Tại công trường, nhà thầu chia làm hai ca làm việc, ca 1 từ 7h đến 19h, ca 2 từ 19h đến 7h sáng hôm sau. Mỗi ca sẽ có 150 người bao gồm cả công nhân và kỹ sư.
Trong ảnh là anh Trần Tuấn Anh, quê Nam Định, kỹ sư hiện trường cùng công nhân kiểm tra các điểm kết nối trước khi lắp vỏ hầm tiếp theo. Anh theo dự án từ những ngày đầu. Dự án bị gián đoạn một thời gian, sau khi quay lại anh được giao giám sát công nhân tại hiện trường để đảm bảo kỹ thuật và an toàn thi công. "Thời gian đầu khá vất vả vì chưa quen với không gian trong hầm, sau tôi đã thích nghi", anh chia sẻ.
Việc khoan hầm được tiến hành cẩn trọng và giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn, chất lượng cho công trình. Nhà thầu chính thực hiện gói thầu thi công ngầm (CP03) của dự án là Liên danh HyunDai & Ghella (HGU). Nhà thầu phụ vận hành việc khoan hầm bằng TBM là Công ty cổ phần FECON.
Công nhân hàn chổi mới sau khi đã gỡ bỏ toàn bộ chổi và lớp mỡ cũ. Việc gắn chổi và quét lớp mỡ condat giúp ngăn nước ngầm, đất đá đi vào chỗ vừa đào và chống dò, thấm nước vào hầm.
Theo MRB, tốc độ đào hầm phụ thuộc vào địa chất xung quanh cũng như các hoạt động điều phối để giảm tối đa ảnh hưởng đến công trình trên mặt đất. Dự án cần nhiều thời gian để đánh giá chi tiết địa chất phức tạp tại Hà Nội, nơi tuyến hầm chủ yếu đi qua lớp đất sét pha.
"Tôi làm việc tại đây được 3 tháng, công việc là điểu khiển robot sao cho mọi thứ trơn tru", ông Jose Cedeno, kỹ sư người Ecuador thao tác phòng điểu khiển robot đào ngầm, nói.
Công nhân đang điều chỉnh thông gió, bộ phận an toàn liên tục kiểm tra các cảm biến của hệ thống thông hơi để đảm bảo an toàn cho kỹ sư và công nhân làm việc sâu trong hầm.
Dọc đường hầm đều có các biển cảnh báo về an toàn khi làm việc trên công trường, nhất là trong môi trường ngầm.
Bên trái là hệ thống đường ống dọc hầm phục vụ cho việc đào hầm gồm: Ống Betonite, ống vữa, ống dẫn khí, ống nước sạch vào, ống nước sạch ra và nước thải.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài chính tuyến 12,5 km (8,5 km đoạn đi trên cao và khoảng 4 km đi ngầm) với lộ trình: Điểm đầu Nhổn - theo quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Đường sắt khổ đôi 1.435 mm, ray, ghi tiêu chuẩn châu, hệ thống nhà ga gồm 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8), 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12), trong đó có 2 ga kết nối trung chuyển.
Phía ngoài các công nhân đang lắp đường ray mới giúp các xe vận chuyển vật tư vào trong hầm được dễ dàng.
Vỏ hầm của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được sản xuất tại nhà máy AMACCAO Hà Nam. Tổng số vòng vỏ hầm của dự án là 3.488, bao gồm 120 vòng loại cốt thép nặng, 30 vòng được quan trắc và 3.338 vòng loại cốt thép tiêu chuẩn.
Hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được đào bởi bộ đôi máy TBM thiết kế riêng cho dự án. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức), dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn. Việc khoan ngầm từ ga S9 Kim Mã tại độ sâu 17,8 m bắt đầu từ ngày 30/7.