Tháng 8, tỉnh Bình Định đồng ý chuyển gần 13 ha đất rừng phục vụ cho các dự án thuộc Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân và Khu tái định cư Quảng Vân.
Mục đích để khai thác đất làm vật liệu san lấp các dự án. Hai khu vực chuyển mục đích sử dụng rừng gồm khoảnh 3 và khoảnh 5, tiểu khu 343, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn. Hiện trạng là rừng trồng keo.
Dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân, được chấp thuận chủ trương đầu tư hồi tháng 2, với quy mô 130 ha, thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Theo quy hoạch, dự án bao gồm khu đô thị gần 58 ha và khu du lịch sinh thái hơn 72 ha. Dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án gần 5.000 tỷ đồng.
Còn Khu tái định cư Quảng Vân có quy mô hơn 18 ha, được thực hiện tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Tổng mức đầu tư dự án hơn 47 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài hai dự án trên, ngày 6/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) có ý kiến chỉ đạo về việc thẩm định hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Mở rộng khu du lịch Casa Marina Resort, tại tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long giao Sở NN & PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình các nội dung liên quan đến dự án nói trên. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở NN & PTNT báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/8.
Ngày 18/8, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và cho CTCP Điện gió Thành An thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án nhà máy điện gió Tân Hợp.
Cụ thể, tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành chuyển mục đích sử dụng 20,43 ha tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp.
Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ được chuyển đổi khoảng 3,97 ha (bao gồm rừng trồng, đất trồng lâm nghiệp, đất khác nằm trong lâm nghiệp); diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất được chuyển đổi khoảng 16,48 ha.
Trong số diện tích đất được chuyển đổi, diện tích đất được chuyển đổi có thời hạn 50 năm là 9,49 ha; diện tích xin chuyển mục đích sử dụng tạm thời là 10,94 ha.
Về hiện trạng diện tích rừng được chuyển đổi, 11,3 ha rừng hiện đang trồng các loài cây thông nhựa bằng nguồn vốn dự án 327 từ các năm 1990, 1994, 1997, 1998 và rừng trống các loài cây thông hỗn giao keo, sao bằng nguồn vốn dự án 661 vào các năm 1999, 2007. Ngoài ra còn có khu vực trồng cây keo từ các năm 2015, 2018 và 2019 bằng vốn tự có của các hộ gia đình, cá nhân quản lý.
Dự án nhà máy điện gió Tân Hợp, do CTCP Điện gió Thành An làm chủ đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 15/12/2020. Dự án được thực hiện tại xã Tân Hợp và xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.696 tỷ đồng, với diện tích đất đề xuất sử dụng là 24 ha (trong đó, diện tích sử dụng đất có thời hạn là 12,9 ha; diện tích sử dụng đất tạm thời là 11,1 ha). Sản lượng điện hàng năm dự kiến 150 triệu kWh.
Ngày 9/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Ngọc Sơn đã ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về việc rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh.
Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020, có công suất thiết kế 120MW, gồm 25 tuabin gió. Chủ đầu tư là CTCP điện phong HBRE Hà Tĩnh.
Theo công văn, dự án có diện tích nghiên cứu, khảo sát 845 ha tại khu vực dãy Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh.
Trong đó diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng là 19,05 ha, là rừng tự nhiện nghèo, thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ, chủ yếu cây bụi và cây gỗ tái sinh nhỏ, không có giá trị về kinh tế, mật độ cây binh quân khoảng 217 cây/ha, trữ lượng 10,2 m3/ha, tổ thành loài là các loại cây gồm ba bét, dung, trâm, bời lời, bai bái…
Tại kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng đối với hơn 119 ha rừng sản xuất (rừng trồng) để thực hiện 13 dự án.
Trong đó, chuyển gần 87 ha rừng sản xuất để thực hiện 9 dự án đang đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư. Hơn 32 ha rừng sản xuất còn lại sẽ thực hiện 4 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng trong quyết định chưa xác định diện tích rừng được chuyển mục đích.
Các dự án nằm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, thuộc các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái,… và được đánh giá đều phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương hiện nay.
Hồi đầu tháng 3, tỉnh Phú Yên ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng trồng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió xanh sông Cầu (giai đoạn 1), tại thị xã Sông Cầu, rộng khoảng 11,55 ha .
Theo quyết định, phần diện tích rừng trên thuộc các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải và Xuân Bình (thị xã Sông Cầu). Loại rừng chuyển mục đích là rừng trồng.
Nhà máy điện gió Xanh Sông Cầu là dự án điện gió đầu tiên tại Phú Yên tại Phú Yên, được UBND tỉnh này ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2020.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.764 tỷ đồng, giai đoạn một với công suất 49,94MW, sản lượng điện dự kiến trung bình hàng năm 131,531GWh, xây dựng tại hai xã Xuân Hải và Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu.
Cuối tháng 6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát và báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ đã phê duyệt.
Đề nghị trên đưa ra nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ TN&MT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ làm rõ quan điểm là chấp nhận hay không việc chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo đề nghị của các địa phương.
Ngoài ra, đối với dự án không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên; từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên; Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Ngoài ra, Bộ NN&PTN cũng đề nghị UBND các tỉnh, Thành phố cần cân nhắc, cẩn trọng trong việc đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đặc biệt, đối với rừng đặc dụng là rừng tự nhiên cũng như các hoạt động tác động vào làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên của địa phương.