Phát hành hơn 56.000 tỉ đồng trái phiếu đầu năm, ngân hàng nào đang giữ kỉ lục phát hành trái phiếu lớn nhất?

Tổng giá trị trái phiếu phát hành của 5 ngân hàng đứng đầu bảng phát hành nhiều nhất, gồm VPBank, HDBank, ACB, VIB và LienVietPostBank lên đến 45.860 tỉ đồng, chiếm tới 83% tổng giá trị trái phiếu phát hành 8 tháng đầu năm của nhóm ngân hàng thương mại.

Liên tục công bố thông tin chào bán trái phiếu, 8 tháng đầu năm 2019, các ngân hàng thương mại trong nước là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, tổng giá trị trái phiếu phát hành trên thị trường lên đến hơn 56.000 tỉ đồng.

Báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết tổng giá trị trái phiếu được phát hành 8 tháng đầu năm 2019 là 117.142 tỉ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại đã nắm đến 47,9% giá trị trái phiếu phát hành trên thị trường.

Ngân hàng nào phát hành trái phiếu nhiều nhất?

Giữa tháng 7, VPBank phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu quốc tế, tương đương 7.100 tỉ đồng tại Singapore, với mục đích tăng quy mô nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cho vay trung dài hạn.

thamhutngansach_hpiv

Tổng giá trị trái phiếu phát hành trên thị trường 8 tháng đầu năm 2019 của các ngân hàng lên đến hơn 56.000 tỉ đồng. (Ảnh: Zing).

Trái phiếu có kì hạn 3 năm, lãi suất danh nghĩa 6,25% và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á, châu Âu, với tỉ lệ lần lượt là 52% và 48%.

Đây là lượng trái phiếu quốc tế lớn nhất lần đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trên thị trường quốc tế từ trước đến nay. Đại diện VPBank cũng cho biết các nhà đầu tư đăng kí mua với tổng nhu cầu gấp 3 lần lượng trái phiếu VPBank phát hành.

Phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu này, tổng giá trị trái phiếu của VPBank đang ở mức 13.860 tỉ đồng.

Đây cũng là ngân hàng phát hành trái phiếu "khủng" nhất 8 tháng đầu năm trong nhóm các ngân hàng thương mại.

Đứng thứ hai là HDBank với tổng giá trị trái phiếu phát hành thời gian qua đạt 11.600 tỉ đồng. 

Gần đây nhất, vào giữa tháng 8, HDBank đã thành công 2 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu đợt 1 và đợt 2 lần 3/2019, với tổng mệnh giá 1.600 tỉ đồng. Trong đó, đợt 1, tổng trái phiếu có giá trị 600 tỉ đồng cho kì hạn 2 năm, lãi suất cố định 6,7%/năm. Đợt 2, ngân hàng phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,4%/năm.

anh-chup-man-hinh-2019-09-03-luc-234118-15675288887491802975284

VPBank là ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều nhất 8 tháng đầu năm 2019, với tổng giá trị 13.860 tỉ đồng. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

3 ngân hàng phát hành dưới 10.000 tỉ đồng trái phiếu nhưng vẫn nằm trong top 5 nhà băng có tổng giá trị phát hành cao nhất là ACB, VIB và LienVietPostBank.

Cụ thể, ACB có 2 đợt phát hành trái phiếu, lần 1 trị giá 5.350 tỉ đồng với kì hạn 3 năm; lần với 2 trái phiếu có giá trị 2.500 tỉ đồng, với kì hạn 2 năm. Tổng giá trị trái phiếu phát hành của ACB 8 tháng đầu năm là 7.850 tỉ đồng.

Hai vị trí còn lại trong top 5 là VIB và LienVietPostBank, với tổng giá trị trái phiếu đã phát hành lần lượt đạt 6.450 tỉ và 6.100 tỉ đồng.

Như vậy, tổng giá trị trái phiếu phát hành của 5 ngân hàng dẫn đầu là 45.860 tỉ đồng, chiếm tới 83% tổng giá trị trái phiếu phát hành của nhóm các ngân hàng thương mại trong 8 tháng đầu năm 2019.

VietinBank và BIDV phát hành trái phiếu lãi suất cao hơn các nhà băng khác

Nhóm các nhà băng phát hành trái phiếu thuộc "top dưới" trong năm nay gồm SeaABank, ABBank, BacABank, SHB và OCB.

Dẫn đầu nhóm này là SeABank với tổng lượng phát hành 4.350 tỉ đồng. Đợt phát hành nhiều nhất của ngân hàng này 2.300 tỉ, trái phiếu có kì hạn 2 năm với lãi suất tối đa 7,1%.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-09 lúc 17

Nhóm các ngân hàng phát hành trái phiếu có giá trị dưới 5.000 tỉ đồng trong 8 tháng đầu năm 2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh)

Tại ABBank, ngân hàng này tổng giá trị trái phiếu phát hành là 2.700 tỉ đồng. BacABank, SHB và OCB lần lượt phát hành 2.100 tỉ, 2.000 tỉ và 800 tỉ đồng trái phiếu.

 VietinBank và BIDV cũng nằm trong nhóm các ngân hàng phát hành trái phiếu trong 8 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, tổng giá trị trái phiếu phát hàng của 2 ngân hàng này không nhiều. 

Cụ thể, VietinBank phát hành tổng cộng 550 tỉ trái phiếu, còn BIDV là 300 tỉ đồng. 

Đáng chú ý, lãi suất trái phiếu của VietinBank và BIDV luôn xấp xỉ ở mức 8%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng còn lại. Lãi suất trái phiếu trung bình của các ngân hàng 8 tháng đầu năm dao động quanh mức 6-7%. Bù lại, kì hạn trái phiếu của 2 "ông lớn" VietinBank và BIDV dài hơn, luôn từ 7-15 năm, kì hạn các ngân hàng còn lại chỉ từ 2-5 năm.

Ngân hàng đang nhìn nhau mua bán trái phiếu của chính mình?

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết việc phát hành trái phiếu, hầu hết ngân hàng đều đưa ra lãi suất cố định và trả lãi hàng năm. 

Lãi suất và kì hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,75%/năm và 3,3 năm. Chỉ có 3.900 tỉ đồng trái phiếu nhóm này có lãi suất thả nổi, gồm 2.500 tỉ trái phiếu kì hạn 3 năm của ABBank và 1.400 tỉ trái phiếu kì hạn dài 5-10 năm của BIDV, VietinBank, SeABank và VIB.

Theo SSI, báo cáo tài chính bán niên 2019 của 18 ngân hàng thương mại niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2019, cho biết lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ tăng thêm tới 56.400 tỉ đồng.

Đáng chú ý, con số này khá tương đồng với lượng trái phiếu các ngân hàng thương mại đã phát hành. Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu do các ngân hàng phát hành theo thống kê sơ bộ của SSI là hơn 56.000 tỉ đồng.

Đồng thời, với lãi suất trung bình chỉ 6,75%/năm, tức là chỉ tương đương lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần, thì trái phiếu của các ngân hàng thương mại hầu hết không hấp dẫn với nhà đầu tư thông thường.

"Đối tượng mua trái phiếu chủ yếu là các công ty chứng khoán nên rất có thể các ngân hàng thương mại đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau", chuyên gia nghiên cứu của SSI khẳng định.

Theo SSI, rất có thể các ngân hàng thương mại đang gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỉ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỉ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.