Saudi bị không kích - đòn giáng nặng vào mạch máu dầu mỏ toàn cầu

Vụ không kích hai nhà máy dầu trọng yếu của Saudi Arabia báo hiệu những cơ sở hạ tầng huyết mạch trong mạng lưới dầu mỏ toàn cầu đang đối diện mối đe dọa mới.

Hệ thống đường ống dẫn dầu, các trạm bơm, bể chứa và nhà máy lọc dầu quy mô lớn của Saudi Arabia được xem là "những mạch máu chính" của kinh tế toàn cầu. Tính đến tháng 7/2019, nước này trung bình mỗi ngày khai thác 9,58 triệu thùng dầu và giữ vị trí nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, theo số liệu của OPEC.

Economist nhận định không chỉ Saudi Arabia "đổ máu" nếu những tuyến đường huyết mạch đó bị cắt đứt. Kinh tế toàn cầu cũng gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Đó cũng là lí do các cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại nước này thường xuyên lọt vào tầm ngắm của nhiều lực lượng thù địch với vương triều Saudi.

Ảnh hưởng toàn cầu

Al-Qaeda từng tổ chức đánh bom tự sát tại nhà máy Abqaiq, cơ sở sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất Saudi Arabia nằm gần bờ biển phía đông. Âm mưu khủng bố năm 2006 thất bại khi những kẻ đánh bom bị lính gác chặn đứng.

Tham vọng 13 năm trước của al-Qaeda cuối cùng đã được hiện thực hóa vào ngày 14/9. Nhà máy Abqaiq, được ví von là "trái tim" của ngành dầu khí Saudi Arabia, cùng với nhà máy Khurias bị không kích bằng máy bay không người lái và tên lửa. Vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành dầu mỏ nước này và thị trường toàn cầu.

Saudi bị không kích - đòn giáng nặng vào mạch máu dầu mỏ toàn cầu - Ảnh 1.

Ảnh chụp vệ tinh do chính phủ Mỹ công bố cho thấy thiệt hại nặng nề tại nhà máy Abqaiq. (Ảnh: AP).

Aramco, tập đoàn dầu khí nhà nước của Saudi Arabia, thông báo cắt giảm sản lượng hàng ngày gần 5,7 triệu thùng dầu thô. Con số này tương đương hơn 50% sản lượng dầu mỗi ngày của vương quốc và hơn 5% tổng sản lượng dầu thế giới. Cả hai nhà máy bị tấn công mỗi ngày sản xuất tổng cộng hơn 8,45 triệu thùng, theo New York Times.

Giá dầu Brent tăng gần 10% trong đầu phiên giao dịch ngày 16/9. Nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh, nếu Saudi Arabia không sớm khôi phục sản lượng.

Chính phủ Saudi Arabia cũng hứa mở kho dự trữ chiến lược để bù đắp phần sản lượng hao hụt, nhưng không thông báo cụ thể quá trình sửa chữa sẽ kéo dài trong bao lâu. Aramco hứa sẽ cập nhật về mức độ thiệt hại trong vòng 48 giờ sau vụ tấn công.

Trong khi đó, trả lời Wall Street Journal, một quan chức Saudi Arabia nói nước này sẽ khắc phục được 1/3 sản lượng trong ngày 16/9. Ông thừa nhận phải mất nhiều tuần mới khôi phục được toàn bộ năng lực sản xuất.

Reuters cũng dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ việc sửa chữa có thể kéo dài trong "nhiều tuần chứ không phải vài ngày" như các ước tính ban đầu.

Tranh cãi về chủ mưu

Tổ chức đầu tiên lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ không kích ngày 14/9 là lực lượng phiến quân Houthi, vốn có đầy đủ động cơ lẫn phương tiện để thực hiện đợt tấn công.

Nhóm vũ trang này đang đối đầu trực tiếp với quân đội Saudi Arabia, sau khi vương quốc này phát động can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến tại Yemen. Nhóm cũng nhiều lần sử dụng máy bay không người lái và tên lửa tấn công các sân bay, căn cứ quân sự và nhiều mục tiêu khác trên lãnh thổ Saudi Arabia.

Phiến quân Houthi kể từ năm 2018 đã sở hữu máy bay không người lái với tầm hoạt động lên đến 1.500 km, đủ khả năng bay từ Yemen đến các nhà máy Abqaiq và Khurais. Nhiều mảnh vỡ trong đợt không kích vừa qua có thiết kế tương tự buồng nhiên liệu của Quds-1, một loại tên lửa mà nhóm Houthi thường sử dụng.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ nghi ngờ máy bay không người lái cất cánh từ Iraq chứ không phải Yemen, và tác giả vụ không kích là các nhóm vũ trang do Iran chống lưng. Lực lượng phiến quân Houthi khẳng định họ phóng 10 máy bay không người lái từ Yemen trong cuộc tấn công có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhắm vào Saudi Arabia. Trong khi đó, ảnh chụp vệ tinh do chính phủ Mỹ công bố cho thấy riêng nhà máy Abqaiq có gần 17 điểm không kích trúng mục tiêu.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo buộc tội Iran "tung đòn đánh chưa từng có tiền lệ vào nguồn cung năng lượng thế giới".

Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng phủ nhận trách nhiệm vụ tấn công và chỉ trích Mỹ tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế.

Saudi bị không kích - đòn giáng nặng vào mạch máu dầu mỏ toàn cầu - Ảnh 2.

Xác máy bay không người lái mà Mỹ khẳng định do Iran sản xuất và bị bắn hạ tại Yemen năm 2017. (Ảnh: Reuters).

Washington từng đưa ra cáo buộc tương tự vào tháng 5, sau khi một đường ống dẫn dầu trọng yếu của Saudi Arabia bị không kích bằng máy bay không người lái. Mỹ đến nay chưa đưa ra được bằng chứng nào cho cả hai cáo buộc.

Saudi Arabia nghi ngờ quân đội Iran đã cử chuyên viên kĩ thuật đến Yemen để chuyển giao công nghệ tên lửa cho phiến quân Houthi và huấn luyện sử dụng máy bay không người lái.

Dẫn hai nguồn tin giấu tên tại Iran, New York Times cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) thời gian qua đã xúc tiến chương trình huấn luyện chiến tranh bằng máy bay không người lái cho các nhóm vũ trang từ Lebanon đến Yemen.

"David đối đầu Goliath"

Những lỗ hổng nghiêm trọng trong lưới phòng không của Saudi Arabia đã hiện rõ sau đợt không kích vừa qua. Giới quan sát lo ngại các lực lượng thù địch khác có thể tiếp tục khai thác điểm yếu để đe dọa Saudi Arabia trong tương lai.

Vụ tấn công vào nhà máy Abqaiq và Khurais còn là ví dụ điển hình cho mô hình chiến tranh mới.

Phiến quân Houthi không có trong tay nguồn lực dồi dào để trực tiếp đối đầu với Saudi Arabia. Chính quyền tại Ryadh chi gần 67,6 tỉ USD cho trang thiết bị quân sự vào năm 2018, xếp thứ 3 thế giới về chi tiêu quốc phòng, theo New York Times.

Điều này khiến máy bay không người lái trở thành công cụ lí tưởng để lực lượng Houthi khiến đối thủ trả giá đắt trong cuộc chiến tại Yemen. Chuyên gia về máy bay không người lái Wim Zwijnenburg, làm việc tại tổ chức hòa bình PAX của Hà Lan, cho rằng nhóm chủ mưu cần chưa đến 15.000 USD là có thể lắp ráp các máy bay không người lái cho vụ không kích ngày 14/9.

"Vụ tấn công mở ra thách thức mới mà Saudi Arabia không thể giải quyết dù cho họ có tiềm lực tài chính, quân sự và tình báo vượt trội đến mức nào đi nữa", Farrea al-Muslimi, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Sanaa, nhận định.

Chiến thuật kiểu David tí hon đối đầu gã khổng lồ Goliath, dùng máy bay không người lái rẻ tiền để gây thiệt hại đáng kể cho đối thủ, sẽ khiến môi trường an ninh tại Vùng Vịnh thêm phức tạp. Những đòn đánh này vừa phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng, vừa tăng chi phí an ninh khu vực, làm rối loạn thị trường và lan tỏa tâm lí sợ hãi, theo New York Times

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.