'2021 sẽ không phải là năm của cổ phiếu ngành dầu khí'

Theo VDSC, bức tranh toàn cảnh ngành dầu khí nội địa vẫn không sáng sủa, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu dầu khí thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo về triển vọng của ngành dầu khí năm 2021.

Là một chuỗi giá trị tương đối đơn giản và non trẻ so với các tập đoàn dầu khí lớn, ngành dầu khí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường dầu mỏ thế giới, báo cáo của VDSC nhận định.

Bất lợi về giá vốn của các dự án thượng nguồn khiến động lực đầu tư khai thác các mỏ dầu khí mới không liên quan tới lợi ích kinh tế, mà phụ thuộc hoàn toàn vào định hướng của Chính phủ. 

Vì vậy, bức tranh toàn cảnh ngành dầu khí nội địa vẫn không sáng sủa, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu dầu khí thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. 

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 với giả định giá dầu dưới 50 USD/thùng và đưa ra những mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá thận trọng. 

Dựa trên kỳ vọng của lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành, VDSC cũng cho rằng 2021 sẽ không phải là năm của cổ phiếu dầu khí. Một trong những điểm tích cực hiếm hoi tới từ thị trường khí hóa lỏng (LNG) thế giới. 

Việc giá LNG thế giới giảm mạnh và giữ ở mức thấp trong suốt năm 2020 giúp các nhà máy điện và một nhóm các nhà sản xuất công nghiệp hưởng lợi do giá đầu vào giảm.

VDSC cho rằng triển vọng ngành LNG cũng chính là trụ cột cung cấp công ăn việc làm cho chuỗi giá trị ngành dầu khí nội địa trong khoảng 10 năm tới. 

Chủ đầu tư các mỏ khí, thầu xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác và nhập khẩu khí, nhà vận hành cảng sẽ là những bên hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng dùng khí thiên nhiên trong sản xuất điện và sản xuất công nghiệp.

Triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn tương đối u ám

Kỳ vọng về nhu cầu dầu khí toàn thế giới vốn đã không khả quan trước thời điểm bùng phát dịch do dư cung và chiến tranh thương mại, lại càng trở nên tiêu cực hơn do tác động của Covid-19, VDSC nhận định. 

Nhu cầu đi lại sụt giảm, sức tiêu dùng kém do giảm thu nhập, đình trệ các hoạt động sản xuất công nghiệp do giãn cách xã hội là ba trong số nhiều lý do ảnh hưởng lên triển vọng ngành dầu khí toàn cầu. 

Sau khi hợp đồng tương lai giá dầu giảm về âm trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội hồi quý II/2020, giá dầu có phục hồi, tuy nhiên theo dự báo của nhiều tổ chức kinh tế - tài chính thế giới, giá dầu năm 2021 nhiều khả năng dao động quanh mức 40 - 50 USD/thùng.

Hoạt động thượng nguồn kém sôi động

VDSC nhận định số lượng dự án mới không nhiều do triển vọng nhu cầu thế giới khó dự đoán. Điều này khiến các doanh nghiệp thượng nguồn không đẩy mạnh triển khai các dự án thăm dò và khai thác mới. 

Do vậy, giải ngân trong tương lai nhiều khả năng giảm, kéo theo backlog của các doanh nghiệp xây lắp dầu khí. Thêm vào đó, sản lượng dầu thô và khí khai thác nội địa sẽ gặp khó khăn trong tăng trưởng dài hạn.

Sản lượng khai thác được dự phóng giảm trong năm 2021 

Hai làn sóng Covid-19 trong năm 2020 đã ảnh hưởng lên lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu thô. Fitch Solutions dự phóng sản lượng dầu thô năm 2021 của Việt Nam giảm 4% dựa trên kế hoạch 5 năm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tập trung vào cải thiện hiệu quả hoạt động thay vì tăng quy mô khai thác. 

VDSC cho rằng, do nguồn lực có hạn của tập đoàn kinh tế nhà nước, tăng trưởng sản lượng dầu thô trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc thu hút vốn tư nhân vào ngành này.

Hiện tại Bộ Công thương đang đề nghị xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi để tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, tuy nhiên VDSC cho rằng việc Nhà nước mở cửa cho dòng vốn tư nhân vẫn chưa thể sớm thực hiện. Như vậy, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành dầu khí trong nước vẫn sẽ chưa thể kỳ vọng vào tăng trưởng nguồn công ăn việc làm trong vài năm tới.

LNG vẫn là câu chuyện tương lai

VDSC nhận định LNG là ngôi sao của câu chuyện tăng trưởng trong tương lai, nhưng vẫn còn quá sớm để điểm tên những người hưởng lợi. 

Trong chiến lược phát triển của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS), các mỏ khí tự nhiên, đường ống dẫn khí, cảng LNG và các hợp đồng hợp tác với các nhà máy điện khí được kỳ vọng mang lại tăng trưởng sản lượng cho bản thân GAS cũng như cho cả ngành khí nói chung. 

Cho tới hiện tại, VDSC nhận thấy ngoài sự kiện Sao Vàng- Đại Nguyệt bắt đầu cung cấp khí là đã hiện thực hóa, các dự án khác sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023 trở đi, bao gồm Kho LNG Thị Vải và dự án mở rộng, các đường ống thu gom và vận chuyển khí, kho cảng LNG Sơn Mỹ cùng một loạt các nhà máy điện khí trong đó có Nhơn Trạch 3, 4. 

VDSC cũng kỳ vọng có thể sớm xác định tiến độ giải ngân cũng như những công ty trực tiếp tham gia xây dựng cho các dự án này. 

Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu LNG cũng được kỳ vọng sẽ sôi động do nguồn cung LNG dồi dào và giá rẻ từ các mỏ khí quốc tế. 

Như vậy, mặc dù lợi nhuận của hoạt động khai thác khí trong nước sẽ không cao, GAS vẫn có thể chuyển hướng sang khai thác thị trường LNG nhập khẩu mà vẫn bảo toàn được vị thế là nhà cung cấp khí độc quyền cho các dự án hạ nguồn trong nước.

Dù bức tranh ngành chưa có nhiều điểm sáng nhưng những tháng cuối năm 2020 đã ghi nhận sóng cổ phiếu họ "P" với đợt tăng mạnh của các cổ phiếu như GAS, PVD, PVS, PVB, PVT, PVC,...

Trong đó, từ tháng 11/2020 tới nay, cổ phiếu GAS tăng khoảng 30%, PVD tăng gần 80%, PVS tăng khoảng 70%, PVB tăng xấp xỉ 40%, PVC tăng 65%,...

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Đạt Phương: Khu đô thị tại Quảng Bình có thể sáng sủa vào 2025, dự án Cồn Tiến còn vướng 1 hộ dân
Năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 4.566 tỷ đồng và lãi sau thuế 343,5 tỷ đồng. Với mảng bất động sản, năm nay Đạt Phương sẽ tập trung triển khai khu đô thị Cồn Tiến và Casamia Hội An, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án công nghiệp.