Ai đang gom cổ phiếu ngân hàng?

Chỉ trong thời gian ngắn, cổ phiếu ngân hàng đã quay trở lại thời kỳ hoàng kim và điểm đáng ghi nhận là hầu hết các cổ phiếu này đều đang hấp dẫn thị trường và hút một dòng tiền đổ vào rất mạnh, thanh khoản tăng vọt.

Nhiều đại gia kín tiếng âm thầm gom cổ phiếu ngân hàng

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (20/6), thị trường chứng khoán lại tiếp tục ghi nhận dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngân hàng khiến các chỉ số tiếp tục bứt phá. Thậm chí có cổ phiếu ngân hàng tăng gấp hai lần chỉ trong một thời gian ngắn. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn cổ phiếu ngân hàng đã quay lại thời hoàng kim cách đây khoảng 10 năm.

Một điểm đáng ghi nhận là hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đang hấp dẫn thị trường và hút một dòng tiền đổ vào rất mạnh, thanh khoản tăng vọt. Hiện tượng dòng tiền ngàn tỷ dồn dập đổ vào các cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là không bất thường. Những chuyển biến trong nội tại các ngân hàng cũng như diễn biến thuận lợi cả về môi trường và chính sách đang mang lại triển vọng tích cực cho nhóm cổ phiếu này.

ai dang gom co phieu ngan hang
Ảnh minh họa.

Điều đặc biệt là những giao dịch của dòng tiền này khá kín tiếng. Gần đây và rõ nhất là phiên hôm 8/6, hơn 53 triệu cổ phiếu ngân hàng TMCP Eximbank (EIB) (tương ứng với tỷ lệ 4,3% vốn điều lệ của Eximbank) đã được trao tay tổng giá trị khoảng 686 tỷ đồng. Đây có thể nói là lô giao dịch thỏa thuận khủng thứ 2 của cổ phiếu EIB từ năm 2015 đến nay, lô đầu tiên được trao tay 60 triệu cổ phần (781 tỷ đồng) ngày 23/01/2015. Trước đó, trong 2 phiên ngày 06 và 07/6/2017 đều có giao dịch thỏa thuận với tổng cổ phần EIB gần 4 triệu. Đến thời điểm này, ai là người đã bỏ ra mua số cổ phiếu này vẫn là điều bí ẩn.

Mang tính thời điểm, trong đợt giao dịch của các quỹ ETF ngày 16/6, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng bùng nổ khối lượng, trong đó có hơn 13,2 triệu đơn vị được khối nhà đầu tư nước ngoài mua vào (cùng hơn 7,4 triệu đơn vị khối này bán ra).

Cũng trong tháng này, ông Phạm Doãn Sơn - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc LienVietPostBank đã mua thành công 5,18 triệu cổ phiếu theo phương thức mua bán trực tiếp nâng sở hữu lên hơn 5,32 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 0,8% vốn điều lệ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) gần đây có phiên thỏa thuận lên tới 13,2 triệu đơn vị. Trước đó, ngày 5/6, hơn 25 triệu cổ phiếu STB được thỏa thuận sang tay, với giá trị hơn 300 tỷ đồng. Thông tin ai đứng sau các giao dịch thỏa thuận cũng là ẩn số.

Cuối tuần qua, thị trường chú ý với thông tin Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lên kế hoạch mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ, hơn 221 triệu cổ phiếu, dự kiến tương ứng với hơn 5.200 tỷ đồng. Kế hoạch này đi cùng với dự kiến HSBC thoái vốn.

Từ năm 2005, HSBC trở thành cổ đông chiến lược của Techcombank, với tỷ lệ sở hữu ban đầu 10% và sau đó nâng lên gần 20%. Từ năm 2012, HSBC đã không còn tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành tại ngân hàng đối tác này. Nguyên do, cũng như một phần liên quan đến việc thoái vốn trên, nhà đầu tư nước ngoài này đã có và đang vận hành ngân hàng con 100% vốn nước ngoài của mình tại Việt Nam.

Trong loạt giao dịch trên, khoảng lặng vẫn nằm riêng ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối. Cho đến nay, dù đã tính toán các phương án phát hành, tổ chức giao dịch riêng lẻ hoặc qua trái phiếu chuyển đổi… nhưng cả Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Công thương (VietinBank) và chưa thể nhập cuộc sự sôi động trên để thu hút cổ đông lớn mới và tăng vốn.

Dòng tiền kỳ vọng vào triển vọng tích cực

Dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngân hàng chủ yếu do kỳ vọng về triển vọng tích cực của nhóm cổ phiếu này và những cơ chế chính sách xử lý nợ xấu hợp lý hơn. Với những cơ chế mới, quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ được đẩy nhanh, giúp cổ phiếu nhóm này không bị tụt lại đằng sau trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động trở lại với nhiều nhóm ngành bứt phá mạnh mẽ.

Nhóm cổ phiếu dẫn đầu như VCB, CTG, BID, STB… đều cho tỉ lệ lợi nhuận đáng kể, 10%-50%. Có thể nhận thấy thị trường bất động sản ấm lên là cơ hội tốt để phá băng nợ xấu. Những NH có tỉ lệ trích lập dự phòng lớn như EIB, STB… hiển nhiên sẽ có lợi trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng đã báo lãi lớn dù chưa hết quý 2/2017. Theo đó, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3,2 ngàn tỷ trong 5 tháng, hoàn thành hơn 40% kế hoạch. Lienvietpostbank lợi nhuận trước thuế đến hết tháng 5 đạt 730 tỷ đồng, sau khi đạt 470 tỷ trong quý 1. Sacombank đạt hơn 400 tỷ đồng, đạt gần 90% kế hoạch. TPBank có lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng trong 6 tháng, đạt 64% năm.

Một nghiên cứu do Công ty Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố cho thấy hiện tại vẫn còn một số động lực tăng trưởng ở nhóm ngành cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính tới ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53% và là mức tăng mạnh nhất trong những năm gần đây. Tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 có thể sẽ cao hơn mục tiêu 18% đặt ra từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng cao hơn đồng nghĩa với việc thu nhập từ lãi vay của các ngân hàng sẽ tăng lên.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.